Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng bỏ cấp tổng thành lập cấp xã. Làng Tân Trại Hạ sáp nhập với làng Mỹ Phước thành xã Tân Sơn. Chính quyền cách mạng lâm thời của xã Tân Sơn do ông Ngô Cần làm chủ tịch, ông Nguyển Uẩn làm chủ nhiệm Việt Minh. Sau bầu cử Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 1 năm 1946), xã Tân Sơn sáp nhập với xã Cổ Trai, xã Tùng Luật thành xã Vĩnh Lộc, sau đổi thành xã Vĩnh Giang như tên gọi ngày nay.
Bà nội tôi còn kể hồi bà về làm dâu, làng còn có rừng gọi là Mũi Rú. Sau này đọc cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Giang tôi được biết thêm: Mũi Rú là một trong ba vùng rừng nguyên sinh còn sót lại ở vùng Đông Vĩnh Linh với diện tích 25 héc ta. Mũi Rú rậm rạp có nhiều cây to, có cả lợn rừng, mang, sóc và rất nhiều chim. Mũi Rú nằm ở đầu làng được dân làng ví như cái đầu con rồng từ biển đông vươn lên giữa đồng ruộng của các xã vùng Đông Vĩnh Linh. Xung quanh còn có nhiều ao, đầm, hói như ao Tràng, ao Đình, ao Chùa, đầm Bum, Trộ Cá, Hói Trung, Hói Ngoài. Hói Ngoài rất sâu và rộng ăn thông với sông Bến Hải. Ngày trước vào mùa mưa lũ thường xảy ra, đồng làng trắng nước, chim mòng két, vịt trời, bồ nông, sếu… hàng vạn con không biết từ phương trời nào bay từng đàn sà xuống đồng nước bơi lội tung tăng phủ kín cả mặt cánh đồng, kêu ồn ã. Để hạn chế những tác hại của thiên tai, làng đã huy động sức dân xây dựng cống Mô Nham để tháo úng, đắp đê đồng ruộng để ngăn mặn.
Đình làng Tân Trại Hạ - Ảnh N.N.P
Lớn lên xa làng đi học, có điều kiện đọc sách mới hay, năm 1820, sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng đã cho chia tách các đơn vị hành chính có quy mô lớn thành những đơn vị hành chính nhỏ để tiện cho việc kiểm soát. Theo đó, làng Tân Trại được chia thành hai làng là Tân Trại Thượng và Tân Trại Hạ. Làng Tân Trại Hạ quê tôi sau này thuộc xã Vĩnh Giang là một trong 60 làng cổ của tỉnh Quảng Trị.
Có làng thì có đình. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên, năm Nhâm Dần (1242) để thi hành chính sách cận dân, thân dân, vua nhà Trần và các quan lại triều đình thấy cần phải xây dựng ở mỗi làng một ngôi đình để thờ thành hoàng, đồng thời làm rộng đường để các quan triều đình về làm việc với dân. Đình làng phải được xây dựng ở các quan lộ để tiện việc đi lại. Sau khi được chia tách thành đơn vị hành chính mới, làng Tân Trại Hạ đã đầu tư xây dựng lại đình. Đình làng được xây sát với đường cái quan chạy qua trước làng, phía trước là cánh đồng và dòng sông Bến Hải. Hàng năm, vào ngày 20 tháng 6 âm lịch, làng tổ chức rước sắc từ ở nhà ông Hương Kiều (Ngô Đình Kiều) - một chức sắc hàng tổng và là một đại phú hào của làng thời ấy về đình để tế lễ.
Tôi sinh năm Giáp Thân 1944. Cách mạng tháng Tám 1945, tôi là đứa trẻ còn ẵm ngửa trên tay mẹ, bà nội tôi bảo: Ngày giành chính quyền không khí của làng náo nhiệt lắm. Cờ đỏ sao vàng của cách mạng cắm trên nóc đình làng. Dân làng kéo về tập trung ở sân đình. Lực lượng tự vệ tay cầm giáo mác, nam nữ thanh thiếu niên tay cầm cờ, biểu ngữ, miệng hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh. Ông Nguyễn Uẩn thay mặt ủy ban khởi nghĩa kêu gọi dân làng chỉnh trang đội ngũ cùng tự vệ kéo về Thừa Lương phối hợp lực lượng của các làng ở vùng Đông Vĩnh Linh nổi dậy giành chính quyền.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình làng tôi là nơi cán bộ cách mạng từ chiến khu Thủy Ba về tiếp xúc với dân để kêu gọi dân làng đi dân công vận tải phục vụ kháng chiến, phát động phong trào bao vây kinh tế địch, chống giặc bắt lính. Sân đình cũng là nơi tự vệ tập quân sự, ban hát của cụ Bùi Mè (thân phụ của cố nghệ sỹ Châu Loan) diễn tuồng “Ngọn Lửa Hồng Sơn” để lấy tiền ủng hộ kháng chiến.
Những năm 1948, 1949 và đầu năm 1950 phong trào chiến tranh du kích của các xã vùng Đông Vĩnh Linh phát triển rất mạnh, làm cho địch chịu nhiều thiệt hại nặng. Đầu năm 1950, quân Pháp mở nhiều cuộc càn quét để tiêu diệt lực lượng du kích. Với hành động tàn bạo “giết sạch, phá sạch, đốt sạch”, các trận càn quét của quân Pháp đã gây cho các xã vùng Đông Vĩnh Linh chịu nhiều thiệt hại về người và của. Tháng 5 năm 1950, đình làng Tân Trại Hạ đã bị quân Pháp đốt cháy.
Năm 1955, được sự đồng tình của chính quyền địa phương, dân làng Tân Trại Hạ đã đầu tư phục dựng lại ngôi đình làng. Ngày trước, đình làng là nơi bàn chuyện “triều chính” của một hương thôn, làng xã; đàn bà, con gái không được đặt chân đến. Nhưng từ sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là sau khi hòa bình lập lại, sân đình là nơi tụ tập đông vui của mọi người. Tổ đổi công, Hợp tác xã hội họp, sân đình được trưng dụng tập kết nông sản, để chia theo công điểm cho xã viên, tổ chức liên hoan văn nghệ, làm bãi chiếu phim, tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự. Và những trưa hè dưới bóng cây đa cổ thụ, dân làng mang chiếu ra trải ở sân đình để ngồi hóng gió mát và bàn chuyện mùa màng. Còn đối với thế hệ chúng tôi, sân đình là thiên đường của những niềm vui. Những đêm trăng, giữa sân đình rộng rãi, chúng tôi bày đủ thứ trò chơi. Hấp dẫn nhất đối với lũ trẻ chúng tôi ngày ấy là trò đánh trận giả. Lũ trẻ xóm trên, xóm dưới chia làm hai phe, một phe ở trần, một phe mặc áo, một phe ở ngoài cổng đình, một phe trong đình, ẩn nấp, rình mò nhau. Phe nào tiêu diệt được nhiều quân địch thì thắng, phe thua phải cõng phe thắng đi mười vòng quanh sân đình trong tiếng hò reo náo nhiệt cả trời đêm như nhà thơ Nguyễn Văn Dùng đã mô tả: Đình làng chơi trận thâu đêm / Trèo lên Mũi Rú đánh khăng chơi cù.
Những tưởng không gian văn hóa của làng quê Tân Trại Hạ sẽ tồn tại mãi mãi. Nhưng sự tàn khốc của cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra đã làm cho đình làng bị phá sập. Sau năm 1975, do khó khăn của thời hậu chiến và bận bịu mưa sinh nên chưa ai nghĩ đến việc phục dựng lại đình làng. Mấy chục năm đình làng đã trở thành phế tích với cỏ dại phủ lấp để mỗi lần đi qua dân làng phải ngậm ngùi. Còn những người ở thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên ở làng, sân đình gắn với nhiều ký ức tuổi thơ, nay ở xa quê mỗi lần trở về làng thì những hình ảnh của trò chơi trẻ thơ và ký ức về đình làng chẳng thể phai mờ trong tâm trí.
Phải đầu tư phục dựng lại đình làng. Đó là nguyện vọng của dân làng Tân Trại Hạ cũng như con dân của làng đang công tác, làm ăn, sinh sống khắp mọi miền đất nước, cũng như di nguyện của cụ Ngô Cầu - một trong bốn Đảng viên cộng sản đầu tiên của làng nhắn gửi lại dân làng và con cháu trước khi rời cõi tạm. Bởi mỗi gốc cây ngọn cỏ ở sân đình là biểu tượng sống trường tồn của nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên ở làng vẫn còn chất chứa những câu chuyện thấm đẫm hồn của làng quê. Thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân cũng như di nguyện của cụ Ngô Cầu, năm Kỷ Sửu 2009, cùng với việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban trị sự làng Tân Trại Hạ đã khởi công xây dựng lại đình làng. Bằng sự đóng góp tự nguyện của dân làng, của con dân của làng đang công tác, làm ăn, sinh sống ở khắp mọi miền của đất nước, trong đó riêng bà Nguyễn Thị Tĩnh là cháu ngoại của cụ Ngô Cầu đã tài trợ hơn 1 tỷ đồng, đình làng Tân Trại Hạ đã được phục dựng lại.
Ông Ngô Đình Sáng là cháu nội cụ Hương Kiều đầu những năm 30 trước khi tham gia cách mạng đã gắn bó tuổi thơ của mình với những trò chơi ở sân đình, đã trao đổi cho biết: “Đình làng Tân Trại Hạ được phục dựng lại như cũ, trong kết cấu có phần hiện đại hơn. Trước xây bằng đá ong, nay xây bằng gạch không nung, trước lợp tranh nay lợp ngói, còn cổng đình và bức bình phong thì giống như ngày trước. Nhưng gì thì gì, đình làng được xây dựng lại là tốt rồi, cái quan trọng là sự quan tâm bảo vệ của dân làng, đặc biệt là những hộ sống xung quanh ngôi đình, để sau khi được phục dựng lại, đình làng là nơi tôn nghiêm để thờ thành hoàng và những người có công với làng, cũng như làm chốn đi về của những người xa xứ”.
N.N.P