Một buổi sáng đẹp trời tại tầng 4 tòa nhà Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), khi cả ekip của VTV6 đang họp bàn về kịch bản cho chương trình truyền hình trực tiếp “Quảng Trị - Sáng mãi niềm tin chiến thắng” dự kiến diễn ra tại Thành Cổ Quảng Trị vào tối 27/7/2012, bất ngờ biên tập viên L.A thấy người khác lạ. Các bạn đồng nghiệp nhận ra “hiện tượng tâm linh” này. Sự việc kéo dài từ 9 giờ đến hơn 12 giờ trưa, để mấy ngày sau đó dư luận đã lan khắp các ban của VTV và các đài khu vực.
Đang lúc diễn ra cuộc chuyện trò “âm dương” với các chú, khi các chú cung cấp thông tin về những địa điểm sẽ dâng lễ vật để cúng, trong đó có địa điểm “nhà giải phóng Cam Lộ”, nghe đến đây các bạn đồng nghiệp ở VTV6 phân vân liền gọi điện thoại hỏi và tôi trả lời đó là Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngày hôm sau tôi nhận được email của các bạn VTV6 gửi, với 3 trang A4 liệt kê nhiều thông tin bổ ích, mà chỉ có các linh hồn liệt sĩ mới có thể cung cấp và đề nghị với chương trình như vậy.
Chương trình “Quảng Trị - Sáng mãi niềm tin chiến thắng” tại sông Thạch Hãn tối 27/7/2012 - Ảnh: T.Đ.M
Mở đầu, các bạn viết: “Dưới đây chúng em xin gửi đến anh những yêu cầu về mặt tâm linh cho chương trình ngày 27/7 tại Quảng Trị. Những yêu cầu này được tổng hợp lại từ cuộc họp nội dung ngày 19/6 có sự tham gia của các “linh hồn liệt sĩ”. Chúng em đã ghi lại để hy vọng phối hợp tiến hành tốt và kịp thời trong 2 ngày 30/6 và 1/7 tới tại Quảng Trị... Những nội dung của các chú “chỉ đạo” mà chúng ta thành tâm ghi nhận là tín hiệu mừng, vì từ trước đến nay ở thị xã Quảng Trị thường tổ chức các sự kiện, chương trình tri ân, lễ hội, văn hóa văn nghệ đều hay bị sự cố ngoài mong đợi, như trời mưa, chập điện, bay phông hậu lễ đài, đến lúc động thổ thì phương tiện cơ giới không hoạt động được”.
Trong căn phòng đủ chỗ cho khoảng 30 người, biên tập viên L.A ngồi ở vị trí trung tâm, tay phải cầm bút viết lên giấy A4, tay trái thỉnh thoảng cầm điếu thuốc lá hút phì phèo, miệng lẩm bẩm nhưng nghe cũng rõ lời, cứ thế kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ. Câu đầu tiên các chú nói đại ý là: Chúng tôi ra đây gồm 30 liệt sĩ cùng với mấy người lính bạn, để cùng với các anh chị bàn kỹ hơn về chương trình sắp diễn ra vào tối ngày 27/7 trên sông Thạch Hãn.
Những yêu cầu đặc biệt
Trước khi đưa ra những yêu cầu liên quan đến địa điểm và lễ vật để cúng, các chú đã lắng nghe rất kỹ về chi tiết của kịch bản. Đầu tiên các chú khẳng định là không cần làm dải lụa trắng nối hai bờ sông như các anh chị đã bàn để đưa vào đầu chương trình, vì điều đó không có ý nghĩa với các chú, các chú không được hưởng gì từ dải lụa. Trước khi chương trình diễn ra, cần làm lễ cúng tại Quảng Trị, với 11 địa điểm là: Đền tưởng niệm bờ Bắc, Đền tưởng niệm bờ Nam, giữa sông Thạch Hãn, Quảng trường Giải phóng, Đài tưởng niệm Thành Cổ, Trường Bồ Đề, Chốt thép Long Hưng, Nghĩa trang thị xã Quảng Trị, Tượng đài Mai Quốc Ca, Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
“Chốt” xong 11 địa điểm để làm lễ cúng với những địa danh, đền, đài, nghĩa trang liệt sĩ, các chú cũng nói thêm về lễ vật gồm: Quần áo, thuốc lá Vinataba, sách vở, bút mực, giấy trắng, phong bì, tem thư, sách lịch sử, sách văn học Nga, cơm muối lạc vừng… Từ Hà Nội, các bạn VTV6 cũng thông tin thêm là những ngày tới sẽ phân công các bạn đi khắp các phố phường Hà Nội để tìm mua sách văn học Nga để mang vào Quảng Trị.
Trên trục tâm linh ấn tượng, gồm Đài tưởng niệm Thành Cổ, Tháp chuông, Quảng trường Giải phóng, Đền tưởng niệm bờ Nam, Đền tưởng niệm bờ Bắc; các chú yêu cầu làm thêm hai lư hương lớn đặt ở đôi bờ Thạch Hãn, một lư hương đặt tại bờ Bắc, một lư hương đặt ở bờ Nam. Lư hương cần đặt tại mép sông với yêu cầu một nửa ở trên mặt nước, phần chân lư hương ở dưới nước. Theo các chú, hiện tại hai bên bờ sông Thạch Hãn đã xây dựng đền tưởng niệm, nhưng vì cao quá các chú không thể “hưởng được”. Vậy nên mục đích của hai lư hương này là dành cho linh hồn những liệt sĩ còn nằm lại dưới lòng sông.
Các chú cũng mách bảo và dặn dò là trong khi chương trình diễn ra sẽ có hơn 10.000 người bên ta về dự, hơn 24.000 người phía bên kia về dự. Khi diễn ra chương trình cần huy động 308 thanh niên cả nam và nữ đứng hai bên bờ sông Thạch Hãn, mỗi người cầm trên tay một ngọn nến tượng trưng cho các linh hồn liệt sỹ dưới lòng sông. Nến phải được đặt trên tay cho ấm áp, không đặt nến ở bè hoa dưới sông vì như vậy là lại thả các chú xuống sông càng thêm lạnh lẽo.
Lời khấn trước chương trình cần phải rất thành tâm và nên có câu: “Mong linh hồn các liệt sĩ đừng khóc”, nếu không có câu ấy, chúng tôi cảm động thì trời sẽ rất dễ mưa. Ekip thực hiện chương trình phải mặc các màu áo đúng như các chú dặn, kể cả người dẫn chương trình là ai, các chú đều “chỉ mặt đặt tên”. Các chú còn cho biết thêm, hôm nay cũng có sự hiện diện của những người bạn lính phía bên kia chiến tuyến ra Hà Nội dự, bởi họ cũng đều là máu đỏ da vàng, cũng có gia đình quê hương bản quán, nên đi đâu cũng có nhau, chuyện gì cũng tâm tình với nhau.
Làm theo lời dặn
Nhận được thông tin, tôi cũng đã chủ động báo với lãnh đạo tỉnh, với Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh, với lãnh đạo thị xã Quảng Trị để cùng phối hợp tổ chức thực hiện. Việc đầu tiên là tìm mua hai lư hương lớn, có chiều cao từ 60 - 80 cm, cũng may là ở thị xã Quảng Trị có sẵn nên trước ngày 30/6 là việc đặt hai lư hương ở hai bờ sông Thạch Hãn đã xong như lời dặn của các chú.
Ngoài các lễ vật mang vào từ Hà Nội, chúng tôi còn chuẩn bị các vật lễ khác theo phong tục địa phương, ở một số địa điểm chính quyền địa phương còn sắm thêm nhiều lễ vật quan trọng khác; có mâm thượng, mâm hạ, tạo nên niềm an lạc, ấm áp mà thiêng liêng, để ở đâu đó nơi cõi vô cùng, các linh hồn liệt sĩ chắc hẳn an lòng.
Lịch cúng tại 11 địa điểm cũng đã được VTV6 lên kế hoạch, cụ thể ngày 30/6 (thứ 7) từ 8 giờ đến 17 giờ cúng ở tám điểm, ngày 1/7 (Chủ Nhật) cúng ở ba điểm còn lại. Theo đó, đoàn của VTV6 vào Quảng Trị bao gồm đội ngũ lãnh đạo ban, cùng những vai trò biên tập viên, tổ chức sản xuất, quay phim, MC, hậu kỳ, cho đến bộ phận mỹ thuật sân khấu… Ở địa điểm nào cũng có lãnh đạo VTV6, lãnh đạo chính quyền địa phương đứng chủ lễ, các thành viên còn lại trong đoàn cũng thành tâm kính bái dưới cái nắng oi nồng nơi miền đất lửa.
Đoàn nhà báo VTV đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn trước lúc làm chương trình ở Quảng Trị - Ảnh: T.Đ.M
Từ hiện tượng “bất ngờ” ấy, nên câu chuyện tâm linh ở VTV đã có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa rất nhanh trong dư luận. Tôi còn nhớ, trong hai ngày 7, 8/7/2012 (Thứ 7 và Chủ Nhật) VTV tổ chức giao ban cán bộ chủ chốt toàn quốc tại thành phố Huế (bao gồm các đài truyền hình khu vực), mở đầu chương trình giao ban, nguyên Tổng Giám đốc VTV Trần Bình Minh trầm ngâm nói: “Chúng ta về đây giao ban đúng dịp tháng 7 về nguồn, kế hoạch của chúng ta là giao ban hai ngày, chúng tôi cố gắng rút ngắn thời gian lại, để chiều mai chúng ta đi ra Quảng Trị viếng Thành Cổ và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, ai không đi thì tôi đi một mình vậy”. Như hiểu được nỗi lòng của lãnh đạo đài với chuyện tâm linh, nên sự hiện diện đông đảo đội ngũ cốt cán của VTV có mặt tại Quảng Trị đã nói lên tất cả.
Bất ngờ hơn, lúc đoàn đến dâng hương trước tượng đài Tổ quốc ghi công ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, khi nhà báo Trần Bình Minh vừa bước chân lên thắp nén hương thì ngọn lửa từ lư hương bùng cháy, và tôi cũng đã kịp thu vào ống kính của mình khoảnh khắc bất ngờ mà thiêng liêng ấy. Vâng, bất ngờ với ngọn lửa, với những địa điểm cúng, với lễ vật cùng những lời dặn dò rất đỗi thiêng liêng mà những người làm báo chúng tôi lưu tâm và nhớ mãi.