Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 12/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mãi mãi nhớ ơn nhân dân làng Phú Hưng

Cuộc Tổng tấn công nổi dậy mùa xuân năm 1968 của quân và dân miền Nam Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến lương tâm nước Mỹ. Làn sóng biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lan rộng. Trên thế giới, phong trào ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ cũng dâng cao hơn bao giờ hết.

Nắm bắt tâm lý của đại đa số cử tri Mỹ đã chán ghét chiến tranh, muốn rút con em họ ở Việt Nam về nước, trong cương lĩnh tranh cử của mình, ứng cử viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1969 - 1974, Richard Nixon đã đưa ra hứa hẹn với cử tri Mỹ: Nếu đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 37 ông ta sẽ “rút quân Mỹ ở Việt Nam về nước, kết thúc chiến tranh trong danh dự”. Đây là lời hứa hẹn hấp dẫn để giành phiếu phổ thông của cử tri. Mặt khác, vào thời điểm này, Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo mỗi tuần ở chiến trường Việt Nam có tới 300 quân nhân Mỹ thương vong…

Lên cầm quyền, Nixon nhận thấy nước Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng can thiệp quân sự trực tiếp. Ngồi vào Nhà Trắng chưa được nửa năm, tháng 6 năm 1969, Nixon đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Báo chí Mỹ và dư luận thế giới lúc đó gọi “Việt Nam hóa chiến tranh” là cuộc chiến “Thay đổi màu da của xác chết”. Nixon chủ trương rút dần quân đội Mỹ về nước, vực dậy Quân đội Sài Gòn và thực thi chính sách “Dùng người Việt đánh người Việt” trên chiến trường, theo công thức: “Vũ khí trang bị Mỹ + quân ngụy + chiến lược phòng thủ diện địa + bình định nông thôn, triệt hạ hạ tầng cơ sở của Việt cộng”. Mục tiêu cuối cùng là bao vây cô lập, tiến tới tiêu diệt chủ lực quân giải phóng, kết thúc chiến tranh.

Thực chất của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” không phải là sự xuống thang chiến tranh của Mỹ mà là cách thức đẩy mạnh chiến tranh trên chiến trường Việt Nam bằng phương thức thâm độc và quỷ quyệt hơn. Đây là sự kết hợp ba loại hình chiến tranh mới của Mỹ: chiến tranh chiếm đất, giành dân, chiến tranh bóp nghẹt và chiến tranh hủy diệt. Chiến lược này, trước mắt nhằm xoa dịu dư luận nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới đang sục sôi phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ.

*

Tại mặt trận Quảng Trị, tháng 7 năm 1968, quân Mỹ bị vây hãm buộc phải rút chạy khỏi căn cứ chiến lược Khe Sanh. Vùng rừng núi rộng lớn phía đông dãy Trường Sơn (thuộc hai huyện Hướng Hóa, Đakrông ngày nay) được giải phóng. Hành lang an toàn phía đông của tuyến đường vận tải chiến lược Hồ  Chí Minh được mở rộng. Mỹ ngụy co về lập tuyến phòng thủ giáp ranh với đồng bằng rất kiên cố, đồng thời ráo riết triển khai “kế hoạch phòng thủ diện địa”, thực hiện chương trình “bình định cấp tốc”, thực thi “cải cách điền địa, bình định nông thôn có chiều sâu”, triển khai các “biệt đội Thiên Nga, Phượng Hoàng” xâm nhập vào từng thôn xóm nhằm phát hiện, bóc gỡ cơ sở cách mạng của ta.

Những năm 1969 - 1970 ở vùng đồng bằng huyện Hải Lăng, Mỹ ngụy xiết chặt sự kềm kẹp, tăng cường các cuộc thanh trừng, thanh lọc, chà xát địa bàn. Trong khoảng chưa đầy 20 cây số từ sông Thạch Hãn đến sông Mỹ Chánh, dọc theo quốc lộ số 1, ngoài ba căn cứ quân sự lớn: Bacbara, Nancy, Anne do Mỹ bàn giao lại, chúng dựng thêm hai chi khu quân sự: Chi khu Hướng Hóa ở Tây Nam cầu Bến Đá xã Hải Trường để quản lý tập trung bà con đồng bào Vân Kiều, Pa Kô mà chúng dồn từ Hướng Hóa - Đakrông về và Chi khu Quân sự Mai Lĩnh đóng ở phía Đông Bắc làng Phú Hưng xã Hải Phú để kềm kẹp đàn áp nhân dân ba xã Hải Lệ, Hải Thượng, Hải Phú. Mục tiêu của chúng là ngăn chặn hướng xâm nhập của ta từ Tây Nam Quảng Trị về đồng bằng Triệu Hải.

Trong khoảng thời gian này, trên chiến trường Quảng Trị lực lượng vũ trang Quân khu Trị Thiên và quân chủ lực cơ động của Bộ Tổng Tham mưu bí mật rút đi làm nhiệm vụ ở chiến trường khác. Lực lượng bộ đội địa phương của tỉnh, huyện và du kích các xã phải gánh vác nhiệm vụ chống phá âm mưu bình định, lấn đất giành dân của địch, hỗ trợ phong trào xây dựng cơ sở tại địa phương.

Trong lúc kẻ thù hí hửng tuyên bố đã bóc gỡ các cơ sở bí mật của ta ra khỏi dân và chủ lực quân giải phóng đã bị đánh dạt sang Lào… nhưng quân dân Quảng Trị vẫn bám tuyến giáp ranh, âm thầm vượt qua gian khổ hy sinh, xây dựng, củng cố, móc nối lại hầu hết các cơ sở, xây dựng lại lực lượng du kích mật hoạt động trong lòng địch ở đồng bằng như trước Tết Mậu Thân 1968.

Để làm chỗ dựa cho sách lược “Ba vùng ba mũi giáp công” kết hợp tiến công và nổi dậy của nhân dân ta trong tỉnh, Tỉnh ủy chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị lệnh cho các đơn vị bộ đội địa phương tích cực đánh vào các phân khu, chi khu nơi xuất phát, các cuộc hành quân bình định của địch. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giao nhiệm vụ tấn công Chi khu Quân sự Mai Lĩnh cho Đại đội 6 Tiểu đoàn 11 thực hiện (sau này là Đại đội 36 Tiểu đoàn 10 Đặc công).

Được đồng chí xã đội trưởng Hải  Phú, người ở ngay làng Phú Hưng dẫn đường, đêm 22 tháng 10 năm 1970, Đại đội 6 nổ súng tấn công tiêu diệt Chi khu Quân sự Mai Lĩnh. Sau mười lăm phút chiến đấu quân ta làm chủ hoàn toàn chi khu. Bọn địch ở căn cứ La Vang và các căn cứ xung quanh biết Mai lĩnh thất thủ liền bắn đại bác 105 mm trùm lên nhằm hủy diệt lực lượng của ta và cả binh lính của chúng còn sống sót trong chi khu. Trước tình huống đó, chỉ huy đơn vị ra lệnh cho bộ đội ta rút về vị trí tập kết. Về đến vị trí tập trung, kiểm tra quân số thấy thiếu hai chiến sĩ là Nguyễn Ngọc Sang và Vũ Văn Tiến. Do phải đưa toàn bộ lực lượng tham gia đánh trận Mai Lĩnh thoát ra khỏi vùng địch kiểm soát trước khi trời sáng nên sau đó nhờ du kích mật bám trụ ở địa bàn theo dõi tìm kiếm hai đồng chí lạc đội hình.

*

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sang kể lại: Sau khi rút ra khỏi chi khu Mai Lĩnh, trên trời hỏa châu địch giăng sáng trưng, các loại pháo cối của địch từ các vị trí xung quanh Mai Lĩnh bắn xăm khắp nơi. Là lính mới, chưa thông thuộc địa hình lại vừa rút lui vừa ẩn nấp tránh pháo nên ra khỏi Chi khu khoảng một cây số về hướng Tây Nam tôi không bám được đội hình đơn vị. Lạc đường, mất phương hướng, trời sáng dần, địch tung lực lượng truy tìm dấu vết. Sợ bị lộ sẽ bị bắt, tôi tìm một bụi rậm chui vào ẩn nấp và quan sát xung quanh. Trời sáng rõ, tôi nhận ra vị trí tôi ẩn nấp bên cạnh một con suối, rất gần làng nhưng nhà nọ cách nhà kia khá xa. Khi bị lạc, trong người tôi có một túi đựng thủ pháo còn một quả, một đùm ngô rang. Tôi không được trang bị súng vì đặc công đánh căn cứ, một tổ ba người mới mang theo một súng AK báng gập do tổ trưởng giữ, còn lại mỗi chiến đấu viên mang theo 12 - 15 quả thủ pháo tự gói. Khi chiến đấu chiến sĩ đặc công cởi trần, mang quần đùi binh chủng và ngụy trang trực tiếp lên da. Khi rút lui băng qua mấy lớp hàng rào kẽm gai lưỡi búa bùng nhùng thì cái quần đùi binh chủng đã bị mắc lại trên hàng rào chi khu. Trên người tôi lúc ấy không mảnh vải che thân.

Ngày đầu tiên kẹt lại trong vùng địch chiếm dài không tưởng. Chúng lùng sục quanh chỗ tôi ẩn nấp nhưng có lẽ chúng không ngờ tôi lại ở sát bìa làng. Chắc chúng phán đoán, với thời gian đó tôi đã cùng đơn vị rút lên rừng khoảng 10km. Tôi cố xác định phương hướng để tìm đường lên rừng nhưng quan sát thấy hướng nào cũng có chốt địch. Một, hai, ba, rồi bốn ngày trôi qua, tôi chỉ biết gần chỗ ẩn nấp có một vạt rau khoai lang xanh tốt nhưng không có người dân ra hái. Túi ngô rang tôi mang trên rừng về vơi dần qua từng ngày. Tôi nấp bên con suối nên đêm tối thì bò ra lấy nước uống. Ngày quan sát dưới suối có nhiều cua đồng nên lội xuống mò cua lên ăn sống. Tôi không dám ra hái rau khoai để ăn vì khả năng lộ do để lại dấu vết rất cao.

Đến ngày thứ bảy vẫn không xác định được đường thoát, sức khỏe tôi đuối dần. Mưa rét, đói ăn, nằm dưới đất trong bụi cả tuần không quần áo, chăn màn, đôi chân tôi bước đi run lẩy bẩy. Với suy nghĩ dù hoàn cảnh nào cũng không để rơi vào tay giặc, tôi quyết định tìm vào nhà dân nhờ chỉ đường lên núi. Tôi có niềm tin mà các lớp đàn anh đi trước truyền lại: xã Hải Phú là địa bàn có cơ sở cách mạng mạnh, lại gắn bó máu xương với K10 Đặc công Quảng Trị, khi gặp tình huống khó khăn có thể dựa vào dân. Tôi nghĩ ra nhiều phương án, kể cả trường hợp xấu nhất thì chia đôi quả thủ pháo cuối cùng với kẻ thù. Suy nghĩ, cân nhắc, cuối cùng tôi chọn một gia đình ở cuối xóm và khoảng hai mươi mốt giờ tôi bí mật đột nhập vào ngoài vườn quan sát động tĩnh. Ngôi nhà tranh vách đất kiểu nhà bánh ít của người dân Quảng Trị. Gian giữa để thờ, hai chái hai đầu hồi để kê giường ngủ. Tôi quan sát rất lâu và biết chái nhà phía Tây có ba người phụ nữ ở ba độ tuổi khác nhau trong đó có một thanh niên, họ ngủ chung một giường. Đầu chái phía Đông có một đàn ông trung niên ngủ một mình. Đắn đo suy tính mãi cuối cùng khoảng ba giờ sáng tôi quyết định đột nhập nhà dân nhờ chỉ đường lên rừng. Tôi bí mật tiếp cận và ngồi lên giường người đàn ông rồi lấy tay vỗ nhẹ vào đùi ông làm hiệu. Bị bất ngờ, ông vùng dậy, nhìn thấy tôi như con ma đói lại trần truồng đen nhẽm nên ông hoảng hốt kêu lên: “Việt cộng! Việt cộng.” Tôi ôn tồn đề nghị ông giữ bí mật và nói tôi là quân giải phóng về lấy gạo. Mới ở miền Bắc vào không thạo đường nên đi lạc, nay vào nhà dân nhờ chỉ đường lên rừng.

Ông chủ nhà vẫn kiên quyết đuổi tôi ra khỏi nhà, đòi “bắt tôi nộp cho Quốc gia”. Tôi kiên trì thuyết phục, ông không nói gì mà lặng lẽ vào buồng lấy ra một cái quần đùi cũ bảo tôi mặc và nói: “Bây giờ ông ra khỏi nhà tôi ngay, tự tìm đường lên rừng hay ra “trình diện Quốc gia” thì tùy, nhà tui không chứa chấp Việt cộng…”. Trong lúc tôi đang hoang mang trước thái độ cứng rắn của người đàn ông thì đầu hồi nhà phía ba người phụ nữ nằm ngủ cũng đã thức dậy ngồi im trên giường từ lúc nào. Bỗng cô gái trẻ nhất trong ba người phụ nữ đứng lên nhanh nhẹn lách cửa bước ra ngoài sân và trong tôi nghĩ đến một kịch bản xấu nhất: Cô ấy sẽ đi báo cho lực lượng “nhân dân tự vệ” tới bắt mình. Tôi liền lấy quả thủ pháo cuối cùng ra cầm tay, thái độ dứt khoát…

Anh Nguyễn Ngọc Sang (nguyên là Cựu chiến binh K10 Đặc công) sau khi được nhân dân cưu mang trong suốt 22 ngày đêm ngặt nghèo sinh tử và trở lại đơn vị chiến đấu một thời gian thì chuyển ra miền Bắc. Hiện nay anh sinh sống ở thôn Hưng Thịnh xã Hoàng Nam huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định.

Chừng mười lăm phút sau, cô gái trở về dẫn theo một chị trung niên. Chị bước vào nhà chủ động bắt chuyện với tôi và tôi nói với chị tôi là bộ đội Đặc công về đánh Chi khu Quân sự Mai Lĩnh bị lạc… Chị hỏi: “Ai dẫn các ông từ rừng về đây?” Tôi nói tên ông xã đội trưởng xã Hải Phú. Chị hỏi tiếp: “Nguyện vọng của ông là ra trình diện Quốc gia hay tìm về với đơn vị?”. Tôi trả lời: “Tôi muốn tìm về đơn vị để tiếp tục chiến đấu”. Chị nói một câu ngắn gọn: “Muốn trở về đơn vị cũ thì chú đi theo tui”.

Từ đầu đến giờ chị gọi tôi bằng “ông”, khi nghe chị gọi tôi là “chú” tôi hiểu rằng đã gặp được cơ sở cách mạng của mình trong vùng địch. Nghe giọng nói và cách xử lý tình huống của chị tôi đoán chị là người có uy tín với những người trong gia đình này. Rời gia đình có người đàn ông đã cho tôi quần đùi, nhưng nằng nặc đuổi tôi ra khỏi nhà, đòi bắt tôi giao cho “Quốc gia”, chào ba người phụ nữ bí hiểm và lặng lẽ đi theo chị phụ nữ mới đến về phía đồi thấp cuối làng.

(Trường hợp anh Vũ Văn Tiến cùng bị lạc với anh Sang sau này cơ sở kể lại: Anh Tiến chạy vào một nhà dân, trốn vào buồng, sáng hôm sau địch truy vết kéo tới bắt cả nhà ra sân đánh đập rất dã man. Nấp ở trong nhà thấy dân bị tra khảo quá tàn bạo anh Tiến liền chạy ra nói lớn: “Các ông không được đánh dân, tôi bị các ông đuổi nên chạy bừa vào gia đình này chứ họ không liên quan”. Bọn địch xúm vào trói anh lại dẫn đi mất tích).

*

Theo bà Nguyễn Thị Báu: Làng Phú Hưng có địa hình bán sơn địa ở Đông Nam xã Hải Phú. Từ quốc lộ 1A có đường liên thôn đi băng qua làng lên căn cứ La Vang. Đi khoảng 1 km thì rẽ trái qua một cánh đồng là tới xóm Phường Sắn, một địa danh nổi tiếng với chiến công của bảy dũng sĩ bộ đội địa phương Quảng Trị đánh nhau với hơn một đại đội địch, hy sinh đến người cuối cùng để bảo vệ vùng mới giải phóng sau đợt đồng khởi đầu tiên ở Hải Lăng năm 1964. Đi tiếp qua đồi “Bảy dũng sỹ Phường Sắn” theo hướng Tây Nam khoảng 3 km là tới làng Thượng Nguyên xã Hải Lâm. Quân, dân, chính, đảng, các xã phía bắc huyện Hải Lăng đóng hậu cứ ở Vũng Tròn xã Hải Phúc nay thuộc huyện Đakrông, thường xuôi theo sông Nhùng đến vùng đồi phía Tây làng Thượng Nguyên thì rẽ trái sang làng Phú Hưng xã Hải Phú nắm tình hình địch do cơ sở ở đây cung cấp, thấy an toàn thì mới đi tiếp xuống các xã Hải Thượng, Hải Quy, Hải Xuân, Hải Vĩnh, Hải Ba… Làng Phú Hưng có truyền thống cách mạng từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, dù ở sát nách căn cứ La Vang, sau thêm Chi khu Mai Lĩnh, bị địch chà đi xát lại hết sức khốc liệt, nhưng làng Phú Hưng vẫn là nơi có cơ sở cách mạng vững chắc trong dân của xã Hải Phú. Trong làng có chi bộ, đoàn thể, du kích bí mật, thậm chí có những du kích mật ngày mang súng nhân dân tự vệ của địch nhưng đêm đến thì vác súng ra rừng họp nhận nhiệm vụ giao liên của ta.

Nghe tin của quần chúng cơ sở báo: “Có người xưng là bộ đội trên rừng về đánh Chi khu Quân sự Mai Lĩnh do chưa thạo đường nên bị lạc đơn vị, hiện đang ở đầu nhà cháu…”. Tôi phán đoán, rất có thể đây là người của đơn vị tuần trước về đánh Chi khu Mai Lĩnh bị lạc thật nên vội theo cháu sang nhà ngay vì lúc đó trời đã gần sáng.

Ông chủ nhà và ba người phụ nữ trong nhà đều là cơ sở cách mạng, tuy nhiên sự xuất hiện đường đột của chú Sang đã làm cho ông ấy cảnh giác, nghi ngờ chú Sang không phải quân ta mà là tụi cán bộ bình định áo đen đóng giả để phát hiện cơ sở của ta nên ông bên ngoài thì cự tuyệt giúp đỡ nhưng ngầm sai con gái sang báo cho tôi.

Bà Nguyễn Thị Báu hoạt động cơ sở trong vùng địch kiểm soát cho đến ngày Quảng Trị giải phóng. Năm 1973 gia đình bà chuyển ra Đông Hà và tham gia công tác ở Hội Phụ nữ Giải phóng thị xã cho đến tuổi nghỉ hưu. Chồng bà, ông Nguyên cũng là người hoạt động kháng chiến bị chính quyền Sài Gòn bắt giam tù đày bốn năm. Ông bà có ba người con, hai con gái, một con trai đều phương trưởng, thành đạt.

Vào thời điểm đó tôi hoạt động bí mật ở làng Phú Hưng với cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ giải phóng thị Quảng Hà. Tôi nghĩ ngay đến việc phải đưa chú Sang ra khỏi làng trước khi trời sáng, giấu chú vào nơi an toàn để tránh sự lục soát của địch, sau đó móc nối với bộ đội và du kích về công tác đưa chú Sang lên đơn vị. Tôi dẫn chú Sang tới một lùm tre gai rậm rạp um tùm ven một con suối rồi gỡ nè cho chú ấy chui vào bên trong gốc tre và kéo nè tấp đường lại. Tôi dặn chú cứ ở đây, hàng ngày tôi sẽ tiếp tế thức ăn và nước uống… Tôi dặn kỹ, hàng ngày có thể có bọn “nhân dân tự vệ” đi lùng sục tìm kiếm, chúng thường nói câu hù dọa: “Tên Việt cộng kia, chúng tao thấy rồi, hãy bò ra đầu hàng sẽ được khoan hồng”… nghe thế thì chú cứ nấp kỹ không ra. Bọn chúng kêu hú họa chứ không dám sục vào đâu.

Tôi nhắc chú Sang nhớ kỹ ký tín ám hiệu hợp đồng mỗi lần liên lạc. Nếu chẳng may bị địch bắt thì cứ khai đi lạc, tuyệt đối không khai ra cơ sở đã che giấu mình. Tôi dặn thế nhưng khoảng một giờ sau, trong vai người đi làm đồng, tôi mang đồ tiếp tế ra, chú Sang đã chuyển vị trí ẩn nấp ra nơi khác gần đó nhưng vẫn nhìn thấy khi tôi xuất hiện.

Tôi trở lại mang theo một nắm cơm to và cháo loãng đựng trong hăng gô Mỹ. Tôi dặn chú Sang ăn cháo trước, ăn từng ít một, không ăn quá no, trưa và chiều mới ăn cơm. Chiều tối, tôi mang ra cho chú quần áo, chăn và áo mưa cũ. Chú ấy bảo: “Hơn một tuần ăn dè ngô rang, chịu đựng đói rét, nằm trần truồng trên nền đất ướt, muỗi mòng bu bám, ngủ chập chờn, nay mới được ăn no và mặc ấm”. Tôi động viên chú Sang chịu khó nằm đây khi nào sức khỏe khá hơn tôi sẽ móc nối với trên rừng, sẽ có người về đón chú lên đơn vị.

Vì sức khỏe chú Sang còn rất yếu, tôi tính toán để cho chú khỏe lên một chút thì chuyển tới nhà chị Ngoạn, một cơ sở khác trong đường dây liên lạc gần làng Thượng Nguyên xã Hải Lâm. Nhà chị Ngoạn gần đường giao liên bí mật của ta qua ngã Bến Mụ Quốc, đường tăng cụt, kho K4 rồi men theo sông Nhùng lên rừng sẽ an toàn và tiện đường gửi chú lên khi móc nối được.

Giấu chú Sang gần nhà tôi hơn tuần, thấy sức khỏe chú Sang đã tương đối ổn, một chiều ra tiếp tế, tôi hỏi chú Sang: Chú có biết bơi không? Chú nói có, tôi hẹn sáng sớm mai, tôi vác ra một cái bừa, chiếc nón mê, chú cải trang thành người dân giả đi làm đồng sớm, tôi sẽ dẫn chú thoát ra khỏi địa phận làng Phú Hưng công khai.

Đúng hẹn, tôi vác cuốc đi trước thăm dò đường, chú Sang vác bừa, đội nón mê theo sau một quãng và dặn chú ấy, dọc đường gặp ai hỏi gì cũng không lên tiếng vì chú nói giọng Bắc sẽ bị lộ. Đề phòng thôi chứ chọn giải pháp đưa chú Sang ra khỏi làng Phú Hưng công khai vào buổi sáng sớm đã được tôi và chị Ngoạn bàn bạc kỹ. Cuộc vượt thoát của chú Sang khỏi vùng kiểm soát của địch thành công tốt đẹp. Chú Sang qua cơ sở chị Ngoạn được ba bốn ngày thì được đón lên đơn vị an toàn. Để làm tin, chú Sang gửi về tặng tôi một cuộn mây gióng, loại mây rừng dùng để thắt quang gióng gánh gồng đi chợ và làm đồng. Do hoàn cảnh chiến tranh tôi mất liên lạc với chú Sang ngày ấy cho đến năm 2015 chú Sang sau nhiều năm chủ động tìm kiếm mới gặp lại gia đình tôi…

TỐNG PHƯỚC TRỊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 355

Mới nhất

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị”

14 Giờ trước

Chiều ngày 10/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” năm 2024.

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng

10/12/2024 lúc 12:24

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

13/12

25° - 27°

Mưa

14/12

24° - 26°

Mưa

15/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground