Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cuộc khởi nghĩa Lao Bảo

Đã hơn 80 năm trôi qua nhưng một sự kiện bi tráng trong lịch sử Quảng Trị vẫn chưa biết đến rộng rãi. Đó là cuộc khởi nghĩa xảy ra tại nhà tù Lao Bảo vào năm 1915 như minh họa cho nhận định: "Trước khi có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra". Chủ yếu dựa vào các tài liệu xa chúng ta nhất, nghĩa là gần sự kiện nhất, “Việt Nam nghĩa liệt sử” (VNNLS)1 và “Cách mạng cận đại Việt Nam” (CMCĐVN)2, có thể tóm tắt sự kiện trên như sau:
 

Sau một thời gian dài trù liệu, chuẩn bị, sáng ngày 28-5-1915, một cai và 3 lính dẫn một số phạm nhân ra ngoài nhà tù làm tạp dịch, trong đó có Liêu Thanh và Hồ Bá Kiện, cả hai người có tham gia phong trào Đông Du. Đã có chủ ý, bất ngờ anh em xông đến chém tên cai và 3 lính gác. Tên cai chạy mấy bước rồi ngã xuống đất giả chết. Liêu Thanh bị thương ở đầu gối. Anh em cáng Liêu Thanh đi trốn, còn tên cai vội vã chạy về đồn báo tin cho công sứ Quảng Trị biết rõ tình hình. Cùng lúc đó, anh em đang ở trong tù cũng đồng loạt nổi dậy. Chừng 36 phạm nhân đã tịch thu 29 khẩu súng, 16 lưỡi lê, 5 ngàn viên đạn rồi đốt bốt gác, cắt dây điện thoại và rút ra ngoài.

Ngay chiều hôm đó, giặc Pháp đã cho giám binh Ferez và thiếu úy Pagani dẫn 80 lính ở Huế và 40 lính ở Quảng Trị đuổi theo nghĩa quân. Từ 29 - 9 đến 10 - 10 - 1915, chúng lục soát khắp các vùng từ Tây bắc Sêpôn đến Bantacha (có lẽ là bản Tacha). Vài cuộc chạm súng đã xảy ra và một ít nghĩa quân bị giết trên đường Lang Con - Lao Bảo. Ngày 11 - 10, hai bên đánh nhau ở Bantacha, nghĩa quân mất 5 người, phía Pháp chết 1, bị thương 2. Sáng hôm sau nghĩa quân rút đi. Ngày 15 - 10, một đoàn vận tải lương thực của Pháp ở Bantacha về đến Bantaloi (có lẽ là bản Taloi) bị nghĩa quân đánh úp, phu phen bỏ lương thực chạy trốn hết.

Từ hạ tuần tháng 10 - 1915, nghĩa quân bị tiêu hao dần. Một số còn lại rút về vùng A Xóc, bị quân của Pagani chặn đánh. Do bị đày đọa lâu ngày, sức khỏe kém, lực lượng trang bị thiếu thốn nên sau cùng phần lớn nghĩa quân đều sa vào tay giặc. Cuộc khởi nghĩa kéo dài được chừng 1 tháng.

* * *

Từ nhiều nguồn tư liệu, chúng ta biết rằng Hồ Bá Kiện, quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, một vùng đất nổi tiếng văn vật “Bắc kỳ Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi”. Thân phụ là cụ Hồ Bá Ôn (1854 - 1883) đỗ Phó bảng, làm Án sát Nam Định, chống quân Pháp đánh thành và hy sinh anh dũng. Hồ Bá Kiện là thân sinh cụ Hồ Tùng Mậu, chiến sĩ cộng sản lão thành, hy sinh năm 1951, có con trai duy nhất là Hồ Mỹ Xuyên hy sinh năm 1948. Như vậy trong vòng gần 70 năm (1983 - 1951), liên tiếp 4 thế hệ của gia tộc Hồ Bá Kiện đã hy sinh vì nước.

 Hồ Bá Kiện là con trai đầu lòng của Hồ Bá Ôn, sinh năm 1872, hiệu là Thiếu Tùng, thi đỗ cử nhân nhưng không chịu ra làm quan. Ông tư chất thông minh, đọc nhiều sách, giỏi thơ văn, giao du nhiều với những người có chí cứu nước, cứu nhà. Khoảng năm 1905 - 1906, ông tích cực hoạt động cho phong trào Đông Du, nhất là trong công việc đưa học sinh xuất dương sang Nhật. Bị lộ và bị bắt ở Hưng Yên, ông bị khép án và bị đày đi Lao Bảo. Nhà lao có vài trăm người tù, ông được coi trọng nên mưu việc phá ngục khởi nghĩa. Việc không thành như ta đã biết, ông hy sinh năm 1915, thọ 43 tuổi, trở thành một liệt sĩ ngã xuống ở chốn xa xôi miền Tây Quảng Trị. Chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền có câu đối điếu:

Phương tương liên nhất khí vi địa cầu, cô sở vị hợp, tinh vô sở vị li, quản giao địa hạ nhân gian, tổng y nhiên đăng tiền kiếm ảnh, chẩm bạn kê thanh, đắc ý dã đô vong nhĩ ngã.

Thả dục đạo chúng sinh ư thiên quốc, hữu vi chi nhân, tất hữu vi chi quả, bằng trượng kiên linh Phật lực, hội tụ khán trần lý Âu vận, hào đoan Mỹ vũ, mục trường na phục kế đông tây.

Tạm dịch:

Cũng toan liều một mạch làm địa cầu, không gì là hợp, cũng không gì là li, khiến cho dưới đất giữa người, đầu y nhiên trước đèn bóng kiếm, bên gối tiếng gà, khi đắc ý lại quên mày tớ.

Lại muốn dẫn chúng sinh lên thiên quốc, đã làm ra nhân, ắt sẽ làm ra quả, dựa ở oai trời sức phạt, tất phải thấy trong bụi mây Âu, đầu tia mưa Mỹ, trường chăn chi sá kể đông tây.

Tài liệu về liệt sĩ Hồ Bá Kiện ít ỏi như vậy, lại còn có chỗ sai sót. Chẳng hạn VNNLS nói Hồ Bá Kiện hy sinh năm 54 tuổi, như vậy ông sinh vào năm 1862, nghĩa là lúc cụ Hồ Bá Ôn mới lên 8 tuổi (?!). Hoặc Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nxb KHXH, 1991) ghi Hồ Bá Kiện mất năm 1905, ghi ngày khởi nghĩa là 2 - 9 - 1905, đều thiếu chính xác cả. Sau khi đối chiếu có lẽ nói Hồ Bá Kiện sinh năm 1862, chết 1915 thì hợp lý hơn.

Trong cuộc khởi nghĩa này, một nhân vật lãnh đạo được nhắc đến là Liêu Thanh. Nhưng Liêu Thanh là ai, tiểu sử thế nào thì không tài liệu nào nói rõ. Ở đây có thể xảy ra hai trường hợp:

1. Liêu Thanh và Hồ Bá Kiện là hai người khác nhau. Như vậy lịch sử Quảng Trị trước khi có Đảng, cụ thể là lịch sử nhà tù Lao Bảo đã có một trang thiếu sót.

2. Liêu Thanh và Hồ Bá Kiện là một người. Sở dĩ chúng ta nghĩ như vậy là vì cứ theo dòng thời gian mà xét thì VNNLS nói đến Hồ Bá Kiện mà không nói đến Liêu Thanh. Còn CMCĐVN thì ngược lại, nhắc đến Liêu Thanh không nói đến Hồ Bá Kiện. Mãi đến mấy chục năm sau, cuốn “Lịch sử Việt Nam” (tập 2, Nxb KHXH, 1985) mới đồng thời nêu tên hai người. Có lẽ những người soạn cuốn “Lịch sử Việt Nam” sợ sai sót nên nói đến cả Liêu Thanh và Hồ Bá Kiện mà 2 tài liệu trước đã nêu?

Nếu hai người là một, thì có lẽ Liêu Thanh là một tên khác (tự hiệu, biệt hiệu, bí danh) của Hồ Bá Kiện. Xin nêu lên thắc mắc này để các nhà nghiên cứu và những ai yêu thích lịch sử để mắt tới.

Một trang bi tráng của nhà tù Lao Bảo, của lịch sử Quảng Trị đã được viết bằng máu cách đây 81 năm. Hồ Bá Kiện và các bạn nghĩa quân xứng đáng là các liệt sĩ của Quảng Trị. Cuộc khởi nghĩa của họ trong chừng mực nào đó là hình ảnh thu nhỏ của cuộc nổi dậy ở nhà tù Thái Nguyên dẫn đến khởi nghĩa Thái Nguyên dưới sự lãnh đạo của Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến vào năm 1917. Tiếc thay, Lao Bảo quá heo hút, ít dân, xa đồng bằng, thành thị nên Hồ Bá Kiện và các đồng chí đã mau chóng thất bại. Nhưng tinh thần của các liệt sĩ, tiếng vọng của cuộc khởi nghĩa vẫn còn vang mãi.

Cuộc khởi nghĩa Lao Bảo năm 1915 là sự kiện hiếm hoi ở Quảng Trị trong thời gian 1900 - 1930 được ghi vào các tài liệu lịch sử.  

           

P.X.V  

________

(1) Đặng Đoàn Bằng - Phan Thị Hán: Việt Nam nghĩa liệt sử. Tôn Quang Phiệt dịch và chú thích. NXB Văn hóa, 1959. Cuốn này được soạn từ năm 1916 (xem lời nói đầu)

(2) Trần Huy Liệu - Nguyễn Công Bằng - Văn Tạo. Cách mạng cận đại Việt Nam. Nxb Văn Sử Địa, H, 1958.

 

Phạm Xuân Vinh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 21 tháng 06/1996

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground