Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đi tìm những nét đặc thù của văn hóa quê hương

Tôi sống hơn hai mươi năm ở Hà Nội, gần hai mươi năm ở Huế và cũng gần hai mươi năm ở Sài Gòn nhưng cảm giác mình là người Quảng Trị không hề rời khỏi tôi dầu trong giây lát. Tôi không phải là kẻ giáo điều cuồng tín, tin răm rắp vào những giáo huấn ngày xưa như “Không nơi nào đẹp bằng quê hương mình” (Quốc văn giáo khoa thư) hay “Ta về ta tắm ao ta…” (Ca dao).

Âm thanh của rừng Khe Sanh - Ảnh: Nguyễn Bôn

Âm thanh của rừng Khe Sanh - Ảnh: Nguyễn Bôn

Vậy thì do đâu mà tôi khó quên gốc gác của mình? Suy đi nghĩ lại, cuối cùng tôi tìm ra được vài nhân tố hun đúc cho người Quảng Trị có nét văn hoá khá đặc thù.

Trước hết đó là ngôn ngữ hay nói một cách cụ thể là cách phát âm cũng như từ vựng địa phương. Thời tôi học đại học ở Hà Nội, bạn bè tôi người Bắc thường nhận xét: “Tiếng của mày như tiếng trẻ con, chưa hoàn chỉnh”. Tôi mơ hồ thấy mình tự ti vì cách phát âm nặng, nhầm lẫn thanh hỏi ngã v.v. Cũng may là thế hệ tôi đã thạo dùng từ phổ thông, biết nói cái “đầu” chứ không phải là cái “trôốc”, biết nói cái “sân” chứ không phải là cái “cươi” như các bậc cha chú ngày trước. Về sau khi có dịp làm quen với những nghiên cứu ngôn ngữ học, tôi phát hiện ra rằng tiếng Quảng Trị chứa rất nhiều từ Việt cổ. Những từ này theo thời gian “trôi” từ Bắc vào Nam, hoặc giả tồn tại từ thời Quảng Trị thuộc Bộ Việt Thường và lưu giữ qua nhiều biến cố lãnh thổ, khi thuộc Việt, khi thuộc Champa. Chẳng hạn từ “trôốc” mà người Quảng Trị còn dùng thường ngày thì ở ngoài Bắc chỉ có mặt trong cụm từ cố định “ăn trên ngồi trốc”. Tôi nhớ thời nhỏ đi qua vùng An Mỹ thuộc huyện Gio Linh nghe các cụ già gọi con trâu là con “tlâu”, cây tre là cây “tle”. Đối chiếu với tiếng địa phương Nam Định hay Ninh Bình thời các giáo sỹ dòng Tên ghi chữ quốc ngữ để giảng đạo thấy Chúa Trời được gọi là “Chúa Blời”… Tiếng Việt cổ xuất phát từ đâu, ngữ hệ Môn - Khmer hay Hán Tạng, tôi không có chuyên môn đủ để đoán nhận nhưng theo nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát, một người gốc Quảng Trị am tường ngôn ngữ và lịch sử thì rất nhiều từ Việt cổ có trong tiếng Tây Tạng hiện đại, chẳng hạn từ “trôốc” được người Tây Tạng gọi là “gtok”. Từ nỗi tự ti mơ hồ ban đầu, tôi chuyển sang trạng thái “mơ hồ tự hào về gốc gác ngôn ngữ”. Người Quảng Trị hoá ra thuộc nhóm người Việt cổ trên mảnh đất ngàn năm của mình chứ không hẳn là nhóm người theo chân Chúa Nguyễn đi vào đất Hoành Sơn! Một điều nữa khá đặc biệt gây nên “tính Quảng Trị” cố hữu của tôi là xa quê hương từ hồi muời hai tuổi nhưng giọng nói thì không hề thay đổi. Năm 1975 tôi trở về quê nhà sau gần ba mươi năm xa cách, bà con chú bác ở quê thích thú thấy tôi vẫn giữ tiếng nói quê nhà, không hề pha tạp chút nào.

Trong những ngày sống trên miền Bắc hay sống ở nước ngoài, tôi thường sinh hoạt trong những tập thể mà mình là người Quảng Trị duy nhất. Điều đó khiến tôi ngẫu nhiên trở thành một “phòng thí nghiệm nhân chủng” đối với bạn bè thuộc những địa phương khác nhau trong nước. Về mặt ẩm thực, bạn bè tôi thuộc loại “ăn quả chín” còn tôi thuộc loại “ăn quả xanh”. Qua tôi họ phát hiện ra rằng ăn quả xanh là điều khá thú vị. Tôi có cơ hội làm cho bạn bè những món như đu đủ xanh thái nhỏ vắt khô chấm nước mắm, mít xanh nấu canh tôm. Thoạt đầu bạn bè nghĩ rằng tôi là dân một xứ nghèo khổ, tận dụng “nguyên liệu” đến cùng, ăn dưa hấu là ăn cả ruột, vỏ thậm chí cả da. Tôi lại còn thèm ăn cả thân cây chuối thái nhỏ làm dưa. Nhưng rồi bạn bè thấy được thị hiếu “quả xanh” không hẳn là lí do kinh tế mà là đặc điểm của một nền văn hoá. Ngay đến cả xơ mít tôi cũng làm thành món ăn hấp dẫn. Tôi cho bạn bè biết rằng nồi cá của người Quảng Trị không đơn thuần là nồi cá mà còn là sự phối hợp giữa cá và những gia vị, rau thơm đặc biệt. Nồi cá thú vị nhất có lẽ là nồi cá kho với từng chùm tiêu xanh hay những lớp ớt xanh. Bạn bè ngạc nhiên khi thấy tôi không biết ăn thịt cầy, thịt rắn, thịt chuột, thịt ếch. Họ nghĩ rằng tôi thuộc loại phật tử nghiêm túc nhưng tôi biện minh với họ là cả quê tôi như vậy, đâu có riêng mình tôi. Thuở nhỏ gia đình có dắt tôi lên chùa mấy lần, rồi ngày nào cũng đeo các thứ bùa màu vàng nghệ vào cổ, thế thôi. Cho đến nay, tôi vẫn chưa lý giải được một cách khoa học tại sao người Quảng Trị và cả người Huế nữa không thích ăn thịt chó, rắn, ếch.. v.v trong khi thích ăn mít xanh và thân chuối. Tôi nhớ lại năm ١٩٤٧ khi có lệnh “vườn không nhà trống” và “triệt để giết chó” vì lí do chiến tranh du kích, người quê tôi hết sức lúng túng không biết xử trí ra sao với chó. Cuối cùng họ đưa chúng đi bỏ rơi ở những cách đồng xa.

Hiện tượng người gốc Quảng Trị “ghiền” ruốc (mắm tôm) và bánh bột lọc (bánh bột sắn nhân tôm thịt) là điều được thực tế khẳng định. Vào những năm cuối thế kỷ trước, tôi có dịp làm quen với ông Phạm Như Khôi, một trí thức Quảng Trị sống lâu năm ở nước ngoài, từng là viên chức cao cấp của Liên hợp quốc và UNESCO, nghỉ hưu ở một vùng quê gần Paris, Pháp. Có lần trong câu chuyện tôi khoe với ông rằng tôi biết làm bánh bột lọc. Lập tức mắt ông sáng lên, không nói không rằng dẫn tôi đến siêu thị mua liền mấy gói tapioca và những vật liệu cần thiết để làm bánh. Tôi cố sức làm những chiếc bánh theo truyền thống Quảng Trị và ông Khôi ăn một cách sảng khoái đầy hạnh phúc trước những ánh mắt tò mò ngơ ngác của bà vợ gốc Sài Gòn hoa lệ và mấy người con sinh ra và lớn lên trên đất Pháp.

Nét quê - tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Quý

Nét quê - tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Quý

Ngoài giọng nói và xu hướng ẩm thực, bạn bè còn nghiên cứu con người Quảng Trị của tôi về tính cách, lối sống, cảm xúc. Họ nhất trí với nhau rằng người Quảng Trị thật thà, gắn bó với tập thể, yêu thương chúng bạn, chu đáo trong công việc và tạo được sự tin cậy của mọi người. Những tính cách đó suy cho cùng đều do lối làm ăn, phương pháp canh tác tạo dựng. Đó là lối làm ăn “chắc nịch”, mạnh mẽ của người làm ruộng hay của dân chài lưới. Ở các nơi khác, tôi thấy cách làm ăn không mạnh mẽ như ở quê nhà. Người ta cày bằng những lưỡi cày nhỏ, thường do bò kéo, tát nước bằng gàu, tuốt lúa bằng hòn đá lăn. Trong lúc đó ở Quảng Trị, trâu ghép thành đôi để cày với những lưỡi cày to bự. Từng đàn trâu giẫm lúa trên sân rộng, tát nước bằng những guồng máy đạp chân vv… Cách làm ăn mạnh mẽ đó tụ tập nhiều người, gây tính đoàn kết chúng bạn, tạo được sinh hoạt văn hoá, tinh thần qua các câu hò hay qua các trò chơi tập thể.

Cách làm ăn tập thể như gặt lúa ngoài đồng, đập thóc phơi rơm tạo nên những mối quan hệ giữa người lao động địa phương với người làm thuê tứ xứ. Tâm hồn người Quảng Trị in đậm những cuộc chia ly não lòng bắt nguồn từ thời Huyền Trân Công Chúa đến thời hiện đại qua những nỗi buồn tiễn biệt người thợ gặt tứ xứ đến những cuộc chia tay trên các ga xép như Quán Ngang, Tiên An, các buổi tiễn đưa người đi làm ăn xa tận phía Nam hay sang tận bên Lào, Thái Lan kiếm sống.

Nỗi buồn chia ly với người thợ gặt tứ xứ:

Rồi mùa tóoc rạ rơm khô

Bạn về xứ bạn biết mô mà tìm….

Nỗi buồn của người đi lấy chồng xa quê:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều…

Vùng đất Quảng Trị cũng khiến người ta nhớ đến một xứ sở đã lui vào quá khứ gây nên nhớ nhung man mác với “Điêu tàn” của Chế Lan Viên. Như vậy người Quảng Trị không chỉ đơn thuần là những tấm lòng chất phác mà đeo nặng những mối tình lãng mạn với những nỗi nhớ nhung man mác.

Sự gắn bó với quê hương đến với trẻ em Quảng Trị, hay rộng hơn là cả vùng Bình Trị Thiên, từ rất sớm với những điệu ru con nhắc tới những vùng đất gợi cảm:

Ru em em théc cho muồi

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán chợ Cầu

Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh

Tôi còn nhớ như in thời học tiểu học, ngày nào bọn trẻ chúng tôi cũng tụng thuộc lòng câu: “Huyện Gio Linh có núi Tiên Sơn, phủ Vĩnh Linh có núi Tá Linh…”.

Những lời ru con còn thấm đậm đạo lý làm người từ thời cha ông để lại và in đậm mãi mãi trong lòng khi người ta khôn lớn:

Cầu chi cao bằng cầu danh vọng

Nghĩa chi trọng bằng nghĩa chồng con?

Trong thời hiện đại, những nét lãng mạn của tâm hồn được các nhạc sĩ tên tuổi Trần Hoàn và Nguyễn Hữu Ba đưa vào các ca khúc quen thuộc.

Bạn bè của tôi còn nhận thấy người Quảng Trị không chỉ có tâm hồn lãng mạn mà còn ham hiểu biết, thích tìm tòi nghiên cứu. Trong thời phong kiến, nhiều bậc hiền sĩ của tỉnh tham gia xây dựng quốc sử quán và ghi chép những tài liệu giá trị về lịch sử, về các nghề thủ công mỹ nghệ và phong tục tập quán phương Nam. Con sông đào xuyên qua toàn tỉnh nối liền kinh đô Thuận Hoá với các vùng phía Bắc đã sử dụng nhiều thầy thợ có hiểu biết chu đáo về tính toán, địa chất, thuỷ lực vv… Trong kháng chiến chống Pháp, anh cán bộ Thái Văn Trừng tranh thủ những ngày sống ở chiến khu rừng núi để nghiên cứu cây rừng Việt Nam, sau này trở thành một nhà khoa học hàng đầu của đất nước. Thời tôi còn nhỏ, tôi có hai người dượng (chồng của hai người cô) nổi tiếng cả một vùng quê về tài tính toán như thần. Đó là các ông Cửu Hướng và ông Thông Hy. Ông Cửu Hướng chỉ cần liếc qua một mảnh đất là nói ngay được nó rộng mấy sào mấy thước, chính xác đến từng mét vuông. Ông Thông Hy thì nhìn qua sơ đồ ngôi nhà là nói ngay muốn xây dựng nhà đó phải cần bao nhiêu gỗ, bao nhiêu gạch, bao nhiêu xi măng, chính xác đến từng tấc gỗ, từng viên gạch và từng ký xi măng.

Những nét đặc thù mà tôi đưa ra trên đây suy cho cùng là sản phẩm của cảm tính, chưa được một nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào đề cập. Nhưng theo kinh nghiệm cuộc sống, “nhìn mặt mà bắt hình dong” không phải lúc nào cũng kém giá trị. Ta có thể hy vọng rằng dầu mỗi người nhận định một cách, nhưng tổng hợp lại ta sẽ có một chân dung chính xác của quê hương.

TRƯƠNG QUANG ĐỆ

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground