Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đi tìm ca khúc “Bài thơ Cửa Việt”: Như gặp lại bạn xưa

Bao nhiêu năm cứ đi tìm một bài ca. Cứ vút lên trong tâm tưởng một câu hò của ca sĩ Ngọc Tân trẻ trung lúc ấy:
“Cửa Việt, hò ơi hò, Cửa Việt của ta đó”…

Câu hò ở mãi trong tâm trí đến tận bây giờ, đến mức mỗi khi nghe hai tiếng “Cửa Việt” dù ở bất kỳ đâu, từ đài phát thanh, trong giọng người, trên sách báo… tôi lại nhớ câu hò mênh mông khoáng đạt ấy.

Chỉ nhớ tên bài hát: Bài thơ Cửa Việt.

Lâu rồi không nghe đài phát thanh. Tôi lục tìm trên các trang mạng âm nhạc, chẳng hạn trang Bài ca đi cùng năm tháng, nơi lưu giữ rất nhiều bài hát một thời của đài Tiếng nói Việt Nam.

Không sao tìm thấy. Có lẽ là không thể tìm lại được nữa.

*

Một ngày, chợt nhớ, có người bạn ở tạp chí Cửa Việt. Bèn liên lạc qua mạng, hỏi bạn đã bao giờ nghe ca khúc Bài thơ Cửa Việt hay chưa? Phải hỏi là đã bao giờ, bởi vì biết chắc tuổi của bạn còn ít hơn tuổi của bài ca khá nhiều. Hỏi, mà chỉ nhớ rằng bài hát ấy phát nhiều lần trên đài Tiếng nói Việt Nam khoảng thời gian Quảng Trị mới giải phóng. Chỉ nhớ một dàn hợp xướng khá hoành tráng, nhớ giọng lĩnh xướng của ngôi sao Ngọc Tân, không thể nào quên.

Bạn ấy cũng phải đi hỏi bạn bè làm nhạc ở Quảng Trị. Lần lượt mấy người. Rồi tìm ra: tác giả bài hát ấy là nhạc sĩ Lê Anh. Ông đang ở quê Thừa Thiên Huế, còn bản nhạc và bản thu thì đang được người con rể của ông lưu giữ tại Đông Hà, Quảng Trị.

Thế là duyên may. Một thời gian sau, tôi đã nhận được cả bản thu và bản nhạc Bài thơ Cửa Việt.

“Cửa Việt, hò ơi hò, Cửa Việt của ta đó”…

Gặp lại bài ca, gặp lại trọn vẹn, như một người quen cũ. Một cuộc tái ngộ sau gần năm mươi năm. Một bản hợp xướng dàn dựng công phu và bề thế. Dàn bè nam dàn bè nữ đối xứng như đối đáp nam nữ trong nhạc hội dân ca.

Dàn nam, ngư dân ra khơi hò khoan buông lưới: Nào bạn nghề (này) / Đều tay nghề (này) / Trời của ta biển của ta / Ra khơi vào lộng ngày ngày ta đi.

Dàn nữ, bến cảng và làng quê náo nức rộn ràng: Mặt trời đã lên / Vui khi tàu cập bến / Hàng về nhiều chất đầy bến cảng / Tình nghĩa anh em bè bạn xa gần.

Các dàn bè đối ứng, đan dệt, quấn quyện. Khung cảnh mở ra phơi phới rộng dài trời biển. Không khí khẩn trương dồn dập tưng bừng.

Và rồi có chút lắng lại, thu rút về trong một tâm trạng. Đó là lúc tâm hồn tác giả lên tiếng. Giọng lĩnh xướng Ngọc Tân là khúc tự sự trữ tình của một con người đang quan sát mà cũng đang nhập hồn vào bối cảnh hòa bình vừa trở lại:

Em ơi, ta yêu một ngày biển đẹp như hôm nay

Màu xanh ấy như sắc cờ trong nắng

Bãi bờ ấy như tình em trong trắng

Vầng dương lên sáng tỏa biển trời.

Bài ca mở đầu và kết thúc bằng một câu hò ấy:

“Cửa Việt, hò ơi hò, Cửa Việt của ta đó”…

Ở âm cuối, nhạc sĩ đã khéo vuốt một nốt luyến đô si và rê quãng trên, thành ra mềm mại như hào sảng và tự hào mà không gây ấn tượng tự đắc tự thị. Chính vì thế, câu hát đã ở lại trong tâm trí người nghe, mãi nhiều năm sau.

*

Hồi nghe bài hát ấy, tôi còn nhỏ, chưa đến Quảng Trị, chưa biết Cửa Việt, chỉ nghe những địa danh qua các ca khúc thời chiến, như “Ai đã đến miền quê em Quảng Trị Thừa Thiên / Qua đường 9 tình Gio Linh lắng nghe giọng hò…” (Huy Thục).

Nhưng khi đó chưa đến mà hai tiếng Cửa Việt trong bài ca đã vang lên thật gợi thật đẹp. Thêm cái không khí náo nức mong chờ đất nước thống nhất. Bây giờ nghe lại, thấy có thể giải mã được bối cảnh lịch sử của bài ca: “Màu xanh ấy như sắc cờ trong nắng”.

Sắc cờ thì phải là cờ đỏ sao vàng, sao lại là màu xanh? Thì đấy là không khí mới giải phóng, cờ bay khắp nơi là cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. “Lá cờ nửa đỏ nửa xanh / Màu đỏ của đất màu xanh của trời” (Tố Hữu).

Còn nữa, đang giữa biển trời Cửa Việt, sao lại là “miền Nam”?:

Chào anh chiến sĩ nhân dân

Chào chị công nhân bến cảng

Ngày đêm lao động xây dựng miền Nam yêu thương.

Đất nước chia cắt hai mươi mốt năm trời (1954 - 1975), sông Bến Hải là giới tuyến hai mươi mốt năm trời. Ranh giới tạm thời chia ra hai nửa: Bắc và Nam. Quảng Trị ở bờ Nam, thuộc vào nửa nước phía Nam. “Xây dựng miền Nam” là theo nghĩa đó. Lời ca cho biết bối cảnh Quảng Trị mới giải phóng, các khái niệm vẫn chưa thay đổi, mà còn chờ cho đến ngày cả nước thống nhất.

Bản thu thanh của đài Tiếng nói Việt Nam đã ở mức khoáng đạt và bề thế, nhưng vẫn mong sẽ có lúc Bài thơ Cửa Việt được dàn dựng lại cho một dàn đại hợp xướng thật sự hoành tráng. Cần một giọng lĩnh xướng nam cao vừa trong vừa đẹp theo kiểu bel canto/tenor như Ngọc Tân, như vậy mới có thể chuyển tải đầy đủ chất tự sự trong sáng và hào sảng của bài ca.

Trong khi chờ đợi, bản thu xưa nếu được vang lên trên vùng đất quê hương cho các thế hệ hôm nay biết đến thì vẫn còn nguyên rung động và nhiều ý nghĩa.  

H.A.T

 

HỒ ANH THÁI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 335

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

20 Phút trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground