Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện ở lễ khởi công xây dựng khu tưởng niệm di tích Thành Cổ Quảng Trị năm 1992

Một sự kiện khá trọng đại của tỉnh nhà tưởng chừng mới hôm qua nhưng thấm thoắt đã trôi đi hơn ba thập kỷ, đó là kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng Quảng Trị 1/5 (1972 - 1992). Để chào mừng ngày lễ trên, lãnh đạo tỉnh đã giao ngành Văn hoá - Thông tin mà trực tiếp là Bảo tàng tỉnh tổ chức lễ khởi công xây dựng khu tưởng niệm di tích Thành Cổ. Đây là công trình có ý nghĩa rất lớn để tôn vinh và tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, về sự trường tồn của dân tộc trong chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị năm 1972.

Lễ khởi công xây dựng khu tưởng niệm di tích Thành Cổ năm 1972. - Ảnh: H.T.T

Lễ khởi công xây dựng khu tưởng niệm di tích Thành Cổ năm 1972. - Ảnh: H.T.T

Theo Đại Nam nhất thống chí và Đại Nam thực lục chính biên: Năm 1809, vua Gia Long cho xây dựng Thành Cổ tại xã Thạch Hãn (nay thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị). Ban đầu thành được đắp bằng đất, giai đoạn 1832 - 1837 vua Minh Mạng cho củng cố, nâng cấp và mở rộng. Thành có chu vi tường 2.160m, cao 4,3m, dưới chân dày 8,7m, lớp ngoài xây gạch nung cỡ lớn kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác, lớp trong bằng đất, có bốn cửa là Đông, Tây, Nam và Bắc. Thành dạng hình vuông theo kiểu Vauban (thành quân sự), bốn góc thành là bốn pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài; bao quanh với hệ thống hào nước.

Nơi đây đã có những trận đánh lớn trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ vào các năm 1968 và 1972. Sau chiến dịch “Lam Sơn 72”, toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng, chỉ còn sót lại một cửa hướng Bắc tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng hào thành bên ngoài bị tan vỡ bởi bom đạn.

Năm 1992, sau lễ khởi công, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng Đài tưởng niệm trung tâm xem như một nấm mồ chung, làm nơi tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; phục chế cổng tiền (cửa Nam), bóc tách đất đá phát lộ các đoạn tường thành còn sót lại. Ở góc phía đông nam xây dựng một Bảo tàng trưng bày hiện vật, tư liệu khắc họa dấu ấn 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành Cổ. Toàn bộ đường dẫn vào di tích và mặt sân bên trong Thành được tráng bê tông kiên cố, phần đất còn lại trồng cây, cỏ tạo cảnh quan. Từ một “Thành cỏ” hoang tàn đổ nát dần dần trở thành “Công trình văn hóa tâm linh”.

Sau ngày lập lại tỉnh (1989), Bảo tàng Quảng Trị là một đơn vị sự nghiệp của ngành Văn hoá - Thông tin đặt trụ sở tại thị xã Quảng Trị cùng với Thư viện tỉnh. Trước đó cả thời gian dài đã chuẩn bị rất kỹ cho lễ khởi công. Cán bộ, viên chức trong đơn vị được phân công mỗi người một việc để quyết tâm hoàn thành tốt nhất sự kiện trọng đại đúng thời gian dự kiến.

Cuối tháng tư, thời tiết Quảng Trị chuyển từ xuân sang hè nhưng lúc đó vẫn âm u và mưa phùn, gió bấc. Tại lễ khởi công, Ban tổ chức đã dựng một phông lớn bằng sườn tre khá chắc chắn, kích thước khoảng 3m x 5m ngay khu vực tượng đài trung tâm bây giờ, phông bằng vải phin xanh nhạt, cắt chữ giấy màu để trang trí, giữa phông có khuông vải đỏ làm cờ và ngôi sao nổi được gò bằng kim loại; bàn thờ chia làm ba bậc, bậc trên cùng đặt tượng Bác Hồ bán thân khá lớn bằng thạch cao, bình hoa và một ít lễ cúng, hai bậc tiếp theo có lư nhang lễ vật khá đơn giản.

Đêm trước đó, Bảo tàng tỉnh đã thiết lễ cáo thổ thần và các anh hùng liệt sĩ báo ngày khởi công và cầu xin cho công việc ngày mai thành công tốt đẹp. Trong lúc chuẩn bị, một sơ suất mà đơn vị không lường trước là một phần lễ vật chính bị biến mất bởi thú vật hoang cướp đi. Lúc đó thời gian đã muộn, vả lại đêm hôm nên đơn vị cũng khấn vái các vị thần linh tha thứ và lễ cúng vẫn được tiến hành.

Một chuyện hi hữu khác, chuẩn bị vào lễ thì một xe máy loại Honda 67 do hai thanh niên điều khiển chạy băng qua trước lễ đài. Mặc dù lúc đó lực lượng công an bảo vệ rất nghiêm ngặt, không hiểu sao lại để sơ suất, may mà chưa đụng vào hai lư hương cỡ lớn được đặt trang nghiêm phía trước để cán bộ và Nhân dân thắp hương tưởng niệm.

Tiếp theo, lúc NSƯT Xuân Đàm, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin đang đọc diễn văn khai mạc thì khớp nối hai đoạn chân micro bị tụt xuống, phải dừng mấy chục giây để khắc phục. Lệnh khởi công được tuyên bố, một phong pháo Nam Ô, Đà Nẵng kết dài 8,1m tượng trưng cho 81 ngày đêm đốt mừng lễ, khi nổ khoảng 2m thì bị đứt nên phải nối lại làm gián đoạn thời gian, nhưng may mắn cuối cùng vẫn nổ hết.

Chuyện hy hữu cuối cùng trong buổi lễ, có thể do khách quan hoặc chủ quan. Xí nghiệp 334 thuộc Công ty 384 của Binh đoàn Trường Sơn là đơn vị được vinh dự giao nhiệm vụ thi công công trình này. Trước lúc làm lễ khởi công, Trung tá Lê Kim Thơ lúc đó là Giám đốc xí nghiệp đã thắp hương cầu xin trời đất và các liệt sĩ chứng giám để thi công thuận lợi và nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, ông cẩn thận cho 4 xe ben chở đầy đất về tập kết tại vị trí khởi công từ chiều hôm trước cùng nhiều loại máy móc, phương tiện cơ giới chuyên dụng khác. Sau tràng pháo chào mừng, chỉ huy đơn vị phát lệnh thi công. Lúc 4 xe dàn hàng ngang để đổ đất nhưng có thể do trời mưa phùn suốt đêm nên đất trên xe bị kết dính, hoặc một trở ngại nào đó mà khi xe đã ben hết cỡ nhưng đất không tràn xuống được.

Lần thứ hai, chỉ huy lệnh cho 4 xe tiến tới rồi lùi thật nhanh và thắng gấp, cả 4 xe vẫn không đổ được đất. Trung tá Lê Kim Thơ phải thắp hương cầu khấn và cắm hương khắp trong khu vực, lần thứ ba thực hiện như lần hai nhưng đoạn đường dài hơn và thắng mạnh hơn nhưng cả 4 xe vẫn không đổ được.

Các xe ben đổ đất trong lễ khởi công đều không thực hiện được. - Ảnh: H.T.T

Các xe ben đổ đất trong lễ khởi công đều không thực hiện được. - Ảnh: H.T.T

Ban tổ chức phải hội ý và bàn bạc rất kỹ, vì ban đầu mời cán bộ và nhân dân tập trung lại gần để chứng kiến lễ động thổ nhưng bây giờ lại phải tuyên bố khác: Kính mời cán bộ và nhân dân giãn ra xa hơn để chứng kiến. Kế hoạch phải thay đổi là không đổ đất mà dùng 4 xe ủi san 4 đường tượng trưng. Ngày đó bom mìn ở Thành Cổ chưa được lấy hết nên Ban tổ chức sợ nguy cơ phát nổ khi có tác động của máy ủi. Tất nhiên là mọi người phải chấp hành mệnh lệnh, riêng tôi phải đứng gần mới chụp được ảnh vì lúc đó chưa có ống kính tiêu cự dài để tác nghiệp. Tôi cũng khá lo sợ nhưng không còn cách nào khác để có những bức ảnh quý hiếm lưu lại ngày nay.

Sau lễ động thổ, tất cả đại biểu và nhân dân đều xếp hàng trật tự để thắp hương tưởng niệm. Bất ngờ lại có một vị khách rất xa lạ, đó là sinh viên Nhật Bản Hiroko Takania cũng có mặt tại buổi lễ, tôi bố trí cô thắp hương để chụp ảnh và tác phẩm này sau đó được giải thưởng của tỉnh nhân kỷ niệm 45 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/1992).

Trong quá trình thi công của đơn vị X334, công việc diễn ra rất suôn sẻ, thuận lợi, đúng tiến độ và đã tìm được nhiều thân xác của các liệt sĩ, ở khu vực 4 xe không đổ được đất hôm đó cũng có mấy bộ hài cốt. Thị đội Quảng Trị phối hợp với phía thi công đã đưa các anh vào Nghĩa trang thị xã để yên nghỉ.

Một sự kiện đã hơn 30 năm trôi qua mà tôi không bao giờ quên được, bởi có nhiều chi tiết lạ trong lễ khởi công. Gần đây, tôi đã tìm gặp ông Lê Kim Thơ, hiện nay đã 85 tuổi, ở khu phố 6, phường 1, thành phố Đông Hà. Ông rất xúc động khi nghe câu chuyện tôi kể lại và xác nhận những điều trên khá chuẩn, ông đã xin tôi số ảnh thực hiện ngày hôm đó làm kỷ niệm. Ông vẫn nhớ như in buổi sáng lịch sử hiếm có trong đời  mình, còn tôi là người ghi lại khoảnh khắc và chứng kiến suốt buổi lễ ngày hôm đó.

Ngày nay, Thành Cổ là một điểm tham quan không thể bỏ qua mỗi khi du khách đến thăm Quảng Trị, đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính trẻ khắp nơi đã ngã xuống vì quê hương, vì sự hòa bình thống nhất đất nước. 

HỒ THANH THOAN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 346

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

9 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground