Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ký ức Quảng Trị mùa xuân năm 1975

Tháng 8 năm 1974, Quân giải phóng có màn tập trận hoành tráng hợp đồng binh chủng ở Quảng Trị. Cuộc tập trận được quay phim, sau này hình ảnh tập trận được sử dụng kết hợp với hình ảnh của các phóng viên chiến trường quay trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và một số phim tài liệu khác. Ai đã xem phim chắc sẽ thấy xe tăng T54 có bộ binh theo sau hùng dũng bươn qua khói lửa trên sân bay Đông Hà, thấy những tấm ghi sắt lát đường băng bung cong lên gớm ghiếc trong đạn lửa.

Sau cuộc tập trận đó các sư đoàn chủ lực của Binh đoàn Hương Giang (Quân đoàn 2): 304, 325 cùng các đơn vị trực thuộc bí mật lần lượt rời địa bàn Quảng Trị vào Bắc Tây Nguyên. Sư đoàn 324 vẫn ở lại chốt giữ các vị trí chiến lược ở phía nam Quân khu Trị Thiên như Núi Bông, Núi Nghệ, Bạch Mã, Mỏ Tàu, Ly Hy...

Vào Bắc Tây Nguyên, Sư đoàn 304 lập tức tiến công Chi khu quân sự quận lỵ Thượng Đức ở tây Quảng Nam mở ra hướng thọc sườn Đà Nẵng. 
Sư đoàn 324 mở chiến dịch K74 đánh tạo thế, chiếm Mỏ Tàu, Bạch Mã, Ly Hy ở nam Thừa Thiên. Sư đoàn 325 ém quân bí mật chờ đợi…

*

Trên chiến trường Quảng Trị, khi các đơn vị của Quân đoàn 2 rút đi, Quân khu Trị Thiên thành lập lực lượng phòng thủ địa phương thay thế chủ lực trên toàn tuyến tiếp xúc từ ven biển Triệu Vân vòng lên Long Quang, chợ Sãi lên Tích Tường - Như Lệ theo Khe Trai vào tây cao điểm 314 về dãy 90, tây 367 (Bacbara) đến sông Mỹ Chánh giáp Thừa Thiên Huế.

Tuyến phòng thủ này hình thành khi Hiệp định Paris có hiệu lực ngày 27 tháng 1 năm 1973 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị kéo dài gần 100km. Trong đó khoảng 40km từ biển lên Tích Tường - Như Lệ xã Hải Lệ do hai Tiểu đoàn 3 và 14 mật danh là K3 và K14 chủ lực tỉnh cùng bộ đội địa phương huyện Triệu Phong, thị đội Quảng Hà, dân quân du kích các xã của huyện Triệu Phong đảm nhiệm. Ở hướng này được xác định là hướng chủ yếu do Trung tá Phạm Vy, Tỉnh đội trưởng trực tiếp chỉ huy cùng đồng chí Trung tá Lê Thanh Châu, Phó chính ủy; Trung tá Nguyễn Kiện Toàn, Tỉnh đội phó Thiếu tá Lê Biều, Tham mưu trưởng Tỉnh đội chỉ huy.

Khoảng 60km còn lại ở phía tây Hải Lăng từ Hải Lệ vào sông Mỹ Chánh giáp Thừa Thiên do bộ đội địa phương huyện Hải Lăng, Hướng Hóa, dân quân du kích các xã trong huyện Hải Lăng đảm nhiệm phòng thủ.

Trên hướng tây Hải Lăng, Quân khu Trị Thiên chỉ đạo Tỉnh đội Quảng Trị bố trí Sở chỉ huy tiền phương ở nam Vũng Tròn trên đường 15N. Tháng 10 năm 1974, Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên, Đại tá Dương Bá Nuôi và Trung tá Phạm Vy, Tỉnh đội trưởng đã cùng một số cán bộ tham mưu quân khu và tỉnh đội đi thị sát chiến trường xuống tận Ngã Ba Khe, dãy tuyến chốt 176, 90 trên sông Nhùng. Sau chuyến thị sát này, hướng tây Hải Lăng, bên cạnh Tiểu đoàn 10 đặc công (K10) đã ém quân từ trước, Tỉnh đội điều thêm Tiểu đoàn 808 (K8), Tiểu đoàn 812 (K812), trong đó Tiểu đoàn 812 mới được thành lập cuối năm 1974, vào vị trí tập kết. Đây là lực lượng tiến công chủ yếu của hướng tây Hải Lăng. Hướng này do Trung tá Lương Chí Hiền - Chính ủy Tỉnh đội, cùng Trung tá Trần Phố - Tỉnh đội phó chỉ huy. 

Cơ bản đến cuối tháng 1 năm 1975 kế hoạch tiến công bố trí đội hình, sử dụng lực lượng ở chiến trường Quảng Trị đã hoàn tất. Tất cả các đơn vị ở cả hai hướng đã sẵn sàng nổ súng tấn công.

Đúng lúc này ta mở chiến dịch giải phóng Bình Long, Lộc Ninh để thăm dò phản ứng của Mỹ. Mất Bình Long, Nguyễn Văn Thiệu lên đài phát thanh Sài Gòn hô hào: “Toàn thể quân dân chính Việt Nam Cộng hòa để tang một ngày thất thủ Bình Long” và phát động “phục hận Bình Long, căm thù Cộng sản, quyết xông lên tái chiếm lãnh thổ”. Nhưng cả Mỹ lẫn Thiệu vẫn không có hành động cụ thể trên chiến trường. Ăn tết xong Bình Long vẫn nằm chắc trong sự kiểm soát của quân ta, có nghĩa là trên chiến trường, khi không có sự yểm trợ hỏa lực của Mỹ, quân đội Sài Gòn đã không còn đủ sức đôi công với Quân giải phóng.

*

Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, Quảng Trị là chiến trường phối hợp. Không phải là hướng tiến công chủ yếu nhưng quân dân Quảng Trị có nhiệm vụ hết sức nặng nề là phải chiến đấu với bảy tiểu đoàn địa phương quân ngụy thuộc Tiểu khu Quảng Trị là: 105, 110, 119, 120, 121, 122, 124... và hàng chục trung đội nghĩa quân ở các Chi khu, Phân chi khu thuộc huyện Hải Lăng. Đồng thời giam chân Lữ đoàn 147 thuộc Sư đoàn Thủy quân lục chiến, lực lượng trù bị chiến lược ngụy và Liên đoàn Biệt động quân không cho chúng rút khỏi Quảng Trị ứng chiến các chiến trường khác.

Thực hiện nhiệm vụ nghi binh chiến lược để quân ta tiến công Buôn Ma Thuột. Đêm mùng 8 rạng ngày 9/3/1975 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị ra lệnh cho Đại đội 12 Tiểu đoàn 10 đặc công tập kích Chi khu Mai Lĩnh mở màn chiến dịch mùa xuân 1975 ở Quảng Trị. Cùng lúc đó Tiểu đoàn 8, các đại đội địa phương và du kích Hải Lăng từ phía tây Hải Lăng bí mật luồn qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch thọc sâu về hậu phương, đánh quần lộn với chúng để gây rối loạn trong lòng địch.

Tiểu đoàn 14, Tiểu đoàn 3 cùng các đại đội địa phương, du kích Triệu Phong, Thị đội Quảng Hà cũng nhất loạt gây áp lực trên toàn tuyến từ Tích Tường, Như Lệ về chợ Sãi, sang Long Quang về Thanh Hội.

Từ sau ngày quân ta giành thắng lợi ở mặt trận chính Buôn Ma Thuột, tình hình quân địch ở Quảng Trị vô cùng hoang mang. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị ra lệnh cho tất cả các đơn vị thuộc quyền nổ súng đồng loạt tấn công áp đảo địch trên toàn tuyến. Sau mười ngày chiến đấu, quân địch ở Quảng Trị buộc phải ra lệnh tùy nghi di tản, thực chất là rút chạy khỏi Quảng Trị.

Vào thời điểm đó, là một chiến sĩ, tôi không biết được diễn biến chiến đấu ở hướng đồng bằng nhưng tôi biết khá rõ diễn biến chiến sự ở hướng tây nam Quảng Trị:

Ngày 11 tháng 3 năm 1975, Tiểu đoàn 10 nhận lệnh: Huy động tất cả quân số hiện có kể cả anh nuôi, y tá, tham gia tiến công địch trên tuyến chốt. Chiến thuật “rải mỏng chốt dày” của đối phương vấp phải lối tiến công đồng loạt của ta đã không thể ứng cứu cho nhau nên chúng phải rút chạy khỏi các điểm chốt nhỏ lẻ về phòng thủ ở các điểm chốt kiên cố hơn.

Ngày 13 tháng 3 năm 1975, tôi đi theo anh Phạm Đức Thắng, Tiểu đoàn phó, đốc chiến trận tiến công cao điểm 122 do Đại đội 24 thực hiện. Cao điểm 122 có hai mỏm nối nhau qua yên ngựa, Đại đội 24 tổ chức đánh đồng loạt cả hai mỏm một lúc để đối phương không thể chi viện cho nhau. Đến phút chót, mũi đánh mỏm thứ yếu thiếu người, anh Thắng bảo tôi: “Em bổ sung vào mũi đó cho đủ quân số”. Vậy là từ một chiến sĩ liên lạc tiểu đoàn tôi bước vào trận đánh trong đội hình Đại đội 24.

Trận đánh không thành công. Đối phương dựa vào công sự chống trả quyết liệt. Ở cả hai mỏm ta đều không dứt điểm được. Trời sáng phải rút ra vì đặc công ít người, mất yếu tố bất ngờ không thể đánh thắng đối phương đông hơn trong công sự vững chắc. Trận này anh Nguyễn Tất Giáp, Trung đội trưởng bên hướng chính bị thương vào thái dương, vết thương không ra máu, anh tự đi một quãng đường khá xa cho đến khi quá mệt anh mới chịu lên cáng nhưng mấy ngày sau anh hy sinh trong quân y viện.

Có lẽ bị thiệt hại nặng và hoang mang nên chiều hôm đó địch bỏ cao điểm 122 rút chạy. Hành lang xuống đồng bằng theo sông Nhùng bỏ ngỏ.

Chiều 16 tháng 3 năm 1975, anh Hồ Minh Thanh, Tiểu đoàn trưởng gọi tôi lên vị trí chỉ huy tiểu đoàn vừa dời từ sông Mỹ Chánh ra dốc Chị Em. Anh giao cho tôi một phong bì to sụ, dặn: “Ngay bây giờ em mang văn kiện này ra Sở chỉ huy tiền phương Tỉnh đội Quảng Trị hiện đóng ở Khe Ông Bích để các anh ấy phê chuẩn rồi mang về ngay đêm nay!”

Anh lấy bản đồ quân sự chỉ tọa độ, vị trí Khe Ông Bích cho tôi nhận diện. Tôi xem xong trả lời: “Em nhớ và biết vị trí rồi!”. Anh đưa cho tôi phong lương khô BA 70 loại của sĩ quan trung cấp, tôi vội vã lên đường vừa chạy vừa ăn.

Ra đến Khe Ông Bích tôi thấy vệ binh Sở chỉ huy tiền phương Tỉnh đội đón sẵn ở vòng ngoài, dẫn tôi vào bên trong. Tôi thấy cụ Lương Chí Hiền, Trung tá Chính ủy Tỉnh đội và các sĩ quan tham mưu đã quây lại bên chiếc bàn tre làm tạm ngồi chờ. Tôi trao xong văn kiện thì một cán bộ dẫn tôi xuống bếp ăn cơm. Khoảng ba mươi phút tôi ăn cơm và nghỉ trở lên thấy phong bì văn kiện đã được niêm phong đóng dấu bảo mật. Vừa cầm lại phong bì, Trung tá Lương Chí Hiền nhìn tôi hỏi: “Em người dân tộc Vân Kiều à?” Có lẽ da mặt tôi đen cháy sau gần 20 ngày tẩm dưới nắng mưa đầu hè Quảng Trị. Cụ đặt tay lên vai tôi dặn: “Khẩn trương nhé, đơn vị đang chờ lệnh hành quân ở nhà”.

Tôi chạy trở lại đơn vị trước lúc trời sáng, trước thời gian gần 2 giờ. Đưa phong bì cho anh Thanh, tiểu đoàn trưởng, tưởng được nghỉ xả hơi, nhưng anh Thắng tiểu đoàn phó bảo: “Chuẩn bị vũ khí quân trang hành quân cùng tiểu đoàn tiến công Tiểu đoàn 119 địa phương quân tiểu khu Quảng Trị”. Tôi hiểu tình hình đã rất khẩn trương.

Sau một ngày luồn rừng, 17 giờ ngày 17 tháng 3 năm 1975, tiểu đoàn đã đến vị trí tập kết bên ngoài vị trí Tiểu đoàn 119 ngụy đóng chốt. Đêm 17 rạng ngày 18 tháng 3 năm 1975, tiểu đoàn nổ súng.

Sau mười phút chiến đấu, trận đánh trở nên vô cùng ác liệt. Đúng lúc đó tại vị trí chỉ huy của tiểu đoàn các chiến sĩ dẫn vào một tù binh gồm đầy đủ súng M16 và một túi quân y to tướng. Anh Lê Hữu Thử, Chính trị viên tiểu đoàn bảo tôi:

- Em người Quảng Trị, sơ cung ngay tên tù binh này!

Thông tin mà tôi nắm được về tù binh như sau:

Tên tù binh: Nguyễn Hào. Sinh năm 1940. Quê quán Hải Thọ, Hải Lăng, Quảng Trị. Nhập ngũ 1963. Cấp bậc Trung sĩ nhất. Chức vụ y tá trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 119 địa phương quân. Vợ Nguyễn Thị Chanh và 5 con ở quê…

Tôi hơi ngạc nhiên: Nhiệm vụ của tiểu đoàn là tiêu diệt Sở chỉ huy Tiểu đoàn 119 ngụy mà anh chàng tù binh này khai là làm y tá trưởng Đại đội 2... có nghĩa là quân ta không chỉ đánh nhau với lực lượng cơ hữu bảo vệ sở chỉ huy mà cả một đại đội địch tăng cường. Tôi báo ngay tình huống với anh Thử, anh trao đổi gì đó với hai chiến sĩ trinh sát tiểu đoàn, hai người này lao vào trong trận đánh...

Ở ngoài vị trí chỉ huy, tù binh Nguyễn Hào liên tục nói rằng anh ấy là y tá không phải lính chiến. Tôi bảo: “Anh làm gì không quan trọng miễn từ lúc này anh chấp hành lệnh của tôi nếu không sẽ bị bắn!”

Tôi kiểm tra nòng súng của anh ta, đúng là súng chưa bắn phát nào. Mở hộp tiếp đạn 21 viên đạn còn nguyên. Lục ví không có gì ngoài một lá số tử vi ghi: “Chú này mang nghiệp binh đao nhưng lách được qua mũi tên hòn đạn...”

Tôi nói với Trung sĩ nhất Nguyễn Hào: “Ví không có tiền bạc và hiện kim nhé!” Anh Hào xác nhận và khai thêm: “Đêm qua về nhận thuốc dưới tiểu khu lên vừa chia thuốc cho các y tá trung đội xong thì các ông nổ súng... Tôi chạy ra khỏi nhà mấy bước thì bị một anh giải phóng đè ra bắt sống vác ra ngoài. Tiền bạc không có vì khi về nhận thuốc đã ghé qua nhà đưa hết cho vợ”.

Mờ sáng hôm sau trận đánh kết thúc, Tiểu đoàn 119 địa phương quân ngụy không còn khả năng kháng cự. Tiểu đoàn rút về điểm tập kết thì có lệnh: “Địch ở Quảng Trị đang rút chạy vào Thừa Thiên, lực lượng vũ trang Quảng Trị chuyển nhanh sang truy kích, giờ phút này dừng lại hoặc chậm trễ đồng nghĩa với có tội với đồng bào đồng chí!”

Tiểu đoàn lại hối hả hành quân, các Tiểu đoàn 8, 812, huyện đội và các cơ quan dân chính đảng Hải Lăng cũng đồng loạt hành quân ban ngày hướng xuống đồng bằng. Chiều 19 tháng 3 năm 1975, tiểu đoàn tôi dừng chân ở thôn Giáp Hậu. Từ chập tối, để chặn hậu cho lực lượng của chúng rút chạy về Thuận An, địch dựng màn hỏa pháo cuối cùng ở bờ bắc sông Mỹ Chánh đến 12 giờ đêm thì im bặt… Quân dân Quảng Trị bước ra khỏi cuộc chiến tranh từ chiều ngày 19 tháng 3 năm 1975.

*

Cách đây mấy năm, trong một lần gặp mặt truyền thống Tiểu đoàn 10 đặc công Quảng Trị tại Thành Cổ, ở tuổi ngoài 90, Đại tá Lương Chí Hiền, người chỉ huy trực tiếp hướng tiến công tây nam Quảng Trị năm xưa vẫn đi xe máy đến dự cùng anh em. Tôi hỏi cụ:

- Cụ còn nhớ ai là người mang Quyết tâm chiến đấu trận đánh cuối cùng vào Tiểu đoàn 119 địa phương quân ngụy đóng ở điểm cao 118 ra Sở chỉ huy tiền phương Tỉnh đội ở Khe Ông Bích để cụ phê chuẩn không?

Cụ nheo mắt nhìn tôi rồi cười:

- Em là người dân tộc Vân Kiều phải không?

Đã bốn lăm năm trôi qua mà ký ức vẫn như còn mới. Tôi chợt nhớ đến Trung sĩ nhất Nguyễn Hào, y tá trưởng của Đại đội 2, Tiểu đoàn 119. Nếu trận tiến công vào Tiểu đoàn 119 địa phương quân ngụy của tiểu đoàn tôi là trận chiến đấu cuối cùng trên chiến trường Quảng Trị thì có lẽ anh là người tù binh cuối cùng…

 

T.P.T

 

 

 

 

 

TỐNG PHƯỚC TRỊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 307

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground