Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 10/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bến đò Tùng Luật - Di tích cấp Quốc gia đặc biệt

Bến đò Tùng Luật thuộc thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh; cách cầu Hiền Lương 7 km về phía đông và cách cầu Cửa Tùng 2 km về phía tây. Bến đò Tùng Luật còn có tên là Bến đò B - một mật danh xuất phát từ yêu cầu phục vụ chiến trường miền Nam trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Di tích Bến đò B bên sông Bến Hải - Ảnh: Bảo Ngọc

Di tích Bến đò B bên sông Bến Hải - Ảnh: Bảo Ngọc

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (tháng 7/1954), vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải trở thành giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc, thôn Tùng Luật nằm trong khu vực phi quân sự thì bến đò Tùng Luật - Xuân Mỵ trở thành một trong 10 điểm được phép công khai qua lại thăm hỏi, giao lưu của nhân dân đôi bờ.

Từ sau năm 1958, Mỹ - Diệm tuyên bố khoá tuyến, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử, tăng cường phá hoại Hiệp định Genève, dồn dân vào các trại tập trung, xây dựng các căn cứ quân sự; đưa thêm lực lượng cảnh sát ra các đồn ở khu vực phi quân sự với mục tiêu xây dựng phòng tuyến nam sông Bến Hải để thực hiện kế hoạch “Lấp sông Bến Hải - Bắc tiến” thì tất cả các đường qua lại trên đường giới tuyến đều chấm dứt mọi hoạt động công khai.

Trước tình hình đó, Bến đò Tùng Luật trở thành một trong những điểm bí mật trong đường dây vận tải vượt tuyến làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, bộ đội, thương binh, dân công và vũ khí đạn dược sang bờ nam để phục vụ chiến trường, hỗ trợ và thúc đẩy phong trào cách mạng ở bắc Quảng Trị.

Từ cuối năm 1965, toàn khu vực Vĩnh Linh thành lập một Trung đoàn, mỗi xã thành lập một Trung đội vận tải sẵn sàng phục vụ tiền tuyến với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam thân yêu”. Thường vụ Đảng uỷ khu vực Vĩnh Linh thành lập Ban B do Phan Du phụ trách đóng tại xã Vĩnh Hiền. Đây là cơ sở đảm bảo vật chất trực tiếp cho Tỉnh uỷ Quảng Trị và các huyện Gio - Cam. Tất cả lương thực, đạn dược được vận chuyển dưới đường hào, tập kết ở một số điểm ở bờ bắc, đợi chập choạng tối mới vượt sông qua bờ nam. Thương binh, tử sĩ từ bờ nam chuyển ra cũng đợi trời tối mới vượt sông Bến Hải... Đây là con đường ngắn nhất nối Vĩnh Linh với chiến trường Gio Linh, Triệu Phong, Đông Hà; Bến đò nằm sát khu vực dân cư, địa hình xen lẫn những đồi đất đỏ thấp, cây cối nhiều, lợi thế cho việc ém quân và tập kết hàng hóa. Bến đò cách Cửa Tùng (nơi sông Hiền Lương đổ ra biển) 2 km theo đường sông, rất thuận tiện cho việc vận chuyển tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Phần bờ bắc của bến đò nối liền với hệ thống giao thông hào và đường liên xã chằng chịt. Bờ nam thuộc xã Trung Giang nằm trong tuyến hành lang chiến lược đông Gio Linh, nối dải đồng bằng ven biển từ Vĩnh Linh vào đến Thừa Thiên Huế, đã được giải phóng trong những năm 1964 - 1965, nên trong 3 bến đò vượt tuyến trên sông Bến Hải thì Bến đò Tùng Luật được Bộ chỉ huy quân sự đặc khu Vĩnh Linh chọn làm điểm chiến lược.

Từ giữa năm 1967 đến đầu năm 1973, Bến đò Tùng Luật đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ và xã đội Vĩnh Giang. Tại đây, thường xuyên có một đại đội dân quân gồm 80 người (lúc cao điểm lên tới 111 người), phiên chế thành 4 phân đội: Phân đội chèo thuyền vượt sông, rà phá bom mìn; Phân đội vận tải, tiếp tế cho Cồn Cỏ; Phân đội bảo vệ pháo phòng không 12,7 ly và đại liên; Phân đội đào địa đạo, công sự, hầm hào, lán trại, tổ chức cứu thương, di chuyển thương binh, tử sĩ và tập kết hàng hóa. Ngoài ra, khi tình hình đột biến, yêu cầu vận tải tăng lên, bến đò còn nhận được sự hỗ trợ của các thôn xã lân cận.

Về phương tiện, ngoài số thuyền tự có của nhân dân và hợp tác xã Xuân Tùng; giai đoạn sau bến đò còn được Bộ Quốc phòng cấp 14 khoang phao ghép, Bộ Tư lệnh Hải Quân cấp 4 xuồng cao su, 1 thuyền gỗ, với tổng cộng trọng tải là 75 tấn. Để phục vụ chiến đấu và vận chuyển, tại bến đò có 2 hầm chữ A, mỗi hầm có từ 3 - 5 người, 1 lán dùng để phục vụ sinh hoạt. Xung quanh khu vực bến đò, một hệ thống hầm hào dày đặc được xây dựng, nối liên hoàn với không những toàn xã Vĩnh Giang mà còn với toàn khu vực Vĩnh Linh. Người và hàng hóa từ tuyến sau theo hệ thống giao thông hào này, tập kết ở bến đò được chừng nào thì cho qua chừng ấy, không để ùn tắc.

Về phương thức vận chuyển. Mọi hoạt động chỉ diễn ra ban đêm. Ban ngày thuyền được bỏ đá nhấn chìm xuống nước hoặc giấu nơi kín đáo. Mỗi thuyền nhỏ được bố trí 2 - 3 người, thuyền ghép bố trí 6 người. Để giảm thiểu thiệt hại, tại đây đã đưa ra một phương thức vận chuyển đảm bảo bí mật, an toàn. Mỗi lần vượt sông, có 2 chiếc đi trước vừa vận chuyển, vừa rà phá bom mìn. Lúc hai chiếc này ra giữa dòng, hai chiếc sau mới xuất phát. Trong trường hợp hai chiếc đầu gặp nạn, hai chiếc sau sẽ làm nhiệm vụ cứu hộ. Khi hai chiếc đầu cập bến thì hai chiếc sau ra đến giữa dòng, khi đó, nếu hai chiếc sau gặp sự cố thì hai chiếc đầu (đã là thuyền không) sẽ làm công tác cứu hộ.

Nhằm cứu vãn nguy cơ thất bại trên chiến trường Quảng Trị và ngăn chặn triệt để sự chi viện từ miền Bắc, từ đầu năm 1967 trở đi, Mỹ mở rộng quy mô chiến tranh phá hoại ở Vĩnh Linh - điểm nút cuối cùng của tuyến hành lang vận tải chiến lược trước khi vào Nam - không chỉ bằng không quân, hải quân mà cả bằng pháo binh. Mỹ tăng cường pháo 175 ly tầm xa từ căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu bắn ra, pháo 400 ly từ biển bắn vào, sử dụng các loại bom bi, napal, bom từ trường, thậm chí cả chất độc hóa học từ trên trời rải xuống… Trong 24 xã của Vĩnh Linh, có 23 xã bị đánh theo kiểu chà đi, xát lại nhằm hủy diệt, nặng nhất là các xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy… Hầu hết nhà cửa, ruộng vườn, cây cối, công trình kinh tế, văn hóa bị phá hủy… “Riêng tại Bến đò B, B.52 dội bom không biết bao nhiêu lần. Máy bay không cần bổ nhào, cứ đến tọa độ đã chấm sẵn trên bản đồ là bấm nút vứt bom xuống, pháo đã tính toán sẵn phần tử, chập tối bắt đầu bắn và bắn mãi cho đến sáng. Có thứ vũ khí gì mới Mỹ đem dùng ở đây đầu tiên: bom bi nổ chậm, pháo bi, pháo nổ ra mũi tên, thủy lôi, từ trường… Vĩnh Giang bị địch đánh ác liệt hơn bất cứ thôn xóm nào của Vĩnh Linh…”(1). Theo thống kê, trên diện tích chưa đầy 1.500 m2 của bến đò, địch đã huy động hơn 1.200 lần tốp máy bay phản lực với trên 3.200 lần ném bom, 7 lần dùng B.52 rải thảm, 3 lần dùng chất độc hóa học phát quang, hơn 1.500 lần pháo kích từ Cồn Tiên, Dốc Miếu, hạm đội 7. Bến đò đã hứng chịu hơn 12.000 quả bom, gần 700.000 quả đạn pháo các loại, có ngày địch bắn xuống bến đò hơn 1.200 quả pháo(2).

Bất chấp sự đánh phá khốc liệt có tính hủy diệt của kẻ địch, dân quân du kích Tùng Luật, với sự hỗ trợ của nhân dân Vĩnh Giang và các xã lân cận đã vừa bám trụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, vừa phải đảm bảo duy trì hoạt động chi viện cho các chiến trường. Có gia đình, hai, ba thế hệ cùng sánh vai, cầm chèo tải đạn. Cha ngã xuống con lên thay, anh hi sinh đã có em tiếp bước. Chỉ hơn 6 năm, tại bến đò này đã có hơn 40 người đã gửi lại một phần thân thể của mình, đặc biệt có 29 người con của Tùng Luật đã ngã xuống, máu thịt hòa cùng dòng sông…

Đối với chiến trường Bắc Quảng Trị, từ năm 1968 đến 1973, qua Bến đò B đã có hơn 78.000 chuyến đò qua lại, vận chuyển trên 1,5 triệu lượt bộ đội, gần 400.000 lượt dân công, gần 2 vạn đồng bào Quảng Trị vừa được giải phóng sơ tán ra Vĩnh Linh năm 1972 và hàng vạn tấn lương thực, vũ khí. Ngày cao điểm, Bến đò B đã thực hiện 145 chuyến, vận chuyển qua bờ nam hơn 21.000 người và hàng tấn vũ khí(3). Ngoài ra, cũng tại bến đò này đã chuyển tiếp 315 chuyến hàng từ Nghệ Tĩnh vào, chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Hầu hết các đơn vị chủ lực từ miền Bắc vào tham chiến trên chiến trường Quảng Trị đều qua lại bến đò này, như các Sư đoàn 308, 320, 324, Lữ đoàn 126 hải quân… Đó là chưa kể các đơn vị của E270, hàng ngàn lượt dân quân các xã vùng đông Vĩnh Linh vào tham gia phối hợp chiến đấu với các đơn vị chủ lực và nhân dân vùng giải phóng Quảng Trị. Những chiến công của hàng loạt trận đánh tàu trên sông Cửa Việt, làm tê liệt tuyến vận tải của địch chi viện căn cứ Khe Sanh năm 1968 phần lớn đều do những lực lượng chi viện xuất phát từ bến đò này. Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, ngoài việc vận chuyển người và vũ khí, Bến đò B còn đóng vai trò nghi binh, thu hút hỏa lực địch để xe tăng vượt Bến đò A vào chiến trường an toàn và sau đó tham gia phòng ngự giữ cảng Cửa Việt trước âm mưu tái chiếm của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đầu năm 1973...

Bến đò B là một trong những nơi xuất phát chính của tuyến vận tải chi viện cho đảo Cồn Cỏ. Từ năm 1965, trước yêu cầu chi viện “vị trí tiền tiêu” Cồn Cỏ trước sự bao vây, hủy diệt của Mỹ, với quyết tâm “Tất cả vì đảo”, “Còn đất liền còn đảo”, hàng chục người ở Tùng Luật đã viết 141 đơn, thậm chí có những lá đơn bằng máu, gửi lên Đảng ủy và Ban chỉ huy xã đội Vĩnh Giang đề nghị được tham gia phân đội tiếp viện Cồn Cỏ. Con đường từ đất liền ra đảo là “con đường máu”, trung bình 10 người lên đường thì có 5 - 6 người bị thương hoặc không trở về. Lấy biển làm hầm, lấy mạn thuyền làm công sự, đánh địch mà đi, vượt mưa bom bão đạn mà tiến. Trong hơn 6 năm, tại bến đò này 351 chuyến thuyền đã xuất phát, chi viện cho Cồn Cỏ trên 3.000 tấn lương thực, vũ khí và cao hơn hết là đem đến niềm tin và sức mạnh, góp phần làm nên một “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận / Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ” (Thơ Bác Hồ tặng chiến sĩ Cồn Cỏ ngày 5/6/1968). Tiêu biểu cho sự đóng góp của nhân dân Vĩnh Giang nói chung và Tùng Luật nói riêng đối với Cồn Cỏ là anh hùng Lê Văn Ban. Anh đã có hàng chục chuyến đi tiếp viện Cồn Cỏ. Có chuyến, thuyền của anh gặp tàu địch và bão biển, dạt vào biển Triệu Phong, anh đã cùng đồng đội lên bờ tham gia chiến đấu chống càn với nhân dân địa phương, sau đó ra Vĩnh Linh, lại tiếp tục đi biển, tiếp tế Cồn Cỏ.

Ngoài ra, một chiến công mà không thể không nhắc đến tại Bến đò B là việc cứu trợ nhân dân bờ nam sơ tán. Năm 1967, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đề ra kế hoạch là bốc toàn bộ dân vùng nam sông Hiền Lương đưa vào các khu tập trung để tiến tới xây dựng hàng rào điện tử Mc.Namara. Sáng ngày 18/5/1967, hơn 7.000 lính thủy đánh bộ Mỹ thuộc Sư đoàn 3 cùng với sự yểm hộ của máy bay, xe tăng, pháo binh, tàu chiến đánh vào Khu phi quân sự Nam. Một bộ phận nhân dân đã chạy ra bờ sông Hiền Lương kêu cứu và vượt ra Bắc. Mặc dù không lường trước được tình hình và không hề có phương án tác chiến nhưng trong phút chốc, tất cả những gì có thể làm phương tiện vượt sông ở bờ bắc đều được đưa xuống nước: Thuyền gỗ, thuyền nan, cây chuối, cánh cửa, tấm phản…, không còn gì thì thì bơi sang dìu đồng bào. Hàng trăm người dân Tùng Luật đã lao xuống nước; trong đó có ông Trần Thắng (lúc đó mới 12 tuổi), không sợ bom đạn của kẻ thù đã lao ra giữa dòng nước để cứu được nhiều người. Hàng trăm người dân ở bờ nam Hiền Lương đã thoát khỏi sự kìm kẹp của địch bởi sự hi sinh của nhân dân Vĩnh Linh nói chung và Tùng Luật nói riêng.

Ghi nhận đóng góp của quân dân Vĩnh Giang, Tùng Luật nói chung và Bến đò B nói riêng trong kháng chiến chống Mỹ, Nhà nước đã 2 lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho dân quân du kích xã Vĩnh Giang, 1 lần cho cá nhân Lê Văn Ban; Bác Hồ tặng huy hiệu của Người cho ông Trần Thắng; cùng 15 Huân chương chiến công, 110 Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước các loại... Đặc biệt, ngày 9/12/2013, Bến đò Tùng Luật (Bến đò B) được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số số 2383/QĐ-TTg xếp hạng là di tích cấp Quốc gia đặc biệt (Di tích Bến đò B (Bến đò Tùng Luật) là di tích thành phần thuộc di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải). Hiện nay, địa điểm di tích Bến đò Tùng Luật là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nơi thăm viếng của thanh niên, học sinh trên địa bàn nhằm tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương ngã xuống vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc. Là điểm trải nghiệm, học tập nghiên cứu ý nghĩa của du khách muôn phương khi đến với tour du lịch, tham quan Cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

________________

Chú thích:

1 Dẫn theo Vũ Kỳ Lân - Nguyễn Sinh. Ký sự miền đất lửa. Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1978.

2, 3 Sở Văn hóa - Bảo tàng tỉnh Quảng Trị. Di tích lịch sử văn hóa và Danh lam thắng cảnh Quảng Trị, Năm 2004. 

 

NGUYỄN DUY HÙNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 363

Mới nhất

Làng cổ Diên Sanh nơi nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa (kỳ 2)

11 Giờ trước

Các công trình kiến trúc tiêu biểu và những dấu ấn lịch sử, văn hóa * Các công trình kiến trúc văn hoá tiêu biểu Cũng như bao làng quê khác trên vùng đất Quảng Trị, người dân làng Diên Sanh sau khi đã ổn định được cuộc sống trên vùng đất mới với vô vàn những gian nguy vất vả, họ cũng đã sớm thích nghi với điều kiện hoàn cảnh để cùng nhau chung sống, lao động và định hình nên một làng quê hoàn chỉnh. Đặc biệt, họ đã chắt chiu, dành dụm và sớm xây dựng nên một thiết chế văn hoá. Đó chính là những công trình kiến trúc tín ngưỡng lần lượt ra đời, hiện hữu và tồn tại qua hàng thế kỷ cho đến ngày nay, hội tụ đầy đủ những nét tinh hoa của một làng quê truyền thống mà không phải bất cứ làng quê nào cũng có được. Đây chính là những dấu ấn lịch sử và văn hoá mà con người Diên Sanh đã dày công tạo dựng, tô bồi qua bao đời.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

16 Giờ trước

Công tác văn hóa là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi cán bộ văn hóa, những người làm văn hóa phải có những kiến thức cơ bản về lĩnh vực này. Đó là chưa kể những đòi hỏi sâu rộng, bao quát khi làm văn hóa. Không gì khó bằng làm văn hóa, phát huy, gìn giữ văn hóa truyền thống lại càng khó khăn hơn, nhất là trong xu thế hội nhập, phát triển hiện nay làm cho những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng mai một. Đặc biệt là văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị.

Làng cổ Diên Sanh nơi nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa (kỳ 1)

16 Giờ trước

Quá trình hình thành và sự thay đổi địa danh địa giới hành chính qua các thời kỳ lịch sử Từ xa xưa trong lịch sử, trước khi thuộc về người Việt (nửa đầu thế kỷ XIV) thì mảnh đất Quảng Trị nói chung, làng Diên Sanh ngày nay nói riêng vốn là một phần đất của châu Ô, nằm trong lãnh thổ của vương quốc cổ Chămpa. Năm 1306, sau khi công chúa Trần Huyền Trân lấy vua Chămpa là Chế Mân (Jaya Shimhavarman III) thì phần đất từ phía nam sông Hiếu (Quảng Trị) đến bắc sông Thu Bồn (Quảng Nam) thuộc về lãnh thổ của Đại Việt. Châu Ô được đổi thành Châu Thuận trong đó có phần đất phủ Triệu Phong, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Lúc bấy giờ, làng Diên Sanh nằm trong châu Thuận. Hết thời nhà Trần, sang thời nhà Hồ, thời thuộc Minh và đầu thời Lê sơ, làng Diên Sanh thuộc huyện An Nhân/An Nhơn thuộc châu Thuận, trấn/phủ/lộ Thuận Hóa.

Đông Hà một ngã ba sông, trăm dòng nước chảy

11 Giờ trước

Cũng như bao con sông chảy qua những làng quê trên nước Việt thân thương, những dòng sông trôi qua thành phố Đông Hà an nhiên sống một đời sông nhưng đời sông lại gắn chặt với tình đất, tình người bên lở, bên bồi từ thượng nguồn nơi sông sinh ra cho đến khi sông hòa vào lòng biển lớn.

Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tổng kết hoạt động năm 2024

08/01/2025 lúc 22:57

TCCVO - Sáng ngày 7/1, Công đoàn Viên chức (CĐVC) tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị tổng kết công tác công đoàn

Nối vòng tay nhân ái hỗ trợ người nghèo đón Tết

04/01/2025 lúc 12:03

TCCVO - Tối 3/1, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh,Ủy ban MTTQVN tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng bồi đắp, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước*

02/01/2025 lúc 16:31

TCCVO - Chiều ngày 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

11/01

25° - 27°

Mưa

12/01

24° - 26°

Mưa

13/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground