Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gian nan những chuyến ngược ngàn

T

rong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chế độ, chính sách của Nhà nước đã được chuyển tải đến mọi tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức tuyên truyền. Vấn đề giải trí, thưởng thức văn hóa, nghệ thuật cũng được thực hiện một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất bằng các phương tiện hiện đại. Thế nhưng, đối với bà con dân tộc Vân kiều, Pa cô ở các xã của huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và Vĩnh Linh, được xem phim qua màn hình rộng vẫn còn là một niềm ao ước. Chính vì điều đó những người làm công tác chiếu bóng lưu động ở Quảng Trị luôn có những chuyến ngược ngàn đầy gian nan vất vả.

Một năm có 365 ngày thì các thành viên của 2 đội chiếu bóng thuộc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Quảng Trị đã phải xa gia đình đến 160 ngày, để lại mọi công việc cho người vợ đảm. Hàng năm trừ mùa mưa, còn lại mỗi tháng các đội lại lên lịch phục vụ 20 đêm chiếu bóng cho bà con vùng sâu, vùng xa, điểm đến là những bản làng xa xôi, cách trở. Mặc dù trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc, song vẫn còn những vùng khó khăn, nguồn điện lưới quốc gia chưa vươn tới được. Hành trang cho mỗi chuyến đi là đồ dùng cá nhân, ba lô áo quần, chăn, màn, mì ăn liền và những thứ không thể thiếu như thuốc chống sốt rét, các loại thuốc phòng bệnh... Mỗi người một xe honda cá nhân, chia nhau chuyên chở, nào máy nổ, nào tăng âm, phim ảnh, loa, màn ảnh và một số phụ kiện khác, đó là nếu chiếu vidéo, còn khi chiếu phim nhựa màn ảnh rộng thì phải thuê ôtô vận chuyển, lúc nào đến đoạn đường khó đi, ôtô không vào được thì phải dùng xe máy chuyên chở nhiều lần để đến đích. Quãng đường đi của những người trong Đội chiếu bóng số 1 và số 2 phải trải qua biết bao gian nan, vất vả. Xe máy cá nhân chỉ sử dụng được một đoạn đường rất ngắn so với hành trình mà họ phải đến. Đường về các thôn, bản nếu không phải trèo đèo, lội suối thì cũng phải cách trở sông sâu, nên mọi người phải gửi xe máy lại, sau đó vận chuyển bằng sức người. Do dụng cụ phục vụ cho mỗi đêm chiếu phim rất cồng kềnh, nên phần lớn đi tới đâu anh em trong đội lại phải nhờ bà con thôn bản đi bộ vận chuyển giúp cho từ sáng sớm đến chiều tối mịt. Một số địa bàn phức tạp như các xã Ba Nang, A Vao (Đakrông), Pa Tầng, Hướng Lộc, Hướng Linh (Hướng Hóa), Vĩnh Ô (Vĩnh Linh)... Nhiều kỷ niệm không thể nào quên cứ neo giữ và đi theo họ cho đến tận bây giờ. Anh Võ Văn Hiển, một người đã có hơn 20 năm trong nghề chiếu bóng lưu động ở các địa bàn miền núi vẫn nhớ như in một lần suýt chết khi băng qua suối. Vào một ngày đầu đông, Đội chiếu bóng số 1 đến phục vụ tại xã A Bung, lúc đó khoảng 4 giờ chiều, trong khi mọi người trong Đội đang miệt mài công việc cho buổi tối chiếu phim, bất ngờ anh Nguyễn Văn Hạnh mồ hôi đầm đìa và gục ngã xuống thảm cỏ, rất may anh Hạnh được cán bộ quân y của Đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn sơ cứu tạm thời, sau đó thuê xe đò đưa về Bênh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Trong lúc hoạn nạn xảy ra, cán bộ của bản cũng có mặt, điều rất đáng quý, anh Hồ Văn Hùng, trưởng bản A Bung lúc bấy giờ cũng lên xe đi cùng mọi người đưa anh Hạnh về xuôi nhập viện với chặng đường xa hơn 120 km. Gần đây hơn, trong một chuyến đi phục vụ tại xã Ba Nang, một xã xa nhất và khó khăn nhất về mọi mặt của huyện Đakrông. Khi đặt chân đến bản Đá Đỏ, anh Hiển cùng một người trong Đội phải bơi qua suối, đây là con đường duy nhất để vào được UBND xã liên hệ điểm chiếu phim. Do trải qua một chặng đường ngược ngàn xa xôi, mệt nhọc nên khi bơi qua suối anh Hiển đã bị nước cuốn trôi xa chừng 50m. Rất may anh đã bình tĩnh và nhanh tay níu được một cành cây xõa xuống mặt nước nên chỉ sau vài chục phút anh đã leo được lên bờ lấy lại sức lực tiếp tục cho cuộc hành trình.

Những bản làng mà các đội chiếu bóng lưu động đã đi qua, hầu hết điều kiện sinh hoạt, nơi ăn ở hết sức khó khăn. Mọi người trong đội đã xác định phải cố gắng hết sức lực để vượt qua tất cả. Chuyện thường ngày phải đối mặt trong mỗi chuyến đi tưởng chừng không có gì quan trọng nhưng lại là tiềm ẩn hiểm nguy như vắt cắn, muỗi rừng đốt, bọ chét bám... Song điều hạnh phúc nhất sau những giờ băng rừng lội suối, nhọc nhằn lăn lộn để dựng lán, giăng màn ảnh rộng, mọi người lại được bà con thôn bản động viên giúp đỡ, những củ sắn, củ khoai, quả chuối làm nguôi đi cái đói cồn cào. Hạnh phúc nhất vẫn là những lúc màn đêm buông xuống, không gian nơi núi rừng Trường sơn như vỡ òa bởi ánh sáng của đèn điện, tiếng máy nổ âm vang. Bà con dân tộc lục tục kéo đến rất đông. Mặc dù có khảo sát, nghiên cứu kỹ gì đi nữa thì điểm chiếu phim tại các xã miền núi vẫn không sao tính được đâu là điểm trung tâm nhất. Do nhà ở của đồng bào dân tộc nằm thưa thớt, có khi cùng một bản nhưng nhà này cách xa nhà kia cả một ngọn đồi, họ phải đi bộ hàng giờ mới đến được nơi xem phim. Buổi chiếu phim bắt đầu đối với bà con dân tộc ở miền núi là lúc ở miền xuôi mọi nhà đã tắt đèn đi ngủ, bởi vậy những ngày đến với đồng bào dân tộc là thời gian các thành viên trong đội chiếu phim thức cùng rừng núi, được nghe tiếng chim rừng đi ăn đêm, tiếng thú hoang hú đến rợn người. Đề tài phim được trình chiếu ở miền núi cũng rất đa dạng và phong phú, trong đó được chú trọng đến một số mảng như lịch sử chiến tranh cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc chống giặc ngoại xâm, tình yêu, ca nhac, ca nhạc thiếu nhi, nét đẹp văn hóa của các dân tộc anh em, phóng sự người tốt, việc tốt, uống nước nhớ nguồn, khuyến nông, khuyến lâm, trồng rừng, bảo vệ rừng, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, vệ sinh phòng bệnh sốt rét, dịch tả, dịch cúm, HiV, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy... đáp ứng được sự chờ mong của người xem thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Qua chương trình chiếu phim tại vùng sâu, vùng xa đã góp phần giúp cho bà con dân tộc hiểu thêm về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như những kinh nghiệm, bài học trong lao động sản xuất, qua đó có thêm nhiều kiến thức trong chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng cuộc sống. Không ít hộ đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa cô đã mạnh dạn khai thác tiềm năng đất đai để trồng cây công nghiệp, làm lúa nước mang lại hiệu quả cao, thoát khỏi cảnh đói nghèo đưa kinh tế đi lên.

Hiện tại các đội chiếu bóng lưu động ở Quảng Trị vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, khi  khoa học công nghệ thông tin hiện đại đã gần như được phổ cập thì phương tiện, máy móc để phục vụ vùng sâu, vùng xa của các đội chỉ là máy chiếu video 100 in đời 1999 đã quá cũ kỹ và lạc hậu, chỉ nhờ vào phim nhựa màn ảnh rộng, nhưng phim Việt Nam do Cục Điện ảnh cung cấp cũng vô cùng khan hiếm, nếu muốn có phim hay thì phải thuê với giá rất cao, mà kinh phí thì có hạn. Với tấm lòng yêu nghề, hăng say với công việc nên hàng năm những người làm công tác chiếu phim lưu động đã đưa đến những thước phim hay, thu hút cho hàng chục ngàn lượt người xem.

Ghi nhận về những công lao cũng như thành tích của các đội chiếu bóng lưu động thuộc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Quảng Trị, trong Hội nghị toàn quốc về công tác chiếu phim lưu động và sản xuất chương trình phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi diễn ra tại thành phố Thái Nguyên vào tháng 6/2007, được đánh giá hoạt động hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong phong trào xây dựng cuộc sống mới và phát triển kinh tế, xã hội ở miền biên giới vùng cao Quảng Trị.

                N.H  

 

Ngân Hoa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 162 tháng 03/2008

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

11 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

11 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

11 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

11 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground