Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có một thủy trình mãi là dòng chảy không dễ mờ phai

Người Quảng Trị trưởng thành ai cũng biết tỉnh nhà có hai con sông đào: sông Vĩnh Định và sông Cánh Hòm. Đặc điểm của hai con sông này là không phải đào hoàn toàn mà trên cơ sở dòng chảy của tự nhiên, để tiện lợi hơn cho cuộc sống những cư dân ven hai con sông này đời này nối đời khác đã khơi thông luồng lạch để tiện giao thương đường thủy, thoát úng về mùa mưa lũ, “tích thủy nhập điền” về mùa khô hạn. Nhận thức được giá trị nhiều mặt của hai con sông này trong sự nghiệp mở rộng cương vực lãnh thổ nên triều đình nhà Nguyễn đã huy động sức dân khơi sâu dòng chảy tạo nên tuyến đường thủy nội địa liên thông từ Kinh đô Huế xuyên qua miền đất phên dậu phía Bắc kinh thành là Quảng Trị đến giáp Quảng Bình nơi nhiều năm là tuyến đầu trong cuộc chiến Trịnh Nguyễn phân tranh.

Trước hết nói về sông đào Vĩnh Định, con sông này là một trong chín con sông đào được vua Minh Mạng cho khắc lên Thuần Đỉnh, một trong chín đỉnh đồng đặt ở sân Điện Thế Miếu trong Đại Nội Huế, với tên chữ là Vĩnh Định Hà. Sông Vĩnh Định chảy theo hướng Bắc - Nam ngang qua phía Đông huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Sông Vĩnh Định có thể tính bắt đầu từ sông Thạch Hãn ở ngã ba làng Cổ Thành gần chợ Sãi, chảy về phía Nam qua thôn La Duy, qua các xã Hải Vĩnh, Hải Thành. Đến ngã ba Hói Đét, giữa xã Hải Thành và xã Hải Hòa, sông Vĩnh Định nhận thêm nước từ sông Mỹ Chánh rồi chảy vào Cửa Lác, điểm đầu phía Bắc của phá Tam Giang thuộc Thừa Thiên Huế. Hai bên dòng Vĩnh Định là những làng quê trù phú thanh bình.

Con sông thứ hai là sông Cánh Hòm, sông này có tiểu sử hình thành và công năng tác dụng với cư dân trong vùng như sông Vĩnh Định, tuy nhiên đến đầu thế kỷ XX mới được triều đình nhà Nguyễn đầu tư nạo vét hoành tráng quy mô. Sông Cánh Hòm nối ba con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị là Bến Hải, Hiếu Giang và Thạch Hãn, sông Cánh Hòm có điểm khởi đầu ở ngã ba Xuân Hòa xã Trung Hải, sông đi qua xã Gio Phong, thị trấn Gio Linh, các xã Gio Mỹ, Gio Thành, Gio Mai rồi ra sông Thạch Hãn ở mũi đất làng Mai Xá. Đối diện với làng Mai Xá bên kia sông là xóm Quy Hà có cửa sông nối vào kênh Vĩnh Định.

Đến đầu thế kỷ XX thương khách buôn đò dọc từ Quảng Bình đến Quảng Trị rồi vào Huế hoặc ngược lại thường theo hai dòng sông này mà đi, đường gần hơn đường biển vài chục dặm lại tránh được những trắc trở khó lường.  

Có thể nói trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Trị, hai con sông đào này mang sứ mệnh lịch sử là mạch máu giao thông quan trọng của triều đình và tạo dựng sự trù phú cho vùng đất phía Đông tỉnh Quảng Trị mà nó đi qua. Cho đến khi người Pháp mở đường bộ xuyên Việt, chức năng giao thương có giảm đi nhưng giá trị điều hòa môi trường sinh thái tự nhiên không hề suy giảm.

Các nhà nghiên cứu lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội đã viết khá nhiều về lợi ích của hai con sông này trong lịch sử nhưng có lẽ ít người đề cập đến vai trò của nó trong cuộc Tổng tấn công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân hè năm 1972.

1. Sông Cánh Hòm trong mùa xuân Mậu Thân 1968 và Xuân Hè 1972

Nếu xuất phát từ Bàu Nhum trên lãnh thổ Quảng Bình cách địa giới hành chính Quảng Trị - Quảng Bình khoảng 5 km xuôi dòng kênh Bàu Nhum qua xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Long vào sông Hồ Xá xuống sông Sa Lung ra sông Bến Hải ở ngã ba Hiền Lương, xuôi dòng Bến Hải một đoạn đi xuống thôn Xuân Hoà xã Trung Hải rồi rẽ phải vào sông đào Cánh Hòm đến gặp sông Thạch Hãn ở trước đình làng Mai Xá Chánh là chúng ta đã đi được quãng đường bằng một nửa chiều dọc tỉnh Quảng Trị.

Từ năm 1966, khi ta bức rút toàn bộ hệ thống đồn cảnh sát dân sự dọc bờ Nam sông Bến Hải, giải phóng hoàn toàn quận Trung Lương (ba xã Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn của huyện Gio Linh hiện nay) thì đoạn phía bắc sông Cánh Hòm trở thành tuyến vận tải đường sông quan trọng chi viện cho mặt trận đông Gio Linh và Cửa Việt.

Trung đội thuyền vận tải Nam Hải thuộc thị trấn Hồ Xá và Đại đội vận tải thủy của Khu đội Vĩnh Linh nhận hàng từ giáp ranh khu vực Vĩnh Linh - Quảng Bình và từ Bến Quan do ô tô chở vào. Thuyền nhận hàng theo sông Sa Lung, xuôi về Hiền Lương ra sông Bến Hải rồi rẽ vào sông Cánh Hòm. Vũ khí, lương thực, đạn dược được đưa vào tận Nền Thánh, Phước Thị tiếp tế cho bộ đội ta vây lấn đồi 31, căn cứ Dốc Miếu, chế áp quận lỵ Gio Linh. Khi quay trở ra thì chở thương binh về các quân y viện đặt ở Sa Trung ven sông Sa Lung thuộc xã Vĩnh Long, khu vực Vĩnh Linh.

Trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân hè 1972, mũi tiến công của quân ta từ Vĩnh Linh vào Gio Linh có xe tăng lội nước PT-76 dẫn đầu cũng tiến theo sông Cánh Hòm vào Dốc Miếu - Quán Ngang qua ngã Trung Hải.

Khi Gio Linh hoàn toàn giải phóng, sông Cánh Hòm trở thành tuyến vận tải đường sông quan trọng chi viện cho mặt trận Triệu Hải đông Quảng Trị. Cán bộ chiến sĩ các đơn vị sư đoàn 320B, 325 chiến đấu bảo vệ cảng Cửa Việt, chốt Lệ Xuyên - Long Quang chắc ai cũng biết khu kho hậu cần Mai Xá Chánh ở xã Gio Mai. Đạn, gạo ở kho này chủ yếu được chuyển từ Vĩnh Linh vào theo sông Cánh Hòm. Trong thời gian đánh địch phản kích, thương binh từ cánh đông Quảng Trị theo sông Vĩnh Định chuyển ra làng Mai Xá Chánh. Từ Mai Xá Chánh một nửa theo sông Cánh Hòm ra Vĩnh Linh, phần còn lại ngược sông Hiếu lên các Quân y viện dã chiến đặt trên đất Cam Lộ.

Sứ mệnh chuyển thương, tiếp lương, tải đạn của sông Cánh Hòm chấm dứt khi Hiệp định hòa bình Paris có hiệu lực ngày 27 - 01 - 1973. Sông Cánh Hòm lại trở về chức năng hiền hòa muôn thuở của nó: Điều tiết nước lũ về mùa mưa, giữ ngọt chống hạn về mùa nắng cho đồng ruộng Gio Linh và đón những con đò dọc lên chợ Đông Hà, chợ phiên Cam Lộ, chợ Thuận và sau này là chợ Sãi, chợ Quảng Trị và lên tít mãi Ba Lòng… ra chợ Cầu, chợ Bạn. Dòng sông Cánh Hòm còn đón những cư dân vạn đò từ Thủy Phú (Phú Vang, Thừa Thiên), Triệu Phước (Triệu Phong, Quảng Trị) thông thương du cư đánh cá trên những dòng sông lớn Thạch Hãn, Hiếu Giang, Bến Hải ở Quảng Trị…

2. Vĩnh Định, với chiến thắng oai hùng

Tôi về xã Hải Dương huyện Hải Lăng vào một trưa nắng rát. Đứng nơi ngã ba sông Vĩnh Định nhận nước sông Mỹ Chánh rồi chảy về phá Tam Giang, nhìn về hướng xã Điền Hương huyện Phong Điền bên kia cũng một màu xanh ngút ngát… Tôi gặp và hỏi, lớp cao niên ở đây không ai biết đến trận Thanh Hương - Mỹ Xuyên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngược dòng lịch sử, từ ngày 11 đến 13 - 3 - 1951, Trung đoàn chủ lực 101 của Thừa Thiên và Trung đoàn 95 chủ lực tỉnh Quảng Trị đã đánh quỵ hai binh đoàn cơ động ứng chiến của quân viễn chinh Pháp ở chiến trường Bình Trị Thiên gồm 2.500 quân có không quân, pháo binh và tàu chiến yểm trợ do Trung tá Socken và Trung tá Buttin chỉ huy. Sau ba ngày đêm chiến đấu quyết liệt ta tiêu diệt 1.500 tên lính lê dương, bắt 125 tên. Loại 2/3 lực lượng cơ động ứng chiến của Pháp trên chiến trường Trị Thiên ra khỏi vòng chiến đấu…

Không ai nhớ thì cám ơn nhà văn Nguyễn Khắc Thứ vậy. Ông đã viết về trận Thanh Hương qua ký sự cùng tên hiện vẫn còn lưu trong thư viện. Nhưng có lẽ trước hết phải cảm ơn dòng sông Vĩnh Định, con sông chảy dọc này là chướng ngại vật thiên tạo và nhân tạo của cha ông ngàn xưa để lại. Con sông buộc hai binh đoàn lê dương viễn chinh Pháp từng trải qua bao chiến tích lừng lẫy trong thế chiến thứ hai trên chiến trường châu Âu, gồm nhiều quốc tịch khác nhau, kiêu hãnh hát chung bài La Marseillaise - Lyrics hùng tráng nhưng đến bờ sông Vĩnh Định thì bị những người lính đánh giặc chưa quen chỉ biết cuốc cày, ghì đầu xuống ruộng lầy và cát bỏng.

Hai mươi năm sau, điểm đầu phía Bắc của dòng Vĩnh Định được chọn làm đối xứng với Thanh Hương ở phía Nam. Trước khi quân đội Sài Gòn phát động cuộc hành quân Lam Sơn 72 với mục tiêu tái chiếm Quảng Trị, sông Vĩnh Định là con đường thủy chở dân Triệu Hải sơ tán ra Gio Linh, Vĩnh Linh rồi ra Quảng Bình. Khi địch chiếm được đồng bằng Hải Lăng và 5 xã phía nam huyện Triệu Phong, hình thành thế bao vây thị xã Quảng Trị thì sông Vĩnh Định thành là con đường vận tải duy nhất để vận chuyển thương binh mặt trận cánh đông từ Thanh Hội, Long Quang, sang Vân Tường, Vân Hòa về trạm phẫu thuật tiền phương đặt tại thôn Hoa Lá xã Triệu Phước. Từ Hoa Lá thuyền máy chở thương binh theo dòng Vĩnh Định ra sông Cửa Việt ngược sông Hiếu lên Cam Lộ hoặc theo sông Cánh Hòm như đã nói ở trên.

Lương thực vũ khí thuyền máy theo sông Vĩnh Định chở vào được ghé vào chất hai bên bờ sông, quân ta tự giác ra lấy sử dụng. Điểm xa nhất mà quân ta đưa xuồng máy chở hàng vào là cuối làng Vân Hòa. Trong các loại vũ khí chở vào có đạn DKB, DKB là nguyên bản từ giàn pháo phản lực bắn loạt do Liên Xô chế tạo và viện trợ cho quân đội ta, có tên gọi chính thức là BM-21 Katyusha. Loại này có thể dễ dàng tháo rời từng ống để tiện di chuyển và tác xạ trên giá ba chân. Quân ta đã “sáng kiến cải tiến” dùng giá gỗ dã chiến để phóng những trái đạn phản lực 122mm này vào các mục tiêu đã dự kiến trong phạm vi 11km mà không cần nòng. Các đống đạn DKB chất dọc sông Vĩnh Định nhanh chóng được phóng đi là mối đe dọa kinh hoàng với đối phương vì chúng không biết bằng cách nào mà ta kéo được pháo lớn vào thực hiện các cuộc pháo kích dữ dội, rồi cả xe và pháo biến đi không dấu vết.

Cho đến khi Hiệp định hòa bình Paris được ký kết sông Vĩnh Định cũng trở lại chức năng muôn thuở của nó… như sông Cánh Hòm. Những chuyến đò dọc Bồ Bản - Lệ Xuyên cắm cờ nửa đỏ nửa xanh xuôi ngược Đông Hà trở thành hình ảnh khó quên ngày đầu vùng quê Triệu Phong giải phóng.

3. Nào dễ nguôi quên

Tôi hỏi mười người lính Quân giải phóng từng tham chiến mặt trận nam Cửa Việt và đông Thành Cổ năm 1972, ai cũng biết câu hát “Thạch Hãn ơi buồn khơi dòng Vĩnh Định - Người thương tôi em biền biệt nơi mô…”

Trung đoàn 27 mang tên Trung đoàn Triệu Hải từng tác chiến từ đầu đến cuối chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972. Trước áp lực của địch mạnh, Trung đoàn lùi dần dọc theo sông Vĩnh Định, từ Hải Dương, Hải Quế, Hải Xuân rồi trụ lại Triệu Long, Triệu Hòa...

Sau chiến tranh tôi về làng Phương Ngạn xã Triệu Long nơi các cựu chiến binh Trung đoàn 27 dựng bia tưởng niệm hàng ngàn Liệt sĩ Trung đoàn 27 đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng Triệu Hải và khắp chiến trường Quảng Trị, tham dự một lễ cầu siêu… Trong nghi ngút khói hương và những bản nhạc buồn như tiễn đưa một “cánh vạc về chốn xa xôi” tôi nhìn qua bên kia cánh đồng, làng Bích La Nam thanh bình bên dòng Vĩnh Định, nhớ lại ngày 11 - 7 - 1972 xảy ra một trận đánh đẫm máu giữa Trung đoàn 27 với Tiểu đoàn 1 Thủy quân lục chiến được 32 máy bay trực thăng chở đến. Để cho khách quan, xin lược ghi qua lời kể của viên Tiểu đoàn trưởng phía bên kia: “Tiểu đoàn 1 Thủy quân lục chiến với biệt danh Quái Điểu được trực thăng bốc từ nhà thờ Điền Môn bay ra Triệu Phong... Tuy bãi đáp đã được B52 “dọn cỏ” suốt 2 tiếng đồng hồ, với 33 phi vụ đã cày nát từ Đông Hà đến Quảng Trị, mà gia đình Quái Điểu vẫn được… dàn chào long trọng. Ngay phút đầu, sau khi hoàn tất cuộc đổ quân, chúng tôi đã bị thiệt hại hơn 200 người vừa chết vừa bị thương. Tiểu đoàn 1 Quái Điểu lúc bấy giờ tan tác như bầy gà lạc mẹ, mạnh ai nấy đánh, dùng chiến thuật cá nhân phối hợp từng tổ nhỏ cố bám lấy bờ sông Vĩnh Định để làm điểm tựa, giữ lấy mạng sống mong manh”… Đối phương không nói đối thủ của họ ngày ấy là ai, nhưng chúng ta phải nhớ.

Trung đoàn 64 sư đoàn 320B chặn đánh quyết liệt cánh quân của thủy quân lục chiến ngụy đổ bộ vào Hải Khê, Hải An rồi lấn dần vào Hải Ba. Tại thôn Phường Lang ngày 5 - 7 - 1972 đã xảy ra trận đánh đẫm máu với hơn 200 cán bộ chiến sĩ Trung đoàn anh dũng hy sinh để ngăn chặn ý định hội quân của Sư đoàn dù và Sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy tại Thành Cổ vào ngày 12 - 7 - 1972. Các anh lùi dần theo trục đường 68 bên tả dòng Vĩnh Định ra Triệu Sơn, Triệu Trạch và trụ lại chốt thép Long Quang. Những cựu chiến binh của Trung đoàn sau chiến tranh đã trở về dựng bia tưởng niệm đồng đội mình ở Phương Lang, dựng đài chiến thắng ở Long Quang.

Có thể nói dòng sông Vĩnh Định là dòng chảy mát ngọt phù sa, của mồ hôi khơi nguồn trù phú và máu xương các thế hệ giữ gìn.

Nhiều người nói với tôi là sau khi công trình Đại thủy nông Nam Thạch Hãn khánh thành đưa vào sử dụng, công năng tưới mát đồng bằng Triệu Hải từ dòng Vĩnh Định được bàn giao cho hệ thống kênh mương hiện đại của công trình thủy lợi mới được xây dựng đảm nhiệm. Sông Vĩnh Định chỉ còn chức năng giúp đồng bằng Triệu Hải thoát lũ về mùa mưa. Vì thế dòng Vĩnh Định nhanh chóng bị bồi lấp, nhiều đoạn nạo vét không thường xuyên nên mùa khô thường bị đứt dòng. Thêm nữa, năn lác cỏ Mỹ đã không ngừng tấn công thu hẹp dòng chảy, chức năng thoát nước chậm làm cho các xã vùng càng Hải Lăng chịu ngập úng lâu hơn. Việc thông thương bằng thuyền trên dọc tuyến sông cũng bị cách trở bởi nhiều đập ngăn mặn giữ ngọt.

Dẫu thế nào thì cũng nên có một cách nhìn bao dung về tuyến sông đào Vĩnh Định - Cách Hòm, “một con đường tơ lụa” một thời của Quảng Trị. Đi dọc tuyến sông từ phá Tam Giang ra Hồ Xá ta nhận thấy những cánh đồng xanh mướt, những làng quê trù phú hiền hòa, nhận ra những Bến Ngự vua lên dù đang mờ dần theo năm tháng. Từ Nhà thờ hai chuông Điền Môn, những nền thánh, tri ân những người khai sơn phá thạch, những tượng đài tôn vinh các thế hệ hy sinh xương máu gìn giữ quê hương.

Mong sao thủy trình này mãi là dòng chảy mang lại linh khí tự nhiên, bình yên và hạnh phúc…

T.P.T

 

 

 

 

 

TỐNG PHƯỚC TRỊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 302 tháng 11/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/04

25° - 27°

Mưa

18/04

24° - 26°

Mưa

19/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground