Thạch Hãn đêm hoa đăng - Ảnh: T.H
Đêm rằm ngồi ngắm dòng sông đỏ rực như màu máu, từng vệt nến lung linh giống những chùm hoa từ một nơi nào đó sa xuống. Đặt ly cà phê trước mặt, tôi hướng ra sông, thấy bóng con thuyền một người áo trắng chèo ngược dòng lên phía đập Trấm. Nhịp khua nước nhẹ nhàng nhưng thuyền bồng bềnh lướt đi thanh thoát. Tôi chú ý dáng ngồi thư thái, rất khác với động tác chèo ngược dòng… Nhiều người cho rằng trên khúc sông này có nhiều hình ảnh hư - thực: trời trong xanh mà có mây sà xuống la đà, đầy ảo diệu. Tầm nhập nhoạng thường có làn sương mỏng tạo ra nhiều hình thù quấn quýt, sà sà mặt nước, rồi những đốm sáng bùng lên chơi vơi. Đêm lại xuất hiện những đoàn người, những tiếng động của bước chân…
Du khách đến đây thường nói: Về Quảng Trị gặp nhiều “ảo giác” và mộng báo. Câu chuyện “ảo giác” lặp đi lặp lại lại nhiều lần, với nhiều người.
Năm 2019, tỉnh Quảng Trị tiếp tục đăng cai giải Đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia trên khúc sông này. Khi đó chị Oanh là trọng tài quốc gia ở liên đoàn đua thuyền Việt Nam cùng BTC địa phương và trung ương dâng lễ thắp hương bên bờ Thạch Hãn. Khoảnh khắc đó chị lạ lắm, chợt đổi giọng khác thường rồi thắc mắc: Tại sao cúng lễ cho bộ đội mà không có áo quần? Mọi người nhìn chị Oanh ngạc nhiên, thăm dò, nghĩ là chị đùa, đến khi chị òa khóc thì anh em mới sởn gai ốc chạy đi sắm mấy bộ áo quần bộ đội, xong thắp hương mới cháy được. Hóa ra lễ cúng thiếu áo binh. Và giải đua thuyền năm đó, những đội ở khách sạn tại thành phố Đông Hà thì chỉ đạt huy chương bạc, còn những đội chọn ở tại mảnh đất Cổ Thành để thi đấu đều đạt huy chương vàng. Không ai đặt câu hỏi vì sao, cũng chẳng dám nghi hoặc về cái kết quả như “sắp đặt” đó.
Khi tôi nhớ lại và ngồi huyên thuyên cùng anh Mẫn - huấn luyện viên đội đua thuyền Quảng Trị năm đó. Sau một hồi kể lại các tình huống khó tin mà người trong cuộc chứng kiến, anh Mẫn còn ra vẻ nghiêm trọng về một câu chuyện mà anh nói: Ít ai biết, chỉ có mấy anh em trong đội hôm đó, mà biết thì cũng không ai tin. Khi anh cùng anh Quốc trong đoàn đưa thuyền xuống sông, làm mặt nước xao động, các con sóng cứ đổ chồng lên nhau xoáy vòng, rồi một luồng hơi lạnh từ mặt nước bay lên vuốt qua thái dương. Cái đuôi rồng nơi chiếc thuyền đua bất chợt bị tuột xuống nước, ngay trước mặt. Ba bốn anh em bình thản như mọi khi, vì cái đuôi thuyền rồng này thường tháo ra rồi lắp vào mỗi khi sử dụng, nặng chưa đầy mười cân. Họ kéo, rồi kéo, rán sức kéo, không lên được. Vì biết ở khúc sông này xưa nay có nhiều câu chuyện lạ lùng, nên mấy anh em nghĩ đến chuyện thắp hương “xin”: Thưa mấy chú, nếu chúng con làm kinh động đến nơi yên nghỉ của mấy chú thì mong mấy chú thứ lỗi, cho con đem đuôi thuyền lên chuẩn bị cho giải đua, vì sắp đến giờ, mong mấy chú không bắt lỗi mấy đứa lính tráng như chúng con. Ai ngờ, khấn xong, 3,4 anh em lại cố sức kéo như ban nãy, nhưng chưa kịp rán sức thì cái đuôi rồng từ từ nổi lên mặt nước, chẳng vướng gì bên dưới cả. Tất cả nhìn nhau chẳng nói gì.
Giải đua thuyền truyền thống vô địch Quốc gia được tổ chức trên dòng sông Thạch Hãn - Ảnh: T.H
* * *
Mùa giải năm 2012, dòng Thạch Hãn tiếp đón các vận động viên của 7 tỉnh trên cả nước về thi đấu Đua thuyền truyền thống Quốc gia. Các đội thuyền chuyên nghiệp được biết đến như: Bình thuận, An giang, Cần Thơ, Kiên Giang… được đầu tư đào tạo huấn luyện bài bản, lần này về đây hừng hực khí thế trước đội thuyền nghiệp dư Quảng Trị. Họ quyết tranh 15 bộ huy chương ở 5 nội dung.
Các vận động viên của Quảng Trị là những thợ chài lưới, thợ rèn và những nông dân sống ở đôi bờ Thạch Hãn, họ thả tay lưới, tay cày lên thi đấu. Tuổi đời của vận động viên thì người nhỏ như con cháu, người lớn như cha ông. Giải năm đó là một giải đua ly kỳ. Sau khi thắp hương hướng ra ngoài sông tâm niệm, đội thuyền Quảng Trị tham gia đua lần lượt các nội dung. Các đội mạnh thể hiện tên tuổi của mình đầy uy lực. Còn nhớ, trong 7 huy chương vàng Quảng Trị đạt được có rất nhiều “dấu hiệu lạ”: có những lần thuyền của Quảng Trị xuất phát như có ai đẩy phía sau, phi lên dẫn trước đầy lạ lùng, chính họ cũng không ngờ. Mỗi lần thắng Bình Thuận, An Giang hay một số đội khác, thì vận động viên các đội có nhận xét như nhau: Sao thuyền họ như có ai kéo trì lại mà thuyền Quảng trị bơi như lướt ván (?!?).
Điều lạ lùng đó làm người dân tò mò kéo đến xem càng đông. Họ quay phim, chụp ảnh, cổ vũ náo nhiệt cả một khúc sông. Họ còn lo “không khéo Quảng Trị lấy hết giải thì ai dám về đây đua”.
Ngày mai chỉ còn một cự ly duy nhất, nếu không có được huy chương vàng thì khó tranh giải nhất toàn đoàn. Tôi nhớ không nhầm thì An Giang là đội tranh tấm huy chương vàng ở cự ly 200m, thuyền 20 nam với Quảng Trị.
Tối đó cả đội sắm lễ xuống bến thả hoa. Đêm đó, xem như xong việc, ai cũng thả tâm mình thoải mái cho những nỗ lực cuối cùng...
Tiếng hò reo reo, tiếng bàn tán khi cả hai đội thuyền chưa vào vị trí. Mặt sông bí ẩn sắp chào đón những nhát chèo uy lực của hai đội thuyền. Phát súng lệnh vang lên. Đua rồi! Đội thuyền Quảng Trị như dự đoán, tụt lại phía sau. An Giang phăm phăm chèo. Bất chợt, thuyền Quảng Trị xuất hiện bên cạnh, song song với An Giang, rồi vượt lên. Có tiếng la ó của vận động viên đội bạn. Nhưng vẫn đua, đội bạn đu bám quyết liệt, nhưng vô ích! Con thuyền của đội nam Quảng Trị băng băng lướt về đích. Cách khá xa, đội An Giang như ngã tay chèo, nhìn đội Quảng Trị cán đích, chỉ trỏ la ó…
Trên bờ hàng ngàn người đứng xem, không tin vào mắt mình. Một sự bứt phá ngoạn mục, thần thánh. Ban tổ chức chờ hai đội vào ký biên bản, nhưng sự cố đã xảy ra. Cả đội An Giang lên khiếu kiện, cho rằng đội Quảng Trị “chơi gian”. Vận động viên Nguyễn Văn Nhỏ đội An Giang tố cáo rất rõ ràng với ban tổ chức: Lúc bắt đầu xuất phát thì không phát hiện nhưng khi thuyền Quảng Trị vượt lên thì thấy thừa 2 người ngồi sau cùng, chúng tôi đã phản ứng nhưng trọng tài không thấy. Về đích thì 2 người đó nhảy xuống lặn mất tăm. Ban tổ chức hỏi, thế họ bơi về phía nào? Vận động viên An Giang nói: Đến giờ chưa thấy nổi lên. Ban tổ chức kiểm tra lại camera rất kỹ từng thời điểm cuộc đua, không phát hiện được gì, rồi nhìn nhau lạnh sống lưng…
Đoàn Quảng Trị năm đó đạt 7 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ xếp vị trí nhất toàn đoàn.
* * *
Cho đến nay, khúc sông này trở thành nơi hành hương của các cựu chiến binh, Nhân dân cả nước và các tăng ni phật tử. Chương trình Đêm hoa đăng đã được tỉnh Quảng Trị công nhận chính thức là một lễ hội cách mạng, với tâm nguyện cầu cho linh hồn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên dòng Thạch Hãn siêu thoát. Lời bài hát Dòng sông hoa đỏ nhiều lần cất lên du dương bên “nấm mồ phẳng lặng” này, như ru các anh được an giấc trong âm hưởng của hòa bình: Các anh hùng tuổi 20 ngã xuống, hồn quуện gió mâу, máu hoà Thạch Hãn…
Đ.D.L