Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hà Thị Học - gương sáng giữa đại ngàn

Bằng tất cả tâm huyết, lòng yêu thương và lẽ phải, bà Hà Thị Học người Vân Kiều ở thôn Khe Hà, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã thuyết phục người dân trong vùng dần xoá bỏ những hủ tục không còn phù hợp trong đời sống hiện nay, nhất là chuyện hôn nhân gia đình của phụ nữ và trẻ em gái, để hướng đến một cuộc sống cộng đồng ngày càng phát triển, đầy đủ, hạnh phúc hơn.

Từ người phụ nữ không chịu làm thê thiếp

Hơn 50 năm về trước, giữa núi rừng thâm u, bản Hà Bạc (nay là Khe Hà - tên sáp nhập từ 3 thôn Khe Hiên, Khe Van và Hà Bạc) đầy rẫy những hủ tục lạc hậu về ma chay, cưới xin, những phong tục phản khoa học liên quan đến sức khỏe, đời sống đối với người dân bản làng. Nhưng với sự “xuất hiện” của người con gái rắn rỏi mang tên Hà Thị Học cùng câu chuyện “không chịu làm thê thiếp” để chống lại nạn quan hệ đa thê trong đời sống hôn nhân gia đình ở vùng núi cao là một việc làm hết sức gan dạ mà không phải người phụ nữ nào cũng dám thực hiện.

Bà Hà Thị Học hàng ngày vẫn miệt mài với công việc nương rẫy - Ảnh: L.H

Bà Hà Thị Học hàng ngày vẫn miệt mài với công việc nương rẫy - Ảnh: L.H

Vừa thong dong kiểm tra vườn rẫy để chuẩn bị cho mùa vụ mới bà Học vừa rủ rỉ về đời mình: “Năm 1977, theo phong tục của người Vân Kiều, nhà chồng mang “sính lễ” là 500 đồng bạc Đông Dương qua “bỏ của” (một tục lệ của người Vân Kiều) để mang tôi về làm dâu nhà họ. Yêu chồng tôi nhận lễ nhưng chưa cho cưới, vì lúc đó chồng đi bộ đội vài năm mới về được. Quan niệm của tôi là nếu thương nhau thì mấy cũng chờ đợi được nên tôi bảo với chồng ngày về rồi cưới. Thực ra lúc đó tôi nghĩ, nếu người chồng đính ước của tôi yêu cô gái nào đó ở chỗ đóng quân rồi dắt về nhà, tôi sẽ làm vợ lẽ, như thế là không được. Nếu chung sống một chồng hai vợ, thậm chí nhiều vợ như những gia đình ở miền núi thì tôi sẽ trả lại sính lễ cho nhà chồng để tính chuyện của mình. Tôi chỉ kết hôn một vợ một chồng mà thôi”.

Một việc làm tưởng chừng như đơn giản, nhưng đó là bước khởi đầu để khẳng định mình trước cộng đồng và vận động chị em phụ nữ không nên quan hệ đa thê trong đồng bào Vân Kiều. “Làm vợ lẽ con hầu xót xa lắm. Một vợ một chồng còn chưa được thương, chưa được đối đãi đàng hoàng nói chi đến một chồng nhiều vợ. Mà cơ bản pháp luật không quy định như thế, chế độ đa thê trái với pháp luật nên chúng tôi căn cứ vào đó để vừa thuyết phục, vừa chống lại cái sai” - bà Học khẳng định.

Chúng tôi hỏi, hồi đó xuất phát từ suy nghĩ hay học hỏi từ đâu để can đảm “đổi mới” trong cộng đồng như thế? Bà Học lặng im trong giây lát rồi hồi tưởng: “Tôi học từ mẹ tôi, trước đây bà ấy là chủ tịch Hội Phụ nữ thôn bản. Tôi vẫn nhớ như in, khi chừng 12, 13 tuổi có người tới nhà để xin tôi về làm dâu nhưng mẹ tôi nhất quyết từ chối. Việc làm ấy của mẹ không những giúp tôi thoát được nạn tảo hôn mà còn cho tôi một lý tưởng sống can đảm, mạnh mẽ hơn khi trưởng thành”.

Cứ thế, từ những kiến thức đã học được ở trường, chắt lọc kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày, nhất là từ hiện thực của cuộc đời mình, nên hễ có cơ hội đứng trước mọi người là bà Học lại tuyên truyền, vận động cộng đồng thôn bản thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm để đem lại nhiều lợi ích hơn. Từ đó, bà được người dân cũng như chính quyền các cấp tính nhiệm rồi trải qua nhiều chức vụ khác nhau như: chủ tịch Hội Phụ nữ thôn Hà Bạc, Bí thư chi bộ thôn, Người có uy tín thôn Khe Hà, Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Hướng Hiệp… Dù ở vị trí công tác nào bà Học cũng luôn tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt luật Hôn nhân và gia đình, lĩnh vực tác động rất nhiều đối với đời sống các gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số, bởi nhiều em gái lấy chồng khi tuổi đời còn rất trẻ. “Hồi trước, lúc tôi 17 tuổi bạn bè tôi đã có từ hai con trở lên, họ lấy chồng khi 13 - 14 tuổi, có khi còn nhỏ hơn. Sau kết hôn các cặp vợ chồng thường đối diện với cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Bên cạnh kinh tế khó khăn, dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế nên những đứa trẻ sinh ra do tảo hôn mang trong mình nhiều bệnh tật, trở thành gánh nặng cho cho gia đình và xã hội. Điều đó khiến tôi trăn trở, suy nghĩ rất nhiều và đó cũng là lý do để tôi luôn quyết liệt chống lại nạn tảo hôn đã tồn tại bao đời”, bà Học trải lòng.

Bà Hồ Thị Phấn - người Vân Kiều thôn Khe Hà cho chúng tôi biết thêm: “Ngày trước nghe con gái tôi là Hồ Thị Nhớ có người muốn xin về làm dâu khi chưa đủ tuổi kết hôn, bà Học đã đến vận động gia đình không cho phía nhà trai “bỏ của”. Bà Học phân tích đúng nên nhà tôi nghe theo, sau các con tôi kết hôn theo quy định của pháp luật, cuộc sống của các cháu rất tốt, chúng tôi rất biết ơn bà Học”.

Đến người có uy tín hiếm hoi giữa đại ngàn

Theo nhà văn Hoàng Hải Lâm, người hơn hai mươi năm gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Trị thì việc lựa chọn lựa nhân sự làm Người có uy tín (già làng) khi sáp nhập thôn bản là điều hề không đơn giản, bởi Người có uy tín trong đồng bào Vân Kiều là rất đỗi thiêng liêng. Nhưng hai già làng là nam giới ở thôn Khe Van và thôn Khe Hiên đã chủ động tín nhiệm bà Hà Thị Học làm người có uy tín các thôn bản mới sau sáp nhập là điều rất hiếm hoi. Việc làm này thêm một lần nữa cho thấy bà Hà Thị Học là một người phụ nữ rất tận tụy, mẫu mực, uy tín hiếm hoi giữa đại ngàn Trường Sơn.

Bản làng Khe Hà nơi bà Hà Thị Học sinh sống - Ảnh: L.H

Bản làng Khe Hà nơi bà Hà Thị Học sinh sống - Ảnh: L.H

Nhà văn Hoàng Hải Lâm còn chia sẻ thêm, người có uy tín thôn Khe Hiên (cũ) chia sẻ rằng, trong cộng đồng người Vân Kiều trước đây hầu như không có phụ nữ làm người có uy tín trong thôn bản. Tuy nhiên, ngày nay cộng đồng cũng đã nhận ra những ai làm việc có ích cho bản làng thì dù nữ hay nam đều được tín nhiệm. Bà Học có hiểu biết và trách nhiệm nên được mọi người tín nhiệm, đó là sự đồng thuận lớn thể hiện sự đoàn kết cộng đồng để xây dựng bản làng ngày một phát triển đi lên.

Ở vào tuổi 66, bà Học vẫn hàng ngày chăm chỉ lao động sản xuất với 6 sào ruộng lúa nước hai vụ, 0,6 hec ta đất trồng sắn, 2 hec ta rừng tràm… Bà bảo rằng, chính lao động làm cho con người mình khỏe ra. Mọi nhà nên cho con em mình ngoài giờ học tập phải biết lao động để quý trọng của cải làm ra và về sau đỡ vất vả khi lập thân lập nghiệp, dựng xây gia đình. Hơn thế, muốn phát triển bản làng trước tiên phải phát triển bản thân mỗi người và muốn mọi người thực hiện thì người có uy tín phải làm gương. “Tôi còn khỏe nên phải lao động để làm ra của cải vật chất phục vụ cuộc sống hàng ngày, vả lại, mình làm việc thì con cháu nhìn vào đó mà siêng năng học tập làm theo để mỗi gia đình ngày càng no ấm”.

Tấm gương của bà Hà Thị Học - người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Khe Hà không đơn thuần có tác động tích cực trong 225 hộ dân, với gần một ngàn nhân khẩu sống trên địa bàn mà còn lan rộng ra tới những cộng đồng dân cư trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Trị. Bà Hồ Thị Lưu, cán bộ Văn hóa - xã hội xã Tà Long, huyện Đakrông chia sẻ thêm về bà Học với một sự ngưỡng mộ: “Bà Hà Thị Học là một người mẹ gương mẫu, giàu lòng yêu thương đối với người dân bản làng. Mặc dù chồng mất sớm nhưng bà một mình nuôi 5 người con gái ăn học trưởng thành. Hiện nay, với vai trò là người có uy tín, bà Học vẫn luôn tận tuỵ với công việc, thường nói đi đôi với làm, kề vai sát cánh cùng các đoàn thể địa phương tiếp tục vận động, giúp đỡ dẫn dắt các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội bản làng ngày càng khang trang, giàu đẹp hơn...”. 

LÊ HOÀNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 367

Mới nhất

“Tôi ước giá như cha tôi còn sống để xin lỗi Việt Nam”

23/04/2025 lúc 09:05

Tin ông Craig Mc Namara, con trai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S.Mc Namara đến Việt Nam, trong đó có Quảng Trị tham gia làm phim theo đề nghị của Ban Truyền hình đối ngoại (VTV4), Đài Truyền hình Việt Nam khiến tôi thấy thú vị, hồi hộp đợi chờ lúc gặp mặt ông nên cả buổi trưa không ngủ.

Từ “thần tốc” đại thắng mùa xuân đến “thần tốc” vươn mình vào kỷ nguyên mới

23/04/2025 lúc 09:00

Năm mươi năm sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tôi lại nghe trên Quảng Trị khúc ca hào hùng của những năm tháng đã qua, những bè cao và bè trầm hòa quyện vào nhau cùng những khoảng lặng dài và sâu ngân rung từ lòng đất đang mang nhịp sống của những người đã ngã xuống vì độc lập tự do, vì hòa bình. Và tôi lại nghe, lại thấy khát vọng hòa bình bay lên từ mảnh đất thân thương Quảng Trị.

Văn học nghệ thuật nỗ lực sáng tạo góp phần tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của quê hương Quảng Trị

23/04/2025 lúc 08:56

Sau hiệp định Giơnevơ 1954, Quảng Trị bị chia cắt bởi dòng sông Bến Hải - Vĩ tuyến

Ước hẹn ngày xưa

22/04/2025 lúc 23:25

Anh là Chung, đồng hương của tôi. Những ngày chủ nhật anh thường rủ tôi về nhà riêng ở một con phố ngay giữa lòng thủ đô. Đến đây, tôi được gặp chị Dung, vợ anh. Chị không đẹp, nhưng có một giọng nói rất dễ thương, rất phổ thông, rất Hà Nội, kèm theo là nụ cười lúc nào cũng tươi rói trên môi.

Tọa đàm “Văn học nghệ thuật Quảng Trị - 50 năm sau ngày đất nước thống nhất” 30/4/1975-30/4/2025

18/04/2025 lúc 22:32

Sáng ngày 18/4, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị tổ chức tọa đàm “Văn học nghệ thuật Quảng Trị - 50 năm sau ngày đất nước thống nhất” 30/4/1975-30/4/2025.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground