Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gọi thầm hai tiếng "ba ơi"

T

ôi sinh ra ở Vĩnh Linh, mảnh đất trước kia trong thời kỳ chống Mỹ đã từng chứng kiến cuộc đối đầu lịch sử khốc liệt nhất của một đất nước tạm thời bị chia cắt hai miền.

Cũng như bao đứa trẻ khác, mới bảy tuổi đầu, tôi đành phải xa gia đình ra miền Bắc sơ tán, để cha mẹ yên lòng cùng bà con lằng xóm bám trụ kiên cường quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Trong những năm xa quê. Mặc dù đã được Đảng, Chính phủ và Bác Hồ hết sức quan tâm lo cho từng miếng cơm, manh áo, sách vở học hành và được sự yêu thương của đồng bào miền Bắc. Nhưng nỗi nhớ quê hương, gia đình, người thân vẫn luôn gặm nhấm trong tâm hồn non trẻ của tuổi thơ tôi. Thế rồi, chẳng hiểu từ đâu cái câu ca truyền miệng “Chanh chua thì khế cũng chua/ Sang năm bảy mốt thì đua nhau về” đã ám ảnh tôi và bạn bè cùng trang lứa để từ đó chúng tôi dại dột rủ nhau trốn về thăm quê trong cái thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến. Hành trang mang theo chúng tôi không ngoài chiếc ba lô màu xanh công nhân, lèo tèo mấy bộ quần áo học sinh, không một đồng xu dính túi. Ba đứa trẻ: tôi mười một tuổi, Hoà và cái Xiêm mười hai tuổi đã dám trốn thầy cô, trốn gia đình nuôi dưỡng đi bộ vượt hàng mấy trăm km từ Ninh Bình về Vĩnh Linh thăm quê.

Tôi còn nhớ như in một buổi trưa khi đến bờ Bắc cầu Hàm Rồng - Thanh Hoá, mặt đất đang yên lành thì bỗng đâu một tốp B52 của Mỹ lồng lộn ném bom toạ độ xuống đầu cầu bờ Nam. Ba chúng tôi chỉ còn biết nhảy đại xuống chiếc hầm ếch gần nhất ôm nhau thét khóc hoảng loạn. Tan đợt bom, chúng tôi lại quyết tâm thẳng hướng về Nam đói khát ở đâu xin ăn uống ở đó. Chúng tôi cứ đi như thế, lần hồi cũng đến được Thạch Hà - Hà Tĩnh, ngủ đêm tại một căn nhà hoang đã bị trúng bom xơ xác, sự sống của căn nhà chỉ còn sót lại một tổ chim ri có ba con đỏ au chưa hề có một sợi lông tơ. Chúng tôi nghe tin có nhiều đoàn công tác đặc biệt, chuyên đi ở các bến phà, bến tàu, bến xe… để thu gom con em K8 trả ra miền bắc, cho nên khi ngủ cũng như lúc hành trình, nỗi lo âu, sợ hãi càng làm tăng thêm phần đói khát, mệt mỏi của chúng tôi. Đến khi tưởng chừng như đã kiệt sức, một chiếc xe gát phủ đầy lá nguỵ trang đang lừ lừ tiến về phía Nam, làm chúng tôi bừng tỉnh. Chúng tôi giơ cao những cánh tay yếu ớt khẩn thiết vẫy gọi. Khi xe dừng hẳn, từ trên cabin có hai chú bộ đội nhảy xuống. Một người trạc tuổi ba mươi, nước da trắng, tóc húi cua, đôi mắt sáng duy chỉ có làn môi hơi bị thâm, có lẽ vì sốt rét. Còn người kia trạc tuổi ba mươi lăm, dáng cao, người đậm, nước da màu nâu sạm hiền từ hỏi chúng tôi bằng giọng Bắc:

- Các cháu muốn đi đâu?

Chúng tôi đồng thanh đáp:

- Chúng cháu muốn về Vĩnh Linh.

Chú lớn tuổi lại hỏi: - Các cháu có phải là K8 không?

Cái Xiêm nhanh nhảu đáp:

- vâng ạ!

Thoáng một chút suy tư chú trẻ tuổi nói: Nếu vậy thì các chú sẽ gửi xe cho các cháu trở lại miền Bắc. Đi vào trong đó nguy hiểm lắm.

Không ai bảo ai, chúng tôi đều oà lên khóc, ôm chầm lấy hai chú mà rằng:

- Hãy thương các cháu với, các cháu nhớ ba, mẹ, xóm làng lắm, cho chúng cháu vô Vĩnh Linh đi.

Bỗng dưng từ hai khoé mắt chú trẻ tuổi lăn tròn dòng lệ, đôi mắt chú lớn tuổi cũng đỏ hoe, rồi chú quả quyết:

- Thôi được, chú tên là Bé, còn chú này tên là Quang, trên đường đi sống chết có nhau, các chú sẽ đưa các cháu về Vĩnh Linh thăm ba mẹ.

Chú Quang nhảy lên thùng xe, chất xếp đống quân trang tạo thành một khoảng đủ để sáu sinh linh nhỏ bé nằm (ba chúng tôi và ba con chim ri) và cứ thế lần theo đường rừng tiến vào Nam.

Cả một chặng đường dài biết bao khó khăn gian khổ, chúng tôi phải đi qua nhiều cánh rừng gập ghềnh sông suối. Gặp nước thì chú lấy gô nấu cơm, xẻ thịt hộp cho chúng tôi ăn, bằng không thì các chú bẻ vụn lương khô ép chúng tôi nuốt. Tôi nhớ đến một cánh rừng có nhiều hố bom cày nát, cây cối bị phạt ngang, mất phương hướng nên chúng tôi bị lạc, chú Quang lại bịt sốt rét hoành hành trong khi lương thực ngày càng cạn kiệt. Đau ốm, vất vả là vậy mà hai chú chỉ dám nấu loảng gạo với lá tàu bay để ăn, nhường lương khô dự trữ cho ba chúng tôi. Cuối cùng, chú Bé đành để lại chiếc xe quân trang với bốn người giữa rừng sâu heo hút để cầm la bàn đi tìm binh trạm. Một ngày, hai ngày, ba ngày… nỗi thất vọng lớn dần trong chúng tôi khi không có dấu hiệu trở về. Mãi đến ngày thứ sáu, chú Bé cùng với cô giao liên mới xuất hiện làm cho chúng tôi hân hoan tột độ. Chúng tôi về binh trạm trong rừng cao su ở Quảng Bình trong tình thương đồng đội của các chú.

Vừa bước xuống xe, binh trạm trưởng hỏi:

- Những đứa trẻ này là ai? Tại sao các đồng chí không giữ đúng nguyên tắc bảo mật?

Chú Quang bèn chỉ vào tôi và nói:

- Đây là con nuôi của tôi và hai cháu kia cũng là con nuôi hàng xóm tôi. Quê các cháu ở tận Vĩnh Linh, vì nhớ quê các cháu trốn về thăm, tình cờ trên đường vào Nam chúng tôi gặp được. Đành chấp nhận thôi, mong các đồng chí thông cảm. Khi vào trong đó giao hàng xong, cho các cháu chơi vài bữa, chúng tôi sẽ có trách nhiệm đưa các cháu ra.

Hơn một chục ngày đường chúng tôi mới được một bữa ăn ngon. Các cô chú luôn tay gắp những miếng thịt ngon nhất bỏ vào bát cho từng đứa. Riêng tôi tự dưng cũng biết nói dối, miệng lúc nào cũng gọi bố Quang.

Phải chăng chiến tranh càng ác liệt, con người ta càng nhân hậu hơn để từ đó luôn chứa đựng một trái tim đồng cảm giữa con người với con người. Một tình thương vượt ra ngoài sự mong đợi của bản thân. Có lẽ đó cũng là một sức mạnh của tình quân dân thắm thiết, một bản chất cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ.

Đến Hồ Xá, xe dừng lại, hai chú lần lượt bế chúng tôi xuống. Lấy trên xe ba chiếc mũ tai bèo vẫn còn thơm mùi vải mới, âu yếm đội lên đầu chúng tôi. Chú Bé nói trong nghẹn ngào:

Nếu không bị lạc làm ảnh hưởng đến kế hoạch hành quân, các chú sẽ đưa các cháu về đến tận nhà, các chú có lỗi với các cháu nhiều lắm. Trong cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ này, không biết còn có dịp gặp lại các cháu không! Chú chỉ mong sao thăm quê được bình yên, các cháu hãy trở ra Bắc để tiếp tục học tập nên người. Chú Quang cũng kịp mua một nải chuối thật to, dúi vào tay tôi, chỉ kịp nói một câu ngắn ngủi:

- Bố đi con nhé!

Ba chú chim con đã kịp mọc lông cánh, chuẩn bị tập bay cứ vô tư vươn cổ lên đòi ăn và sải cánh vẫy vẫy. Còn chúng tôi lại chỉ biết khóc mà không nói lên lời.

Chiếc xe gát lại lần tìm đường mòn Hồ Chí Minh để đi tiếp vào Nam. Khi xe đi khuất, chúng tôi mới bàng hoàng trách nhau, tại sao không hỏi quê các chú ở đâu?

Từ bấy đến nay đã ba lăm năm có lẽ ba chúng tôi đã có những gia đình riêng và đảm nhận một cương vị  xã hội ở các lĩnh vực khác nhau - nếu còn, chắc bố Quang tôi và chú Bé đã tóc bạc, lưng còng. Sự ân hận muộn màng làm tôi luôn thầm gọi “Ba ơi!” và biết đâu sau sự muộn màng, với thông điệp này tôi may mắn tìm gặp lại được “ba” tôi.

                                                                                  H.C.K

 

Hoàng Công Kiển
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 164 tháng 05/2008

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground