Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 23/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những cơn mưa nơi miền “đất thiêng”

Trong ký ức của tôi về những ngày tham gia tổ chức sản xuất chương trình truyền hình trực tiếp “Huyền thoại Trường Sơn” (HTTS), kể từ ngày đầu đón đoàn cán bộ, phóng viên của Ban Thể thao giải trí và Thông tin kinh tế của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3) đi tiền trạm cho đến khi kết thúc chương trình, là cả một câu chuyện dài về cơn mưa mà những đồng nghiệp ở VTV3 khi tác nghiệp trên miền “đất thiêng” Quảng Trị chứng kiến, cảm nhận với bao cảm xúc.  

Mưa Trường Sơn

Ngày 20 tháng 7 năm 2004, toàn bộ ê-kíp sản xuất chương trình của VTV, bao gồm khối nội dung của VTV3, Trung tâm Kỹ thuật, Trung tâm Mỹ thuật, xe truyền hình lưu động từ Đà Nẵng với hơn 100 thành viên đã tập kết đầy đủ theo tinh thần N-7. Một tuần ở Quảng Trị để làm nhiệm vụ, mọi người ai ai cũng lo lắng khi lần đầu tiên chương trình nghệ thuật tổng hợp lại được tổ chức ngoài trời, lấy bối cảnh mây núi Trường Sơn làm phông hậu, lại diễn ra đúng vào “tháng 7 nước chảy qua bờ” nên những cơn mưa tầm tã cứ kéo dài, gây bao khó khăn cho các bộ phận chuyên môn.

Cho đến bây giờ, đã hơn 18 năm đi qua, trong bao câu chuyện về chương trình HTTS được xem là chương trình nghệ thuật đỉnh cao của VTV, có lẽ điều đọng lại trong ký ức của mọi người khi thực hiện chương trình là... cơn mưa. Ở đó, tất cả các bộ phận như sân khấu, âm thanh, ánh sáng, nội dung, nhạc công, ca sĩ... cứ thế ngày qua ngày đều phải làm việc dưới cơn mưa suốt một tuần liền.

Có lần anh Lại Văn Sâm nói với tôi: “Trời thì mưa tầm tã, anh rất sợ ảnh hưởng đến tiến độ, trong khi đó lời mời gặp gỡ nhiều quá; hãy tập trung cho chuyên môn thôi, khi kết thúc chương trình gặp nhau ở sân khấu với một cái bắt tay cũng là lời động viên rồi”. Đúng là phải “tập trung cho chuyên môn”, vì phải chạy đua với thời tiết. Tôi còn nhớ cứ vào đầu buổi chiều, trước khi họp các bộ phận chuyên môn để chạy kịch bản chương trình, nhà báo Lại Văn Sâm thường tìm đến quán cà phê Nhà Cổ gần sân vận động Đông Hà ngồi nhâm nhi ly cà phê, anh nhìn trời nhìn mây mà vững lòng: “Mình làm việc hiếu nghĩa nên chắc chắn các anh hùng liệt sĩ cũng phù hộ anh em mình thôi, trời rồi sẽ tạnh thôi”. Anh có niềm tin như thế và cũng là lời để động viên anh em trong đoàn về ước nguyện thành công trọn vẹn của chương trình.

Như một việc làm không thể thiếu về mặt tâm linh, trước khi tổng duyệt chương trình là VTV tổ chức lễ cúng trước Đài Tổ quốc ghi công vào chiều ngày 26/7, với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các bộ phận của VTV. Để rồi như “cầu được ước thấy”, đúng 17h00 ngày 27/7, lễ viếng các anh hùng liệt sĩ diễn ra dưới trời mưa, 17h30 trời “bỗng dưng” tạnh hẳn, mọi người đồng loạt cởi áo mưa tiện lợi để tác nghiệp. 18h00, tổng đạo diễn chương trình thét trong máy bộ đàm khi đếm ngược thời gian 5 4 3 2 1: Bảng chữ Truyền hình trực tiếp HUYỀN THOẠI TRƯỜNG SƠN xuất hiện. Màn hát múa “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” của nhạc sĩ Huy Du mở đầu cho chương trình lên sóng VTV3.

19h00, hơn 10.000 ngọn nến trên khắp 6 quả đồi của nghĩa trang bừng lên ngọn lửa, các set cảnh ở cây bồ đề, khu mộ vô danh, khu mộ phía Bắc, phía Nam lung linh ngọn nến. 19h15, trên bản tin thời sự của VTV1 cũng phát trực tiếp một trường đoạn của HTTS để giới thiệu với khán giả trong và ngoài nước biết để chuyển kênh theo dõi. Có biết bao gia đình đã phải dừng lại bữa cơm tối vì nghẹn ngào xúc động bởi những câu chuyện kể, lời hát, hình ảnh, thước phim minh họa. Qua thiết lập đường dây nóng, đã có hàng trăm cú điện thoại của những người thân, đồng đội khắp nơi gọi về để nhắn tìm mộ liệt sĩ hay mách bảo thông tin, cũng nhờ chương trình mà sau này phần mộ của nữ anh hùng Nguyễn Thị Vân Liệu được quy tập đưa vào khu mộ anh hùng của nghĩa trang.

Đúng 21h00, chương trình kết thúc trong niềm vui khôn tả, trên sân khấu là những cái bắt tay nắm chặt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh với tổng đạo diễn, MC, đạo diễn hình sau một thời gian “luồn lách” với những cơn mưa để chương trình thành công mỹ mãn. Niềm vui cũng là “phần thưởng” ấy được các bạn đồng nghiệp ở VTV gọi là “trời thương”, là các linh hồn liệt sĩ phù hộ, minh chứng cho sự hoài niệm về một cõi Trường Sơn hùng tráng mà huyền thoại, xúc động mà thiêng liêng. Và chỉ có HTTS mới trở nên gần gũi, làm cho những người đang sống và những người đã khuất được cảm nhận tình cảm của nhau, không ai bị quên lãng.   

Mưa Thành Cổ

Đúng vào ngày chiến thắng đất nước 30/4/2007, cũng là dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, VTV đã thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca về một dòng sông”, tổ chức tại Quảng trường Giải phóng thị xã Quảng Trị, phát trên kênh VTV3. Với 120 phút cho một chương trình, bối cảnh là sông Thạch Hãn, tháp chuông và Đài chứng tích Sinh viên làm 3 set cảnh chính, nằm trên một trục tâm linh của không gian tưởng niệm.

Viếng Thành Cổ đêm mưa - Ảnh: I.T

Viếng Thành Cổ đêm mưa - Ảnh: I.T

Theo kịch bản thì chương trình được chuẩn bị khá quy mô và hoành tráng, hội đủ các yếu tố về diện rộng của không gian, về chiều sâu của chương trình mang đậm tính nghệ thuật, lắng đọng. Xuyên suốt từ phần mở đầu đến phần kết thúc chương trình là hình bóng, là hành trang người lính trên sông Thạch Hãn, một dòng sông nghĩa trang “mang phù sa người lính”. Cứ thế hình ảnh người lính với tầm vóc anh hùng và bi tráng, niềm tin và khát vọng chảy suốt chiều dài của Khúc tráng ca...

Chuyện đội mưa đội gió của những năm về trước khi làm cầu truyền hình “Xuân Giáp Thân” (2004), cầu truyền hình “Việt Nam đất nước tôi” (25/8/2005) tại đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, rồi chương trình “Huyền thoại Trường Sơn” (27/7/2004), hay “Một thời hoa lửa” (31/10/2005), chắc rằng những cơn mưa dầm nay vẫn còn trong ký ức của bao đồng nghiệp VTV khi đến đây tác nghiệp. Vậy nên cơn mưa xối xả chiều và tối tổng duyệt 29/4/2007, như là “sự cố” của VTV khi một chương trình truyền hình trực tiếp không thực hiện được phần tổng duyệt, như thêm một lần thử thách niềm tin và lòng kiên nhẫn của những người làm chương trình.

Sáng ngày 30/4, tỉnh dậy sau một đêm mất ngủ vì lo lắng, vì chương trình tối hôm qua không chạy thử được, mọi người mới ngỡ ngàng bởi nước sông Thạch Hãn qua một đêm mưa giờ đã đục ngầu phù sa, những đồng lúa đang vào mùa chắc hạt ở vùng phụ cận Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong ngập úng. Bao lo âu cứ lộ dần trên từng khuôn mặt, nhưng rồi những phương án tối ưu cho chiều và tối 30/4 cũng được nhà báo Lại Văn Sâm tính đến: “Nếu trời cứ mưa thì tôi đứng giữa sân khấu Tháp chuông mà kính cáo rằng, xin các linh hồn liệt sĩ, đồng bào đồng chí Quảng Trị hãy tha thứ cho những người làm chương trình, nếu không làm trực tiếp được thì đợi đến lúc trời tạnh, dẫu khi ấy là 19, 20, 21 giờ đi chăng nữa, chúng tôi vẫn làm sau đó đưa băng ra VTV phát chậm thì cũng mãn nguyện lắm rồi”.

Đúng 18h00, chương trình lên sóng trực tiếp trên VTV3. Không ai bảo ai, mọi người thở phào nhẹ nhõm mà tập trung cao độ cho chuyên môn, những con số thứ tự trong kịch bản cứ dần qua trong niềm phấn chấn của mọi người. Mừng thay! Chiếc kim đồng hồ chỉ đúng 20h00, cũng là lúc bảng chữ kết thúc chương trình trôi qua màn hình. Những thử thách đã vượt qua, từ góc nhìn cận cảnh của người trong cuộc, chúng tôi cảm nhận được những lời chúc mừng về sự thành công ngoài mong đợi của mọi người. Và khi ấy cơn mưa Thành Cổ bắt đầu nhẹ rơi, để lại những hương vị nồng nàn mà khó quên về những cơn mưa nơi miền “đất thiêng” Quảng Trị.

T.Đ.M

 

TRẦN ĐĂNG MẬU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 339

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

24/04

25° - 27°

Mưa

25/04

24° - 26°

Mưa

26/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground