Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hội săn ở làng Thượng Phước

L

àng Thượng Phước nằm ở bờ bắc sông Thạch Hãn, nay thuộc xã Triệu Thượng huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Theo gia phả của một số họ đã cư trú lâu ở Thượng Phước thì làng này được lập nên từ thời Trịnh – Nguyễn phân tranh.

   Nằm ở vùng trung du lại tiếp giáp với sông lớn nên đất đai vùng Thượng Phước rất màu mỡ, cây cối um tùm. Xưa kia nơi đó là giang sơn của các loài cầm thú đến sinh sôi ở lẫn với người nhưng không thể chung sống được! Bởi lẽ con người đến đây cũng chỉ cốt chăn nuôi, trồng trọt, mà ác giống cầm thú lại thường xuyên đe dọa đến cả tính mạng và tải sản của con người. Để tồn tại, con người buộc phải tích cực hợp quần để chống lại kẻ thù bốn chân. Hội săn được hình thành và phát triển trên cơ sở đó.

   Xưa kia làng Thượng Phước chỉ có độ vài ba trăm nhân khẩu, nhà này ở cách nhà kia từ vài trăm mét trở lên. Để bảo vệ nương rẫy và gia súc, từng nhà riêng lẻ hoặc vài ba nhà hợp lại. Phải có lưới và chó để bắt thú rừng. Việc đó phải làm thường xuyên.

   Hình thức thứ hai là khi có việc họ, việc chi họ, người trong tổ chức đó cũng họp lại đi săn để lấy lễ vật cúng tế và làm thực phẩm. Làng Thượng Phước xưa có năm họ là Trần, Hồ, Đoàn, Lê, Bùi sau có thêm Nguyễn, họ Ngô cũng đến sinh sống.

   Hình thức thứ ba là hội săn, hội này mỗi năm chỉ tổ chức một lần vào giữa tháng ba âm lịch để tưởng nhớ vị khai canh ra làng. Hàng năm, làng dành hẳn hoa lợi của hai mẫu ruộng để chi cho hội lễ. Mọi yếu tố khác như dụng cụ săn bắt, chó săn thì do các gia đình góp lại. Thường thì đến ngày 13 tháng 3 âm lịch hội săn đã bắt đầu. Trước khi đi săn bao giờ cũng có thủ tục xem giò gà để bói tốt hay xấu.

   Việc đi săn bao giờ cũng có tổ chức chu đáo, tất cả phải theo hiệu lệnh phèng la từ một người có vai vế trong làng. Có nhóm người đi thăm dò quy luật hoạt động của thú rừng. Khi đã phán đoán được hội săn phân ra từng nhóm 5,6 người để truy đuổi và bao vây. Bất cứ một con thú nào đã bị phát hiện đều không thể thoát khỏi lưới. lưới đi săn được đan từ sợi gai và mây, dài có thể tời hàng chục mét, đủ sức giữ chặt được cả hổ báo.

   Có thể nói, những con chó săn đã đóng vai trò quyết định thắng lợi cho mỗi cuộc săn, con người chỉ cần chọn chó, huấn luyện cho chúng thành thạo các công việc đánh hơi, đuổi bắt, vồ mồi. Khi lùa được một con thú vào lưới, vòng vây càng khép chặt, tiếng reo hò càng vang rộn, những người đi săn tranh nhau xông vào hạ sát con mồi bằng những lưỡi mác nhọn sắc. Người phóng được mũi mác đầu tiên sẽ hô “tiên” để được xếp công đầu, người tiếp theo sẽ hô “hậu” để được xếp công thứ hai.

   Sau mỗi hội săn, việc phân chia sản phẩm bao giờ cũng được thực hiện rất công bằng. Lưới của nhà nào bắt được thú rừng thì con mồi sẽ được đưa về nhà đó để phân chia. Ngoài những người có công lớn và có lưới săn được, các chú chó cũng được chia phần. Người ta chỉ lấy thủ cấp và bốn cẳng chân cùng bộ lòng của con thú làm lễ cúng tế, còn thịt và xương thì chia đều tất cả cho những ai còn lại tham gia. Do có sự rèn luyện và phối hợp tích cực nên trong các hội săn, con người Thượng Phước bao giờ cũng chiến thắng và bảo đảm an toàn tính mạng.

   Xét về ý nghĩa nhân văn, hội săn ở làng Thượng Phước như đã nói ở trên, dù lớn hay nhỏ, trước hết là nhằm bảo vệ hoa màu, gia súc và tính mạng con người, thông qua đó giáo dục ý thức cộng đồng cho mỗi thành viên trong làng để ai cũng hiểu được lẽ tự nhiên của sức mạnh hợp quần trong đấu tranh. Hội săn cũng có ý nghĩa nhắc nhở mỗi con dân của làng Thượng Phước phải biết nhớ đến những bậc tiền nhân của gia tộc và làng xóm, sống không quên gốc. Cũng thông qua các hội săn, người dân Thượng Phước xưa còn xây dựng nên truyền thống thượng võ của làng. Chính nhờ thường xuyên cảnh giác và rèn luyện như thế nên người dân Thượng Phước không bao giờ lo trộm cướp, dù họ sống thưa thớt ở một địa thế không lấy gì làm hiểm trở.

   Trải qua nhiều phen binh hỏa rồi dân số tăng nhanh, công nghiệp phát triển hộ săn làng Thượng Phước giờ chỉ còn lại trong ký ức của lớp người cao niên và một số trung niên. Ông Trần Phùng, một người gốc Thượng Phước, năm nay đã ngoài 60 tuổi, nghỉ hưu ở đường Đặng Tất, thị  xã Đông Hà, kể rằng, hồi đó quanh nhà ông, chim công đến đậu từng bầy, khi vượn và các loài bò sát như rùa rắn, ba ba… đều nhiều vô kể. Cho đến năm 1954, trước ngày ông tập kết ra Bắc, gia đình có dành hẳn một con lợn để liên hoan, không ngờ chỉ trong một đêm, hổ vào bắt mất! Ở vùng Thượng Phước bây giờ vẫn còn có những người luyến tiếc hội săn xưa, nhưng cây cối đã trơ trụi, đâu còn cầm thú để mà săn bắn nữa! Nghe nói thỉnh thoảng vẫn còn một số thú rừng sống sót lại, hay về xâm phạm hoa màu, nhưng rất khó săn bắt, bởi lẽ sự đời dạy cho chúng phải tinh khôn hơn, nhanh nhạy hơn mới bảo tồn được nòi giống.         

   Khi mà chưa một ai được biết đến mấy chữ “Cân bằng sinh thái” là câu cửa miệng thời nay, người ta đã biết đến lẽ âm dương của tạo hóa để cố gắng tạo ra sự cân bằng để có lợi cho con người. Ví dụ như âm là thiếu thì dương là thừa, thú rằng nhiều quá thì phải tiêu diệt bớt đi như nước Úc ngày nay đang phải làm đối với loài thỏ. Nhưng lẽ đời thật khắc nghiệt, khi sự cân bằng đã bị vượt quá sang phía bên kia, thì cái giá phải trả cũng quá đắt. Để có được một cây lim, cây gụ, hay một con vượn, con công, như thời trước, sự tốn kém làm sao mà đóng đếm được cho cùng.

V.T

Vương Thừa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 29 tháng 02/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

2 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

5 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground