Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/11/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tân Sở, đất vua thiêng

Thành Tân Sở từ lâu đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước gắn liền với tên tuổi vua Hàm Nghi. Ông vua Nhà Nguyễn trẻ tuổi ái quốc này có cuộc đời chìm nổi, gian truân nhưng lại được lòng dân.

Trong cuốn Ông vua bị đày (Le Roi Proscrit) nhà văn Pháp Marcel Gaultier viết: Vua Hàm Nghi đã giữ được tính chất thiêng liêng đối với thần dân của mình. Vị vua trẻ đã làm một việc vang dội khắp nước. Với ý chí cương quyết độc lập và dù người Pháp có đóng quân tại Huế, triều đình An Nam vẫn biểu dương một thái độ không hèn nhát.

Đương nhiên rồi, nhắc vua Hàm Nghi là nói tới phong trào Cần Vương chống giặc Pháp xâm lược. Ngày 6 tháng 6 năm 1884, triều đình Huế ký Hiệp ước Patenotre, chính thức mở đường cho thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị trên đất nước Việt Nam. Triều đình Huế chia làm hai phe chủ chiến và chủ hòa. Đêm 23 tháng 5 năm 1885 (Ất Dậu), Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết - hai vị quan nòng cốt của phe chủ chiến đem nghĩa binh bất ngờ tấn công đồn Mang Cá và tòa trú sứ của Pháp nhưng do chuẩn bị thiếu kỹ càng và lực lượng yếu nên bị thất bại. Hai ông rước vua Hàm Nghi và tam cung xa giá ra Tân Sở thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị bây giờ. Đây là một căn cứ được Nhà Nguyễn chuẩn bị từ trước nhằm tập hợp lực lượng để chống Pháp. Lịch sử ghi rõ: ngày 13 tháng 7 năm 1885, tức ngày mồng 2 tháng 6 năm Ất Dậu, tại sơn phòng Tân Sở, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu, văn thân, nhân dân cả nước cùng đứng lên kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược. Chiếu có đoạn rằng: Nước ta gần đây bỗng gặp nhiều việc. Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, không lúc nào nguôi nghĩ đến tự cường, tự trị. Phái viên Tây ngang bức, càng ngày càng quá. Trước đây, chúng tăng thêm binh thuyền, buộc theo những điều không thể được, ta chiếu lệ tiếp đón, không chịu nhận một thứ gì. Kinh đô náo sợ, nguy biến chỉ trong sớm chiều. Đại thần lo việc quốc gia chỉ nghĩ kế nước được yên, triều đình được trọng; cứ cúi đầu nghe mệnh, ngồi để mất cơ hội, sao bằng thấy âm mưu biến động của giặc mà đối phó trước? Ví như việc đến không tránh được thì cũng còn có ngày nay để lo cho tốt cái lợi sau này, ấy là do thời thế xui nên vậy. Phàm đã dự chia mối lo này, tưởng cũng dự biết. Biết thì phải dự vào, nghiến răng dựng tóc, thề giết hết giặc, nào ai không có lòng như thế? Gối gươm, đánh chèo, cướp giáo, lăn chum, chẳng lẽ không có ai sao?... Những dòng văn chiếu như được cắt ra từ máu và nước mắt, như được cất lên từ bấy nhiêu thao thức trăn trở của một tấm lòng yêu nước thương dân. Chừng như ta nghe trong đó những dư âm bi hùng từ thi khúc Thần thiêng tương truyền Lý Thường Kiệt động viên quân sĩ bên sông Như Nguyệt ở cuộc kháng chiến chống giặc Tống, hay Hịch tướng sĩ do Trần Hưng Đạo viết ra trong đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa khi giang sơn nghênh ngang bóng sứ triều Nguyên Mông qua lại, và Đại cáo Bình Ngô do Nguyễn Trãi soạn cho Lê Thái Tổ công bố sau khi nước Đại Việt đánh tan tác giặc Minh… Lòng yêu nước nồng nàn được lưu chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác, là dòng chảy thiêng liêng không bao giờ ngưng đứt.

Đền thờ vua Hàm Nghi và tướng sĩ Cần Vương tại khu di tích quốc gia Tân Sở - Ảnh: T.T

Đền thờ vua Hàm Nghi và tướng sĩ Cần Vương tại khu di tích quốc gia Tân Sở - Ảnh: T.T

Gần đây, tôi đọc lại những lời tâm huyết này tại đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương được xây dựng trên nền đất Tân Sở thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ khánh thành vào ngày 13 tháng 7 năm 2020. Trước đó, ngày 12 tháng 7 năm 2020, UBND huyện Cam Lộ đã tổ chức đoàn xe hoa vào Đại nội Huế rước long vị vua Hàm Nghi về thờ tại đền này. Vị vua trẻ tuổi yêu nước Hàm Nghi trở về sơn phòng Tân Sở, nơi cách đây 135 năm chiếu Cần Vương được ban ra mở đầu cho một phong trào kháng Pháp trải suốt từ Bắc vào Nam kéo dài hàng mấy chục năm. Đền thờ vị vua ái quốc và các tướng sĩ yêu nước trong cuộc kháng chiến Cần Vương chống giặc Pháp xâm lăng được thiết kế mô phỏng theo phong cách kiến trúc thời Nhà Nguyễn gồm 5 gian thờ. Gian giữa thờ vua Hàm Nghi, các gian hai bên thờ binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết, kỳ vỹ quận công Nguyễn Văn Tường cùng các sĩ phu, tướng sĩ, văn thân yêu nước.

Đền thờ đang còn rất mới, sau vài năm xây dựng chưa đủ rêu phong cổ kính nhưng vẫn rất thiêng bởi những giá trị quá khứ bi tráng ẩn tàng trong đó. Đến đây, chúng ta sẽ được trải nghiệm với nhiều cảm xúc lắng đọng trong không gian gợi nhắc bi hùng về một giai đoạn lịch sử u uẩn, vận nước chênh chao, có rất nhiều máu, lửa và nước mắt. Và, điều không thể không nói là dẫu như thế thì khí phách bất khuất của dân tộc vẫn được bảo lưu, tồn tại nguyên vẹn. Một vị vua còn rất trẻ, khi lên ngôi mới mười ba tuổi nhưng đã sáng suốt nhận rõ mặt thù và chọn được cách hành động đúng. Dẫu phong trào Cần Vương bị thất bại cũng như sau đó các cuộc khởi nghĩa chống Pháp trước khi Đảng ta ra đời cùng chung số phận bi thảm, nhưng tinh thần yêu nước chẳng bao giờ lu mờ, phai nhạt.

Thắp nén hương dâng vua và các tướng sĩ Cần Vương, trong lòng tôi dâng tràn bao ngưỡng vọng thành kính. Bỗng nhiên tôi thấy gần gũi quá hình ảnh của những con người thiên cổ, thấy rõ ràng ánh sáng và bóng tối của lịch sử trong mỗi bức tranh, tấm ảnh và những hiện vật ít ỏi được trưng bày trân trọng trong ngôi đền. Những ngọn núi nhấp nhô xa xa, màu đất bazan nâu sẫm, rừng cây bị nghiêng dạt về hướng đông bắc do những trận gió Lào ào ạt đổ tới như bão khan… chắc cũng muốn tôn thêm vẻ thiêng liêng thầm lặng của đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương.

Tôi bùi ngùi nhớ lại cái lần đầu tiên mình đến đây, khi đó Tân Sở đã trở thành phế tích do mưa nắng dữ dằn của vùng đất này và làm sao lãng quên được đây là nơi ác liệt trong chiến tranh. Không còn gì hết, chỉ hoang hoải một vùng đất đỏ mọc tràn hoa cỏ dại. Chỉ có gió thổi tràn trề, thổi rào rạt, thổi hoang vu trong nỗi buồn miên man khó tả của người chứng kiến. Chẳng còn chút dấu vết gì những thành quách, hầm hào của kinh đô kháng chiến có tên gọi sơn phòng Tân Sở năm nào. Vóc dáng nào, hình hài nào, cái nhìu mày nào, tiếng gọi nào… hiện lên trước mắt tôi, lúc ấy? Lẽ nào, Tân Sở - một địa danh đã được ghim chặt vào lịch sử dân tộc lại bị hoang phế đến mức này sao. Hoang phế đến mức hầu như di tích chỉ còn là một con số không buồn bã. May mà những người có trách nhiệm đã không để cho Tân Sở hoang phế hơn nữa và dần dà di tích được hiển hiện, đắp bù. Mới có đền thờ khang trang in đậm kiến trúc một triều đại. Nỗi mong chờ còn hơn thế nữa; theo tôi phải có một bảo tàng Cần Vương mới ôm chứa được phần nào tinh thần của cuộc kháng chiến ấy. Từ đó, nhiều so sánh, đối chiếu, quan hệ lịch sử thời đại tiếp theo sẽ có cơ hội được xác quyết rõ ràng hơn, chuẩn xác hơn.

Hành hương về Tân Sở là đến với điều thiêng liêng. Chưa kể vùng Cùa còn nổi tiếng với những mảnh vườn xanh mát, với đặc sản gà đồi, tiêu đất đỏ và những cô gái duyên dáng được đồn là cháu chắt của các cung tần mỹ nữ theo vua Hàm Nghi xa giá ra đây (?)

Đặt trong thời hiện tại và cả tương lai nữa thì Tân Sở chắc chắn là một địa chỉ du lịch lịch sử và tâm linh. Những gì liên quan đến lịch sử tôi đã điểm xuyết rồi còn tâm linh thì sao? Trước đây tôi đã nghe những xôn xao về tính thiêng của mảnh đất Tân Sở. Người ta kể rằng có một cặp vợ chồng khi xây nhà đã lấy đất ở Tân Sở chở về đổ nền. Sau đó, người chồng tự dưng bị ốm lai rai. Người lúc nào cũng bồn chồn, váng vất, khó ở. Hiện tượng đó từ trước tới giờ không có. Vợ thương chồng đi coi thầy thì được phán rằng, anh chị đã lấy đất ở một chỗ rất thiêng đổ vào móng nhà mình. Nghe lời phán đó, vợ chồng họ giật mình nhớ ra mình đã lấy đất ở thành Tân Sở. Đất vua! Không chần chừ, hai người thuê xe, máy đến lấy hết đất trong móng nhà đem trả lại nơi cũ. Kỳ lạ, là sau đó anh chồng hết ốm lai rai, ngôi nhà xây lên đẹp đẽ, trong nhà vợ chồng con cái bình yên.

Từ khi xây đền thờ và rước long vị của vua Hàm Nghi về đây, huyện Cam Lộ và xã Cam Chính rất khởi sắc. Cam Lộ trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới và xã Cam Chính đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới xuất sắc của huyện. Tâm linh là điều khó lý giải nhưng có vẻ như nó vẫn đang tồn tại một cách mờ tỏ, đậm nhạt đó đây. Với đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương thì trước hết đó là lòng biết ơn, sự tri ân của thế hệ sau với thế hệ đi trước. Lòng yêu nước bao giờ cũng thiêng liêng.

NGUYỄN HỮU QUÝ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 345

Mới nhất

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

12 Giờ trước

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển

19/11/2024 lúc 16:48

Sáng nay 19/11, UBND tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 20024, với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển”.

Bản sắc vùng cao Quảng Trị trong không gian triển lãm trưng bày hiện vật và ảnh nghệ thuật

19/11/2024 lúc 10:21

Triển lãm ''Không gian văn hóa Hồ Phương và Ảnh nghệ thuật bản sắc vùng cao của tác giả Hồ Thanh Thọ, Lê Ngọc Tú'' diễn ra trong hai ngày 18 - 19/11/2024 tại khách sạn Đông Trường Sơn (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)

Ca sĩ Tân Nhân - còn mãi với giai điệu “Xa khơi”

19/11/2024 lúc 08:34

Có lần nhà văn Châu La Việt trở lại thăm quê nhà Quảng Trị, mấy anh em văn nghệ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/11

25° - 27°

Mưa

26/11

24° - 26°

Mưa

27/11

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground