B |
ấy giờ vào khoảng đầu tháng ba năm 1975, tôi đang lăn lốc ở chiến trường Củ Chi thì được lệnh hỏa tốc về R để vượt Trường Sơn ra Hà Nội vì một công tác đột xuất.
Thật lòng, tôi rất bâng khuâng không muốn đi vì bây giờ quân dân ta đang tấn công quân giặc như nước vỡ bờ. Đại quân đã vượt sông Bến Hải. Ban Mê thuật, Pleiku, Kon Tum đã giải phóng rồi.
Trên chiến trường ven Sài Gòn, đồn Rạch Bắp, cái đồn kiên cố nằm ngang xóm Thuốc bên kia sông Sài Gòn; cái đồn ngoan cố cắm sâu trong ruột vùng đất giải phóng trên chục năm qua, du kích địa phương đánh hoài vẫn không nhổ được, thế mà chỉ một đêm bọn lính nằm trong công sự nghe tiếng xe tăng ta đổ xuống ầm ầm chuyển rung mặt đất, cả bọn đã hãi hùng rút chạy, táng đởm kinh tâm.
Tình hình này mà bỏ chiến trường sao nỡ.
Nhưng nghĩ lại: Từ hồi kháng chiến tới giờ chỉ loay hoay với ba mớ địa đạo rồi hầm tránh pháo, rồi hào giao thông, rồi chống bố, chống càn, rồi cuốc cày ruộng rẫy, chưa biết miền Bắc ra sao? Bác Hồ cũng chưa được gặp lần nào.
Hà Nội, sông Hồng, hồ Tây, Hoàn Kiếm cũng chỉ biết trên tranh ảnh và sách đó thôi thì đi vậy! Đi cho biết đó biết đây; đi cho biết Trường Sơn, cho biết thủ đô Hà Nội.
Nhà thơ Tố Hữu có nói:
Trường Sơn đông nắng tây mưa
Ai chưa qua đó thì chưa rõ mình
Thôi thì đi một chuyến cho “rõ mình” vậy.
Về đến R gặp anh Giang
Trên đường Trường Sơn, đại quân kéo vô ào ào! Xe pháo rần rần, rộ rộ. Trên vách núi, chữ khắc lớn bằng cái nhà "Thần tốc! Thần tốc! Đại thần tốc". Người ta thần tốc vô chiến trường, mình thì thần tốc ra Hà Nội. Kỳ quá! Ngược ngạo quá! Nhưng lỡ rồi! Cứ đi. Gặp đường đèo hẹp, xe pháo kẹt cả buổi còn hơn kẹt xe ở thành phố bây giờ! Đi trên Trường Sơn Tây, trời sắp sa mưa, trạm quân bưu, giao liên, dân công đều chuyển qua Trường Sơn Đông. Chúng tôi cũng chuyển theo qua Đông Trường Sơn. "Ba anh em trên một chiếc xe không" - xe trống dằn xốc dữ quá rêm mình rêm mẩy, không gãy xuống trật khớp cũng là may.
Bến Hải đã giải phóng rồi. Thấy thuận lợi, chúng tôi từ giã Trường Sơn, đêm đó xuống ngủ tại cầu Bến Hải. Ngày hôm sau lên đường ra Hà Nội.
***
Chúng tôi đến Hà Nội vào lúc quá nửa đêm. Kêu xích lô về trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật số 51- Trần Hưng Đạo, anh Bảo Định Giang ra đón, mừng quýnh, rồi anh qua vỗ cửa nhà anh Chế Lan Viên. Anh Chế Lan Viên ra gặp ba chú nhà thơ chiến trường. Hai miền gặp nhau mừng rỡ. Anh Bảo Định Giang liền lôi anh em đến quán hủ tiếu. Nửa đêm đi ăn hủ tiếu giữa thủ đô, lại cùng ăn với nhà thơ lớn thật ngon làm sao! Mà cũng vui làm sao? Thích thú nào bằng! Như một giấc mơ.
Mười mấy năm sau, nhớ buổi gặp gỡ ban đầu ấy, anh Chế Lan Viên có viết: "Tôi chú ý đến Viễn Phương, tác giả “Đám cưới giũa mùa xuân” thấy anh lúc nào cũng tủm tỉm cười. Giữa địa ngục của chiến tranh mà nghĩ đến mùa xuân, đến đám cưới, đó là nét lạc quan chung của chúng ta lúc ấy, mà lại phù hợp với tính cách tươi sang, tươi mát sau này tôi thấy quán xuyến toàn bộ thơ của Viễn Phương”.
Thật ra ở chiến trường nhiều năm, tôi có nhận xét: Những người hay lo lắng quá mức, sợ hãi quá mức thường hay chết, không vì bệnh hoạn cũng vì bom đạn. Thôi mình cứ "vô tư" vui vẻ. Cái gì đến tất sẽ đến, không nên lo âu, sợ hãi thái quá mà hao mòn thể chất, hao tổn tinh thần.
Và tôi thường hay cười: "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ". Lời nói dân gian ấy không phải là sai. Nhưng đêm ấy tôi cười vì một lẽ khác. Tôi vừa cười tôi, lại vừa cười anh Chế Lan Viên.
Tính ra anh Chế Lan Viên lớn hơn tôi chẳng bao nhiêu tuổi, nhưng tôi thấy anh thuộc một thế hệ khác, xa tôi lắm.
Anh là một tài năng lớn, anh hoa phát tiết rất sớm. Thuở còn nhỏ, bước vào trung học (tức cấp hai bây giờ) tôi đã đọc thơ anh và rất thán phục anh. Từ lâu tôi vẫn có ý nghĩ: Anh như một cây thần mộc tự trong đất đá mọc lên, không đợi thời gian, phóng vút lên trời cao, thân tỏa hào quang rực rỡ.
Thế mà giữa đêm nay, tôi ngồi với anh Chế Lan Viên giũa Đông Đô, Thăng Long, Hà Nội vừa ăn phở vừa nhìn anh, tôi thấy anh bình dị, chân tình, thân thiết vô cùng. Không có khoảng cách cũng không tỏa chút hào quang và tôi bỗng thấy như muốn tự cười mình và cười cây thần mộc không tỏa hào quang ấy.
Những ngày sau đó, được ở gần gia đình anh Chế Lan Viên và chị Vũ Thị Thường, tôi nhận thấy anh chị sống rất thanh bạch có thể nói là nghèo. Điều này càng khiến tôi quý mến anh thêm...
Năm 1976, tôi trở ra Hà Nội cùng anh Lê Chí để đi một chuyến nước ngoài. Chúng tôi được về ở nhà anh Bảo Định Giang cạnh nhà anh Chế Lan Viên. Anh rất bận sáng tác, nhưng lúc nào rảnh rỗi anh lại nói với chúng tôi về kinh nghiệm đi nước ngoài, những kinh nghiêm vô cùng quý báu đối với chúng tôi, những người lần đầu ra nước ngoài gần như đơn độc.
Đêm lên đường, anh khuyên chúng tôi ngủ sớm, đừng lo trễ giờ rồi lục đục thức khuya mất sức. Đúng giờ, anh sẽ kêu. Và đúng như vậy, đến giờ, anh sang đánh thức chúng tôi, và chúng tôi đã thức dậy rồi.
Cảm động nhất là trước lúc lên xe, anh đưa cho chúng tôi một gói nhỏ, còn nóng ấm, đó là mấy quả trứng mới luộc.
Anh nói:
- Lên máy bay sẽ ăn uống đầy đủ, nhưng biết đâu sẽ có lúc cần những quả trứng này.
Ôi cảm ơn biết bao nhiêu và ấm áp biết bao nhiêu!
Đúng như anh dự đoán. Đến sân bay Bắc Kinh, không có ai ra đón cả; cũng chẳng ai cho ăn, may nhờ có mấy quả trứng đỡ lòng. Đợi đến trưa, đến chiều, đến tối mới thấy người của sứ quán ra. Nhưng hỏi mới biết là người của sứ quán ra là để đón đoàn khác chớ không phải đón chúng tôi.
Nhưng đoàn ấy không đến và cuối cùng chúng tôi cũng đã về đại sứ quán Việt
Tại sao anh Chế Lan Viên lại thường lại quý chúng tôi đến thế? Điều ấy chúng tôi có thể hiểu được. Có lần anh Chế Lan Viên đã thổ lộ trong một bài viết:
“Để đánh giặc, chúng ta có hàng triệu người, hàng chục vạn chiến sĩ, hàng trăm tướng tá, nhưng để chụp ảnh các chiến công, thì lại không có mấy máy ảnh, đế phản ánh những hy sinh vĩ đại của chiến trường lúc ấy, thì về thơ các cây bút chuyên nghiệp chủ lực thơ ở miền Nam lúc ấy chỉ có dăm bảy anh em trên kia, hoặc gấp đôi, gấp ba số ấy thôi mà! Và họ đâu chỉ có làm thơ, họ cũng đánh giặc, chống càn, sản xuất trồng trọt lấy mà ăn, chẳng có gì ưu tiên, hay đặc biệt cho họ cả”.
Điều anh viết đã quá đủ. Tôi nói thêm cũng chỉ là thừa. Nhưng tấm lòng ưu ái đối với lứa chúng tôi không phải là ai cũng có, không phải ai cũng hiểu rõ về lứa chúng tôi như anh đã hiểu. Đáng quý và đáng trân trọng biết bao nhiêu tấm lòng của một người anh, một nhân tài đối với chúng tôi và cũng là đối với thơ.
***
Mấy năm sau anh Chế Lan Viên cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn.
Bằng tiền riêng của mình (tiền nhuận bút) anh mua một căn hộ nhà ở chợ Hoà Hưng. Sau này nghĩ lại, tôi thấy đó là một việc không bình thường, vì lẽ bấy giờ ai vào thành phố cũng xin nhà Nhà nước. Riêng anh, anh mua bằng số tiền nhuận bút dành dụm không nhiều lắm của mình. Do đó ngôi nhà chẳng sang trọng gì, lại ở ngay giũa chợ búa ồn ào (chợ Hòa Hưng).
Sau đó anh đổi ngôi nhà ấy với ngôi nhà bây giờ ở xa thành phố, ngôi nhà vườn mà anh đặt tên là “Viên tĩnh viên”.
Ngày xưa có nhiều nhà thơ không chịu uốn lưng vì ba đấu gạo, thì ngày nay cũng có nhà thơ không màng chạy vạy vì một ngôi nhà.
Ôi! Cây thần mộc bao giờ cũng cao vút thẳng tắp và lấp lánh trong tôi.
***
Năm 1988, khi tôi đưa bản thảo tập thơ “Phù sa quê mẹ” để nhờ anh Chế Lan Viên viết lời tựa. Tôi biết anh đang rất bận, nhưng anh đã vui vẻ nhận lời và dặn tôi về lục lại tất cả thơ tôi viết từ trước gởi cho anh.
Nghe anh tôi về lục lọi tất cả: thơ đăng trên Đất thép Củ Chi, thơ viết gần đây, đưa hết cho anh tất cả gần 400 bài, một tập dày cộp.
Đợi chờ mấy tháng không thấy động tĩnh gì, tưởng anh đã quên rồi, bỗng một hôm, anh mang trả tôi cả xấp thơ dày cộp ấy. Anh nói:
- Tôi đọc kỹ rồi, anh chịu khó đánh máy lại những bài, những đoạn tôi ghi dấu rồi đưa tôi đọc lại lần nữa.
Anh về, tôi giở ra xem. Tưởng anh chỉ liếc sơ cho biết định hướng và bút lực của mình, nào ngờ trang nào, đoạn nào cũng có nét bút của anh. Không phải anh sửa chữa mà anh đánh dấu ghi ý nhận xét, đoạn nào cần để bài nào nên bỏ.
Anh đã đọc và đọc rất kỹ.
Tôi làm theo lời anh, nhờ đánh máy những bài, những đoạn anh đánh dấu. Chỉ còn lại độ một nửa.
Tôi đưa cho anh và chờ. Lần này hơi lâu. Chờ có đến mấy tháng. Hơi sốt ruột nhưng cũng chẳng tiện nhắc.
Một bữa tôi bỗng nhận cả một xấp thơ và kèm bức thư sau đây viết ngay trên bìa bản thảo.
Kính gởi anh Viễn Phương thân mến!
Tôi đọc khá kỹ, cắt khá thô bạo. Anh cắt thì đau. Để tôi làm đồ tể cho nhau. Tập “Như mây mùa xuân” bị chìm giữa các câu, đoạn mình cắt đó. Cắt xong thì vóc dáng bài thơ ra rõ, cái đẹp hiện hình. Ta vừa cắt gì? Không phải phần máu thịt đâu. Cắt các ý sáo, chữ mòn, các câu ý ăn theo, các đoạn lặp lại. Còn lại là chất thơ, chất thực. Cái vừa rụng là văn chương. Không phải chỉ có cắt mà còn thêm vào. Đọc tập “Cahier”, tập các bài báo cũ, tập trong tù... tôi nhặt được khá nhiều, cộng tất cả các đoạn ấy lại, theo ngày tháng sẽ thấy không phải chỉ thơ anh, mà thấy đời anh, và đời ấy gắn bó với đời Tổ quốc. Cái hay, cái may là ở chỗ ấy...”
Ôi thì ra không phải anh chỉ nghĩ đến việc viết bài tựa, mà anh còn biên tập lại cả tập thơ cho tôi, hơn thế nữa, anh làm tuyển tập thơ cho một đoạn đời tôi.
Trong thư, anh còn cho biết anh đã nghĩ xong các ý để viết bài tựa rồi -anh sẽ viết "súc tích và đầy đủ, trân trọng".
Anh lại bảo tôi chịu khó đánh máy lại tập thơ lần nữa để anh và tôi cùng đọc. Ôi! Anh chu đáo quá!
Nhưng chưa kịp bắt tay viết lời tựa tập thơ thì anh ngã bệnh. Tôi đến thăm anh được biết anh ho ra máu. Thấy tôi có vẽ lo âu, anh cười tươi an ủi:
- Không có gì đâu. Trước kia tôi có bệnh phổi, về sau tuy đã lành nhưng thỉnh thoảng lại khạc ra máu, điều trị thuốc men, nghỉ ngơi, bồi dưỡng vài hôm sẽ hồi phục. Không có gì phải lo.
Tôi ngại ngùng:
- Thôi anh lo tỉnh dưỡng, sức khỏe là trọng, còn lời tựa tập thơ anh chớ quan tâm, từ từ sẽ tính, tôi cũng chẳng gấp gáp gì...
Anh cười im lặng.
Khoảng hai mươi ngày sau, anh gởi cho tôi bài tựa tập thơ “Phù sa quê mẹ” đúng như anh đã nói trong thư, anh đã “viết súc tích và đầy đủ, trân trọng”.
Sau đó anh vào bệnh viện Chợ Rẫy. Trong bệnh viện anh luôn lạc quan và hừng hực sức sống, anh vẫn làm thơ và đấu tranh với bệnh tình.
Nhưng căn bệnh quái ác đã cướp anh lúc anh đang nung nấu nhiều ý định đẹp đẽ cho đời. Một tài năng đã ra đi, một vì sao đã lặn để lại cho đời bao niềm luyến tiếc, nhớ thương. Hôm nay tôi xin chép lại bài thơ “Người xưa”, một bài thơ tôi viết gởi anh nhân một ngày giỗ năm nào với lòng thương nhớ vô hạn.
Anh đi giữa chiều Viên Tĩnh
Mây trắng bay về núi xa
Tôi cuối hoàng hôn trống vắng
Tim đau một dãi băng hà
Tro xương gởi vào cõi phật
Ôi! Anh đã thành người xưa!...
Đốt nến lần trang di cảo
Hồn có về trong gió mưa?
Đường thơ ngày nay rộng mở
Trăm ngàn chân bước xôn xao
Chen nhau giữa mạ và cỏ
Hoa anh túc lẫn anh đào
Tôi nhìn chon von cao
Thấy một vườn hồng rực đỏ
Anh đứng, tóc bồng trong gió
Sương bay, hương bay ngọt ngào.
Tháng 5, 1999
V.P.