- Giá trị lịch sử
Hò giã gạo gắn liền với truyền thống nông nghiệp của người Việt Nam nói chung, người Việt ở vùng miền Trung và Quảng Trị nói riêng. Do đó, Hò giã gạo có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời...
Thông qua so sánh về ca từ, cấu trúc của buổi Hò giã gạo, đặc điểm thang âm điệu thức như đã trình bày, mặc dù không thể xác định thời điểm chính xác ra đời của Hò giã gạo Quảng Trị, song có thể xem đây là kết quả của sự kế thừa dân ca vùng Thanh Nghệ kết hợp với các yếu tố bản địa, đặc biệt là các cư dân tiền trú, thể hiện trên phương diện ngôn ngữ lẫn giai điệu. Quá trình kế thừa và phát triển đó được bồi đắp, định hình trong suốt hành trình đi về phương Nam của người Việt, được manh nha từ thời nhà Lý, Trần sang đến thời Lê, đặc biệt là từ thế kỷ XVI. Việc Đồng Khánh địa dư chí nhắc đến một địa danh thuộc Quảng Trị (xã Câu Nhi, nay thuộc huyện Hải Lăng) với tục hát đối đáp nam nữ đã cho thấy sự thịnh hành của hình thức ca xướng này trong dân gian dưới triều Nguyễn. Một số làng được xem là “trung tâm” Hò giã gạo được hình thành như: Mai Xá, Phú Hội, Gia Độ, Đạo Đầu v.v.
Từ một hình thức hò hát với lời lẽ thô mộc của giới bình dân, Hò giã gạo dần dần có sự tham gia của các Nho sĩ, thầy đồ, giới trí thức Tây học. Nghệ thuật ngôn từ càng lúc càng được trau chuốt, tinh tế, nhiều điển tích, điển cố được lồng ghép vào nội dung các câu hò. Theo đó, trải qua sự biến thiên của lịch sử, Hò giã gạo đã không ngừng được gìn giữ, thực hành trong cộng đồng, dưới các dạng thức: hò lao động, hò vui chơi giải trí, hò cổ động - phục vụ kháng chiến và biểu diễn. Nội dung của các câu hò cũng phản ánh đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa xã hội của người dân Quảng Trị qua các thời kỳ lịch sử. Đặc biệt là các mối quan hệ liên làng (thông qua các phe hò), sự chi phối của đạo đức Nho giáo đến ứng xử của giới bình dân (Hiếu, Trung, Nhân, Nghĩa…), lệ làng phép nước và nhất là thực tiễn của cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm (chống Pháp và chống Mỹ), kiến thiết đất nước của người dân Quảng Trị.
Một buổi tập luyện dân ca Hò giã gạo của các hội viên và các em học sinh của Câu lạc bộ Dân ca Sông Hiền huyện Vĩnh Linh - Ảnh: N.T.N
Ngày nay, mặc dù môi trường diễn xướng vốn có không còn, song Hò giã gạo tiếp tục phát huy vai trò của mình trong các chương trình hội diễn văn nghệ quần chúng cũng như trong học đường. Với yêu cầu đơn giản về nhạc cụ, phục trang, nhịp điệu tiết tấu vui tươi, linh động trong việc đặt lời, có thể biểu diễn từ 2 đến một nhóm người lớn hoặc nhỏ. Hò giã gạo dễ phổ biến và tiếp nhận nên thường được vận dụng như một xương sống trong các ca cảnh (kết hợp với vè, hò mái nhì, nói lối…) hoặc trình diễn độc lập để chuyển tải các nội dung đáp ứng yêu cầu của cuộc sống đương đại.
Có thể nói rằng, Hò giã gạo có một sức sống lâu bền, phát huy vai trò của mình ở mỗi thời đại và không chỉ là một phương tiện giải trí mà hơn thế nó còn là một phương tiện góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương.
- Giá trị văn hóa
Hò giã gạo là phương tiện cố kết cộng đồng. Tiếng chày và tiếng hò hát trong các cuộc Hò giã gạo không chỉ là âm thanh của lao động, của giai điệu mà còn là biểu tượng của sự tương trợ lẫn nhau của người nông dân Quảng Trị từ bao đời nay. Đặc biệt, thông qua các hội hò trong những đêm trăng thanh, thành viên của các phe hò, những người đi xem hội hò tìm đến với nhau, tương tác, vui chơi, giãi bày tâm sự, không phân biệt địa vị cao thấp, sang hèn, góp phần củng cố thêm nếp sống hiền hòa, gần gũi giữa những người cùng xóm làng, thậm chí là liên làng, liên xã.
Hò giã gạo vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học. Với sự tham gia của các thầy đồ, Nho sĩ địa phương trong việc sáng tác các câu đố/câu đối, nên mặc dù là một điệu hò của người dân lao động nhưng Hò giã gạo đầy nho nhã, đăng đối với những điển tích, điển cố được lấy ra từ kinh sách. Những ý tứ, câu chữ được mài giũa một cách tinh tế, giàu tính biểu tượng, song vẫn giữ được sự dung dị, chất phác của giới bình dân. Đặc biệt, những địa danh, sản vật của vùng đất Quảng Trị được nhắc đến trong mỗi câu hò tạo nên bản sắc riêng trong không gian văn hóa chung của Hò giã gạo miền Trung.
Hò giã gạo là chất liệu cho các sáng tác âm nhạc, ca kịch hiện đại, là một phần quan trọng trong quá trình xây dựng các ca cảnh hay tổ khúc dân ca trong các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng của địa phương. Tiêu biểu phải kể đến tác phẩm “Gạo trắng trăng thanh” (1956) của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (1928 - 2001). Nhạc sĩ Phạm Duy cũng dùng nhịp điệu của Hò giã gạo để cho vào một đoạn trong ca khúc Về miền Trung.
- Giá trị khoa học
Hò giã gạo là một di sản văn hóa dân gian mang tính nguyên hợp, vừa là nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật âm thanh, vừa gắn với phong tục tập quán của người dân. Do đó, Hò giã gạo là nguồn cứ liệu cho nhiều luận văn, luận án, công trình nghiên cứu thuộc các chuyên ngành khác nhau.
Từ góc độ ngôn ngữ học, ca từ trong Hò giã gạo mang lại những ngôn liệu về tiếng địa phương, từ cổ, các hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa, đa nghĩa...
Từ góc độ văn học, nếu tách phần âm nhạc, thì Hò giã gạo là những tác phẩm thi ca, những bài ca dao được viết theo thể lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, tự do... Không những thế, có thể tìm thấy ở kho tàng ca dao này những hình tượng mang tính biểu tượng được xây dựng bằng tư duy của những cư dân có nền văn minh thực vật và sông nước như: đào, lựu, mai, lan, cúc, trúc, thuyền, bến…
Từ góc độ triết học, tư tưởng, có thể tìm thấy trong nội dung của Hò giã gạo sự chi phối của đạo đức Nho giáo, sự tự do tư tưởng của giới bình dân, những mặt tích cực, hạn chế của hệ tư tưởng truyền thống…
Từ góc độ sử học, ca từ của Hò giã gạo chứa đựng thông tin về quá trình dựng đất, lập làng, đặc biệt là các cuộc kháng chiến chống thù trong giặc ngoài của vùng đất giới tuyến.
Từ góc độ dân tộc học, cả nội dung và làn điệu cũng như phong tục tập quán gắn liền với Hò giã gạo là những bằng chứng về truyền thống nông nghiệp từ lâu đời của người Việt, được truyền thụ từ đời này sang đời khác theo chiều thời gian, lan tỏa theo chiều không gian. Cũng thông qua làn điệu này, có thể nhận diện sự giao lưu tộc người ở vùng đất miền Trung cũng như cách ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của cư dân nơi đây. Đặc biệt, những tri thức dân gian về địa lý, ăn mặc, cư trú, đi lại, nghề thủ công… và cũng có thể gián tiếp tìm thấy trong nội dung của các bài hò đối đáp.
- Giá trị giáo dục
Hò giã gạo phản ánh các giá trị, chuẩn mực được cộng đồng thừa nhận, đó là tình yêu quê hương đất nước, sự cần cù, chịu thương chịu khó, chung thủy, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, tôn trọng lệ làng phép nước... Nổi bật hơn cả là sự lạc quan, hài hước, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, vất vả, thể hiện rõ nhất ở nội dung của các câu hò đâm bắt.
Nội dung của Hò giã gạo cũng phê phán những thói hư tật xấu, những hạn chế mang tính thời đại: rượu chè, lười biếng, tham giàu phụ nghĩa, ép duyên... Hò giã gạo, do đó, góp phần điều chỉnh hành vi cá nhân thông qua các hình thức giãi bày, khuyên răn, trào lộng, trách cứ.
Theo diễn trình lịch sử, Hò giã gạo thường được sử dụng như một phương tiện dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người khi cần tuyên truyền các chủ trương, đường lối, các vấn đề mang tính thời sự cho mọi đối tượng thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi khác nhau. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hò giã gạo là vũ khí để các đội văn nghệ xung kích tuyên truyền con dân Quảng Trị rời bỏ quân ngũ của địch (hò địch vận, hò lô cốt); động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, dân quân du kích; động viên người dân vượt qua khó khăn, gian khổ của chiến tranh. Vào thời bình, Hò giã gạo tiếp tục được sử dụng để tuyên truyền cho phong trào khai hoang, phục hóa, kiến thiết quê hương; ca ngợi đất nước vào các ngày lễ lớn của dân tộc; tuyên truyền các chính sách kế hoạch hóa gia đình, giáo dục bình đẳng giới, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội...
Có thể nói rằng, Hò giã gạo góp phần gìn giữ, trao truyền văn hóa vùng đất Quảng Trị, góp phần xây dựng, bồi đắp nhân cách con người Quảng Trị phù hợp với thời đại, trên nền tảng thuần phong mỹ tục truyền thống.
*Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể
Hò giã gạo ra đời khá sớm và đã từng hiện diện ở hầu khắp các làng quê ở tỉnh Quảng Trị, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống lao động của người dân ngày xưa. Trải qua thời gian tồn tại và phát triển, trước những biến động của đời sống xã hội, nên môi trường diễn xướng dân gian xay lúa giã gạo không còn tồn tại. Vì vậy, Hò giã gạo được người dân tổ chức tập luyện, giao lưu, trình diễn, giải trí ở các môi trường khác nhau như hội làng, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tại các Câu lạc bộ và từng bước được trình diễn trong môi trường nghệ thuật, nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của quần chúng. Các nghệ nhân, những người đam mê với dân ca, Hò giã gạo tham gia sinh hoạt trong các Câu lạc bộ và thực hành biểu diễn trong các buổi giao lưu văn hoá, văn nghệ, hội làng, hội thi, hội diễn các cấp…
Với niềm đam mê của các nghệ nhân, sự đồng hành, tạo điều kiện của các cấp, các ngành địa phương, các Câu lạc bộ hát dân ca, Hò giã gạo được thành lập, các hội thi, hội diễn được tổ chức hàng năm đã tạo nhiều sân chơi bổ ích, kết nối, khơi nguồn cảm hứng, khích lệ những người yêu dân ca không ngừng nuôi dưỡng, sáng tạo. Từ đó góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của Hò giã gạo. Đây thực chất là bước chuyển về hình thức theo quy luật lao động nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan nên Hò giã gạo ở Quảng Trị cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong việc tiếp tục duy trì và trao truyền di sản như:
Việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ tập thể sang hộ gia đình, việc cơ giới hóa và hiện đại hóa các khâu sản xuất nông nghiệp - nhất là khâu xay, giã, dần, sàng khiến cho cho môi trường vốn có của Hò giã gạo không còn. Hò giã gạo hầu như không còn được trình diễn gắn với môi trường lao động; người biểu diễn và người thưởng thức tách bạch, không hòa làm một như vốn có. Tính ứng tác, do đó, không thể diễn ra mà tất cả đều theo một kịch bản được dàn dựng sẵn.
Những người nắm giữ vốn di sản phần nhiều lớn tuổi và ngày một ít dần, trong khi đó, đội ngũ kế cận cũng hạn chế.
Sự xuất hiện của nhiều hình thức giải trí mới, sự bùng nổ Internet, sự thay đổi thị hiếu của giới trẻ… khiến cho Hò giã gạo khó để tạo nên sức hút đặc biệt đối với cộng đồng, nhất là giới trẻ. Kết quả khảo sát đã cho thấy người có độ tuổi càng trẻ, trình độ học vấn càng cao thì càng ít nghe Hò giã gạo. Những người thỉnh thoảng nghe chủ yếu là nông dân, có trình độ phổ thông và ở độ tuổi trung niên, trong khi đó đối tượng thường xuyên nghe Hò giã gạo chủ yếu tập trung ở độ tuổi trên 60.
Quảng Trị là tỉnh còn nhiều khó khăn nên việc bố trí kinh phí cho công tác bảo tồn và phát huy dân ca nói chung, Hò giã gạo nói riêng còn hạn chế, chủ yếu phải dựa vào sự nhiệt tình, say mê của các nghệ nhân, nghệ sĩ trong cộng đồng.
Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và quản lý di sản thường xuyên luân chuyển, họ không có quá trình theo dõi và phát triển phong trào ca hát dân ca một cách thường xuyên, liên tục. Nhiều địa phương chưa đánh giá đúng giá trị của di sản đối với cộng đồng, thiếu đội ngũ có chuyên môn tư vấn để bảo vệ, quản lý, khai thác có hiệu quả di sản văn hóa Hò giã gạo của địa phương.
*Một số giải pháp bảo tồn
Hò giã gạo không chỉ thuần túy là một phương thức diễn xướng dân gian của con người Quảng Trị mà đã trở thành một điểm nhấn văn hóa đặc trưng không thể thay thế cho vùng đất miền Trung khô cằn này. Chính vì vậy, việc duy trì, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể Hò giã gạo là một nhiệm vụ tốt đẹp mà mỗi người chúng ta đều cần phải thực hiện.
Để di sản văn hóa phi vật thể Hò giã gạo được bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị trong cộng đồng, cần thiết phải thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiến hành khảo sát, kiểm kê, đánh giá toàn diện thực trạng về các giá trị văn hóa truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể Hò giã gạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
- Khôi phục và kiện toàn các nhóm (đội), Câu lạc bộ Hò giã gạo của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Có chính sách hỗ trợ các Câu lạc bộ, nhóm (đội), nghệ nhân Hò giã gạo. Tạo sân chơi cho các Câu lạc bộ, nhóm (đội), nghệ nhân Hò giã gạo tham gia trình diễn Hò giã gạo thông qua các dịp lễ hội lớn của tỉnh. Vận động và tạo điều kiện để các Câu lạc bộ, nghệ nhân Hò giã gạo mở các lớp truyền dạy thực hành di sản Hò giã gạo tại địa phương nhằm bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hò giã gạo đồng thời tạo ra không gian hưởng thụ văn hóa cho du khách gần xa góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Quảng Trị.
- Rà soát tôn vinh và đề nghị Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” cho những nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên có đóng góp to lớn trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hò giã gạo tại địa phương, đồng thời có chính sách đãi ngộ nhằm khuyến khích những người có công, có tài năng truyền dạy phát huy giá trị của Hò giã gạo đến với đông đảo quần chúng nhân dân nhất là thế hệ trẻ. Bởi vì, nghệ nhân chính là báu vật sống để họ không ngừng sáng tạo, trao truyền và kế thừa cho các thế hệ, có như vậy di sản văn hóa phi vật thể Hò giã gạo mới phục hồi và trường tồn mãi mãi.
- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghệ thuật cho các nghệ nhân, giáo viên thanh nhạc và những người có khả năng tiếp thu, thực hành di sản. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ, nhóm đội, nghệ nhân dân gian Hò giã gạo.
- Tổ chức các hội thi, hội diễn, trình diễn về Hò giã gạo vào các dịp lễ, tết tại các trung tâm huyện thị thành phố. Tăng cường công tác xã hội hóa trong cộng đồng hỗ trợ cùng với nguồn kinh phí Nhà nước đảm bảo duy trì và phát triển cho hoạt động trình diễn nghệ thuật Hò giã gạo tại các địa phương, các Câu lạc bộ thông qua các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, những người yêu thích bộ môn nghệ thuật Hò giã gạo.
- Nâng cao nhận thức tinh thần trách nhiệm và năng lực của cán bộ làm công tác văn hóa, cán bộ ở các cấp chính quyền nói chung và cộng đồng xã hội về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hò giã gạo.
- Các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hò giã gạo trong các tầng lớp nhân dân, trong lực lượng đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể xã hội.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục về giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hò giã gạo thông qua việc đăng tải thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị, Trang thông tin điện tử của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Báo, Đài Trung ương và địa phương... để tuyên tuyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ về di sản văn hóa phi vật thể Hò giã gạo. Đây là việc làm cần tiến hành liên tục, lâu dài với sự phối kết hợp của các ngành, các địa phương, vì họ chính là chiếc cầu nối để đưa di sản trở về với cộng đồng, về với chủ thể sáng tạo ra nó.
Có thể nói, Hò giã gạo ở Quảng Trị ngày nay không chỉ là một truyền thống văn hóa tinh thần của riêng người dân Quảng Trị mà đã trở thành một di sản văn hóa quý giá của quốc gia cần được bảo tồn và phát triển. Hãy để các giai điệu Hò giã gạo được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm giữ gìn một bản sắc văn hóa đẹp cho con cháu đời sau.