Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

75 năm Văn học Nghệ thuật Quảng Trị đồng hành cùng quê hương, đất nước

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá, văn học, nghệ thuật, ngay từ khi ra đời, với Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930, Đảng ta đã đề ra chủ trương phải phát triển nền văn hoá dân tộc. Năm 1943, khi nước nhà chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra “Đề cương về Văn hoá Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo.

Lãnh đạo Hội VHNT tỉnh chúc mừng nghệ nhân Nguyễn Thanh Hồng đón mừng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú tại Vĩnh Linh - Ảnh: H.T.T

Lãnh đạo Hội VHNT tỉnh chúc mừng nghệ nhân Nguyễn Thanh Hồng đón mừng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú tại Vĩnh Linh - Ảnh: H.T.T

Có thể nói đây là cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng về văn hoá, văn học, nghệ thuật. Sau chiến thắng thu - đông 1947, phá tan hai gọng kìm của quân Pháp hòng “cất vó” cơ quan đầu não kháng chiến của ta, Trung ương tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 7/1948 tại Đào Dã, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương chủ trì Hội nghị. Tại Hội nghị này, đồng chí Trường Chinh trình bày bản báo cáo quan trọng Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam. Kết quả của Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 7/1948 tạo tiền đề về nhận thức tư tưởng, chính trị, nhận thức để thành lập một tổ chức mới làm nòng cốt cho mặt trận văn hóa kháng chiến. Với chủ trương đó, trong ba ngày 25, 26, 27 tháng 7 năm 1948 tại làng Dọc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức với sự có mặt của trên 80 đại biểu trong cả nước. Hội nghị quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngày nay) thông qua Điều lệ Hội và bầu cơ quan lãnh đạo gồm 17 người, đại diện cho phong trào văn nghệ kháng chiến cả nước, do nhà văn Nguyễn Tuân là Tổng thư ký, nhà thơ Tố Hữu là Phó Tổng thư ký. Với các quyết định lịch sử, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất được xem như một Đại hội.

Như vậy là, sau 5 năm Hội Văn hóa Cứu quốc 1943 (tổ chức văn hóa cách mạng đầu tiên ra đời từ trong bí mật), một tổ chức mới của văn học, nghệ thuật (VHNT) kháng chiến toàn quốc đã được thành lập, nhận lãnh trách nhiệm là một mặt trận VHNT đoàn kết, sáng tạo, phụng sự Tổ quốc, phụng sự kháng chiến, phụng sự Nhân Dân. Trong mặt trận ấy, mỗi văn nghệ sĩ tự đứng vào một vị trí, tự gánh lấy một trách nhiệm, tự làm đầy một lẽ sống.

Trải qua 75 năm sống và sáng tạo trong lòng cuộc kháng chiến hùng vĩ của Nhân Dân, các thế hệ văn nghệ sĩ nước ta đã xây dựng thành công nền VHNT cách mạng, yêu nước, dân tộc, nhân văn, khoa học và hiện đại, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là nền VHNT kết hợp nhuần nhụy lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ trong khát vọng sáng tạo vì Tổ quốc. Một nền văn nghệ phát triển hài hòa, giữa kế thừa và phát triển, vừa phấn đấu đưa các loại hình truyền thống của dân tộc lên một tầm cao mới, vừa xây dựng những chuyên ngành nghệ thuật mới đáp ứng yêu cầu hội nhập thế giới… Một nền VHNT luôn coi cuộc sống vĩ đại của Nhân Dân là đối tượng sáng tạo, nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết và lâu dài là xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong các mối quan hệ riêng và chung, cá nhân và cộng đồng, gia đình và Tổ quốc, dân tộc và thời đại. Đó là nền VHNT thống nhất trong đa dạng kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em. Một nền VHNT kết tinh tài năng và tâm huyết của các thế hệ văn nghệ sĩ, góp phần quan trọng hình thành hệ giá trị của nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đã có biết bao nhiêu tên tuổi sáng giá tô đậm thêm tên núi tên sông của Tổ quốc với nhiều tác phẩm VHNT trở thành niềm tự hào vinh quang về những năm tháng không thể nào quên.

Năm tháng trôi qua, song những gì mà các thế hệ văn nghệ sĩ để lại qua 75 năm là kho báu tinh thần vô giá làm nên sức mạnh của quá khứ tiếp sức cho mỗi bước đi của đất nước và con người hôm nay và mai sau. Trong dòng hồi ức về những năm tháng tự hào thắm tình đồng chí đồng nghiệp, tất cả không ai bị lãng quên, không có gì bị quên lãng. Chúng ta xúc động tưởng nhớ và biết ơn nhà thơ Tố Hữu, người được Đảng giao phụ trách nhiều năm công tác tư tưởng văn hóa, tưởng nhớ biết ơn các nhà văn Nguyễn Tuân, Đặng Thai Mai, nhà thơ Huy Cận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Trần Hoàn, họa sĩ Vũ Giáng Hương, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, là những vị Tổng thư ký và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã có công lao to lớn đóng góp tài năng và tâm sức cho sự phát triển chung của Liệp hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Đồng hành trên dặm dài lịch sử, VHNT của cả nước, văn học nghệ thuật Quảng Trị đã đánh dấu những mốc son chói sáng góp phần làm nên diện mạo một vùng đất trải qua chiến tranh khốc liệt nhưng rất đỗi tự hào. Chặng đường 75 năm, với các tên gọi và các phương thức tổ chức, hoạt động khác nhau, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị được thành lập và lớn mạnh theo thời gian. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhóm văn nghệ Nguồn Hàn đã tạo dựng và quy tụ những tên tuổi như: Chế Lan Viên, Hồng Chương, Vĩnh Mai, Dương Tường... khai mở dòng văn nghệ mới. Họ không chỉ khơi nguồn sáng tạo mãnh liệt phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng mà còn thu hút, vẫy gọi những cây bút mới tham gia tích cực vào cuộc chiến đánh đuổi giặc thù. Lớp văn nghệ sĩ chủ chốt này thực sự là ngọn đuốc truyền kỳ tiếp lửa cho đội ngũ hùng hậu trưởng thành trong chống Mỹ, cứu nước. Chính tọa độ lửa luôn khét mùi thuốc súng của tuyến đầu Quảng Trị đã in đậm dấu ấn trên những trang viết vừa khốc liệt vừa hào sảng, vừa đau đớn vừa khỏe khoắn trước cái giá máu xương để đổi lấy độc lập tự do. Đội hình nghệ sĩ giai đoạn này mặc nhiên trở lên đông đảo, ngoài những gương mặt sở tại, còn có sự hiện diện của văn nghệ sĩ các thế hệ trong nước đến với chiến trường nóng bỏng Quảng Trị.

Sau hiệp định Giơnevơ 1954, Quảng Trị bị chia cắt bởi dòng sông Bến Hải – Vĩ tuyến 17. Đặc khu Vĩnh Linh là tiền đồn chủ nghĩa xã hội, lực lượng văn nghệ sĩ nơi đây hoạt động hết sức sôi động, động viên sức người, của cải, phương tiện xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Đội quân văn nghệ sĩ ở chiến trường Quảng Trị đã hăng hái tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện chiến tranh, động viên thúc giục quân dân tỉnh nhà cùng cả miền Nam chiến đấu anh dũng, lập nên những chiến công lẫy lừng như: Đường Chín - Khe Sanh, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Thành Cổ... Sau ngày thống nhất đất nước tỉnh Quảng Trị sáp nhập với tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên, Hội Văn học Nghệ thuật cũng thống nhất làm một. Đây là thời kỳ VHNT hội tụ sức mạnh, tiềm năng, khả năng, sức sáng tạo mới. Đã xuất hiện nhiều tài năng văn nghệ và nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Văn nghệ sĩ đã đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả nặng nề chiến tranh để lại, lao động sáng tạo, kiến thiết, xây dựng và phát triển.

Sau khi tỉnh nhà lập lại năm 1989, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh được thành lập theo Quyết định số 708QĐ-UB ngày 18/11/1992 của UBND tỉnh Quảng Trị. Là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, Hội trở thành ngôi nhà chung của những người lao động sáng tạo tự nguyện vì mục tiêu lớn lao dân giàu, nước mạnh, vì sự tươi sáng của xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”, vì một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Hội Văn học Nghệ thuật - một mặt luôn đặt nhiệm vụ tập hợp đội ngũ nghệ sĩ nhận lãnh sứ mạng cao cả phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân Dân và phục vụ cách mạng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng; mặt khác, thường xuyên tổ chức thực hiện các hoạt động sáng tác, biểu diễn, triển lãm, sưu tầm nghiên cứu VHNT cùng với việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về các lĩnh vực chuyên ngành cho hội viên. Hội chú trọng hỗ trợ đầu tư chiều sâu để kích thích nội năng sáng tác của các cây bút tích cực năng sản. Luôn động viên phong trào cả bề rộng lẫn chiều sâu thông qua các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác và không ngừng tìm kiếm, phát hiện những cây bút mới, cây bút trẻ triển vọng kết nạp vào Hội.

Điều đáng ghi nhận về một minh chứng sống động cho gương mặt văn nghệ tỉnh nhà là Tạp chí Cửa Việt thuộc Hội Văn học Nghệ thuật ra đời. Tạp chí Cửa Việt đã trở thành diễn đàn chính thức của văn nghệ sĩ Quảng Trị, là nơi ươm mầm cho nhiều tài năng sáng tạo của quê hương. So với chiều dài 75 năm, Tạp chí Cửa Việt ra đời muộn nhưng đã đáp ứng phần nào yêu cầu phát triển và đổi mới. Tạp chí còn đảm nhận chức năng sưu tầm, nghiên cứu giới thiệu bản sắc văn hóa Quảng Trị đến với bạn đọc cả nước và quốc tế. Từ đây mọi giá trị truyền thống văn hóa và hiện thực đời sống đã được hội tụ và lan tỏa.

75 năm đồng hành với sự phát triển của đất nước quê hương, một chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc đã được văn chương hóa, nghệ thuật hóa với những tài nghệ đặc biệt cùng với các loại hình VHNT đã làm nên sức mạnh tinh thần một cách thuyết phục khi nhìn lại đội ngũ văn nghệ sĩ trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ đổi mới với những tác phẩm có giá trị chân, thiện, mỹ. Văn học, nghệ thuật Quảng Trị tiếp tục có bước phát triển mới đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện sáng tác văn học, lý luận, phê bình, trình diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, kiến trúc và quảng bá tác phẩm hết sức sinh động.

Đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Trị ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, từ chỗ vỏn vẹn chưa đến chục người thời chống Pháp, đến nay đã có 243 hội viên, trong đó có 79 hội viên các chuyên ngành Trung ương. Những cái tên nổi tiếng cả nước và quốc tế biết đến trước đây như: Nhà thơ Chế Lan Viên, Nghệ sĩ Nhân dân Châu Loan, Nhạc sĩ Trần Hoàn, Nghệ sĩ Ưu tú Tân Nhân… thì hiện nay xuất hiện nhiều tên tuổi rất tài năng được cả nước yêu mến. Đặc biệt, các hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị qua các thời kỳ vinh dự có cố Nhà văn Xuân Đức được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 5 hội viên được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật là: Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nguyên Trưởng ty Văn hóa - Thông tin, nguyên Tổng thư ký Hội Văn học Nghệ thuật  Quảng Trị, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt; nhà thơ Lê Thị Mây, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt, nghệ sĩ Nhiếp ảnh Sĩ Sô, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật và họa sĩ Trịnh Hoàng Tân, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, Phân hội trưởng Mỹ thuật thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị. Hội cũng đã có 2 hội viên được nhà nước tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân là: Xuân Đàm và Kim Quý. Hội còn vinh sự có 9 nghệ sĩ Ưu tú, 7 Nghệ nhân Ưu tú. Ngoài ra, Hội Văn học Nghệ thuật còn có các văn nghệ sĩ xuất sắc, đóng góp lớn như: Nhạc sĩ Lê Anh, cố nhà điêu khắc Hồ Uông, cố nhạc sĩ Lê Quang Nghệ, cố Nghệ nhân Ưu tú Ái Chủng, cố Nghệ sĩ Ưu tú Sỹ Cừ, cố nhà văn Cao Hạnh...

Bước vào thời kỳ đổi mới mang theo hành trang kinh nghiệm dồi dào, đầy ắp tinh thần đổi mới, sáng tạo và bầu nhiệt huyết để viết nên trang sử mới với khát vọng cháy bỏng, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị đồng sức đồng lòng làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt sâu sắc tới hội viên quan điểm của Đảng về VHNT trong tình hình mới. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực sáng tạo, đạo đức nghề nghiệp cho các văn nghệ sĩ. Khích lệ động viên hội viên sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng, đạo đức, nghệ thuật cao, thấm đẫm giá trị chân - thiện - mỹ; những tác phẩm có chiều sâu, có tính định hướng, dự báo và phản ánh sinh động cuộc sống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần phong phú của các tầng lớp Nhân Dân trên địa bàn tỉnh và đóng góp cho sự nghiệp VHNT nước nhà.

Đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực, chủ động, nhạy bén, sáng tạo tổ chức hiệu quả các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT; tích cực tham gia sáng tác các tác phẩm có giá trị ca ngợi đất nước, quê hương và Nhân Dân anh hùng; có nhiều tác phẩm chất lượng chứa đựng nội dung và nghệ thuật nêu cao tinh thần đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đặc biệt quan tâm khai thác chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện các nhiệm vụ chính trị, những thành tựu đạt được trong phát triển KT - XH; đảm bảo quốc phòng - an ninh; đề tài nông nghiệp, nông thôn, nhất là phát triển sản xuất hàng hóa, xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh; chủ đề Đất và Người Quảng Trị. Tích cực tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chú trọng bảo tồn VHNT đỉnh cao; quan tâm hơn nữa lĩnh vực lý luận phê bình và văn nghệ các dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng Tạp chí Cửa Việt trên cơ sở giữ vững định hướng của Đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, là tiếng nói của Hội, là diễn đàn văn học, nghệ thuật của tỉnh nhà.

Yêu cầu đặt ra là phải chú trọng củng cố tổ chức Hội văn học Nghệ thuật xứng đáng là ngôi nhà chung, là chốn đi về của hội viên, là nơi tin cậy gửi gắm tình yêu thương. Quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội; phát hiện, tập hợp, xây dựng, đào tạo đội ngũ tác giả, nhất là tác giả trẻ, tác giả người dân tộc thiểu số. Tăng cường gắn kết hoạt động của Hội với cộng đồng; phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương; hợp tác với Hội các tỉnh bạn để đa dạng hóa và làm phong phú hơn hoạt động của Hội.

Bằng niềm tin mãnh liệt, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh với đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, tâm huyết sẽ tiếp tục phát huy bề dày truyền thống 75 năm qua ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp quan trọng, có sứ mệnh cao cả góp phần phát triển nền VHNT cách mạng Việt Nam và xây dựng tỉnh Quảng Trị ngày càng giàu đẹp.

NGUYỄN VĂN DÙNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 346

Mới nhất

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng bồi đắp, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước*

8 Giờ trước

TCCVO - Chiều ngày 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt.

Mây về thành phố

14 Giờ trước

Tôi làm đơn xin nghỉ phép để vào bệnh viện chăm chú Ngụ. Không gói ghém gì nhiều, chỉ cần bỏ vào túi cái khăn mặt, chai dầu gội, bàn chải đánh răng và một vài đồ dùng để phòng khi cần đến. Nhà tôi cách bệnh viện bốn cây số, cách nhà chú Ngụ năm cây, nó nằm trên hai trục đường khác nhau.

Dọn nhà cuối năm

14 Giờ trước

Đã thôi những cơn mưa dai dẳng, chỉ thi thoảng mới có vài thoáng phùn như là mưa xuân buổi sáng sớm, tới trưa hửng chút nắng kéo tận chiều. Xuân tới rõ ràng từ độ giữa tháng chạp.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2025

01/01/2025 lúc 17:24

TCCVO - Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới 2025, tối 31/12/2024, tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Quảng Trị

Lễ hội Vì hòa bình 2024: Giá trị nhân văn để tiến vào kỷ nguyên mới

31/12/2024 lúc 09:36

 Năm 2024, dấu ấn đậm nét nhất trên mảnh đất Quảng Trị là lễ hội Vì hòa

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/01

25° - 27°

Mưa

05/01

24° - 26°

Mưa

06/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground