Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 11/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giữ rừng, giữ thác để Trăng - Tà Puồng mãi đẹp

Thiên nhiên ưu đãi cho xã Hướng Việt (huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Bản làng Vân Kiều tuyệt đẹp, hiền hòa ẩn hiện dưới những tán trẩu xanh với nhiều lễ hội văn hóa - ẩm thực đặc sắc, nhiều phong tục tập quán lạ lẫm hấp dẫn du khách thập phương.

Du khách nước ngoài, khi đến đây không rời mắt bởi trang phục truyền thống của người dân bản địa, những lễ hội văn hóa: cơm mới, cúng làng… đậm giá trị dân gian tuyền thống. Đặc biệt là hệ thống những thác nước Tà Puồng hùng vĩ và hang động với nhiều nhũ đá tuyệt tác tạo cho du khách những cảm giác thú vị, thư thái nơi núi rừng hoang sơ miền tây Quảng Trị.

Cảnh sắc Tà Puồng hấp dẫn mọi người - Ảnh: Hồ Giỏi

Cảnh sắc Tà Puồng hấp dẫn mọi người - Ảnh: Hồ Giỏi

Trước khi được đắm mình cùng Tà Puồng, trên cung đường chúng tôi đi qua, những cánh đồng lúa chênh vênh bên sườn núi đẹp miên man trong ánh nắng vàng. Những hệ thống núi đá vôi mây phủ bốn mùa và ẩn mình trong đó là hang động có thạch nhũ, bãi cát… với rất nhiều thác nước đổ xuống từ trên cao đẹp đến nao lòng.

Theo anh Hồ Giỏi, tổ trưởng Khu du lịch sinh thái cộng đồng Trăng - Tà Puồng thì hệ thống những thác nước hùng vĩ được “nứt” ra từ mạch núi đá vôi nên rất mát lành vào mùa hè. Mùa mưa, dòng chảy của con suối từ Avia của nước bạn Lào cũng gộp chung vào đây nên Tà Puồng vào những ngày nước lớn như một giàn hợp âm cực mạnh. Ở Trăng - Tà Puồng có hệ thống 3 thác nước liên hoàn mà thác nào cũng đẹp, một hang động có thạch nhũ, có nước và bãi bồi đẹp như cảnh thần tiên. Tên Tà Puồng có từ thời ông cha, khi dân bản đến đây, cả vùng toàn vỏ đạn bom, hoang sơ nên người khai khẩn vùng đất này gọi luôn là Tà Puồng, theo tiếng đồng bào Vân Kiều là vỏ bom.

Năm 2019, sau khi được đào tạo cách làm làm du lịch sinh thái, Hồ Giỏi cùng 19 thành viên trong thôn bản đã chung sức tạo nên một Khu du lịch sinh thái cộng đồng Trăng - Tà Puồng ấn tượng và trở thành điểm đến không thể thiếu của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đam mê du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên. Thú vị nhất cho mỗi du khách trải nghiệm, vui chơi là hồ nước trong xanh dưới chân thác, bởi nó được bao bọc xung quanh là những tán rừng già xanh thẳm tạo cho du khách cảm giác thanh bình yên ả. Hơn thế nữa, đằm mình ngụp lặn, bơi lội giữa làn nước mát lạnh trong mùa hè, du khách bớt đi những căng thẳng mệt mỏi, lo toan cuộc sống thường ngày và tận hưởng cảm giác yên bình cùng thiên nhiên hoang sơ. Cùng với đó là những chiếc bè làm bằng tre rừng được kết nối chặt chẽ để du khách vui chơi khám phá môi trường xung quanh mặt hồ thỏa thích theo ý muốn. Ngoài trải nghiệm đi bè, tắm hồ, du khách còn được các thành viên trong tổ du lịch cộng đồng hướng dẫn, giới thiệu khám phá rừng nhiệt đới xung quanh quần thể du lịch Trăng - Tà Puồng. Sau hành trình trải nghiệm khám phá, vui chơi, du khách sẽ thưởng thức những ẩm thực đặc sản như gà bản nướng, xiên thịt lợn bản, xiên cá rừng nướng, hoa chuối rừng và món rau đoác đậm hượng vị núi rừng.

Tổ du lịch cộng đồng làm món nướng đặc sản bản địa phục vụ du khách - Ảnh: Hồ Giỏi

Tổ du lịch cộng đồng làm món nướng đặc sản bản địa phục vụ du khách - Ảnh: Hồ Giỏi

Anh Hồ Giỏi bộc bạch thêm rằng, để có được Khu du lịch sinh thái cộng đồng còn nguyên bản hoang sơ quyến rũ du khách hiện nay chính là nhờ vào những lớp người cha ông đi trước thực hiện nghĩa cử với rừng, với thác, với cảnh quan thiên nhiên. Trong đó phải kể đến cụ Hồ Xuân Lương (77 tuổi), người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Trăng - Tà Puồng. Tuy tuổi đã cao nhưng hiện cụ Lương vẫn còn có thể dẫn khách từ bãi đỗ xe vào thác và “kiêm” luôn người hướng dẫn cho du khách khám phá vùng rừng xung quanh thác, bởi cụ là người kinh nghiệm chuyện núi rừng.

Dẫn chúng tôi đi bộ 700m trên con đường nhỏ men theo khe suối để trải nghiệm ngọn thác Tà Puồng, cụ Lương chia sẻ rất nhiều câu chuyện thú vị về mảnh đất và con người nơi đây. Và chuyện về cuộc đời riêng của cụ làm chúng tôi thật xúc động, tự hào về “đứa con nuôi” của bản làng Hướng Hóa. Cụ kể, bố (tức cụ Lương) có nguồn gốc dưới miền xuôi. Gia đình bố rất nghèo, thời kháng chiến chống Pháp, người nhà “gửi” bố lên đây cho gia đình ở bản. Lúc đó bố mới 5 - 6 tuổi, chỉ nghe dặn cứ ở đây rồi có người lên đón. Một năm, hai năm, ba năm, rồi đến bây giờ dài hơn 70 năm, đi qua hai cuộc chiến tranh mà không thấy ai đón, bố trở thành đứa con của bản làng…

Dù chuyện trò vui vẻ, say sưa nhưng thỉnh thoảng cụ không quên nhắc nhở mọi người đừng xả rác bừa bãi, đừng phá cây, đừng bẻ cành, đừng bắn chim… để thiên nhiên yên ổn thì con người được tốt hơn. Cụ chia sẻ thêm rằng, người Vân Kiều, Pa Kô rất coi trọng thiên nhiên. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích riêng thường được cộng đồng hạn chế, nếu vì lợi ích mà tận diệt thiên nhiên là hành động bị cộng đồng lên án, phạt tội rất nặng.

Những ngày nắng cũng như mưa, cụ Lương coi sóc thác, chăm sóc khu vực quanh thác. Hàng ngày, cụ Lương nắm tình hình du khách, quan sát, nghe ngóng, thu nhận nhiều nguồn thông tin khác nhau để biết được ngọn thác Tà Puồng có được “yên ổn” không. Thêm vào đó, công việc của cụ cùng với các thành viên trong Tổ du lịch cộng đồng là bảo vệ hơn 20 ha rừng sinh thái trên địa bàn xã Hướng Việt tiếp giáp đến xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Với cụ Lương, con người sống thế nào thì thiên nhiên cũng như thế ấy, bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ giống loài cho con cháu mai sau được sống yên. “Ở Tà Puồng, du khách nước ngoài khi đến đây đều rất thích thú và thán phục khi Tà Puồng rất đẹp nhưng vẫn giữ được vẻ hoang sơ, không bị tác động bởi con người và máy móc. Đối với hệ thống rừng, khi những đoàn du khách nước ngoài đến đây người ta rất ngỡ ngàng với thành quả mà người dân bản đã giữ được”, cụ Lương cho biết thêm.

Trong tâm thức chúng tôi, cụ Lương như một người canh cửa rừng, là người được thần rừng giao trọng trách trước thiên nhiên và cuộc sống cư dân bản địa. Khi hỏi về ước muốn của mình, cụ Lương bảo, bố muốn có sức khỏe để giữ thác, để được ngày ngày men theo con đường nhỏ này ngắm thác bình yên. Dành cả đời người để giữ rừng, giữ thác, cụ muốn con cháu của mình nối tiếp những việc làm ý nghĩa của con người với tự nhiên. Điều đó là việc làm hàm ơn, vì thiên nhiên đã mang lại cho bản làng sự sống.

Dẫn chúng tôi trải nghiệm gần một ngày ròng rã và trên đường về, cụ Lương ghé lại hẻm đá, chỗ có cây vối tán xanh để lấy túi đồ mình đã “gửi” buổi sáng rồi cụ cười rất tươi và bảo rằng: “Mỗi ngày đi lui tới không biết bao nhiêu lần, cứ mang trên mình lỉnh kỉnh đồ đạc thì rất mất sức nên bố gửi cho rừng”. Mỗi lần gửi đồ cụ đều nhờ thần rừng giữ hộ. Cụ còn tiết lộ thêm, bố gửi đồ cho thần rừng giữ hơn bảy chục năm nay, chưa hề mất thứ gì. Thần rừng linh thiêng lắm.

Với một số người, điều ấy có vẻ hoang đường nhưng với cụ Lương thì không. Bởi đó là niềm tin của mình vào người mẹ thiên nhiên luôn cưu mang những đứa con biết yêu thương, biết bảo vệ sự sống cho bản làng, cho thiên nhiên.

NGUYỄN VIỆT DŨNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 349

Mới nhất

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị”

13 Giờ trước

Chiều ngày 10/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” năm 2024.

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng

10/12/2024 lúc 12:24

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

12/12

25° - 27°

Mưa

13/12

24° - 26°

Mưa

14/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground