Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hội chạy cù ở Phú Mỹ

 
Làng Phú Mỹ nay là Nam Phú, xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nằm gần sát đường thiên lý Bắc - Nam. Tương truyền từ thuở đánh giặc Chiêm Thành có ông tướng dẫn quân từ Bắc vào hạ trại ở đây. Đêm nằm ngủ, ông mơ thấy một vị thần hiện lên hỏi: “Nhà ngươi cầm quân đi chinh phạt xa xôi, thung thổ lạ lẫm, quân giặc bạo tàn, đã có phương sách gì chưa?” Tướng quân nói: “Ta vâng mệnh triều đình, cầm trong tay cả vạn binh mã đi tiễu giặc đánh đâu mà chẳng thắng”. “Người thắng bằng cách nào?”. “Ta có quân hùng tướng mạnh, lo gì!”. “Không được khinh suất, nhà người muốn thắng phải luyện quân cho kỹ lưỡng mới được động binh”.
 

Tỉnh dậy tướng quân bồi hồi suy ngẫm. Lạ thật, binh mã đã luyện rèn cả năm ròng, cung kiếm đã thuần thục, lương thảo đầy đủ, quân sĩ náo nức lập công cớ sao còn phải luyện? Chợt nhìn phía hậu doanh thấy một đám lính đang chơi trò gì đó có vẻ hào hùng lắm, ai nấy mặt mũi phừng phừng, mồ hôi nhễ nhại, chạy ngược, chạy xuôi, có lúc ngã dụi vào nhau cả đống. Tò mò, tướng quân tới gần xem cho tỏ. Thì ra đó là một trò chơi chưa bao giờ xuất hiện ở quân doanh. Đám lính chia hai phe lao vào tranh cướp một quả bưởi ném vào một vòng tròn treo trên một cọc cao, ai ném trúng thì phe ấy thắng. Phần thưởng giành cho phe thắng cuộc là đêm hôm đó quân lính được ngủ đẫy giấc, không phải gác xách gì, và dĩ nhiên phe thua phải cáng đáng thêm giờ gác của những người thắng. Nhận thấy trò chơi đậm tính thượng võ, tướng quân mừng lắm, chợt nhớ lại giấc mơ khi đêm, thì thấy có một mối liên hệ nào đó huyền diệu. Thôi, đúng rồi lời thần mách bảo trong mơ là ý trời, không thể xem thường.

Thế rồi thay vì hành binh tiếp, tướng quân cho quân sĩ ở lại luyện tập binh khí võ nghệ. Ông đưa ngay vào chương trình huấn luyện môn chạy cù và rất khoái khi thấy nhờ đó mà quân sĩ ngày càng cường tráng, dẻo dai.

Quả nhiên, ít lâu sau xuất trận tướng quân thắng to. Chỗ ông hạ trại luyện quân xưa kia là một trạng đất rộng hàng chục mẫu không có tên thì bây giờ được mang một cái tên kiêu hãnh: Trạng Cù. Và cũng từ đây hội chạy cù Phú Mỹ ra đời góp thêm một nét đẹp văn hóa cho làng quê người Việt.

Sân chơi là một bãi đất rộng, dài tối đa 180 - 200 mét, rộng 150 - 170 mét, nơi đó diễn ra cuộc tranh chấp giữa hai đội. Xưa kia làng Phú Mỹ có con đường chạy xuyên qua làng theo hướng Bắc Nam, các vị chức sắc lấy đó làm ranh giới để chia làm hai phe gọi là phe Đông và phe Tây. Mỗi phe chọn lấy ba mươi người trai tráng khỏe mạnh luyện tập trước một tháng sẵn sàng vào cuộc.

Sáng mồng một Tết, hai phe mang một cỗ xôi và đầu heo ra đình làng cúng, xong, liền kéo nhau về trạng để làm lễ tế Trời. Sau khi cúng vái xong, ông thủ chỉ cầm hò cù (là một quả bưởi non đã được lùi trong tro nóng tăng độ bền) tung lên trời, lập tức hai phe lao vào tranh cướp ném vào rổ. Thời quân của ông tướng triều đình cuộc chơi chỉ có một rổ nhưng dần dà dân làng Phú Mỹ phát triển lên thành hai. Rổ đan bằng tre hình trụ tròn, miệng rổ đường kính khoảng 50cm. Rổ được treo trên một cọc tre cao 6 - 7 mét cắm ở cuối sân của mỗi phe; ở đó có một người nhanh nhẹn, khỏe mạnh nhất giữ cột. Khác hẳn bóng rổ là ném lọt rổ đối phương mới thắng cuộc, còn chạy cù thì ngược lại, người trong phe phải tìm mọi cách ném được cù vào rổ của đội mình. Thế là đến đây xuất hiện vai trò người giữ cột cực kỳ quan trọng. Là tại vì mỗi khi đối phương mất cù (giống như mất bóng trong bóng đá) thì đồng thời họ có ngay lực lượng tranh cướp lại cù và một lực lượng khác ém sẵn bên sân đối phương lập tức lao vào ôm vật người giữ cột giành lấy vị trí then chốt này rồi rung nghiêng ngửa làm cho cù rất khó trúng rổ. Thời điểm này là lúc hấp dẫn nhất cuộc chơi. Cổ động viên giật thót tim như thế nào khi đội mình bị quả phạt 11 mét thì cổ động viên chạy cù cũng thót tim thế ấy khi phe mình do sơ suất bị đối phương cướp cù.

Nhanh, khỏe, dẻo dai, khéo léo là những phẩm chất không thể thiếu của người chạy cù. Các vị bô lão của làng năm nay đã ngót ngét 100 tuổi vẫn nhớ rất rõ một pha ngoạn mục ở hội chạy cù năm 1925. Tết năm ấy, làng treo thưởng rất to: một bò, hai heo cho phe thắng. Nên lưu ý rằng hội chạy cù ba năm mới mở một lần. Trước đó hội năm 1922, chơi suốt một ngày ròng nhưng không có phe nào thắng nên lần này làng nâng phần thưởng lên nhằm động viên, khuyến khích con cháu. Tính quyết liệt đã diễn ra ngay từ đầu trận đấu. Có tới bảy người cả hai phe phải rời sân bởi chấn thương do tranh cướp cù. Quá ngọ vẫn bất phân thắng bại. Thêm một giờ mùi và gần hết giờ thân tình hình không sáng sủa gì hơn. Một số người xem hội đã lục tục ra về. Đúng lúc đó phe Đông cướp được cù. Mặc dù sắp hết giờ thi đấu, đấu thủ cả hai phe đều mệt nhoài nhưng mọi người vẫn gắng hết sức huy động toàn bộ năng lượng còn lại biến thành những cú ôm, vật, chuyển, tung hứng cù đẹp mắt. Ông Phạm Văn Trọng đấu thủ phe đội Tây khi phát hiện ra đội mình bị mất cù, lẽ ra theo chiến thuật đã được huấn luyện từ trước ông phải là người đầu tiên vào rung cột cù đối phương, nhưng lần ấy chẳng biết do ngẫu hứng thế nào ông lại cùng hai đồng đội khác chạy ngược trở lại khu vực cột cù phe mình. Bỗng nhiên một đường cù từ sân phe Đông lừng lững bay đến. Nhanh như chớp, hai đồng đội kia xáp lại ken tay làm bệ và bằng một cú phốc chuẩn xác, ông Trọng đứng vững trên vai đồng đội đón quả cù tung vào rổ đội mình trước sự ngỡ ngàng của phe bạn và hàng ngàn người xem. Lần này, ông Trọng được đồng đội công kênh rước về làng trong lúc bà vợ ông (người thôn Đông) cổ động viên phe Đông ngất xỉu do quá tiếc cho đội của mình hay là quá mừng cho đội của chồng mình đã chiến thắng. Lúc tỉnh dậy, có người hỏi sao bị ngất, bà cười trừ. Lại nói về chuyện thi đấu lắm lúc cũng éo le, bố vợ và con rể nhưng khi vào cuộc là đối thủ của nhau, không có bất cứ sự nhường nhịn nào mà vì màu cờ sắc áo sẵn sàng xông vào vật nhau huỳnh huỵch cướp cù. Tuy cuộc chơi quyết liệt như vậy nhưng phân thưởng thì người thắng kẻ thua cũng như cả làng đều được chia phần bởi người xưa quan niệm rằng lộc trời mỗi người hưởng một chút, có thế năm đó mới có mưa thuận gió hòa, mọi người trong làng mới mạnh chân khỏe gối, ăn nên làm ra, muôn điều may mắn.

Xưa kia trò chơi chạy cù Phú Mỹ đã thực sự trở thành ngày hội cuốn hút người hàng huyện tới xem và đóng lều trại mở hàng quán nườm nượp suốt mấy ngày đêm.

Trong chiến tranh hội chạy cù Phú Mỹ tạm thời ngừng, cứ ngỡ nó sẽ mai một đi theo năm tháng. Nhưng rất may gần đây xã Vĩnh Nam đã phục hồi lại được hội cù trở thành nội dung “Làng vui chơi làng ca hát” trong cuộc vận động xây dựng làng văn hóa gia đình văn hóa ở xã Vĩnh Nam anh hùng.

T.B

Trần Biên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 88 tháng 01/2002

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground