Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khát vọng hòa bình trên vùng đất Quảng Trị

Trải qua chiến tranh khốc liệt, đau thương, mất mát, Quảng Trị có lẽ hơn bất cứ địa phương nào thấm thía nỗi đau chia cắt và khát vọng hòa bình... Và nay, một Festival quốc tế vì hòa bình được ấp ủ bấy lâu sắp trở thành hiện thực, không chỉ là sự tri ân của người Quảng Trị hôm nay với sự hi sinh của cả nước mà còn tạo ra một giá trị mới, góp phần vào ước nguyện hòa bình cho nhân loại.

Lễ ký Hiệp định Paris về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Ảnh: T.L

Lễ ký Hiệp định Paris về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Ảnh: T.L

*Dấu ấn của Quảng Trị trong tiến trình Hội đàm Paris (1968 - 1973)

Ngày 27/1/19173, Hiệp định Paris về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được kí kết. Hòa bình tưởng chừng như đã được thiết lập sau nhiều thập kỉ chiến tranh khốc liệt. Tuy nhiên, đối với Quảng Trị, vùng đất đối đầu trực tiếp giữa hai bên, việc thi hành Hiệp định Paris thật không dễ dàng.

Với sự công nhận thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị, Quảng Trị là “hình ảnh thu nhỏ” của nước Việt Nam thời điểm đó. Nếu như với Hiệp định Genève 1954, Quảng Trị bị chia làm hai, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước trong gần hai thập kỉ thì với Hiệp định Paris, nỗi đau ấy lại nhân lên gấp bội nhưng chặng đường đi đến thống nhất đã ngày càng gần hơn. Không có một địa phương nào trên đất nước này lại mang trên mình một số phận kì lạ đến thế: ở phía Bắc sông Hiền Lương, Vĩnh Linh thuộc về Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa; vùng giải phóng từ  phía Nam sông Hiền Lương đến phía Bắc sông Thạch Hãn do Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam kiểm soát và phần còn lại do chính quyền Việt Nam cộng hòa còn tạm giữ. Một sự trớ trêu của lịch sử, một tỉnh phân chia thành ba vùng, do ba thể chế khác nhau quản lí. Do vậy, tiến trình đem lại hòa bình cho vùng đất này cũng trở nên phức tạp hơn bất cứ nơi nào.

Để hiểu nguồn gốc của sự phức tạp này cần quay ngược lại dòng lịch sử. Từ chỗ ban đầu không nằm trong dự định của đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa khi đến bàn đàm phán nhưng do sự “sắp đặt sẵn” của các cường quốc tại hội nghị Genève 1954 nên sông Hiền Lương - vĩ tuyến 17 đã trở thành đường ranh giới chia cắt đất nước. Từ chỗ được quy định có thời hạn hai năm trong thời gian chờ cuộc tổng tuyển cử tái thống nhất tổ chức vào tháng 7/1956, do sự can thiệp của Hoa Kỳ, giới tuyến quân sự tạm thời đã trở thành nơi đối đầu giữa hai phe trong thời kì chiến tranh Lạnh. Vùng đất “địa đầu giới tuyến” được người Mỹ đầu tư xây dựng thành con đê ngăn chặn làn sóng cộng sản lan xuống Đông Nam châu Á, một bàn đạp để “Bắc tiến” phản kích lực lượng cách mạng. Theo đà thời gian, khi Nhà Trắng càng mở rộng chiến tranh, cuộc đụng đầu giữa hai bên càng trở nên quyết liệt. Quảng Trị trở thành chiến trường trọng điểm, nơi diễn ra những trận đánh khốc liệt nhất trong chiều dài cuộc chiến.

Kết hợp “đánh-đàm”, cùng với đợt 2 và 3 của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, cuộc hòa đàm Paris mở ra. Trong khi các nhà đàm phán bắt đầu những cuộc tiếp xúc đầu tiên ở phố Kléber thì trên miền Tây Quảng Trị, chiến trận Khe Sanh bước vào giai đoạn then chốt. Với định hướng “chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn đàm phán những gì chúng ta giành được trên chiến trường”, phía Việt Nam quyết tâm có thắng lợi quyết định nhằm giành lợi thế trên bàn đàm phán. Do đó, từ chỗ là đòn nghi binh chiến lược, Khe Sanh trở thành nơi đánh bại nỗ lực cao nhất của Mỹ trong “chiến tranh cục bộ”, buộc Nhà Trắng phải xuống thang trong đàm phán.

Sau mấy năm dẫm chân tại chỗ, mùa hè đỏ lửa 1972 là thước đo cho ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của mỗi bên trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán. Bởi sự kiện quân Giải phóng cắm cờ chiến thắng trên Thành Cổ Quảng Trị (1/5/1972) mà ngày 8/5, Nixon đã rút lại yêu cầu rút toàn bộ lực lượng miền Bắc khỏi miền Nam Việt Nam như một điều kiện tiên quyết cho hiệp định hòa bình. Một trong những vấn đề mấu chốt quyết định đến kết quả hội nghị đã được phía Mỹ “xuống nước” trong khi trước đó chưa lâu Nixon còn gọi miền Bắc xâm lược miền Nam. Từ cuối tháng 7 đến tháng 9/1972, đối phương mở tới 5 đợt tấn công nhằm chiếm lại Thành Cổ trước mỗi cuộc gặp giữa hai phái đoàn ở Paris. Cái giá để chiếm lại Thành Cổ Quảng Trị của quân đội Sài Gòn ngày 16/9/1972 (so với dự tính ban đầu là ngày 13/7/1972) là quá lớn khi cả 2 sư đoàn chủ lực (Dù và Thủy quân lục chiến) đều bị thiệt hại nặng nề, khiến đối phương không còn đủ sức tấn công tiếp lên phía bắc. Hình thái chia cắt chiến trường đôi bên bờ sông Thạch Hãn hình thành. Là vùng giải phóng trọn vẹn đầu tiên ở miền Nam, vùng giải phóng Quảng Trị lại trở thành nhân tố chi phối tiến trình đàm phán Paris trong nửa đầu tháng 12/1972 để rồi sau 12 ngày đêm của trận “Điện Biên Phủ trên không”, cả hai bên quay trở lại bàn đàm phán, điểm bế tắc về thể thức qua lại dân sự giới tuyến quân sự tạm thời được gỡ nút. Hiệp định được thông qua và chính thức có hiệu lực từ 8h00 ngày 28/1/1973. Lời tiên tri “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của Chủ tịch Hồ Chí Minh dần hiện thực. Con đường đến ngày thống nhất đất nước, Nam - Bắc sum họp một nhà không còn xa.

*Một quốc gia không thể có hai màu cờ

Với mưu toan tạo lợi thế áp đảo cách mạng sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, ngày 23/1/1973, Nguyễn Văn Thiệu ban hành Công điện hỏa tốc số 004-TT/CĐ gửi Thủ tướng Chính phủ, các đô - tỉnh - thị trưởng, Tổng Tham mưu trưởng và các Tư lệnh quân đoàn, quân khu “ra lệnh treo cờ trên toàn quốc” nhằm mục đích “tràn ngập lãnh thổ bằng cờ quốc gia để xác nhận phần đất và phần dân”1. Cùng ngày, thực hiện công điện của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên ra lệnh: “Yêu cầu các nơi nhận lãnh ngay Quốc kỳ tại cơ quan tiếp vận liên hệ. Theo tiêu chuẩn mỗi quân nhân ba lá và phân phối cho toàn thể quân nhân các đơn vị hành quân và công tác chính trị. Thực hiện cắm cờ trong vùng hành quân tại các vị trí trọng yếu: đình chùa, nhà thờ, trường học, cầu cống, đồi núi, cao điểm, nhà dân…”2. Tiếp theo, ngày 24/1/1973, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ban hành công điện hỏa tốc yêu cầu các địa phương cấp tốc thực hiện “bắt buộc mỗi tư gia phải treo 1 Quốc kỳ kể từ 12 giờ ngày 24/1/1973. Mỗi trụ sở cơ quan công, bán công, các Tòa hành chánh đô, tỉnh, thị, trụ sở quân, xã, phường, khóm, ấp, các nhà buôn, xí nghiệp, hàng xưởng, nơi tiện ích công cộng và mọi nơi mà quý tòa xét thấy cần thiết, phải treo quốc kỳ kể từ ngày giờ nói trên… Tất cả tư gia cũng như trụ sở, công sở đô, tỉnh, thị, quận, xã, phường, khóm, ấp, đều phải dự trù hai lá cờ, một lá để sử dụng ngay, một lá để dự phòng”3.

Với ý đồ như vậy, nên trên thực tế, lệnh ngừng bắn chưa bao giờ được chính quyền Sài Gòn thực hiện. Ngay trong đêm 27/1, rạng ngày 28/1/1973, quân đội Sài Gòn đã thực hiện 15 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên và 19 cuộc hành quân cấp tiểu khu và chi khu4. Theo bản Tổng kết hoạt động tháng 1/1973 của Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa, tính đến ngày 31/1/1973, quân đội Sài Gòn đã thực hiện 694 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên, gồm 603 cuộc cấp tiểu đoàn, 34 cuộc cấp trung đoàn và 57 cuộc cấp sư đoàn5. Trong sự vi phạm lệnh ngừng bắn đó, trên nhiều tuyến giáp ranh ở Quảng Trị, quân đội Sài Gòn nống ra cắm cờ giành đất, trong đó cuộc hành quân Tango City được đối phương chuẩn bị chu đáo nhất, với quy mô lớn nhất nhằm đánh chiếm cảng Cửa Việt. Tại Nam Cửa Việt do ta kiểm soát có 2 cảng quân sự: cảng Mỹ ở ngay nơi sông Cửa Việt gặp biển là bến nghiêng cho các loại tàu đổ bộ và xe tăng cập bờ và cảng của quân đội Sài Gòn nằm ở bên trong sông. Bởi tầm quan trọng của Cửa Việt đối với vị thế đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời cũng như các hoạt động chi viện cách mạng miền Nam nên nơi đây trở thành mục tiêu quan trọng nhất mà quân đội Sài Gòn, dưới sự yểm trợ của hỏa lực Mỹ, quyết tâm đánh chiếm bằng được trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Nếu thành công, đối phương sẽ cắm một cái chốt, phong tỏa được cửa ngõ chi viện chiến lược của ta, hòng kéo dài cơn hấp hối, cũng như gây cho ta những khó khăn mới trên chặng đường thống nhất đất nước.

Trận chiến Cửa Việt diễn ra từ đêm 25/1 đến ngày 31/1/1973 là trận đấu tăng lớn nhất giữa hai bên trong suốt toàn bộ chiều dài cuộc chiến. Dù đối phương sử dụng một lực lượng lớn, đặc biệt là tăng thiết giáp (gồm Lực lượng đặc nhiệm Tango, Lữ đoàn thủy quân lục chiến 147 và 258, 2 tiểu đoàn bảo an, 3 thiết đoàn tăng thiết giáp, 4 tiểu đoàn pháo, 4 tàu đổ bộ LCU cùng hỏa lực chi viện của Hạm đội 7 và Không quân Hoa Kỳ) nhưng với ý chí kiên cường và tinh thần chiến đấu dũng cảm, ta đã đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng lớn nhất của quân đội Sài Gòn trên vùng đất Quảng Trị trong những ngày đầu Hiệp định Paris có hiệu lực. Giá trị chiến thắng không dừng lại ở việc giữ được vị trí chiến lược quan trọng mà còn đánh bại hẳn ý chí lấn chiếm vùng giải phóng của đối phương ở Quảng Trị. Từ Lam Sơn 72A (28/6/1972), đến hàng loạt Sóng Thần (sau ngày 16/9/1972) và đỉnh cao là Tango City là chuỗi dài các cuộc hành quân “tái chiếm”, “khôi phục tình hình” nhằm kéo dài sự chia cắt đất nước của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Tựa lưng vào miền Bắc, trực tiếp là khu vực Vĩnh Linh, quân và dân vùng giải phóng Quảng Trị đã đập tan âm mưu đó của đối phương, góp phần tạo ra thế và lực mới, đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam nhanh đến ngày thắng lợi.

Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước - Ảnh: Hoàng Táo

Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước - Ảnh: Hoàng Táo

*Nơi của hòa hợp và hòa giải dân tộc

Bởi vị trí chiến lược của mình, Quảng Trị lại trở thành nơi mà Hiệp định Paris để lại dấu ấn đậm nét với những chiều hướng trái ngược nhau. Quảng Trị là một trong hai địa điểm chính để trao trả tù binh - một điều kiện căn bản trong mọi hiệp ước kết thúc chiến tranh nhưng đồng thời đối với Việt Nam, đó còn là sự thể hiện tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Trong khi tiếng súng của trận “phản đột kích” Cửa Việt vẫn đang dồn dập, công tác chuẩn bị đón tiếp đoàn quân chiến thắng từ các lao tù ở miền Nam trở về vẫn được khẩn trương xúc tiến. Điều 8 Hiệp định Paris quy định việc trao trả những nhân viên quân sự của các bên bị bắt sẽ tiến hành song song và kết thúc không chậm hơn ngày Mỹ hoàn thành việc rút quân khỏi miền Nam Việt Nam (29/3/1973). Tuy còn giam giữ hơn 200.000 tù chính trị, tập trung nhất ở nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, Tân Hiệp, Chí Hòa và Thủ Đức nhưng người đứng đầu chính quyền Sài Gòn lại tuyên bố ở miền Nam Việt Nam không có tù chính trị, chỉ có tù binh và tù thường phạm, bởi chúng cho rằng trao trả 200.000 tù chính trị chẳng khác nào “trao vào tay Việt Cộng 200 trung đoàn quân tinh nhuệ”6. Vì vậy, chính quyền Sài Gòn không những không trao trả cho ta hơn 1 vạn người (đối phương gọi là “hồi binh”) mà còn xáo trộn tù chính trị, làm hồ sơ giả chuyển từ tù chính trị sang tù thường phạm, chuyển tù nhân từ nhà tù này sang nhà tù khác, thậm chí khủng bố, thủ tiêu nhiều người. Tuy nhiên, do quyết tâm đấu tranh của anh em chiến sĩ cách mạng trong các nhà tù, sự kiên quyết của đại diện ta trong Ban liên hiệp quân đội bốn bên, sự vào cuộc của Ủy ban giám sát quốc tế đã buộc chính quyền Sài Gòn (đến ngày 7/3/1974) chấp nhận trao trả cho cách mạng 5.081 người, trong đó có 4.075 tù chính trị Côn Đảo. Ở các nhà tù khác toàn miền Nam, “phía chính quyền Sài Gòn buộc phải trao trả 26.492 cán bộ, chiến sĩ. Con số này chiếm chưa tới 13% số người trong diện chúng phải trao trả”7.

Cùng với Lộc Ninh (thủ phủ vùng giải phóng), Quảng Trị (nơi dự kiến đặt trụ sở của chính phủ cách mạng lâm thời), là một trong hai địa điểm chính được thống nhất làm nơi trao trả tù binh. Vùng giải phóng Quảng Trị thay mặt cho cả nước và nhân dân đón những người con chiến thắng trở về. Ngày 12/3/1973, chuyến trao trả đầu tiên tại Thạch Hãn được tiến hành. Đây là những chiến sĩ bị giam ở nhà tù Phú Quốc. Dù chiến đấu, bị bắt trên những chiến trường khác nhau nhưng các chiến sĩ cùng chung số phận tù đày nơi chốn “địa ngục trần gian”, với bao thương tích trên người bởi đòn roi tra tấn của kẻ địch.

Bộ phận đón tiếp của ta có khoảng 20 người, do đồng chí Lương Chí Hiền - Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Trị - phụ trách. Ngoài bộ phận này, ta còn có nhiều đơn vị phụ trách hậu cần, văn nghệ cũng như đảm bảo an ninh,… Đối với đôi bờ Thạch Hãn, dấu tích của những trận chiến kinh hoàng vẫn còn hiện hữu, bom mìn chưa nổ rải khắp nơi, lệnh ngừng bắn tuy được thiết lập nhưng nguy cơ từ các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” của chính quyền Sài Gòn đang đe dọa hàng ngày hàng giờ, mà bài học về “phản đột kích” chống cuộc hành quân Tango City lấn chiếm cảng Cửa Việt đang nóng hổi. Do đó, song song với việc rà phá bom mìn và dựng lều trại dã chiến, tinh thần cảnh giác, ý thức thường trực sẵn sàng chiến đấu vẫn và sẽ được đặt ở mức cao nhất. Quân dân Quảng Trị cùng Sư đoàn 325 chuẩn bị cổng chào, băng cờ, khẩu hiệu, lán trại, bệnh xá, tất cả đều làm việc khẩn trương với tâm thế sẵn sàng đón đồng đội trở về. Mặt khác, việc tiếp nhận và trao trả cho phía bên kia những tù binh đang bị ta giam giữ cũng là một việc quan trọng không kém. Năm nhà bạt được dựng lên làm nơi làm việc của 5 phái đoàn, gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa, Hòa Kỳ và Ủy ban Giám sát quốc tế. Một hội trường lớn làm nơi hội họp, liên hoan, văn nghệ chung cho các đoàn. Cách khu vực trao trả khoảng 5 km về phía bắc là nơi đón tiếp, trung chuyển cán bộ, chiến sĩ được trao trả.

Ngày 12/3/1973 diễn ra đợt trao trả đầu tiên ở Quảng Trị. Từ Phú Quốc, các chiến sĩ được đưa ra sân bay Phú Bài rồi sau đó chở ra thị xã Quảng Trị. Trên bãi đất trống trơ trọi bóng cây, anh em được tập trung lại để đại diện phái đoàn ta cùng đối phương đối chiếu danh sách, số lượng người trước khi tiến hành trao trả. Khi được lệnh xuống ca-nô để qua sông, anh em đã nhất loạt cởi bỏ quần áo do đối phương cấp phát, chỉ còn trên mình một quần đùi. Những thân thể mang đầy thương tích là bằng chứng thép tố cáo tội ác của kẻ địch ở chốn “địa ngục trần gian”. Người khỏe mạnh thì tự mình đi, người ốm yếu, thương tật thì có đồng đội dìu. Mỗi ca-nô của Sài Gòn chở được khoảng 20 người. Theo trình tự, khi lên đến bờ, mọi người đều đứng thành hàng, chờ đọc tên để giao nhận từng người một. Nhưng khi xuồng còn chưa cập bến, không thể chờ được khi thời khắc tự do, về với cách mạng, về với nhân dân đã thành hiện thực, anh em lao ngay xuống nước để vào bờ. Và ngược lại, từ trên bờ, những người tiếp đón cũng lao ra sông để đón đồng đội trở về. Những cái ôm, những giọt nước mắt vui sướng, hạnh phúc trào dâng.

Những ngày tiếp sau đó, công tác trao trả diễn ra trong sự đấu tranh giằng co, có khi là một cuộc đấu trí giữa đôi bên. Sau những đợt trả tù binh nam, đến lượt các tù binh nữ. Hầu hết các anh chị đều từ nhà tù Phú Quốc trở về, một số từ Côn Đảo và các nơi khác. Phía ta cũng tiến hành trao trả các tù binh quân đội Sài Gòn. Gọi là một cuộc đấu tranh vì phía Sài Gòn nhiều lúc gây khó dễ hoặc để làm khó hoặc trì hoãn các đợt trao trả. Đến chiều ngày 24/3/1973, đoàn tù binh cuối cùng ở trại C8 Phú Quốc được trở về với đồng đội, với nhân dân.

Thoát ra khỏi lao tù là một thắng lợi lớn của những người con ưu tú đã giữ vững được khí tiết, ý chí, niềm tin vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Từ bờ sông Thạch Hãn, nhiều người nhanh chóng quay trở lại hàng ngũ chiến đấu, sát cánh cùng đồng đội làm nên ca khúc khải hoàn vào tháng Tư 1975 lịch sử.

*

Chiến tranh đi qua gần ½ thế kỉ. Có lẽ hơn bất cứ địa phương nào, nỗi đau chia cắt và khát vọng hòa bình của vùng đất này hiển hiện khắp mọi nơi. Hai con sông với hai lần được lựa chọn làm đường ranh giới chia cắt, hai Mặt trận trên cùng một địa phương (B.4 và B.5) và nỗi đau còn lại hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, một chứng tích bi thương nhưng rất đỗi hào hùng. Từ vùng đất mang đậm dấu ấn của sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước trong suốt thời kì 1954 - 1975, Quảng Trị dần hồi sinh. “Dẫu mặn mòi, nước mắt lẫn mồ hôi” nhưng với tinh thần lạc quan của “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, cùng sự quan tâm của Trung ương và sự hỗ trợ của cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị đã và đang phấn đấu vươn lên, biến vùng đất chết năm xưa thành miền hòa bình và hữu nghị, hợp tác và phát triển. Bên cạnh phát huy lợi thế về vị trí địa - chiến lược, những di sản còn lại của chiến tranh chính là thế mạnh nhất mà Quảng Trị thay mặt cho Nhân dân cả nước gìn giữ và trao truyền đến các thế hệ hôm nay mà mai sau, không chỉ với nhân dân trong nước mà còn đối với bạn bè quốc tế.

Chú thích:

1. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, kí hiệu Đệ II CH 1.229.

2. Công điện mật - hỏa tốc số 006/TTMT/TC.CTCT/KH.1 ngày 23-1-1973 của Tổng Tham mưu trưởng quân lực Việt Nam cộng hòa, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, kí hiệu Đệ II CH 1.229.

3. Công điện số 106/PThT/73M ngày 24-1-1973 của Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, kí hiệu Đệ II CH 1.229.

4. Bản tổng hợp tình hình sang ngày 28-1-1973 của Bộ Tổng Tham mưu quân lực Việt Nam cộng hòa, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, kí hiệu Đệ II CH 449.

5. Tổng kết hoạt động tháng 1-19973 của Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, kí hiệu PTTg 17.778.

6. Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Nam Bộ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Tp. Hồ Chí Minh, 2009, tr. 558.

7. Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Sđd, tr. 559.

 

HOÀNG CHÍ HIẾU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 352

Mới nhất

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng bồi đắp, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước*

8 Giờ trước

TCCVO - Chiều ngày 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt.

Mây về thành phố

14 Giờ trước

Tôi làm đơn xin nghỉ phép để vào bệnh viện chăm chú Ngụ. Không gói ghém gì nhiều, chỉ cần bỏ vào túi cái khăn mặt, chai dầu gội, bàn chải đánh răng và một vài đồ dùng để phòng khi cần đến. Nhà tôi cách bệnh viện bốn cây số, cách nhà chú Ngụ năm cây, nó nằm trên hai trục đường khác nhau.

Dọn nhà cuối năm

14 Giờ trước

Đã thôi những cơn mưa dai dẳng, chỉ thi thoảng mới có vài thoáng phùn như là mưa xuân buổi sáng sớm, tới trưa hửng chút nắng kéo tận chiều. Xuân tới rõ ràng từ độ giữa tháng chạp.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2025

01/01/2025 lúc 17:24

TCCVO - Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới 2025, tối 31/12/2024, tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Quảng Trị

Lễ hội Vì hòa bình 2024: Giá trị nhân văn để tiến vào kỷ nguyên mới

31/12/2024 lúc 09:36

 Năm 2024, dấu ấn đậm nét nhất trên mảnh đất Quảng Trị là lễ hội Vì hòa

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/01

25° - 27°

Mưa

05/01

24° - 26°

Mưa

06/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground