Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

40 năm gặp lại

C

hiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng những ký ức về nó không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của người dân đất Việt. Để bây giờ, mỗi câu chuyện thời chiến tranh kể lại vẫn luôn mang đến cho chúng ta nhiều điều thật thiêng liêng, ý nghĩa. Câu chuyện tôi ghi lại sau đây cũng vậy, giống như cổ tích trong hàng triệu câu chuyện cổ tích mà dân tộc chúng ta đã viết nên từ lịch sử. Đó là cuộc hội ngộ của một người lính cụ Hồ từng chiến đấu trên quê hương Quảng Trị với đôi vợ chồng tại xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng...

Hơn 40 năm về trước, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc ta đang trong giai đoạn quyết liệt nhất, sự sống và cái chết luôn song hành trong mỗi bước chân hành quân của người lính chiến đấu vì quê hương đất nước. Năm 1968, anh bộ đội Nguyễn Đình Yên, 25 tuổi, quê ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, thuộc trung đoàn 812, sư đoàn 324 đã tham gia chiến đấu tại chiến trường Hải Lăng. Trong một lần đi trinh sát vào ban đêm, anh rơi vào ổ phục kích và bị thương nặng. Anh được du kích xã Hải Vĩnh cõng vào trú ẩn ở một gia đình địa phương. Hải Vĩnh lúc này là vùng kháng chiến, nên Mỹ ngụy càn quét, truy lùng Việt cộng rất gắt gao. Vết thương nặng khiến anh Yên mê man bất tỉnh mấy giờ liền. Khi tỉnh dậy, anh thấy mình đang nằm trên chiếc chõng tre, đầu kê lên một chiếc gối màu hồng trong căn nhà lụp xụp. Ở đó, có một đôi trai gái rất trẻ đang ngồi tỉ mỉ rửa nước muối lên vết thương cho anh. Những cơn đau liên hồi khiến anh Yên lúc tỉnh lúc mê nhưng vẫn kịp nghe những tiếng người con gái sụt sùi: “Anh ơi, nhà mình không có bông băng, hay em xé chiếc áo cưới mới vẫn còn sạch để băng cho anh ấy. Máu ra nhiều quá, em sợ anh ấy không qua khỏi...”. Nghe vợ nói vậy, người chồng dỗ dành : “Chiếc áo dành dụm mãi mới may cho em mặc ngày cưới, giờ xé đi thì anh thương em lắm!”. “ Em mặc vậy là thỏa mãn rồi, giờ dùng nó để băng bó vết thương cứu bộ đội, với em càng thật có ý nghĩa...” Nói rồi, người vợ trẻ xé toạc chiếc áo để băng lại vết thương cho anh bộ đội. Anh Yên tuy không cử động được nhưng trên gò má đã lăn dài hai dòng nước mắt của lòng biết ơn, cảm phục. Hai vợ chồng trẻ thay nhau chăm sóc anh cho đến quá nửa đêm. Trong nhà lúc này chỉ có một chiếc giường tre, có lẽ là nơi duy nhất cho đôi vợ chồng đêm tân hôn. Nhưng không nỡ để anh bộ đội bị thương nằm dưới đất, hai người đã nhường cho anh nằm trên chiếc giường ấy. Vậy là, trên chiếc giường nhỏ có ba con người nằm cạnh nhau trong tình quân dân thắm thiết. Mê man vì cơn đau hành hạ, anh Nguyễn Đình Yên vẫn kịp nghe người vợ trẻ nói với chồng : “ Anh ạ, dù cho chúng mình không có đêm tân hôn nhưng cứu sống được anh bộ đội, coi như đó là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời rồi phải không anh?”. Chính câu nói đó đã hằn sâu trong tâm khảm anh Yên, với một lòng kính phục và biết ơn vô hạn trước sự hy sinh hạnh phúc riêng tư để cứu sống mình.

Gần sáng, địch bắt đầu đi lùng sục từng ngôi nhà để truy lùng bộ đội trú ẩn. Hai vợ chồng vội vã đưa anh Yên xuống hầm bí mật ở bên vườn. Người vợ trẻ kiên quyết đẩy chồng xuống hầm còn chị ở lại lo đối phó với địch. Sau này mới biết, người chồng cũng là cán bộ cách mạng hoạt động nằm vùng, nên phải tránh xuống hầm không sẽ bị lộ; lại vừa có thể bảo vệ cho anh bộ đội. Vừa kịp xuống hầm cũng là lúc nghe thấy tiếng quát nạt inh ỏi của nhiều tên lính ngụy. Người vợ một mực trả lời không biết và kèm theo đó là những tiếng tát tai bôm bốp. Tra hỏi không thu được gì, mấy tên lính bật lưỡi lê bắt đầu xăm xoi từng mét đất quanh nhà để phát hiện hầm bí mật. Thật không may, sau một hồi tìm kiếm, chúng phát hiện ra căn hầm nơi hai người đang ẩn nấp. Sau một hồi kêu gọi đầu hàng mà không thấy động tĩnh, bọn lính đùn đẩy nhau xuống hầm nhưng chẳng tên nào dám. Một tên vội rút ba quả lựu đạn, bật chốt và ném vội xuống hầm. Từng tiếng nổ chát chúa làm nắp hầm bị sụp xuống hoàn toàn. Cũng thật may là căn hầm được thiết kế có vách ngăn và ngách sâu đi vào trong, lại có lỗ thông hơi nên cả hai người không bị nguy hiểm đến tính mạng. Thấy lựu đạn nổ, tim người vợ như thắt lại nhưng chị vẫn cố kìm nén để bọn lính không phát hiện ra. Sau khi tụi lính bỏ đi, chị vội chạy đến hầm đào lấy đào để, gần ba mươi phút mới biết chồng và người bộ đội vẫn an toàn. Cả hai vợ chồng ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Người vợ sau đó đem anh Yên vào nhà băng bó lại vết thương còn anh chồng ra sửa lại căn hầm để làm nơi trú ẩn lần sau. Gần một tháng trời, anh Yên được hai vợ chồng chăm sóc chu đáo trong tình thương bao la, vô hạn. Nhiều khi, vừa đút sắn cho anh ăn, người vợ vừa sụt sùi khóc : “Thương bộ đội quá, nhưng nhà chẳng còn hột gạo để ăn, thôi anh ráng ăn cho khỏe để về đơn vị”. Nhưng trong điều kiện không có đủ thuốc men, vết thương của anh Yên có dấu hiệu bị nhiễm trùng nên sức khỏe dần giảm xuống. Lo cho anh bộ đội không qua khỏi, hai vợ chồng bàn nhau phải tìm cách đưa anh ra căn cứ để chữa trị. Ban đêm, người chồng bí mật tìm bắt liên lạc với đơn vị của anh Yên.  Lúc chuyển đi, anh Yên do xuống sức nên đã mê man, không kịp hỏi tên đôi vợ chồng trẻ, chỉ mơ màng nhớ tên người chồng là Trí hay Dục gì đấy! 

*  *  *

Sau khi ra căn cứ, do vết thương nặng nên anh Nguyễn Đình Yên được tiếp tục chuyển ra Bắc điều trị cho đến khi chiến tranh kết thúc. Hiện giờ anh là thương binh hạng 2/4. Thời gian cứ trôi đi, vết thương chiến tranh cũng đã lành nhưng nỗi lòng về đôi vợ chồng đã cứu mạng anh năm nào vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí, khiến anh không lúc nào ngơi nghĩ về mảnh đất Hải Vĩnh. Nhưng do thời gian đã lâu, hơn nữa lúc đó anh đang bị thương nên trí nhớ về cái tên của đôi vợ chồng đã cứu giúp mình cũng như địa chỉ cụ thể rất mơ hồ. Đất nước vừa thống nhất, lúc mới trở về quê hương, anh Yên vội viết ngay một bức thư gửi về Hải Vĩnh. Trong bức thư anh kể lại câu chuyện của mình với hi vọng tìm lại được ân nhân ngày nào. Rồi lá thư thứ hai, thứ ba...đến lá thư thứ mười.... mà không một lần thấy hồi âm trở lại. Mỗi lá thư anh đều đề mỗi tên khác nhau với chút hi vọng mong manh đó chính là tên của đôi vợ chồng trẻ nhưng vẫn không thành công. Cuộc sống hiện tại còn khó khăn nên anh Yên chưa có điều kiện vào Quảng Trị lần tìm lại. Cuối năm 2004, anh Yên gửi tiếp một bức thư với chút hi vọng cuối cùng. Thật may, trời không phụ lòng người, bức thư ấy lại đến tay ông Tiện. Vậy là, hai người đã bắt liên lạc được với nhau. Đầu năm 2005, ông Yên cùng người con lên xe vào Quảng Trị, tự tìm đường dò hỏi về thôn Lam Thủy, xã Hải Vĩnh huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị đến đúng căn nhà nơi anh đã sống với bao kỉ niệm. Cuộc hội ngộ diễn ra trong nước mắt cùng niềm chung vui của bà con chòm xóm. Thật không ngờ sau gần 40 năm, người bộ đội năm xưa lại tìm thấy được ân nhân của mình. Bây giờ gặp lại, anh bộ đội Nguyễn Đình Yên cũng đã bước sang tuổi 60 còn ông Tiện tóc cũng gần bạc trắng. Lúc gặp lại, ông Yên đã quỳ sụp xuống trước ân nhân của mình để tạ ơn và hai người đã kết nghĩa làm anh em từ đó. Nhưng, niềm vui hội ngộ vẫn thiếu một người, khi bà Lê Thị Đờn, người vợ trẻ năm nào đã mất cách đó gần mười năm. Người cựu chiến binh Nguyễn Đình Yên không cầm được nước mắt. Gần bốn mươi năm gặp lại mới biết tên họ đầy đủ của đôi vợ chồng ân nhân đã cứu sống mình. Nhưng một người đã đi về cõi khác. Ông Tiện hồi kể lại : “Khi những người du kích đưa bộ đội Yên qua đồi cát phía trên làng thì tôi nghe có tiếng súng nổ chát chúa, cùng tiếng la hét và pháo sáng bắn rực cả vùng. Vợ chồng tôi cứ nghĩ chắc anh Yên không thoát khỏi vòng vây. Nên sau này, tôi lập một bàn thờ trong vườn để tưởng nhớ về anh cũng như hương khói cho một số liệt sĩ đã hi sinh quanh nhà trong chiến tranh...Ai ngờ, đã mấy mươi năm rồi, chúng tôi lại được gặp nhau, thật ngỡ như một giấc mơ cháu ạ!”. Khi nhắc đến người vợ của mình, ông Tiện bồi hồi : “Khoảng thời gian sau khi bộ đội Yên đi, vợ tôi không biết bao nhiêu lần bị địch bắt lên đồn tra khảo, đánh đập, bỏ tù nhưng bà vẫn không khai nửa lời, kể cả lúc mang bầu đứa đầu tiên, chúng vẫn không tha. Bà vẫn kiên định, vừa nuôi nấng con khôn lớn vừa chăm sóc cho tôi lúc đang hoạt động bí mật”. Chiến tranh kết thúc, vợ chồng ông Tiện lần lượt hạ sinh sáu người con và bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Năm 1992, bà Lê Thị Đờn qua đời vì tuổi già sức yếu, để lại cho chồng sáu người con đang tuổi ăn tuổi lớn. Năm 1995, ông Tiện đi thêm bước nữa. Người vợ thứ là con gái của một người mẹ đã từng nuôi giấu ông trong những năm chiến tranh, thương ông cảnh gà trống nuôi con nên đã tự nguyện về chăm sóc ông khi tuổi đã bắt đầu xế chiều.

Chia tay gia đình ông Tiện, tôi đi giữa con đường làng cánh đồng xanh mướt và nghĩ mãi câu chuyện cổ tích mà vợ chồng ông Tiện cùng người cựu chiến binh Nguyễn Đình Yên viết nên mà lòng cảm thấy vui mừng và tự hào. Hơn 40 mươi năm rồi và có lẽ mãi mãi về sau câu chuyện ấy sẽ khắc sâu một bài học quý về tình đất nước, tình quân dân, nghĩa vợ chồng và sự bất khuất của mỗi người dân đất Việt.

H.Q.T

Hoàng Quốc Tiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 175 tháng 04/2009

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground