Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đồng chí Trần Hữu Dực, người chiến sĩ cộng sản trung kiên, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị

Đồng chí Trần Hữu Dực sinh ngày 15 tháng 1 năm 1910, tại làng Dương Lệ Đông, tổng An Dạ, phủ Triệu Phong (nay thuộc xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Ông xuất thân trong một gia đình nho học, nhưng thực chất là nông dân nghèo.
 

Bấy giờ, chế độ thực dân phong kiến đè nặng lên cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Cũng như bao gia đình khác, quanh năm nhà ông phải đi cày rẽ ruộng đất cho địa chủ. Trâu bò cũng nuôi rẽ, lĩnh của chủ về nuôi để cày bừa. Trâu bò chết phải bồi thường, đẻ được thì chủ lấy hai phần.

Hàng năm, khi vụ thuế tới (thuế thổ và thuế thân, cũng gọi là thuế sưu), cả làng chạy ngược chạy xuôi, bán đổ bán tháo bất kể cái gì và chịu mọi kiểu lãi nặng để có tiền nộp thuế. Đây là dịp các địa chủ giàu có bóc lột nhân dân. Vì vậy, cứ sau một vụ thuế, dân nghèo xác xơ như bị một trận bão lớn và càng kiệt quệ hơn. Nợ nần chồng chất năm này qua năm khác và ngày càng lớn... Thêm vào đó, nạn thù tạc, giỗ tết chi phí cũng hết sức tốn kém. Mặc dù bà mẹ Trần Hữu Dực là người phụ nữ đảm đang, giỏi tính toán nhưng cũng không thể thoát khỏi cảnh nợ nần ăn không đủ, mặc càng thiếu thốn. Mỗi người trong nhà chỉ có một, hai bộ áo quần bằng vải thường. Riêng cậu Dực nhiều lúc không muốn đi ra đường vì áo quần quá rách...

Tuy cuộc sống vất vả, khó khăn, lắm lúc đến cùng cực nhưng gia đình ông vẫn giữ truyền thống trong sạch, nề nếp, yêu thương bà con láng giềng. Trong nhà nghiêm cấm đánh bạc, uống ruợu, ăn cắp. Rượu mua về cúng lễ, xong rót vào chai dùng xoa bóp khi cần. Dù rất nghèo túng, nhưng ông nội và cha của ông cũng không ngần ngại san sẻ từng lon gạo, tấm áo cho bạn bè, hàng xóm.

Triệu Phong là chiếc nôi cách mạng của cả tỉnh nên phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm phát triển mạnh mẽ, liên tục. Ông nội Trần Hữu Dực tham gia phong trào “Văn thân” nên giao lưu rộng. Những người có chí khí thường đến nhà chơi, bàn bạc, trao đổi tin tức, nhân tình thời thế.

Lúc bảy, tám tuổi, khi mang lửa hay nước chè đến cho khách, nghe lõm bõm câu chuyện của các cụ, nào chuyện đánh Tây, chuyện Đức - Pháp đánh nhau, tai họa do Pháp gây ra, Trần Hữu Dực rất để ý. Càng ngày nghe càng nhiều chuyện, ghi nhớ và suy nghĩ nhiều hơn. Một hôm, nghe các ông nói “nước ta mất rồi”, ông Phan Bội Châu học giỏi nhưng không làm quan cho Tây, muốn cứu dân cứu nước; ông tự cho mình là “Độc tỉnh tử”, có nghĩa là anh chàng thức một mình, cả nước ngủ hết. Nghe câu chuyện đó, Trần Hữu Dực vừa đi vừa nghĩ miên man, đến nỗi hai tay cầm hai bát nước chè, một cái đập vào cột nhà vỡ choang. Đây là nhận thức đầu tiên về vận mệnh đất nước của ông.

Trần Hữu Dực lớn tuổi mới được đi học. Khi đã biết chữ, ông rất siêng năng đọc sách báo, tìm hiểu lịch sử, địa lý Việt Nam và thế giới. Nhìn thấy tư chất của người cháu, ông nội rất quan tâm đến việc học hành của cậu, đặc biệt là hướng cho người cháu nhận thức và hành động với tư cách là một người dân Việt Nam yêu nước. Đến 12 tuổi, Trần Hữu Dực phải thôi học, ở nhà đi làm. Năm 13, 14 tuổi, ông đi dạy tư, có điều kiện nghiên cứu sách vở, mở mang kiến thức. Năm 15 tuổi, ông nội mất, cảnh nhà thêm túng quẫn, ông bỏ dạy với ý định về nhà đỡ đần cha mẹ. Lao động một thời gian, cảnh nhà không thay đổi được, lại chứng kiến tình trạng bất công diễn ra hàng ngày, mà không có ai nói đến “mất nước”, ông quyết định trước hết phải hy sinh vì việc “Nước”. Để có điều kiện hoạt động, ông tiếp tục đi dạy học ở làng. Hết hè năm 1926, ông đến làng Đại Hào, tổng An Cư. Tại đây, ông vừa dạy học, vừa tuyên truyền lý tưởng cứu nước. Mặc dù không có người hướng dẫn, phải tự tìm tòi, suy nghĩ hướng đi, nhưng người thanh niên Trần Hữu Dực vẫn quyết tâm thực hiện. Sau bao ngày đêm suy nghĩ, ông đã thảo được một điều lệ của tổ chức mang tên "Ái hữu dân đoàn". Mục đích của tổ chức là tập hợp những thanh niên, nông dân có tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cách làm ăn; đấu tranh chống địa chủ, cường hào áp bức bóc lột; chống những thói hư tật xấu như cờ bạc, rượu chè, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu ở nông thôn; sau đó là nhằm đánh đuổi vua quan và giặc Pháp, giành độc lập cho quê hương, đất nước.

Tháng 11 - 1926, tại làng Dương Lệ Đông, Triệu Thuận, Triệu Phong, Trần Hữu Dực triệu tập cuộc họp với sự tham gia của rất nhiều nông dân yêu nước. Trần Hữu Dực nêu rõ lý do để thành lập tổ chức: Không có tổ chức thì như cát rời, vô dụng, có tổ chức mới có sức mạnh; mà sức mạnh thì cực kỳ to lớn, có thể dời non lấp bể. Mọi thành viên tham gia cuộc họp thảo luận sôi nổi và đi đến thống nhất phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thức tỉnh lòng yêu nước thương nòi trong mỗi người dân, làm cho họ hiểu họ đều là người dân mang nỗi nhục mất nước, phải đứng dậy đoàn kết đấu tranh. Đoàn tổ chức mỗi tháng họp một lần, đồng thời mỗi đoàn viên tự học tập để hiểu sâu hơn điều lệ, nhiệm vụ đoàn viên, qua đó, nâng cao hơn nhận thức cũng như phẩm chất cần có đối với người tham gia hoạt động cách mạng, đó là: "trung thành, dũng cảm, cương quyết, sẵn sàng hy sinh khi cách mạng cần. Từ kiến thức và phẩm chất đó mà có năng lực cách mạng, đối đầu được với quân thù hung bạo, xảo quyệt"1.

Sau một năm hoạt động, tổ chức Ái hữu dân đoàn phát triển mạnh hơn. Lúc này, ở Quảng Trị, hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã lan rộng. Các thành viên trong tổ chức Ái hữu dân đoàn có điều kiện giao lưu, tiếp nhận tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường cứu nước do Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam thông qua sách báo và các cuộc nói chuyện, tuyên truyền của hội viên Thanh niên. Trần Hữu Dực, người đứng đầu tổ chức Ái hữu dân đoàn càng thấy rõ vai trò của nông dân trong quá trình tập hợp lực lượng làm cách mạng. Đến năm 1928, hoạt động của Ái hữu dân đoàn, nhất là tinh thần cách mạng, sự nhiệt tình và sáng tạo của người sáng lập ra nó đã làm cho Tỉnh bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên Quảng Trị chú ý. Sau quá trình tìm hiểu, vận động, Tỉnh bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên sáp nhập Ái hữu dân đoàn vào tổ chức của mình để tuyên truyền, giáo dục quần chúng nông dân trong tỉnh tham gia các phong trào đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Từ đó, Ái hữu dân đoàn hoạt động theo mục đích, tôn chỉ, điều lệ của Thanh niên. Ái hữu dân đoàn thực sự là tổ chức tiền thân của Hội nông dân Quảng Trị.

Tham gia hoạt động trong tổ chức Thanh niên, được giác ngộ tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin, nghiên cứu cách mạng Nga qua tài liệu, Trần Hữu Dực nhận thức được phải có và chỉ có thể thành lập tổ chức cộng sản mới lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập thắng lợi.

Tháng 5 - 1929, nhóm cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị được thành lập gồm 7 thành viên, trong đó có Trần Hữu Dực.

Tháng 6 - 1929, tham gia rải truyền đơn của Đông Dương cộng sản Đảng, Trần Hữu Dực bị địch bắt giam tại nhà lao Quảng Trị. Tại đây, đồng chí cùng một số đảng viên cộng sản, hội viên Việt Nam cách mạng Thanh niên tổ chức đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù đối với tù nhân, giúp đỡ nhau khi ốm đau. Đồng thời, Trần Hữu Dực còn vận động anh em bớt suất ăn hàng ngày để dành tiền mua giấy bút xuất bản tờ báo Tiến lên do ông làm chủ bút. Tờ báo giới thiệu về Đông Dương Cộng sản Đảng, giải thích chủ trương của Đảng. Tờ báo có tác dụng lớn trong việc tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho nhân dân, nhất là tầng lớp thanh niên. Dựa theo báo Tiến lên, các đảng viên Cộng sản bên ngoài đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành được một số thắng lợi.

Tháng 1 - 1930, ngay sau khi ra tù, Trần Hữu Dực đã bắt mối với các đảng viên Cộng sản tiếp tục xây dựng và phát triển các chi bộ Đảng, thống nhất nội dung hoạt động.

Ngày 21 – 4 - 1930, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị được thành lập gồm 3 thành viên: Lê Thế Tiết, Trần Hữu Dực, Nguyễn Hữu Mão do đồng chí Lê Thế Tiết làm Bí thư.

Tháng 10 - 1930, Tỉnh ủy bị vỡ. Hai đồng chí Lê Thế Tiết, Nguyễn Hữu Mão bị bắt. Tháng 11 - 1930, Tỉnh ủy chính thức được thành lập. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chính thức do hội nghị cử ra gồm 5 ủy viên, do Trần Hữu Dực làm Bí thư. Tại phiên họp đầu tiên, Tỉnh ủy đã đề ra nhiều chủ trương để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân; phát triển tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng. Hội nghị Tỉnh ủy quyết định ra tờ báo Tiến lên làm cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ và ra tờ Bạn dân cày, sau đổi thành  Mặt trận đỏ (có phụ trang nói về phụ nữ) lưu hành trong các hội quần chúng. Dưới sự lãnh  đạo của Tỉnh ủy, phong trào đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh lên mạnh. Địch hoảng hốt khủng bố, nhiều đảng viên Cộng sản bị bắt, trong đó có Trần Hữu Dực. Địch kết án đồng chí 7 năm tù và đày đi Lao Bảo. Tại Lao Bảo, Trần Hữu Dực tiếp tục tham gia tổ chức các cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà đày, không ngừng học tập nâng cao trình độ. Nghiên cứu sách báo ở thư viện của nhà đày, ông viết cuốn sách “Các nước trên thế giới”, giúp mọi người mở rộng kiến thức, được tù nhân hoan nghênh và chuyền tay nhau đọc. Đến đầu năm 1937, chúng đày đồng chí lên nhà đày Buôn Ma Thuột. Sau một thời gian, mãn hạn, đồng chí ra tù. Trở về quê, vừa giải quyết việc gia đình, Trần Hữu Dực vừa tìm hiểu tình hình phong trào cách mạng tại tỉnh, chủ động bàn bạc công tác với các đồng chí trong Tỉnh ủy, quyết tâm thoát ly hoạt động. Sau đó, đồng chí tham gia Xứ ủy Trung Kỳ, được phân công phụ trách các tỉnh miền Nam Trung bộ. Đến năm 1941, đồng chí lại bị bắt. Địch giam đồng chí tại nhà lao Bình Thuận nhưng không khai thác được gì. Chúng đày đồng chí lên Buôn Ma Thuột lần thứ hai. Đến đầu năm 1945, địch thả tù nhân chính trị, Trần Hữu Dực về quê. Đồng chí tham gia Ủy ban Khởi nghĩa giành chính quyền của tỉnh. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, đồng chí được cử làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.

Trong thời gian hoạt động cách mạng từ 1926 - 1945, Trần Hữu Dực bị Pháp bắt 4 lần, và bị chính quyền Nam Triều kết án tổng số 29 năm tù giam, và 22 năm quản thúc tại các nhà lao Quảng Trị, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột.

Sau tháng 8 - 1945, đồng chí giữ chức Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời Trung bộ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung Bộ. Năm 1947, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Lê Văn Lương. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đồng chí được Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước Việt Nam giao nhiều trọng trách: Đổng lý sự vụ Bộ Nội vụ; Ủy viên Trung ương Đảng, Đảng đoàn Chính phủ; Ủy viên Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy viên Quân ủy Trung ương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước, Trưởng Ban công tác nông thôn Trung ương; Bộ trưởng Bộ Nông trường; Bộ trưởng Phó Thủ tướng; Bí thư Khu ủy Trị Thiên; Trưởng Ban công tác đặc biệt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước; Phó Thủ tướng Chính phủ; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa I đến khóa IV và liên tục là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI.

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đến 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Trần Hữu Dực đã có công lao to lớn trong công tác xây dựng tổ chức, đào tạo cán bộ cho tỉnh và các tỉnh miền Trung. Từ nhận thức “không có tổ chức thì như cát rời, vô dụng”, ngay lúc tuổi 16, đồng chí đã xây dựng được một tổ chức tập hợp các tầng lớp nông dân yêu nước, đấu tranh cho công bằng, lẽ phải, cải thiện cuộc sống cơ cực của người nông dân. Đến khi là người lãnh đạo cao nhất của tỉnh, là Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, có mặt trên khắp 11 tỉnh của miền Nam Trung Bộ, đi đến đâu, đồng chí cũng không ngừng chú trọng công tác xây dựng tổ chức Đảng từ tổng, xã đến cấp huyện, tỉnh, huấn luyện, đào tạo cán bộ. Đội ngũ cán bộ mà đồng chí đã dày công huấn luyện, đào tạo đã đóng góp to lớn vào thắng lợi của phong trào cách mạng Quảng Trị cũng như các tỉnh Nam Trung Bộ.

Tuy thời gian hoạt động ở quê không nhiều, nhưng đồng chí Trần Hữu Dực đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Trị. Đồng chí là người có công lớn trong việc giáo dục, tập hợp lực lượng quần chúng có tinh thần yêu nước vào tổ chức Ái hữu dân đoàn. Sau này, phần lớn đội ngũ cán bộ này đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí đã chủ động cùng Ban Chấp hành Đảng bộ đề ra phương hướng, nhiệm vụ đấu tranh phù hợp với tình hình, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển mạnh mẽ. Lúc ở trong tù, đồng chí vẫn móc nối, liên lạc, chỉ đạo phong trào cách mạng bên ngoài. Suốt quá trình hoạt động cách mạng, tuy không trực tiếp chỉ đạo phong trào trong tỉnh, đồng chí vẫn thường xuyên liên hệ, bàn bạc công việc với các đồng chí lãnh đạo ở Quảng Trị, quan tâm, chỉ đạo, đóng góp ý kiến. Đồng chí là người lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, có tinh thần quyết đoán, sáng tạo, cùng với các đồng chí cán bộ chủ chốt của tỉnh như Đặng Thí, Trần Mạnh Quỳ, Hoàng Thị Ái… lãnh đạo nhân dân Quảng Trị làm nên cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi trọn vẹn.

Sau Cách mạng Tháng Tám, do yêu cầu công tác trong tình hình mới, đồng chí lên Khu ủy, nhưng vẫn giành thời gian về thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh. Ngày 15 – 11 - 1945, thực dân Pháp đánh Rào Quán. Tỉnh ủy Quảng Trị cử đồng chí Hùng Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thiện Thuật trực tiếp chỉ huy. Đồng chí Trần Hữu Dực, bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung Bộ đã đích thân lên kiểm tra trận địa, trực tiếp góp ý và động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng, mưu trí, dũng cảm đánh địch. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt, địch bị chết và bị thương hơn 100 tên, buộc chúng phải dừng lại để củng cố quân số.

Đầu tháng 1 - 1947, trước khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, trên đường chuyển cơ quan ra Nghệ Tĩnh,  đồng chí Trần Hữu Dực đã dừng lại Hải Lăng nói chuyện với toàn thể cán bộ, đảng viên toàn huyện tại Diên Sanh. Đồng chí đã giúp cán bộ, đảng viên trong huyện nhận thức sâu sắc hơn thuận lợi, khó khăn của cuộc chiến đấu sắp đến và chủ trương kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Cuộc nói chuyện đã tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ quyết tâm chiến đấu, đánh thắng giặc Pháp xâm lược.

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở cương vị cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng chí vẫn theo dõi từng bước phát triển của phong trào, thân mật gặp gỡ, động viên cán bộ, đảng viên Quảng Trị mỗi lần ra Bắc công tác, học tập. Đồng chí được Trung ương tin cậy, giao nhiệm vụ làm Bí thư Khu ủy Trị Thiên, vào Quảng Trị trực tiếp truyền đạt ý đồ chiến lược của Trung ương nhằm mở cuộc tiến công và nổi dậy năm 1972, giải phóng tỉnh Quảng Trị. Mang tình quê sâu đậm, đồng chí lên đường vào mở hội nghị Khu ủy Trị Thiên tại Vĩnh Linh. Tinh thần chỉ đạo của Trung ương đã đến với toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân Quảng Trị, để rồi cuộc tiến công và nổi dậy năm 1972 thắng lợi giòn giã.

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí vẫn luôn quan tâm đến cuộc sống của bà con quê hương, nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện trước hết phải vì nhân dân mà phục vụ.

Nét nổi bật trong cuộc đời hoạt động của đồng chí Trần Hữu Dực là tinh thần học tập và rèn luyện không ngừng. Đồng chí thấu hiểu không có tri thức cách mạng thì không thể hoạt động cách mạng có hiệu quả. Chưa được học tập đầy đủ lúc tuổi còn niên thiếu, lớn lên đi làm cách mạng, phải càng ra sức học tập. Tranh thủ mọi nơi, mọi lúc trong nhà tù đế quốc, hay lúc tuổi già vẫn say sưa học tập và rèn luyện. Học tập là hoạt động không mệt mỏi, đầy hứng thú trong suốt cuộc đời của đồng chí. Những tri thức từ sách vở và thực tiễn đấu tranh cách mạng đã giúp ông hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao cho.

Trần Hữu Dực là tấm gương sáng chói về tinh thần bất khuất, kiên trung trước uy lực của kẻ thù. Tại nhà lao tỉnh, khi mà quần chúng yêu nước chưa được tập hợp, giáo dục, rèn luyện về phẩm chất cách mạng, để đối phó có hiệu quả với âm mưu thủ đoạn dã man của địch, Trần Hữu Dực đã nêu tấm gương sáng. Tinh thần cộng sản của đồng chí được toàn thể tù nhân khâm phục, cùng động viên nhau giữ vững chí khí, quyết tâm bảo vệ đồng chí, đồng bào. Đối với kẻ địch, đồng chí kiên định phương châm “Bước qua đầu thù” ngay từ trận giáp chiến đầu tiên và giữ vững tinh thần đến khi chúng phải khuất phục, kính nể.

Đồng chí Trần Hữu Dực là người chiến sĩ Cộng sản xuất sắc trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền. Là lớp cán bộ tuyên huấn đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ giai cấp nông dân lao động, gần gũi với cuộc sống của nông dân, đồng chí hiểu rõ nguyện vọng thiết tha của người dân mất nước. Tư tưởng cứu nước, cứu dân đã thôi thúc đồng chí ngày đêm suy nghĩ tìm ra phương cách thích hợp để tập hợp, giác ngộ nhân dân đoàn kết đấu tranh. Chính từ đó, đồng chí đã trở thành người cán bộ tuyên truyền, vận động quần chúng giỏi. Đi nhiều nơi, làm nhiều việc, nhưng ở bất cứ nơi nào, đồng chí vẫn là người cán bộ cách mạng được nhân dân yêu thương, che chở, đùm bọc. Ở đâu, đồng chí cũng nhiều dành thời gian tìm hiểu đồng bào, vận động, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng để gây dựng cơ sở Đảng. Những vấn đề mà đồng chí nói và viết bao giờ cũng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với nhận thức của từng đối tượng. Là người sáng lập ra tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh ngay trong nhà tù đế quốc. Tờ báo có tác dụng to lớn trong công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh. Là Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí sáng lập tờ báo Chiến thắng làm cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận trong những năm 1939 - 1940. Ở trong nhà tù đế quốc, đồng chí càng chú trọng công tác tuyền truyền, vận động tù nhân chính trị, tù thường phạm, để đoàn kết tù nhân vào một khối thống nhất, đấu tranh chống cai ngục, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho anh em. Đồng chí cũng không quên làm công tác vận động binh lính, để họ giúp đỡ, ủng hộ các cuộc đấu tranh của tù nhân chính trị giành thắng lợi cao nhất. Sau này, vừa là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung Bộ, vừa làm giảng viên của lớp đào tạo cán bộ đại đội, trung đội và cán bộ công tác Đảng, chính quyền ở các địa phương. Khi trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Trung ương, đồng chí vẫn sống gần gũi với đồng chí, bạn bè và nhân dân, luôn tranh thủ thời gian vận động, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn để thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Là một người cộng sản có ý chí cách mạng kiên cường, cuộc đời hoạt động của đồng chí Trần Hữu Dực là tấm gương ngời sáng để các thế hệ thanh niên noi gương và học tập. Từ một thanh niên yêu nước, được chủ nghĩa Mác-Lê nin soi sáng, qua chiến đấu và rèn luyện trong phong trào cách mạng, đồng chí nhanh chóng trở thành người lãnh đạo cao nhất của tỉnh và Xứ ủy Trung Kỳ và đảm nhận nhiều trọng trách do Đảng và Nhà nước giao phó. Là tấm gương trọn đời hiến dâng cuộc sống của mình cho Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên lợi ích của cuộc sống và hạnh phúc gia đình. Tư tưởng này đã nảy nở lúc mới tuổi 15 và suốt cuộc đời đồng chí kiên định mục tiêu, con đường mình đã chọn. Với bất cứ nhiệm vụ, hoàn cảnh công tác như thế nào, luôn nêu cao truyền thống bất khuất, kiên cường, trung thực của người cộng sản chân chính, chiến đấu quyết liệt chống mọi kẻ thù của cách mạng.

Vào lúc tuổi đã cao, đồng chí vẫn say sưa, nhiệt tình tham gia những công việc có lợi cho Đảng, có ích cho nước cho dân, thủy chung tình nghĩa với đồng chí, đồng đội và sống một cuộc sống giản dị, trọn vẹn đạo đức cần kiệm liêm chính. Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương cao quý khác.

Đồng chí mất ngày 21 – 8 - 1993, thọ 83 tuổi.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Trần Hữu Dực, chúng ta vô cùng tự hào vì mảnh đất Quảng Trị tuy chịu nhiều đau thương, phải trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, nhưng đã sinh ra nhiều người con trung hiếu, trong đó có đồng chí Trần Hữu Dực, thế hệ chiến sĩ cách mạng đầu tiên của quê hương, làm rạng danh truyền thống anh hùng của người Quảng Trị. Đồng chí mãi mãi là tấm gương ngời sáng cho các thế hệ nối tiếp học tập, tôn vinh.

 

N.V.H 

 

_______­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­____________

(1) Trần Hữu Dực. Những năm tháng tuổi trẻ. Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2004, tr. 63.


 

 
Nguyễn Văn Hùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 184 tháng 01/2010

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

18 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

18 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

18 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

18 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground