Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Già làng người con ưu tú của Yang

Già làng, người có quyền quyết định rất nhiều vấn đề trong đời sống của đồng bào Vân Kiều. Từ việc cưới hỏi, ma chay, cúng tế, các vấn đề xã hội (kể cả những việc liên quan đến luật pháp, nhất là vấn đề hòa giải ở cơ sở) thì già làng có vị trí quan trọng trong xử lý công việc liên quan đến cộng đồng. Có lối sống chuẩn mực, hiểu biết rất nhiều lĩnh vực, linh hoạt, sáng tạo và đặc biệt là công bằng, minh bạch...

Già làng  - Ảnh: Nông Văn Dân

Già làng - Ảnh: Nông Văn Dân

Tín ngưỡng Yang trong đồng bào Vân Kiều

Chúng ta thường gọi Yang = Giàng trong cách gọi chung của cộng đồng sinh sống trên địa bàn Quảng Trị hoặc một số tỉnh lân cận, các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tuy nhiên, với đồng bào Vân Kiều chỉ một cách gọi duy nhất là Yang. Và Yang thường tồn tại trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đến các lễ nghi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Yang tương ứng với “Trời” trong cách gọi của người Kinh. Nếu người Kinh gọi “Trời ơi” để thể hiện trạng thái cảm xúc vui sướng hay đau khổ thì người dân tộc thiểu số Vân Kiều gọi là “Yang ơi”.

Đồng bào Vân Kiều biết ơn Yang, sợ sự trừng phạt của Yang hơn bất cứ thứ gì trên đời. Bởi Yang có thể nhìn thấy và nhìn thấu kể cả suy nghĩ, hành động tốt, xấu mới hình thành trong mỗi người. Kể cả hành động chỉ một người duy nhất biết thì không phải là bí mật vì Yang ở trên cao, có thể nhìn thấy được hết thảy.

Trong cộng đồng người Vân Kiều, Yang là đấng tối cao, có thể thấu hiểu được hạnh phúc và sự bất hạnh của con người. Đồng bào Vân Kiều tin Yang không để ai mãi mãi khổ đau, sẽ mang điều tốt đến với người tốt, mang sự thứ tha đến với người lầm lỗi và trừng phạt đối với người làm điều ác. Trong hoạt động hằng ngày, nếu có những công việc cá nhân, gia đình hoặc lớn hơn là bản làng không thể lý giải, không giải quyết được thì họ sẽ tìm đến già làng - người thay Yang xử lý và định đoạt các vấn đề đó. Ví như, trong trường hợp người chung sống trong bản làng quá đông không có đất dựng nhà, không có đất sản xuất… hoặc vì lí do nào đó khiến những người sống trong bản làng bất an (thường ốm đau, bệnh tật, đói kém, bất ổn về cách ứng xử của những người trong cộng đồng…) thì già làng là người có quyền quyết định di dời hoặc tách bản làng đi lập nơi ở mới.

Không chỉ đối với người Vân Kiều, đồng bào Pa Kô cũng quan niệm về Yang với những điểm tương đồng. Đặc biệt là cộng đồng người Kinh mà trong đó phần lớn sinh sống xen kẽ với đồng bào dân tộc thiểu số hoặc những người có quan hệ buôn bán, làm ăn ở miền núi thì Yang vẫn hiện hữu và chi phối trong cuộc sống của nhóm người này. Đơn cử những người Kinh khai thác rừng, những người làm ăn, buôn bán ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi ốm đau, bệnh tật dài ngày (đặc biệt là khi chẩn đoán chưa được hoặc không tìm được nguyên nhân bệnh tật) thì nhóm người này thường bảo là bị “mắc Yang”. Tức là người hoặc một vài người này đã làm việc trái với quy luật tự nhiên, làm việc không có lợi với thiên nhiên sông núi nên mới bị Yang phạt. Đã không ít người trong số họ bị “vướng Yang” và phải làm lễ tạ tội theo phong tục miền núi.

Người Vân Kiều rất chú trọng đến Yang cả trong lao động sản xuất cũng như cuộc sống thường ngày. Người dân trong bản muốn phát đốt, khai hoang nương rẫy ở khu vực nào đó để sản xuất thì phải khai báo và có sự đồng ý của già làng mới được thực hiện. Theo già làng Hồ Nua thôn Trại Cá, xã Tà Long, huyện Đakrông, nếu chưa xin ý kiến thì đồng nghĩa với việc trái ý của Yang và sẽ bị phạt theo luật tục.

Cúng lúa mới, một trong những dịp đồng bào Vân Kiều tỏ lòng biết ơn Yang với Thần lúa - Ảnh: Hồ Giỏi

Cúng lúa mới, một trong những dịp đồng bào Vân Kiều tỏ lòng biết ơn Yang với Thần lúa - Ảnh: Hồ Giỏi

Già làng “thay” Yang chọn đất lập bản

Bản làng Vân Kiều thường được chọn ở những nơi có núi che chở, có nguồn nước tốt cho sinh hoạt cộng đồng. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là đất để dựng bản. Đất tốt có thể phát triển kinh tế, xã hội, hay nói đúng hơn là “sinh khí của đất”, tức là sự thịnh vượng trong vùng đất đó có hay không để dựng bản mới là điều quan trọng.

Trong hành trình tìm đất dựng bản, lập làng, “ý chí” của Yang được thể hiện qua già làng và Yang luôn theo già làng để chỉ bảo từng công việc. Tất cả điều đó đều hướng đến cộng đồng dân làng và niềm tin của cộng đồng đối với Yang là tuyệt đối. Quá trình này diễn ra đồng thời với sự cầu nguyện của mỗi người tạo nên sức mạnh cả cộng đồng khiến Yang thấu hiểu và giúp đỡ dân làng tìm được nơi lập bản, dựng làng tốt nhất.

Ông Hồ Nua, cho biết thêm: “Yang ngang bằng với Trời, Yang biết hết mọi việc. Trong chọn đất lập bản già làng thường xin ý kiến Yang bằng cách xin quẻ với nhiều nghi lễ khác nhau. Đầu tiên là bày biện nghi lễ cùng một con gà dâng cúng để xin quẻ. Sau khi lễ xong liền đem chân gà ra xem quẻ, nếu thuận là quẻ tốt thì làm lễ thứ hai. Lễ này chọn ٨ hạt gạo tốt bỏ vào một ống tre chôn nằm ngang xuống mảnh đất đã chọn. Sau ba ngày đêm đào lên, nếu tám hạt gạo còn nguyên vẹn, không xê dịch, có nghĩa Yang báo cho biết đây là vùng đất tốt, không có ma quỷ quấy phá thì mới tiến hành xây dựng bản làng. Ngược lại nếu tám hạt gạo kia không nguyên vẹn có nghĩa là sự việc xảy ra theo chiều không thuận, Yang báo cho biết là đất rất độc, nhiều ma lắm quỷ phải đi tìm vùng đất khác”.

Khi chọn được đất để xây dựng bản làng cho đến khi về ở người Vân Kiều phải trải qua nhiều nghi lễ cúng bái và kiêng cữ. Và trong khoảng thời gian này mọi thành viên không ăn thịt con mang, cá chình, gà rừng... để tránh xui xẻo, rủi ro cho cộng đồng. Tránh nghĩ hoặc đề cập đến chuyện đau ốm, tai nạn… vì đó là những điềm gở báo hiệu một tương lai không tốt như hạn hán, mất mùa, đói kém… Già làng Hồ Nua cho biết thêm, sau 3 năm dựng bản, lập làng người Vân Kiều phải tổ chức cúng Yang (Yang Suq = Yang Thổ địa) với lễ vật 1 con trâu, 7 con gà, rượu và nếp gạo để tạ ơn thần linh đã mang lại sự bình an, thịnh vượng cho dân bản.   

Yang là cách gọi chung của đấng tối cao nhất (Thần linh). Còn trong một số lĩnh vực cụ thể, Yang cũng mang tính cụ thể với tên gọi gắn liền với hoạt động lao động sản xuất hoặc đời sống tâm linh. Yang Thổ địa gọi là Yang Suq; Yang Saray là Thần rẫy; Yang Kaniaq là Thần rừng; Yang Asarel là Thần làng…

Tín ngưỡng của đồng bào Vân Kiều đối với Yang nó mang yếu tố tâm linh tích cực, giúp đồng bào làm được nhiều việc tốt và hạn chế việc xấu vì sợ Yang trách phạt. Đây không những cội nguồn của đời sống tâm linh mà còn là cái nôi sản sinh ra những giá trị văn hóa về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Vân Kiều ở Quảng Trị.

LÊ HOÀNG HÀ
Chuyên đề 8: Tôn giáo & tín ngưỡng trong đời sống

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

11 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground