Từ xa xưa trong lịch sử, trước khi thuộc về người Việt (nửa đầu thế kỷ XIV) thì mảnh đất Quảng Trị nói chung, làng Diên Sanh ngày nay nói riêng vốn là một phần đất của châu Ô, nằm trong lãnh thổ của vương quốc cổ Chămpa. Năm 1306, sau khi công chúa Trần Huyền Trân lấy vua Chămpa là Chế Mân (Jaya Shimhavarman III) thì phần đất từ phía nam sông Hiếu (Quảng Trị) đến bắc sông Thu Bồn (Quảng Nam) thuộc về lãnh thổ của Đại Việt. Châu Ô được đổi thành Châu Thuận trong đó có phần đất phủ Triệu Phong, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Lúc bấy giờ, làng Diên Sanh nằm trong châu Thuận. Hết thời nhà Trần, sang thời nhà Hồ, thời thuộc Minh và đầu thời Lê sơ, làng Diên Sanh thuộc huyện An Nhân/An Nhơn thuộc châu Thuận, trấn/phủ/lộ Thuận Hóa.
Đình làng Diên Sanh - Ảnh: T.L
Đến thời Lê, niên hiệu Hồng Đức năm thứ nhất (1470), sau khi vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ các phủ, châu, huyện, xã… thuộc 12 thừa tuyên trong cả nước. Châu Thuận cải đặt thành hai huyện là Hải Lăng (gồm 7 tổng, 75 xã) và Vũ Xương (8 tổng, 53 xã) nằm trong thừa tuyên Thuận Hoá. Lúc này, làng Diên Sanh chính thức thuộc huyện Hải Lăng. Tên làng Diên Sanh lúc bấy giờ đã xuất hiện và được giữ nguyên không thay đổi cho đến ngày nay. Sách Ô châu cận lục, xác nhận vào giữa thế kỷ XVI (1555), làng Diên Sanh là một trong 49 làng/xã của huyện Hải Lăng(1) thuộc châu Thuận, trấn/phủ/lộ Thuận Hóa. Đến thời các chúa Nguyễn, làng Diên Sanh thuộc tổng Câu Hoan, huyện Hải Lăng (tên cổ là An Nhơn/Nhân).
Đến thời nhà Nguyễn, năm 1801, Nguyễn Ánh sau khi đánh bại triều đại Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế đã tiến hành công việc hoạch định lại đất đai, tổ chức sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp trong cả nước. Trong bối cảnh đó, lãnh thổ Quảng Trị ngày nay cũng được hoạch định lại với việc lấy đất đai hai huyện Hải Lăng, Đăng Xương thuộc phủ Triệu Phong và huyện Minh Linh thuộc phủ Quảng Bình đặt thành dinh Quảng Trị(2). Địa giới hành chính làng Diên Sanh ngày nay dưới thời nhà Nguyễn thuộc tổng Câu Hoan, huyện Hải Lăng, dinh/trấn/tỉnh Quảng Trị (năm 1827, đổi dinh Quảng Trị thành trấn Quảng Trị; năm 1831, đổi trấn Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị). Đến thời Đồng Khánh, trong sách Đồng Khánh địa dư chí lược (1886 - 1888), làng Diên Sanh thuộc tổng Câu Hoan, huyện Hải Lăng, đạo Quảng Trị(3). Đây chính là một trong những làng cổ nhất và là làng chính của huyện Hải Lăng ngày nay.
Dưới thời thuộc Pháp, tuy có nhiều thay đổi về đơn vị hành chính các cấp từ tỉnh cũng như các phủ, huyện. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, làng Diên Sanh vẫn thuộc tổng Câu Hoan, huyện Hải Lăng. Đến đầu thế kỷ XX, dân cư từ làng cái Diên Sanh chuyển cư lên khu vực gò đồi ở phía tây để sinh sống và làm ăn rồi hình thành thêm hai đơn vị hành chính mới là làng Tân Diên và Diên Trường. Cho đến trước Cách mạng tháng Tám, làng Diên Sanh nằm trong tổng Câu Hoan thuộc huyện/phủ Hải Lăng.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với việc xóa bỏ ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến để thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân thì đồng thời đó là sự thay đổi tên gọi đơn vị hành chính các cấp. Các đơn vị hành chính cấp phủ được đổi thành cấp huyện và tên gọi không có gì thay đổi, cấp tổng bị bãi bỏ. Theo đó, phủ Hải Lăng đổi thành huyện Hải Lăng. Nhiều làng nhỏ hợp lại thành các đơn vị lớn gọi thống nhất là xã và mang những tên mới. Trong cuộc hiệp xã (theo sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945 và sắc lệnh số 77/SL ngày 21/12/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức chính quyền nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp) này, các làng Diên Sanh, Tân Diên và Diên Trường sáp nhập và mang tên là xã Tân Trường Sanh.
Sau bầu cử Quốc hội (6/1/1946) và Hội đồng Nhân dân các cấp từ tỉnh đến xã (2/1946), hệ thống chính quyền các cấp được hình thành một cách có tổ chức chặt chẽ từ tỉnh, huyện xuống đến xã, thôn. Các làng Diên Sanh, Tân Diên và Diên Trường thuộc xã Tân Trường Sanh sáp nhập cùng với làng Câu Hoan (về sau thuộc Hải Thiện) thành xã Hải Điền - một trong 16 xã của toàn huyện Hải Lăng(4).
Ngày 18/9/1950, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong tình hình mới, tạo ra sự liên kết vững chắc giữa các địa phương và giữa các vùng với nhau, thực hiện Quyết nghị số 1123-QN/P5 của UBHC Liên khu IV, cuộc hiệp xã lần thứ ba được tiến hành. Trên cơ sở đó, xã Hải Điền (gồm các làng Diên Sanh, Tân Diên, Diên Trường (về sau thuộc Hải Thọ), Câu Hoan (về sau thuộc Hải Thiện) và xã Hải Trung (gồm các làng Trường Sanh, Trường Thọ, Tân Trường, Trường Xuân (về sau thuộc Hải Trường) hợp nhất và mang tên là xã Hải Định - một trong 5 xã của huyện Hải Lăng.
Đến tháng 3/1951, do quy mô về mặt tổ chức hành chính của xã quá rộng, các Ủy ban kháng chiến của xã không thể điều hành và chỉ đạo sát sao các phong trào đã gây nên những ách tắc trong quá trình hoạt động. Để khắc phục tình trạng đó, Tỉnh ủy Quảng Trị chủ trương thu hẹp lại quy mô các xã. Lúc này, toàn huyện Hải Lăng có 10 xã(5) và làng Diên Sanh (cùng với Tân Diên và Diên Trường) vẫn thuộc xã Hải Định.
Về phía chính quyền của Pháp, từ tháng 3/1947 đến năm 1954, huyện Hải Lăng ngày nay thuộc vùng chiếm đóng của quân đội Pháp. Làng Diên Sanh vẫn nằm trong tổng Câu Hoan, phủ Hải Lăng(6).
Sau ngày 20/7/1954, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, phần lớn diện tích và dân cư tỉnh Quảng Trị ở phía bờ nam sông Bến Hải trở vào nằm trong sự quản lý của Việt Nam Cộng hòa.
Từ ngày 18/12/1955, theo Nghị định số 4245-NĐ-PC của Đại biểu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tại Trung Việt, các đơn vị hành chính cấp huyện ở phía nam sông Bến Hải được đổi thành cấp quận, gồm có 6 quận, 65 xã và 395 thôn. Toàn quận Hải Lăng có 24 xã, 97 thôn. Làng Diên Sanh cùng với Tân Diên và Diên Trường thuộc xã Hải Thọ.
Ngày 17/5/1958, theo nghị định 215-NĐ/PC của Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tỉnh Quảng Trị thuộc chính quyền miền Nam gồm có 7 quận với 84 xã. Quận Hải Lăng có 23 xã gồm: Quảng Trị, Hải Lệ, Hải Phú, Hải Trí, Hải Thượng, Hải Lâm, Hải Thọ, Hải Thiện, Hải Trường, Hải Ba, Hải Quế, Hải Dương, Hải Thành, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Văn, Hải Kinh, Hải Nhi, Hải Vĩnh, Hải Xuân, Hải Quy, Hải Khê, Hải An. Quận lỵ Hải Lăng đóng ngay trên phần đất của làng Diên Sanh xã Hải Thọ(7).
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, từ tháng 2/1976, tỉnh Bình Trị Thiên mới được thành lập bao gồm tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh (của miền Bắc) và tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên của miền Nam. Theo đó, một số huyện, thị xã cũng được sáp nhập lại với quy mô lớn hơn. Ngày 11/3/1977, hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng được hợp nhất thành huyện Triệu Hải(8). Lúc này làng Diên Sanh cùng với Tân Diên, Diên Trường và Đồng Họ là những đơn vị hành chính cơ sở thuộc xã Hải Thọ, huyện Triệu Hải.
Ngày 30/6/1989, Nghị quyết Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 5, phân chia lại đơn vị hành chính một số tỉnh; trong đó Bình Trị Thiên được tách ra thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên. Ngày 1/7/1989, tỉnh Quảng Trị được tái lập. Ngày 23/3/1990, huyện Triệu Hải tách thành hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong, làng Diên Sanh thuộc xã Hải Thọ.
Ngày 17 tháng 12 năm 2019, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 832/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Trị (Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020). Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của các xã Hải Thọ, bao gồm các làng vào thị trấn Hải Lăng để thành lập thị trấn Diên Sanh. Từ đó đến nay, làng Diên Sanh thuộc thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Diên Sanh là làng gốc, làng cái và là một trong những làng cổ được hình thành từ rất sớm trên địa bàn huyện Hải Lăng dưới thời nhà Hồ và thời thuộc Minh (cuối thế kỷ XIV). Diên Sanh (延 生) còn được diễn Nôm gọi là Kẻ Diên (giống như Kẻ Văn (Văn Quỹ, Văn Trị), Kẻ Liêm (Giáo Liêm, Thanh Liêm), Kẻ Lạng (Lương Điền), Kẻ Giáo, Kẻ Vịnh, Kẻ Môn, Kẻ Triêm... của nhiều nơi khác vùng Quảng Trị). Tương truyền, ban đầu làng có tên là Diên Thọ với hàm ý kỳ vọng về một miền quê vững bền mãi mãi. Tên gọi này còn lưu ảnh đến nay qua ngôi chùa cổ có tên là Diên Thọ tự. Công lao khẩn hoang điền thổ, dựng đặt hương hiệu làng Diên Sanh thuộc về các vị Thủy tổ của 15 dòng họ chính đó là Nguyễn Văn, Nguyễn Tín, Phạm Văn, Phan Sĩ, Dương Viết, Trịnh Văn, Trần Văn, Lê, Đặng, Hoàng Văn, Trần Thanh, Phan Đình, Nguyễn Như, Nguyễn Danh và Trần Đại.
Nhóm người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này để khẩn hoang điền thổ, canh phá đất đai thuộc về các vị thủy tổ của 3 dòng họ là Nguyễn Văn, Nguyễn Tín và Phạm Văn, được dân làng tôn phong là Chính tiền khai canh. Lớp người kế tiếp thuộc về các vị thủy tổ của 7 họ được tôn phong là Tiền khai canh gồm: Phan Sĩ, Dương Viết, Trịnh Văn, Trần Văn, Lê, Đặng và Hoàng Văn. Lớp người sau nữa thuộc về các vị thủy tổ của 5 họ là: Trần Thanh, Phan Đình, Nguyễn Như, Nguyễn Danh và Trần Đại.
Văn bản Hiệp định của làng Diên Sanh được lập vào năm Khải Định thứ 3 (1918) đề cập đến việc phân chia ruộng đất hương hỏa của làng đã ghi rõ thứ tự xếp đặt theo thời điểm nhập cư sớm, muộn của các họ vào làng thành 3 nhóm: nhóm thứ nhất gồm có 3 dòng họ là Nguyễn Văn, Nguyễn Tín và Phạm Văn; nhóm thứ hai gồm 7 dòng họ là Phan Sĩ, Dương Viết, Trịnh Văn, Trần Văn, Lê, Đặng và Hoàng Văn; nhóm thứ ba gồm có 5 dòng họ là Trần Thanh, Phan Đình, Nguyễn Như, Nguyễn Danh và Trần Đại.
Theo thư tịch hồi cố hiện còn ở làng Diên Sanh thì vị thủy tổ họ Nguyễn Văn là người đã đặt chân đầu tiên lên vùng đất mới châu Ô dưới thời Trần. Phả ký họ Nguyễn Văn ghi rõ: “Họ chúng ta thời vua Trần Anh Tông (1306 - 1313) ngài Thủy tổ từ kinh đô Thăng Long vào châu Ô khai phá”(9). Gia phả của họ Phan cũng đã chép: “Thủy tổ họ Phan là Phan Khắc Tống quê làng Nho Lâm, Lai Mạc, vượt cửa Nhượng đi về phía nam. Năm 1426 thì ghé chân lại vùng Thuận Hóa cho đến năm 1428 mới tụ cư tại làng Diên Sanh”(10). Bản Di chúc của họ Trần Văn (họ thứ 7) lập vào năm Vĩnh Khánh nguyên niên (1729) ghi rằng: “Ngài Thủy tổ họ Trần Văn tên là Trần Như Ông, nguyên ở xứ Bắc tại xã La Giang, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Do vùng đất phía Bắc lúc bấy giờ đông đúc dân cư tụ họp và có nhiều thế lực ganh đua, khó bề làm ăn sinh sống nên bèn đưa vợ là Đinh Thị Tiên và con là Trần Như Độ vượt biển đi tìm vùng đất mới để ở. Đầu tiên, đến xã Diên Thọ (tục gọi là Kẻ Diên), thuộc huyện Lợi Điều (đúng ra là huyện An Nhân, có lẽ viết nhầm), châu Thuận Hóa. Khi ngài đến đây đã có sự hiện diện của các họ Nguyễn Văn, Nguyễn Tín, Phạm Văn và Phan, Dương, Trịnh”(11). Gia phả họ Nguyễn Như lập vào năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1669) chép rằng: “Ông tổ của họ là Nguyễn Như Tú, gốc người Vạn Xuân, Thanh Hóa đến Diên Sanh cùng thời với Nguyễn Hoàng (1558)”. Một thông tin khác ghi chép ở bản Gia phả của họ Phạm Văn cho biết 5 họ còn lại đến Diên Sanh vào đời Cảnh Hưng dưới thời trị vì của vua Lê Hiến Tông (1740 - 1786).
Như vậy, có thể thấy rằng lớp cư dân đầu tiên của làng Diên Sanh là các vị thủy tổ thuộc 3 họ: Nguyễn Văn, Nguyễn Tín và Phạm Văn vốn là những chiến binh nhà Trần ở lại vùng đất mới. Sau đó hợp lực cùng lớp người kế tiếp là các vị thủy tổ thuộc 7 họ: Phan Sĩ, Dương Viết, Trịnh Văn, Trần Văn, Lê, Đặng và Hoàng Văn để khai khẩn đất đai, canh điền, tạo lập vườn tược, dựng đặt hương hiệu dưới thời nhà Hồ và thời thuộc Minh và thời Lê. Lớp cư dân sau nữa là các vị thủy tổ 5 họ: Trần Thanh, Phan Đình, Nguyễn Như, Nguyễn Danh và Trần Đại nhập cư vào làng dưới thời chúa Nguyễn.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, đến nay, làng Diên Sanh đã có thêm rất nhiều dòng họ khác tiếp tục về tề tụ sinh sống (tính đến nay có tất cả 76 dòng họ sinh sống). Thời điểm đến tụ cư của các dòng họ tuy có sự sớm muộn khác nhau bởi do nhiều yếu tố lịch sử và hoàn cảnh xã hội khác nhau chi phối nhưng tất cả đều đoàn kết gắn bó, đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật, vun đắp xây dựng quê hương, cùng nhau tô bồi, vun đắp thêm những gam màu tươi mới cho làng quê Diên Sanh mãi trường tồn cùng năm tháng. Cũng trong quá trình đó, làng Diên Sanh có 3 dòng họ Lê, Đặng và họ Trần đến đời thứ 5 thì con cháu không truyền đời nữa. Ghi nhớ công lao của 3 ngài, dân làng đã lập nhà thờ gọi là Hiệp tự đường để hương khói. Thế tục của các dòng họ đầu tiên của làng Diên Sanh tính từ ngài Thủy tổ đến nay đã trải qua 22 đời.
Công lao của lớp người tiền nhân đến sinh cơ lập nghiệp, xây dựng làng Diên Sanh được sử sách ghi chép lại tương đối đầy đủ. Họ được triều đình phong kiến ghi nhận bằng những bản sắc phong và được chính dân làng phụng thờ. Song, qua nhiều biến cố xã hội, nhất là 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, nhiều văn tự, sắc bằng đã bị hư hại, mất mát nhiều; các bản gia phả của các dòng họ cũng chỉ mới sao lại thời gian muộn sau này.
Cách thức tổ chức làng xã ở Diên Sanh trước đây được chia thành 4 giáp là An, Bình, Chính, Phước. Về sau có sự thay đổi thành các phe gồm phe Nhất (giáp An), phe Nhì (giáp Bình), phe Ba (giáp Chính) và phe Tư (giáp Phước). Từ sau năm 1945, làng Diên Sanh được chia nhỏ thành các thôn. Theo đó, phe Nhất thuộc thôn 1, phe Nhì thuộc thôn 2, phe Ba thuộc thôn 3, phe Tư thuộc thôn 4 và sau năm 1975, thành lập thêm một thôn mới nữa gọi là thôn Công thương nghiệp.
Mỗi giáp/phe của làng Diên Sanh thường có nhiều xóm trong đó phần lớn là 2 xóm. Phe Nhất (giáp An) có xóm Bà và xóm Đông; phe Nhì (giáp Bình) nguyên xưa có 7 xóm là xóm Nhật Trung (nay là xóm Chợ), xóm Nam Biên Đình, xóm Bắc Biên Đình, xóm Huy, xóm Bình, xóm Phường, xóm Quạnh (Quèng) và nay còn có thêm xóm Tân Sanh (xóm này mới thành lập năm 1998); phe Tư có 2 xóm là xóm Trong và xóm Ngoài. Còn phe Ba thì dân cư ít, từ trước đến nay không thấy gọi tên xóm nào cả.
Đất đai của làng Diên Sanh xưa rất rộng lớn. Ngay từ những ngày đầu mới đến định cư, các bậc tiền nhân của làng đã nhanh chóng bao chiếm ruộng đồng, khẩn hoang rừng núi trên một diện tích 3.575 ha, được dàn trải ra theo chiều Bắc Nam là 5,5 km và chiều Đông Tây hơn 6,5 km. Do ảnh hưởng của điều kiện địa hình thấp trủng, thường xuyên bị ngập lụt nên làng xóm đan xen với ruộng đồng vườn tược. Nhà cửa được dựng ở những khu đất cao để tránh lụt lội nhưng lại không tách rời với ruộng đồng để tiện cho việc đi lại canh tác.
Công lao khai khẩn đất đai, dựng đặt hương hiệu của các bậc tiền nhân làng Diên Sanh được các thế hệ con cháu về sau ghi nhớ bằng việc tổ chức tế tự. Hằng năm, dân làng Diên Sanh lấy ngày 15 và 16 tháng 6 Âm lịch làm ngày Đại tự kỳ an (ngày hội làng) để tế ngài Thành hoàng làng cùng với các phúc thần và Thủy tổ của 15 dòng họ đã có công lập làng. Ngoài ra, vào ngày rằm tháng 2 và tháng 8, còn có lễ tế gọi là “xuân thu nhị kỳ” để tưởng nhớ những người có công lao đối với làng.
Khi làng xã đi vào ổn định, mật độ dân số theo đó cũng tăng lên không ngừng đã khiến cho mảnh đất Diên Sanh rộng lớn không còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cư trú và canh tác. Từ thực tế đó, bộ phận dân cư làng Diên Sanh bắt đầu tìm cách mở rộng lãnh thổ về phía tây để rồi sau này hình thành nên những làng mới. Bên cạnh đó thì với bản tính cần cù sáng tạo, chịu thương chịu khó, người Diên Sanh đã tỏa đi trên khắp mọi miền đất nước; trong số đó còn có những người đi ra nước ngoài để làm ăn sinh sống. Đặc biệt, từ sau năm 1975, hưởng ứng chính sách giãn dân lên các vùng kinh tế mới của nhà nước, một số con em làng Diên Sanh đã cùng nhau di cư lên vùng gò đồi phía tây huyện Gio Linh để làm ăn và định cư lâu dài. Bộ phận khác còn vào các tỉnh phía nam như Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Vũng Tàu, Đồng Nai… để làm ăn sinh sống.
(Còn tiếp...)
_____________
1 Dương Văn An. Ô châu cận lục. Bản dịch và chú giải của Văn Thanh - Phan Đăng. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2009.
2, 3 Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 1. (Bản dịch của Phạm Trọng Điền). Nxb Thuận Hóa, Huế, 1992.
4 Toàn huyện Hải Lăng lúc này có 14 xã, gồm: Hải Văn, Hải Lý, Hải Điền, Hải Trung, Hải Châu, Hải Trình, Hải Đạo, Hải Đức, Hải Long, Hải Minh, Hải Tân, Hải Hoà, Hải Lộc, Hải Trân.
5 Huyện Hải Lăng lúc này có 10 xã là Hải Thái, Hải Bình, Hải Quang, Hải Thanh, Hải Hưng, Hải Định, Hải Đường, Hải Phong, Hải Lộc và Hải Phúc.
6 Theo Nguyễn Quang Ân. Việt Nam - những thay đổi về địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945 - 1997 (Nxb Văn hoá Thông tin. Hà Nội, 1997) thì tại Quyết nghị số 1123-QN/P5 của UBHC Liên khu 4, đợt sát nhập này toàn huyện Hải Lăng có 5 xã, gồm: Hải Thái (do Hải Châu và Hải Trình hợp thành), Hải Định (do Hải Điền và Hải Trung hợp thành), Hải Phong (do Hải Tân và Hải Hoà hợp thành), Hải Hưng (do Hải Văn và Hải Lý hợp thành), Hải Thạch (do Hải Đạo và Hải Đức hợp thành). Theo Lịch sử Đảng bộ Hải Trường (1930 - 2010) (Quảng Trị, 2012, tr. 23) thì xã Hải Trung là do xã Vạn Niên (gồm các thôn Trường Sanh, Trường Thọ, Tân Trường, Trường Xuân, Khe Mương) sáp nhập với xã Như Lương (gồm các làng Lương Điền, Như Sơn và Hà Lộc) hợp thành. Nhưng theo Lịch sử Đảng bộ huyện Hải Lăng (1930 - 1975) (Quảng Trị, 3-1995, tr.139) thì giai đoạn này toàn huyện Hải Lăng có 6 xã; trong đó, xã Hải Định là gồm các xã: Hải Thành, Hải Thiện, Hải Thọ, Hải Trường. Việc các làng Trung Đơn, Phước Điền, Kim Sanh (về sau thuộc Hải Thành) có nằm trong xã Hải Định không hiện còn là tồn nghi.
7 Nghị định 215-HC/P6 ngày 17/5/1958 của Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hoà. Dẫn theo: Nguyễn Quang Ân. Việt Nam - những thay đổi về địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945 - 1997.
8 Quyết định số 62-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 11/3/1977. Dẫn theo: Nguyễn Quang Ân. Việt Nam - những thay đổi về địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945 - 1997.
9 Gia phả họ Nguyễn Văn hiện đang lưu giữ tại nhà thờ họ.
10 Theo Gia phả họ Phan Khắc hiện được cất giữ tại nhà thờ họ.
11 Theo Di chúc họ Trần Văn (Bản sao ngày 27/6/1915) hiện đang lưu giữ tại nhà thờ họ.