Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Di tích văn hoá Chămpa ở Quảng Trị - nhìn từ những huyền tích đã được Việt hoá

 Một học giả người Pháp là ông A.Laborde khi nghiên cứu về những dấu tích của văn hoá trên đất Quảng Trị những năm đầu thế kỷ XX đã viết rằng: “Nếu người ta muốn trở về với nguồn gốc lịch sử, thời cổ xưa của Quảng Trị đáng được đặc biệt lưu ý, bởi vì người ta thấy ở đất này nhiều dấu tích của người Chàm đã ở đây trước kia và để lại những di tích cổ thật kỳ lạ...” (1). Lời nhận xét này càng hoàn toàn xác đáng khi mà kể từ những nhà nghiên cứu người Pháp như: L.Cadière, H.Parmentier, M.Colani...đầu thế kỷ XX cho đến nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài những năm gần đây đã lần lượt làm sáng tỏ bức tranh văn hoá Chămpa trên một vùng đất tuy nhỏ nhưng có bề dày lịch sử.

            Những di tích văn hoá Chămpa ở Quảng Trị quả là “những di tích cổ thật kỳ lạ”. Nó kỳ lạ không chỉ bởi “ở rải rác nhiều nơi trong tỉnh người ta đã phát hiện những phế tích của đền đài, các tượng đá nhỏ, các bàn hiến tế bằng cẩm thạch, tượng Apsaras, tượng Garudas, các Linga và một số tàn tích khác của nền nghệ thuật Chàm” (2), mà vì nó còn thể hiện sự phong phú, đa dạng về nội dung với sự có mặt đầy đủ các loại hình: đền tháp, thành luỹ, các công trình dẫn thuỷ cổ đặc biệt, các mộ táng và nhiều dấu ấn văn hoá khác. Nó kỳ lạ bởi một mặt là sự dày đặc về mật độ di tích được tồn lưu dưới dạng vật thể mà nay đã trở thành phế tích, nên muốn hiểu biết tường tận phải trải qua một quá trình khám phá công phu, nhưng mặt khác còn là những lưu ảnh của những huyền thoại về văn hoá phi vật thể mà càng đi sâu tìm hiểu càng thấy lý thú, hấp dẫn.

            Trong muôn vàn những điều bí ẩn và kỳ lạ ấy thì những huyền tích đã được Việt hoá về những gì liên quan đến văn hoá Chămpa trên đất Quảng Trị là một vấn đề đáng được đặc biệt lưu ý khi nghiên cứu, tìm hiểu nguồn gốc lịch sử của vùng đất này.

            Từ sự cộng cư Chăm - Việt

            Lịch sử đã nói khá nhiều đến các cuộc Nam tiến của người Việt để mở rộng dần cương giới quốc gia. Bắt đầu từ cuộc chinh phạt của Lý Thường Kiệt (1069), gần một nửa phía bắc của Quảng Trị thuộc về người Việt. Đến năm 1306 thì toàn bộ vùng đất Quảng Trị nằm gọn trong bản đồ Đại Việt (có câu chuyện Chế Mân lấy Châu Ô, Châu Lý (sau đổi thành Châu Thuận, Châu Hoá) làm vật dẫn cưới Công chúa Huyền Trân). Kể từ cuộc hôn nhân nhuốm màu sắc chính trị ấy cho đến những thế kỷ kế tiếp, Quảng Trị trở thành nơi hứng chịu không biết bao nhiêu biến động của lịch sử. Và, trên hành trình tự khẳng định mình, vùng đất mới của người Việt đã không hề mâu thuẫn hay loại trừ đối với dân tộc nơi đất cũ mà trái lại đã nhanh chóng hoà nhập, tạo ra sự cộng cư hữu hảo, tiếp nhận các yếu tố văn hoá bản địa để đồng hoà theo cảm quan của người mới đến (ít nhất là cũng vài ba thế kỷ kế trước).

            Sự tích kể về nguồn gốc làng Câu Nhi (Hải Lăng) gắn với công lao khai khẩn của vị thuỷ tổ họ Bùi nói rằng: Thoạt đầu, khi mới đến vùng đất này ai cũng đều bỡ ngỡ, may nhờ người họ Bùi biết ít nhiều phong thổ, tập quán người Chàm nên chẳng mấy chốc mà người Việt sống nhân ái, hoà hợp với họ. Nhà cửa được xây dựng, vườn tược được mở, làng xóm hình thành. Ngày lễ, ngày Tết dân làng thường qua lại thăm viếng người Chàm. Cảm mến lòng nhân ái của họ Bùi, người Chàm thường hay tặng quà để tỏ tình giao hảo. Họ Bùi mang những món quà đó dâng vua. Vua ban khen ông và phong tặng cho tên “Cẩm Đề Quan” về công lao giữ được mối hoà hợp giữa hai dân tộc. Vua càng khuyến dụ mở rộng thêm bờ cõi, an dân dể cho đất nước cường thịnh (3) .

            Câu chuyện này được văn bản hoá trong một tài liệu được coi là khá cổ: Thi thiên tự của họ Bùi, làng Câu Nhi, tương truyền do chính vị thuỷ tổ họ Bùi Tranh viết đầu tiên vào năm Thuận Thiên thứ 2 (1429)(4). Loại bỏ những yếu tố đáng ngờ vực về độ chính xác của tư liệu đang được nhiều nhà nghiên cứu tranh luận thì mối bang giao, hoà hiếu, cộng cảm giữa các bộ phận Chăm - Việt trong các làng xã cổ Quảng Trị buổi đầu là điều cần xác nhận. Có lẽ vì thế mà trong sách Ô Châu Cận Lục (1555), Dương Văn An viết cách thời điểm ấy một thế kỷ vẫn ghi rằng: “Nói tiếng Chiêm thì có thổ dân làng La Giang, mặc áo Chiêm thì có con gái làng Thuỷ Bạn”(5).

            Đã có sự cộng cư thì tất dẫn đến các cuộc hôn nhân ngoại tộc giữa những chiến binh Việt với những phụ nữ Chàm để sản sinh ra các thế hệ mang hai dòng máu mà hệ quả của nó là mối ràng buộc ngày càng thắt chặt trong quan hệ giữa hai tộc người. Nhiều câu chuyện lý giải về việc gia phả của các dòng họ người Việt có ghi tên ông mà không có tên bà ở các thế hệ đầu, đó là theo cách không nhắc tới các “mẹ Chàm” vì ảnh hưởng đến thanh danh. Đó là sự mâu thuẫn giữa hiện thực với cái cảm quan hão huyền, nhưng xét cho cùng âu cũng là một sự tế nhị trong văn hoá ứng xử.

            Tuy vậy, trong sự cộng cư giữa một thành phần tộc người này với một thành phần tộc người khác trên cùng một vùng đất không phải bao giờ cũng là mối bang giao, hoà hiếu mà đôi khi cũng xảy ra  những cuộc xung đột. Do nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là nhu cầu thực dụng về đất ở, đất trồng trọt đã khiến cho sợi dây ràng buộc vốn mong manh giữa hai cộng đồng Chăm - Việt ở một địa giới cụ thể nào đó dần dần lỏng lẻo và cuối cùng đi đến một kết cục là kể đi, người ở. Câu chuyện phản ánh sự xung đột ở một làng vùng Cam Lộ mang dáng dấp bà con gần gũi với câu chuyện một làng ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) là một lời giải thích khá lý thú: trong một cuộc tranh tài để giành lấy quyền sở hữu một vùng đất, hai bên đặt cược nhau theo quy định: người Chàm làm một con bò đá mà chuyển động được, còn người Việt trồng một cụm tre cho rễ chổng lên trời mà vẫn sống được; nếu bên nào thắng thì sẽ được đất. Cuối cùng phần thắng thuộc về người Việt còn phần thua thuộc về người Chàm...

            Sự giải thích này là bản sao của những tích truyện phản ánh sự chấp chiếm ruộng đất ngay trong bản thân các cộng đồng cư dân người Việt với nhau trong các thế kỷ XVI - XVIII như: sự tích Miếu Quán Tiên nương ở Lệ Xuyên, sự tích Cồn Giới làng An Hưng, sự tích Miếu Quán làng Đồng Bào (Triệu Phong)(6).

            Những tích truyện khác nhau liên quan đến sự cộng cư Chăm - Việt còn rất nhiều. Chúng có sức sống khá lâu bền trong đời sống tâm thức và tín ngưỡng dân gian ở các làng xã người Việt Quảng Trị.

            Đến việc lý giải nguồn gốc các di tích

            Người Việt ở Quảng Trị xây dựng làng xóm và các thiết chế văn hoá, xã hội (đình, chùa, miếu, vũ) trong buổi đầu tại đất mới thường ở ngay trên những địa điểm cũ, bên cạnh những khu đất mà người Chàm đã cư trú. Bởi vì, những nơi này trù phú và có đầy đủ các điều kiện thuận lợi về địa lý, thuỷ văn. Họ không ngần ngại và cũng không có gì phải suy tính một cách chín chắn như ông Tạ Chí Đại Trường sau này lập luận: “Tín ngưỡng xưa không cho phép các tập đoàn chiến thắng lập cơ sở trung tâm ngay trên vùng đất của kẻ chiếm cứ trước do mình đánh đuổi, mà lập chỗ mới gần đó để kiềm giữ họ khi dân chiến bại còn đóng trên đất củ vì sợ sự báo thù của thần thánh, tổ tiên, ma quỷ của người ra đi” (7). Thành Thuận Châu, chợ Thuận thời Trần, thời Lê sơ nay vẫn còn vết tích ở làng Vệ Nghĩa (Triệu Long, Triệu Phong) được sử dụng lại trên một thành cổ người Chàm. Dinh chúa Trà Bát thời chúa Nguyễn xây dựng sát nách khu tháp Chàm Trà Liên (Triệu Giang). Tất cả những nơi đền tháp Chàm đều biến thành miếu thờ của người Việt. Những giếng nước cổ, những hệ thống thuỷ lợi đều được người Việt tái sử dụng để phục vụ cho đời sống và sản xuất của mình... Đó là những bằng chứng.

            Người Việt một khi đã chấp nhận sống trên những gì mà người Chàm để lại thì người Việt cũng nhanh chóng hợp thức hoá ngay những cái đó về phía mình. Chính điều này là cơ sở để đề ra các huyền tích liên quan đến các di tích Chàm nhưng lại mang cảm quan tư duy người Việt.

            Chùa Bảo Đông - tên gọi của người dân làng Hà Trung (Gio Linh) bắt đầu từ giữa thế kỷ XV vốn là một thánh địa của châu Ma Linh thời Chămpa. Đây là ngôi đền Mukhalinga Indrakamtecrava do hoàng hậu Tribhuvanaderi dựng dưới triều vua Indravacman. Ngày nay, dấu tích còn lại bên cạnh những cồn gạch của tháp đổ là những trụ đá lớn nguyên là các thành phần kiến trúc của đền thờ, trong đó một trụ đá có văn bia chữ Chăm cổ ở bốn mặt ghi về sự tích ngôi đền. Người Hà Trung gọi chùa Bảo Đông với một truyền thuyết về một trận bảo mùa đông đã cuốn những tảng đá lớn từ đâu đó về đặt xuống khu đất của làng. Từ đó dân làng chẻ đá ra để làm chùa. “Dân làng” ở đây không phải là tổ tiên của người Hà Trung sau này, mà họ, như vẫn thừa nhận, là người Chàm.

Người Việt nhìn những tảng đá lớn có chạm khắc đẹp, có kỷ thuật kiến trúc vững chãi - mà những thứ này vốn rất xa lạ với truyền thống của mình đã không thể hình dung nổi về một nền văn minh cự thật có trình độ phát triển rất cao của người Chàm. Và như thế, không có cách giải thích nào khác hơn là hướng về một huyền thoại: huyền thoại về một cơn bảo mùa đông.

Và cũng vì không thể hình dung được những ngôi tháp xây dựng bằng gạch rất quy mô và bí ẩn (bí ẩn cả với những nhà nghiên cứu hiện tại) mà cụm tháp Dương Lệ (Triệu Phong) và tháp Trung Đơn (Hải Lăng) được lý giải bởi một câu chuyện có vẻ nhưng hoàn toàn xa lạ với hiện thực và ít nhiều mang tính huyễn hoặc. Đó là cuộc thi xây tháp giữa hai làng trong một đêm với lời hẹn bên nào xong trước thì đốt đuốc lên làm hiệu cho bên kia biết để định thứ tự trước sau. Phía Trung Đơn do gian xảo nên nửa đêm chưa xong công việc đã đốt lửa lên giả cách làm hiệu, làm cho phía Dương Lệ vì giữ đúng lời đính ước nên bỏ dở công việc để chịu thua cuộc. Khi vỡ lẽ, vì ngay thảng nên Dương Lệ được hưởng Cỗ thái  lao. Cái xa lạ với hiện thực mà như Cadière thắc mắc là “làm thế nào mà những người Việt trong những làng này có thể thấy được ánh lửa đốt lên từ làng khác” (8) khi mà khoảng cách hai bến phải đến gần 10km theo đường chim bay. Cái huyễn hoặc khó tin là tháp xây dựng trong một đêm, phía Trung đơn thì “gian xảo” mà tháp này đến cuối thế kỷ XVI còn “cao ước trăm xích, những khách đăng lâm thưởng ngoạn có cảm giác như chân đạp trên chín tầng mây, mắt nhìn ngoài trăm dặm (theo như Ô Châu cận lục mô tả); phía Dương Lệ “bỏ dở công việc” mà cụm tháp này theo như kết quả của các nhà nghiên cứu thì đây là một khu đền tháp lớn nhất trong khu vực và được coi là thánh địa Châu Ô (9). Cái hư cấu khá lãng mạn của truyền thuyết hay chính là cái nhìn suy nguyên về nguồn gốc sự vật khá dễ thương của tổ tiên người Việt Quảng Trị buổi đầu?

Có đền tháp thì có các đối tượng thờ cúng, trong đó có những trang trí kiến trúc mà bản nguyên của chúng đều mang những quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan của người Chàm. Ở trên tất cả các phế tích đền tháp đều được người Việt trong các làng xã dựng lên các miếu thờ để thờ thần thì là điều bình thường. Nhưng cả những điêu khắc có hình thù nằm rải rác trên bề mặt xung quanh di tích do biến động trong quá trình đổ nát cũng đều trở thành những vị thần được người Việt phụng thờ thì đấy là điều không thể hiểu một cách đơn giản. Những ngôi miếu thì được gọi là miếu ông Giàng, bà Giàng. Những địa điểm có dấu vết Chăm thì gọi là Lùm Giàng, Lồi Giàng, Cồn Giàng với ý nghĩa coi đó là nơi liêng thiêng. Thờ một phù điêu Makara thìgọi là miếu ông Voi, một đầu tượng Hanuman thì gọi là miếu ông Hổ (làng Trung Đơn). Độc đáo hơn cả là một đền thần Nông ở làng Đại Hào là thờ một bệ tượng Chàm và được coi là vật thiêng. Chỗ lỗ trũng ở giữa (lỗ gắn chốt tượng) thành một nơi lấy nước thiêng khi hành lễ.

Tấm lá nhĩ (tympan) tạc hình Siva ngồi ở tư thế thiền, hai chân xếp bằng, dù không còn nguyên vẹn nhưng được dân làng Phường Sơn tôn làm thành hoàng làng. Vì thế mà nơi trú ngụ của thần được gọi là miếu Nghè. Câu chuyện về một anh chàng đi dũi cá tình cờ tình cờ vấp phải hòn đá rồi đem về thờ cúng để sau đó trở thành một vị thần bảo trợ cho cả làng là cốt truyện chính, dù sao thì nó cũng mang tính hiển nhiên của một sự tích. Ấy thế mà không dừng lại ở đó, vì chỉ có thế thôi thì làm sao có thể gọi là thần được. Thần là phải linh thiêng nên mới có những tình tiết “ngài” làm cho cái dũi cá quá nặng so với sức đẩy của chàng trai nọ. Rồi chàng trai khấn đến “ngài”, “ngài” cho chàng trai rất nhiều cá. Chàng trai đưa “ngài” về thờ. Sau đó vì thấy có nhiều linh ứng nên làng xin thỉnh về để tấn phong làm thành hoàng. Cái thiêng của thần còn được đẩy lên đỉnh điểm huyền thoại khi viên đá ban đầu thì nhỏ nhưng tự nhiên bỗng lớn lên trông thấy và rồi đến khi dân làng An Lưu sang ăn cắp thần thì thần lại nói được tiếng người: “Bớ dân Phường Sơn hãy mau đến cứu ta!”. Giải thích lý do thờ một tác phẩm điêu khắc Chàm của người Phường Sơn là vì “ngài” có linh ứng. Còn trả lời cho việc vì sao tác phẩm ấy không được nguyên vẹn thì là do việc tranh chấp để thờ “ngài” giữa hai làng Phường Sơn và An Lưu. Đó chính là quá trình huyền thoại hoá của người Việt Quảng Trị để thiêng hoá một vật đá vốn mang trong mình bản chất thần (thần Si va) của một dân tộc khác thành vị thần bảo trợ cho dân tộc mình.

Sự tích chùa Phật Lồi ở làng Nhan Biều (Triệu Phong) và câu chuyện về chùa Bụt Mọc ở làng Liêm Công (Vĩnh Linh) tuy có khác nhau về tình tiết nhưng thực ra là sự giải thích về những hiện vật Chàm được người Việt phát hiện rồi đem thờ. Chữ “lồi” thì thường được dùng để chỉ cho các di tích Chàm và chữ “bụt” là dùng chỉ những tượng Chàm (đồng nghĩa với tượng Phật). Cả hai đều được gọi là chùa nhưng chùa Phật Lồi thì hình ảnh ông lão khất thực nhờ sự cưu mang của dân làng, bên cạnh sự giúp đỡ của các tượng bụt trong chùa để được no ấm và việc “lồi” của tượng lại là do một cơn bảo dẫn đến chùa sập (10). Còn ở chùa Bụt Mọc thì sự tình cờ phát hiện “bụt” của anh nông dân trong một buổi đi cày ruộng lại mang quá nhiều yếu tố hoang đường từ trí tưởng tượng của người dựng nên huyền tích. Đó là khi anh nông dân thổ cán rựa xuống một viên đá (cách làm khi tra lưỡi vào cán), viên đá vỡ và vọt ra những tia máu làm dân làng kinh sợ bèn mai táng lại dưới gò. Chùa Phật Lồi được người Pháp khai quật và những “tượng phật” là gồm: Garudas, Apsaras, Dvarapala và Linga (11)còn chùa Bụt Mọc thì “bụt” đã được Cadière xác nhận là “một bàn tay của tượng Chàm cũ”, “chính giữa chỗ tay cầm là một cái gậy hình trụ như thể cầm một thanh kiếm bị gãy. Chỗ cái gậy hình trụ này như là đoạn cuối của một dụng cụ được trang trí theo mô típ bốn ngọn lửa hình lá(12) .”

Trong truyền thuyết về đảo Cồn Cỏ và động Lòi Reng ở vùng Vĩnh Linh thì ông Thồ Lồ là biến tướng của bà Nữ Oa hay Sơn Tinh nhưng việc “lấp biển vá trời” của ông lại không thành vì chiếc đòn gánh gánh đất bị gãy nên mới có động Lòi Reng, đảo Cồn Cỏ, Rú Lịnh. Môtíp này là câu chuyện thuần Việt. Thế nhưng, những bước chân của ông Thồ Lồ đi trên vùng đất bazan lún sâu xuống lòng đất thì đấy được xác định là những giếng Chàm. Cái mớ bùi nhùi mà ông dùng lấy lửa trở thành Rú Lịnh (một khu rừng nguyên sinh) trong đó có khe Mài Rạ là công trình dẫn thuỷ của người Chàm thì chưa đáng kể lắm, nhưng mà hai hòn đá mà ông dùng đánh lửa ở Vĩnh Lâm đích thị là những bệ thờ từ tháp Duy Viên. Cũng vậy, ở động Cồn Tiên (Do Linh) thì tảng đá mà các tiên ông thường xuống đánh cờ là chưa thể quả quyết được điều gì vì đến nay nó đã không còn tìm thấy; nhưng những ao ước tiên nữ thường xuống tắm thì đấy là một hệ thống giếng cổ có một không hai ở Việt Nam với sự tranh cãi còn chưa ngã ngũ mà trong hành trình đi tìm chủ nhân đã có nhiều ý kiến cho là của người Chàm (13) . Những sự tích như đã dẫn ra đại loại như thế còn rất nhiều không thể kể hết.

Thế mới biết tích truyện từ những gì liên quan đến văn hoá Chàm mà người Quảng Trị tạo ra cũng càng lúc càng tăng dần tốc độ. Cái có thể nhìn thấy được (khá rõ) và có nét gần gũi với nhận thức của mình thì dựng thành những vị thần (nhân thần hoặc thiên thần). Cái cảm giác mập mờ với vẻ bí ẩn đôi chút thì tạo ra thành những bụt (Phật). Cao hơn nữa, những gì không thể biết được của ai, thuộc về không gian, thời gian nào và hoàn toàn xa lạ với cách nghĩ, cách hình dung của mình thì đấy là tiên (cõi trời).

Lần lại những tích truyện đề cập đến vấn đề lý giải nguồn gốc các di tích Chàm của người Việt ở Quảng Trị có thể hình dung theo hai hướng: Một hướng là theo các địa điểm vốn là không gian tồn tại nguyên thuỷ của các công trình (hoặc còn nguyên trạng hoặc đã trở thành phế tích) mang dấu ấn Chàm; một hướng khác là theo các đối tượng thần (hoặc nguyên bản là thần hoặc từ những thành phần kiến trúc, điêu khắc) mà người dân Việt ở các địa phương đã phát hiện trong quá trình tạo lập xóm làng. Cả hai hướng thực ra cũng chỉ là quá trình huyền thoại hoá nhằm thiêng hoá những vật được người Việt phụng thờ mà gốc gác của nó là những di vật văn hoá Chàm.

Vậy nên, song hành với việc xây dựng các đền miếu thờ phụng các di sản vật chất của tiền chủ với một ý thức trân trọng là sự củng cố niềm tin của mình bằng cách tạo ra các sự tích nhằm giải quyết những vấn nạn nằm ngoài ý muốn của người Việt. Lớp người mới đến trên vùng đất này vì lo ngại sự tác động ngược trở lại về mối hậu họa siêu hình hơn là sự giao lưu tự nguyện đã buộc phải có thái độ ứng xử biết điều đối với người thất bại trên cõi thiêng liêng. Do vậy, phải giữ cái của người khác trong cái của mình như là một hèm đa hợp để giải quyết về mặt tâm lý. Trong cuộc hành trình phức tạp đó, các huyền tích được Việt hoá về những gì liên quan đến sản phẩm văn hoá Chămpa đã ra đời.                                          

 


(1) A. Laborde. La province4 de Quang Tri. B.A.V.H, 1921.

(2) Theo: Nguồn gốc làng Câu Nhi trong cuốn Văn học dân gian Quảng Trị, Sở Văn hoá - Thông tin và thư viện Quảng Trị xuất bản, 1992, tr.36.

(3)  Theo: Thi thiên tự - Bản văn chép về sự trạng của các bậc tiền bối làng Câu Nhi, bản dịch của Hoàng Văn Tánh, tháng 12 - 1995.

(4)Dưong Văn An: Ô Châu Cận Lục, bản dịch của Sài Gòn, 1962, tr.44.

(5)Xem: Hồ Quốc Hùng: Văn học dân gian Triệu Hải (phần sự tích, địa danh, làng xã và truyền thuyết), Sở Văn hoá – Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản, 1988.

(6) Tạ Chí Đại Trưòng: Dấu Vết thuỷ lợi sử dụng chất liệu đá xếp ở vùng Do Linh, Tạp chí Văn Lang, số 2  -1991, California, USA.

(7) Dẫn theo: Di tích lịch sử - Văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hoá - Thông tin và Bảo tàng Quảng Trị xuất bản, 1995, tr.109.

(8) Theo Dương Văn An: Ô Châu Cận Lục, bản dịch của Sài Gòn, 1962, tr.67.

(9) L.Cadière: Monument et souvenir Chams du Quang Tri et du Thua Thien, Bulletin de l E cole Francais d’ Extreme Orient,1905, tr.18.

(10) Xem Yến Thọ: Thánh địa Châu Ô, Tạp chí Văn Hoá Quảng Trị, số 10 - 1993.

(11)  Xem: Văn học dân gian Quảng Trị, Sở Văn hoá - Thông tin và Thư viện Quảng Trị xuất bản, 1992, tr.47

(12) Sđd, tr.44.

(13). Xem:H.Parmentier: Inventaire deseriptif des monuments Chams de IlAnnam, Hà Nội, 1918, tr.526, 527.

 

L.Đ.T

LÊ ĐỨC THỌ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 292 tháng 01/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

12 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

12 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

12 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

12 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground