Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nét đẹp truyền thống trong tín ngưỡng thờ cúng nữ thần Việt Quảng Trị

Trong tất cả hệ thống bách thần ở Việt Nam nói chung và ở Quảng Trị nói riêng các vị Nữ thần chiếm một vị trí quan trọng về cả số lượng lẫn vị trí trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Từ xa xưa, người dân Quảng Trị đã có truyền thống quý báu là lòng biết ơn chân thành và kính cẩn đối với những kỳ tích và những người làm nên những kỳ tích đó, dù họ là những người phụ nữ. Từ lòng biết ơn và ngưỡng vọng đó đã ra đời một hệ thống Nữ thần mà hầu khắp các làng quê trên vùng đất Quảng Trị đều thờ cúng. Cho dù các vị Nữ thần có công trạng hay kỳ tích ở bất kỳ lĩnh vực nào đều được người dân tôn vinh và chiếm một vai trò, địa vị quan trọng trong diễn trình lịch sử, văn hóa của Quảng Trị. Chính họ là những nhân vật góp phần tạo nên “hồn thiêng” trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Quảng Trị.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có một công trình thống kê đầy đủ, chính xác về hệ thống các vị Nữ thần được nhân dân các làng xã vùng đất Quảng Trị tôn vinh và thờ phụng; nhưng có thể khẳng định một điều rằng: việc thờ cúng tôn vinh các vị Nữ thần của người dân trên vùng đất này đã có từ lâu đời, được truyền lưu qua nhiều thế hệ và phổ biến ở hầu khắp các làng quê. Có thể nhận thấy hệ thống các vị Nữ thần ở Quảng Trị được hình thành bao gồm từ nhiều yếu tố:

- Đó là các vị Nữ thần được người Việt Quảng Trị mang theo từ quê cha đất tổ - miền Bắc trong quá trình thiên di mở cõi về phương Nam, họ luôn mang theo trong tâm khảm của mình như một thứ hành trang vô hình mà bền chặt vào sinh nhai, lập nghiệp ở vùng đất mới.

- Kế đến là việc tiếp nhận, dung nạp, hòa trộn vào hành trang văn hóa của mình những vị Nữ thần của xứ bản địa - người Chăm; khi vào sống ở vùng đất xa lạ với nhiều sự ngỡ ngàng, những môi trường, hoàn cảnh, tư tưởng hoàn toàn mới lạ. Người dân Quảng Trị đã có những ứng xử thích nghi để phù hợp với điều kiện sống về cả vật chất lẫn tinh thần; căn nguyên để dễ dàng tiếp nhận và thờ phụng các vị thần bản địa đó chính là tâm trạng tâm lý bất an khi sống trên mảnh đất mới “Hình thành và định hình đầu tiên ở Bắc Bộ, sau đó thế chân của người Việt vào phía Nam, hòa nhập với các thần linh ở địa phương để rồi tự biến đổi thành các sắc thái thờ phụng độc đáo”(1).

- Nhưng có lẽ, các vị Nữ thần xuất hiện ngay tại vùng đất này mới chiếm số lượng đông đảo nhất, bởi nhiều lý do: mảnh đất Quảng Trị nơi thường xảy ra các cuộc chiến tranh mâu thuẫn, xung đột giữa các thế lực phong kiến, sự quấy nhiễu của các đảng phái, giặc loạn, sự va chạm tranh chấp trong bước đầu cùng chung sống của hai dân tộc Việt - Chăm nên tâm trạng, tâm lý người dân bất ổn, lo sợ trước những hiểm họa, tang thương không thể lường trước. Bên cạnh đó, thiên nhiên ở vùng đất này luôn khắc nghiệt, nạn hạn hán kèm theo hỏa hoạn, mưa gió kèm theo bão lụt thường xuyên xảy ra… Những tai nạn trên luôn đe dọa, rình rập trực tiếp vào đời sống tính mạng của mọi người dân, nên việc tìm đến thần linh để cầu nguyện, gửi gắm tâm sự, mong ước những điều may mắn, tốt đẹp, bình yên cho mình là điều tất yếu và dễ hiểu. Chính điều này làm cho hệ thống các vị thần linh trong đó có các vị Nữ thần càng trở nên đông đảo và phong phú. Có thể nhận thấy các vị Nữ thần được thờ cúng ở Quảng Trị tựu trung theo ba tập hợp sau đây:

- Tập hợp Nữ thần có gốc khởi nguyên là nhiên thần.

- Tập hợp Nữ thần là nhân thần hóa.

- Tập hợp Nữ thần Chăm được Việt hóa(2).

Vậy Nữ thần Việt Quảng Trị là ai? Có thể khẳng định rằng: Nữ thần là những người phụ nữ, dù họ là những nhân vật huyền thoại, siêu nhiên hay những nhân vật có thật bằng xương bằng thịt; cũng có thể là những vật thể được nhân cách hóa mang nữ tính hay là sự thêu dệt một cách hoang đường, hoặc gán ghép gượng gạo, thậm chí theo ý muốn chủ quan của một tập thể nhóm người trong điều kiện lịch sử cụ thể... Cho dù nguồn gốc xuất hiện thế nào đi chăng nữa thì trên thực tế tất cả các Nữ thần đều được người Việt Quảng Trị tôn kính bởi vì trước hết họ là những người Mẹ - người sản sinh, giáo dưỡng, thuần hậu, ôn hòa, trang huy, đoan thục… trong tâm thức các thế hệ người Việt.

Tất cả họ được tấn phong lên làm thần linh theo quan niệm có ý thức của con người. Họ có thể là đại diện cho lực lượng sáng tạo ra vũ trụ, ra loài người; hay bảo trợ, đại diện một lĩnh vực cần thiết nào đó cho sự sống; cũng có thể họ là những người có công với làng, với nước như khai dân lập ấp, truyền dạy các bí quyết tri thức để phục vụ cho cuộc sống, các ngành nghề thủ công truyền thống mang lại thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người dân trong các làng xã hoặc những người có tài năng, đức hạnh… Nhưng tất cả họ khi đã được người dân tôn vinh và tấn phong lên hàng thần thánh để thờ cúng đều được người đời ngưỡng vọng, chiêm bái với một hướng tâm linh đầy thánh thiện.

Người dân Quảng Trị ngày xưa đã biết dựa vào những cốt thực, những hư cấu đời thường đáng trân trọng để vận dụng tư duy của mình tạo ra những chuyện tích kỳ vĩ, nhằm nâng cao những nhân vật phụ nữ lên giới thần linh và tôn thờ họ thành những vị thần của riêng mình. Tất cả họ đều được người Việt Quảng Trị thờ cúng ở những nơi tôn nghiêm như: Miếu, Đền… Cũng có những vị Nữ thần được tấn phong lên đến Thành hoàng - là biểu tượng quyền lực tối cao của cả làng, thần cai quản toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của cư dân làng đó. Điển hình là các vị Nữ Thành hoàng Mạc Thị Giáo và Phạm Thị Còng làng An Mô (Triệu Long - Triệu Phong).

Thờ cúng Nữ thần không ngoài mục đích gửi gắm ước mơ, nhu cầu, khát vọng về một cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc mà người trần cần đến sự bảo trợ, che chở của các thần linh trong cuộc sống; nhất lại là vùng đất “Ô châu ác địa” này. Khát vọng chính đáng ấy nói lên tư duy sáng tạo, nó xuất phát từ bối cảnh địa - chính trị, địa - lịch sử, địa - văn hóa của một vùng đất cam go, khắc nghiệt mà con người Quảng Trị bao đời phải kiên trì đấu tranh, vật lộn, chống chọi vất vả với mọi thảm họa bằng tất cả sự nỗ lực vượt bậc để trải qua và giành thắng lợi về cho cuộc sống cộng đồng trong làng xã.

Huyền năng của các vị Nữ thần được người dân tôn vinh đã nói lên tinh thần yêu nước, khát vọng thanh bình, yên ổn, cuộc sống an nhàn đầy viên mãn… của người Quảng Trị trên vùng đất mới. Với các huyền thoại, chuyện tích về các vị Nữ thần do người dân thêu dệt, huyền thoại hóa lên đã phản ánh một bức tranh đa sắc màu về văn hóa, tín ngưỡng của người Quảng Trị.

Tín ngưỡng thờ Nữ thần ở Quảng Trị mang đầy đủ tư duy hướng về cái thiện - một việc làm có ý nghĩa sâu xa. Tâm thức phiếm thần dung chứa trong nó tư duy hướng thiện. Việc thờ thần Quế Nương Ngọc Nữ ở Cam Lộ là một bằng chứng điển hình, không phải ngẫu nhiên mà cô gái 17 tuổi, họ Hồ người phường Ba Lăng trong trắng, trung trinh đã trao gởi thân phận bằng cách mượn cái chết của mình để bảo toàn phẩm giá người phụ nữ, lại được người dân Cam Lộ tôn vinh đến như vậy. Cái chết ở đây hoàn toàn không mất đi mà đó là sự hóa thân để linh ứng biến thành một vị Nữ thần. Hay chính là câu chuyện huyền thoại về cái chết của người con gái làng Hà Lỗ, Câu Nhi về thần Thủy tộc của họ… Đây là những bài học về việc giáo dục nhân cách, trinh tiết của người phụ nữ. Hoặc như chuyện tích Thành hoàng làng An Mô, Triệu Long kể về hai người phụ nữ: một người đã có công với cả vùng đất Ái Tử đó là bà Mạc Thị Giáo đã cùng chồng giúp dân và binh lính định cư khai phá lập ấp trong những năm đầu khi Chúa Nguyễn vào đóng đô ở núi Phú Sa, Ái Tử; người thứ hai là bà Nguyễn Thị Còng đã có công giúp Chúa Tiên thoát nạn trong một lần bị kẻ thù vây bắt, bà đã hiến hai cuộn tơ để buộc lại quai chèo và sau sự kiện này bà được Nguyễn Hoàng phong cho chức Thị giá phu nhân, khi bà mất đã được ban sắc “Bản thổ Thành hoàng dực vận hòa chung chính nghi siêu thông tôn thần” để nhân dân làng An Mô thờ cúng và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Nữ thần Trảo Trảo Phu Nhân ở Ái Tử lại được các vị vua triều Nguyễn liệt miếu Hội đồng, ban sắc phong thần và vịnh thơ khắc vào bia đá để ghi lại sự tích, cho người đời sau thờ cúng, tôn vinh khi hiện ra trong sắc phục màu xanh và bày cho Nguyễn Hoàng dùng mỹ nhân kế đánh tan quân Lập Bạo. Những câu chuyện xoay quanh các vị Nữ thần ở nhiều làng quê Quảng Trị như: Bà Quán tại làng Lập Thạch, Bà Cai làng Đâu Kênh, Bà Càng làng Hưng Nhơn… chính là đều ca ngợi công lao của các vị Nữ thần về lòng hiếu thuần, đoan thục, trung trinh, thuần hậu, tinh thần xả thân vì đất nước, vì cộng đồng làng xã đáng được làm một tấm gương soi cho nhiều thế hệ phụ nữ đời sau.

Qua nghiên cứu thực tế chúng tôi nhận thấy: Tín ngưỡng thờ cúng Nữ thần của người Việt Quảng Trị trong quá trình hình thành và tồn tại đã góp phần tạo ra những nét đẹp truyền thống về đạo đức, lòng vị tha và nhân ái, tính hướng thiện, tính cần cù sáng tạo, đức hy sinh vì nghĩa lớn… Thông qua các nghi lễ thờ cúng Nữ thần cho chúng ta thấy được niềm tin của con người vào thế giới tâm linh, từ đó người dân gởi gắm những ước muốn về sự che chở, giúp rập của các vị thần để cầu mong cho cuộc sống con người hoàn thiện hơn về mọi mặt. Chính niềm tin đó đã giúp họ sống tốt hơn, có thể giúp họ vượt qua mọi thử thách cam go trong cuộc sống; đồng thời cũng giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, tạo thêm sự đoàn kết, thân tình, gắn bó trong toàn thể cộng đồng mỗi dân làng và trong toàn khu vực. Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ cúng Nữ thần còn có một vai trò khá quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt - là nhân tố góp phần để bảo tồn và duy trì nét văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân cư.

Rõ ràng tín ngưỡng thờ cúng Nữ thần đã hình thành, phát triển từ lâu và ăn sâu, bám rễ vào tâm thức người Việt Quảng Trị qua bao thế hệ, có sức sống bền vững, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tâm linh của cộng đồng, nó hỗn dung nhiều yếu tố mới lạ mà không xa rời và mất đi tính truyền thống, tính cội nguồn. Đây là biểu tượng đẹp mang ý nghĩa xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn liền với một số truyền thống văn hóa tích cực, đó là những mỹ tục đáng trân trọng và gìn giữ. Những giá trị đích thực của tín ngưỡng thờ cúng Nữ thần cần được gạn lọc, định hướng và phát triển hợp lý đồng thời cần hạn chế những hủ tục lạc hậu để ngày càng tôn vinh hơn tín ngưỡng quý giá này.

C.T.V

 

 

 

___________________

Tài liệu tham khảo

(1) Ngô Đức Thịnh. Tục thờ mẫu Liễu Hạnh - một sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng. Tạp chí Văn hóa số 5/1995.

(2) Xem thêm: Yến Thọ. Nữ thần Việt Quảng Trị. 20 năm Bảo tàng Quảng Trị. Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 2009. Trang 272.

 

CÁI THỊ VƯỢNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 307

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground