Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đặc công K10 - những chiến công oanh liệt, vẻ vang

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chi khu là tổ chức cấp quận của chính quyền Sài Gòn. Trong tổ chức chi khu có Chi khu quân sự và Chi khu hành chính. Chi khu quân sự có nhiệm vụ bảo đảm an ninh, yểm trợ hoạt động bình định và các nhiệm vụ khác...

như: hoạt động phản gián, xây dựng lực lượng dân vệ, yểm trợ phòng thủ xã ấp, quản lý nguồn động viên, thông báo lệnh động viên, quân dịch... Chi khu trưởng thường do quận trưởng là sĩ quan quân đội thường mang cấp bậc Đại úy hoặc Thiếu tá, kiêm nhiệm. Chi khu trưởng chi khu quân sự quận trước năm 1970 thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh khu chiến thuật. Từ năm 1970 đến năm 1975 thuộc quyền chỉ huy của Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng.

 Loại hình chi khu quân sự được chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức năm 1961, trực thuộc tiểu khu và là tổ chức cơ bản trong hệ thống phòng thủ lãnh thổ của quân đội Sài Gòn.

Đến năm 1967 toàn miền Nam dưới sự tài trợ của Mỹ, chính quyền Sài Gòn đã xây dựng 242 chi khu, chia thành 160 chi khu loại A (có dưới 1.500 quân) và 82 chi khu loại B (trên 1.500 quân).

Trong kháng chiến chống Mỹ, Chi khu quân sự tuy là căn cứ quân sự quy mô do cấp địa phương quản lý nhưng có khả năng phòng ngự mạnh vì có hệ thống hàng rào kẽm gai nhiều lớp, có hào chống tăng, lô cốt bê tông, hầm ngầm kiên cố. Trong Chi khu có trang bị hỏa lực khá mạnh như dã pháo 105mm, hoặc súng cối 81mm, đại liên M60, đủ sức kháng ngự hiệu quả với sức tấn công của một tiểu đoàn đối phương.

Thực tế trên chiến trường miền Nam, ta đã phải sử dụng lực lượng quân chủ lực, phối hợp với Đặc công để giải quyết loại hình cứ điểm Chi khu quân sự địa phương này.

* * *

Chi khu quân sự Mai Lĩnh thuộc Tiểu khu Quảng Trị, địch xếp loại là chi khu loại A, được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu dựng nên sau khi ta giải phóng quận Ba Lòng năm 1966. Chi khu quân sự Mai Lĩnh có vị trí quan trọng trong việc phòng ngự phía Tây Bắc huyện Hải Lăng và Tây Nam thị xã Quảng Trị. Vì vậy, thời kỳ chiến sự xảy ra khốc liệt nhất ở Quảng Trị, Tiểu khu trưởng Quảng Trị đã điều Thiếu tá Phan Rang vốn là Trưởng phòng Nhì của Tiểu khu về làm chi khu trưởng Chi khu Mai Lĩnh. Viên sĩ quan tình báo quân sự nguy hiểm này gây cho phong trào cách mạng địa phương nhiều khó khăn, sau đó Phan Rang được đề bạt làm Trưởng ty Cảnh sát quốc gia tỉnh Quảng Trị.

Lễ khánh thành bia tưởng niệm tại Di tích Chi khu Mai Lĩnh : Ảnh T.P.T

Lễ khánh thành bia tưởng niệm tại Di tích Chi khu Mai Lĩnh : Ảnh T.P.T

Do vị trí và nhiệm vụ hết sức trọng yếu, địch xây dựng Chi khu quân sự Mai Lĩnh thành một căn cứ phòng ngự hoàn chỉnh: Hệ thống hàng rào kẽm gai hỗn hợp 12 lớp, liên kết với hệ thống vật cản nổ, chiếu sáng dày đặc, hệ thống hầm hào lô cốt hai tầng kiên cố thông nhau và hệ thống hỏa lực chặt chẽ. Bao quanh chu vi Chi khu là một hào chống tăng rộng 3,5 mét sâu 2 mét. Chi khu Mai Lĩnh thực sự là chỗ dựa cho địch trong các hoạt động bảo đảm an ninh, yểm trợ hoạt động bình định và các nhiệm vụ khác như: hoạt động động phản gián, xây dựng lực lượng dân vệ, yểm trợ phòng thủ xã ấp, quản lý nguồn động viên, thông báo lệnh động viên, quân dịch tại xã Hải Phú, Hải Lệ, gây cho phong trào cách mạng địa phương nhiều khó khăn.

Để đập tan âm mưu của địch, hỗ trợ phong trào cách mạng địa phương, từ năm 1971 đến năm 1975 Chi khu Mai Lĩnh ba lần bị K10 - Đặc công Bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị phối hợp với dân quân du kích Hải Phú tiến công, tập kích tiêu hao một lượng lớn sinh lực địch: Lần thứ nhất vào tháng 10 năm 1971 do Đại đội 6 Tiểu đoàn 11 (sau này là Đại đội 36 Tiểu đoàn 10 Đặc công). Để nghi binh chuẩn bị chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân hè 1972, đêm 19 rạng ngày 20 tháng 3 năm 1972, Đại đội 4 Tiểu đoàn 10 Đặc công tập kích Chi khu Mai Lĩnh lần thứ hai. Trận tập kích Chi khu Mai Lĩnh lần thứ ba là mở màn chiến dịch tổng tiến công nổi dậy năm 1975 ở Quảng Trị và nghi binh chiến lược cho hướng chính Buôn Ma Thuột ở Tây Nguyên, đêm 8 rạng ngày 9 tháng 3 năm 1975, trước trận mở màn Buôn Ma Thuột một ngày, Đại đội 12 Tiểu đoàn 10 Đặc công Quảng Trị tăng cường một Trung đội của Đại đội 36, do đồng chí Phan Hải Quân, Đại đội trưởng chỉ huy, sau này là Thiếu tướng - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Viện trưởng Viện 70 - Tổng Cục 2 - Bộ Quốc phòng. Tham gia trận đánh này có đồng chí Nguyễn Văn Sản, Trung đội trưởng, sau này là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Có một câu hỏi đặt ra là: Tại sao một Chi khu quân sự cấp quận của địch mà ta liên tục chọn làm mục tiêu tấn công mở màn trong các chiến dịch then chốt và sử dụng bộ đội đặc công? Bởi, Chi khu quân sự Mai Lĩnh là cái chốt khá hiểm trên trục quốc lộ 1A, khống chế được lực lượng bộ binh cơ giới ta ở cả hai hướng quan trọng: Đông Bắc và Tây Nam khi từ Quảng Trị tấn công xuống Huế. Chọn Mai Lĩnh làm điểm đánh mở màn chiến dịch vì trong thực hiện tiến công đồng loạt, lấy Mai Lĩnh làm nơi phát lệnh là trung tâm, cả đồng bằng Triệu Hải đều nghe bộc phá lệnh. Việc chọn K10 Đặc công làm đơn vị đánh mở màn vì hai lý do: Đánh địch trong công sự vững chắc sâu trong hậu phương của địch và đảm bảo chắc thắng thì toàn mặt trận chỉ có K10 với lối đánh bí mật, bất ngờ, luồn sâu lót sát, đánh hiểm thắng lớn… Và thực tế chiến trường đã chứng minh điều đó.

                                                * * *

Năm 1996, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định xếp Chi khu quân sự Mai Lĩnh là Di tích lịch sử ở dạng phế tích và giao cho UBND xã Hải Phú quản lý.

Đến năm 2010, thể theo ý nguyện của Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn 10 Đặc công tỉnh đội Quảng Trị (K10), đơn vị đã ba lần tiến công Chi khu Mai Lĩnh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được UBND huyện Hải Lăng cấp đất và Tập đoàn Bảo Việt đã tài trợ kinh phí xây dựng trên khu di tích một nhà bia, một phù điêu mô tả trận đánh, cùng khuôn viên 400 mét vuông tưởng niệm các Liệt sĩ hy sinh trong trận tiến công đêm 8 rạng ngày 9 tháng 3 năm 1975. Xây dựng một bia ghi danh gần 500 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 10 hy sinh trong 11 năm chiến đấu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (1964 - 1975). Xây dựng sân lễ bê tông 200 mét vuông, hai cột đèn chiếu sáng và hàng trăm mét đường bê tông rộng 1,5 mét từ sân lễ đến hệ thống các lô cốt trong chi khu. Đơn vị cũng đã phục dựng một đoạn hào chống tăng, một đoạn hàng rào kẽm gai tượng trưng mô hình Chi khu quân sự cũ. Tổng kinh phí đầu tư hàng tỷ đồng. Hình thành một khu tưởng niệm liên hoàn gắn với Di tích lịch sử Chi khu quân sự Mai Lĩnh bên cạnh Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Phú.

                                                * * *

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, mảnh đất Hải Phú có truyền thống và bề dày đấu tranh cách mạng bất khuất kiên cường. Là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nơi có di tích lịch sử ghi dấu chiến công của Tiểu đội Dũng sĩ Phường Sắn anh hùng, quê hương của Mẹ Mít anh hùng có 9 người thân yêu là liệt sĩ…

Di tích lịch sử Chi khu quân sự Mai Lĩnh và Khu tưởng niệm các chiến sĩ Tiểu đoàn 10 Đặc công hy sinh tại Mai Lĩnh trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước là một trong những minh chứng cho một thời kỳ oanh liệt. Bộ sưu tập các di vật trong di tích tuy không lớn song các di vật đều hết sức tiêu biểu mang giá trị lịch sử cao.

Có thể khẳng định ba giá trị chính, tiêu biểu của Di tích lịch sử Chi khu quân sự Mai Lĩnh như sau:

Sự tồn tại Di tích lịch sử Chi khu quân sự Mai Lĩnh hiện nay là nơi ghi nhận chứng tích loại hình Chi khu quân sự, công trình kiến trúc quân sự của Mỹ - ngụy trong chiến tranh Việt Nam. Các công trình tưởng niệm do Cựu chiến binh K10 xây dựng sau hòa bình là tấm lòng, sự tri ân của hậu thế đối với bậc tiền bối đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Di tích lịch sử Chi khu quân sự Mai Lĩnh có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử để thấm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình nghĩa đồng chí đồng bào sống nghĩa tình chung thủy.

Di tích là nơi tôn vinh, giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử oanh liệt, nếp sống văn hóa tốt đẹp. Sự tồn tại của Di tích lịch sử Chi khu quân sự Mai Lĩnh trên địa bàn xã Hải Phú làm tăng thêm niềm tự hào của vùng đất anh hùng cách mạng đang vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đồng thời khẳng định lịch sử và truyền thống văn hóa của mảnh đất này.

TỐNG PHƯỚC TRỊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 344

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground