Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghệ thuật Bài chòi và những giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Nghệ thuật Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể có từ lâu đời của Nhân dân các tỉnh Trung Bộ nói chung và Quảng Trị nói riêng. Qua thời gian tồn tại, phát triển, nghệ thuật bài chòi đã thấm sâu vào tâm thức và gắn liền với cuộc sống của người dân. Những giá trị văn hóa đặc sắc của Nghệ thuật Bài chòi góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của nền văn hóa Việt Nam.

Bài chòi được tổ chức tại Lễ hội thống nhất non sông - Ảnh: Ngọc Bình

Bài chòi được tổ chức tại Lễ hội thống nhất non sông - Ảnh: Ngọc Bình

Ở Quảng Trị trò chơi dân gian bài chòi ban đầu chỉ là hô tên các con bài, nhưng lâu dần qua năm tháng với sự sáng tạo của các nghệ nhân họ đã hình thành một thể loại sân khấu dân ca độc lập có thể diễn xướng ở mọi nơi, mọi lúc. Nghệ thuật chơi bài chòi là cái thú tiêu khiển thanh cao bởi các điệu hát, câu hò đều mang ý nghĩa giáo dục về đạo đức, nhân cách, về lối sống cao đẹp hoặc ngợi ca, phê phán, châm biếm thói hư tật xấu rất ý nhị giúp con người nhận thức được điều hay, lẽ phải. Hơn thế nữa qua điệu hò, câu hát, người chơi có thể tìm thấy trong đó tình thương yêu cha mẹ, đạo nghĩa vợ chồng, tình nghĩa thầy trò... hướng con người đến những giá trị chuẩn mực cao đẹp trong cuộc sống.

Nghệ thuật bài chòi ra đời từ dân gian, nói tiếng nói của dân gian, chủ yếu phục vụ cho tầng lớp bình dân và cũng chính những người bình dân kế thừa, phát triển không ngừng…

Để tổ chức hội chơi bài chòi, người dân thường dựng chòi ở những vị trí rộng rãi, bằng phẳng và đông người qua lại, thường là trước sân đình, nhà văn hóa thôn. Chòi thường được bố trí theo hình chữ U, mặt quay vào trong sân. Người ta thường dựng 10 hoặc 11 chòi tuỳ vào cách chơi của từng làng, theo dạng song song mỗi bên 5 chòi đối diện và tương ứng nhau từng cặp một. Cuối hai dãy chòi là một chòi trung tâm hoặc chòi cái. Đối diện chòi trung tâm là trại chỉ huy (dành cho ban điều hành và đội cổ nhạc). Trại chỉ huy có trống chầu dành cho người điều khiển cuộc chơi, một chiếc bàn lớn đặt khay tiền và những lá cờ hiệu, cạnh đó là chỗ ngồi của dàn nhạc gồm 1 sanh, 1 nhị, 1 kèn, 1 trống, có khi thêm 1 phèng la. Ngày nay đội nhạc cụ gồm có 1 sáo, 1 nhị, 1 bầu, 1 trống, 1 nguyệt.

Chòi được làm bằng tre chắc chắn, có thang cho người lên xuống, chòi cao khoảng 2,5 m, có sạp được làm bằng tre hoặc lót ván cho người ngồi chơi, cả ba mặt được che chắn cẩn thận chỉ để trống mặt trước, mái lợp bằng cỏ tranh hoặc lá. Trên mỗi chòi có treo một cái mõ tre để làm hiệu trong lúc chơi bài. Khoảng đất trống giữa sân dựng cây nêu bằng tre cao, trảy bỏ hết mắt cành để nguyên ngọn và trên đó treo một lá cờ hội lớn.

Khoảng đất trống ở giữa là sân khấu trệt bốn mặt. Đây là không gian dành cho một hoặc hai nhân vật đặc biệt (tùy thể thức chơi mỗi làng), làm nhiệm vụ quản trò, gọi là người chạy bài hay là anh/chị Hiệu. Người này phải rành các con bài, điệu hát, câu hò quen thuộc, nhớ nhiều thơ, ca dao, biết pha trò, giỏi ứng tác. Người chạy bài là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của bài chòi.

Chơi bài thì phải có con bài. Đó là những thẻ tre được chuốt theo dạng hình mái chèo đầu bè ra để dán lá bài, đầu kia nhỏ hơn được vót tròn vê nhọn. Các chân bài thường được nhuộm màu xanh hoặc đỏ giống nhau để khi cho đầu dán bài vào ống thì không phân biệt được từng con bài. Bộ thẻ bài gồm 30 cặp tức là 60 con bài trong bộ bài tới với các tên gọi khác nhau. Con bài làm bằng giấy, hình chữ nhật, in một mặt đồ án biểu trưng cho con bài. Mỗi con bài thường được ứng với một hay nhiều câu thai khác nhau. Mỗi câu thai được hô theo những làn điệu cụ thể mà người ta dựa vào đó để sáng tác, ứng tác nội dung các câu hò nhưng chủ yếu là các làn điệu hò khoan, hò mái nhì, hò giã gạo, hò ru con, hò đối đáp... Lời câu thai không bóng bẩy, cầu kỳ mà mang tính hồn nhiên, trong trẻo dễ nhớ, dễ ăn sâu và đi vào lòng người.

Ví như cách hò, ngâm thơ, kể vè về con Nghèo: Nắng mưa là việc của trời / Lúa ngô xanh tốt do người bón chăm / Thoát Nghèo nhờ tính siêng năng / Cần cù lao động tháng năm dạn dày / Cùng nhau góp sức chung tay / Đắp xây quê mẹ ngày ngày tiến lên.

Qua kiểm kê bước đầu, một số địa phương thường xuyên tổ chức chơi bài chòi vào dịp Tết như: Làng Tùng Luật, làng Cổ Mỹ (xã Vĩnh Giang), làng Đơn Duệ (xã Vĩnh Hoà); khóm 5, khóm 6 (thị trấn Hồ Xá) của huyện Vĩnh Linh; làng Hà Thượng (thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh); làng Ngô Xá Tây (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong). Ở các địa phương này, bài chòi được duy trì và tổ chức tương đối liên tục, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp Tết và lễ hội ở địa phương.

Những năm gần đây, nhất là từ khi di sản Nghệ thuật Bài chòi đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì bài chòi càng được các tỉnh Trung Bộ quan tâm bảo tồn, tổ chức nhiều hơn. Xác định tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể về bộ môn Nghệ thuật Bài chòi, ngày 17/8/2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 1899 về việc ban hành Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018 - 2023. Các kế hoạch, nội dung trong đề án đã góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản bài chòi ở Quảng Trị. Đồng thời, quan tâm, tạo mọi điều kiện để chủ thể nắm giữ di sản được thực hành, truyền dạy, bảo vệ di sản văn hóa và đưa nghệ thuật bài chòi đến gần hơn với công chúng. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh hàng năm đã tổ chức các lớp truyền dạy bộ môn Nghệ thuật Bài chòi cho các huyện, thị và thành phố, thu hút hàng trăm học viên tham gia. Đặc biệt hàng năm tổ chức biểu diễn nghệ thuật bài chòi vào dịp tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông tối 29 và 30/4; vào ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, vào dịp chào năm mới thu hút đông đảo du khách đến tham gia. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực không chỉ để bảo tồn mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa bài chòi của tỉnh với du khách muôn phương khi đến Quảng Trị.

Lễ vinh danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam tại Quảng Trị - Ảnh: Ngọc Bình

Lễ vinh danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam tại Quảng Trị - Ảnh: Ngọc Bình

Cùng với quá trình đô thị hóa và sự biến đổi của đời sống hiện đại, bài chòi đang ngày càng bị mai một, nhiều địa phương trước đây có nhưng hiện nay không duy trì được. Những nghệ nhân hát bài chòi cổ, được coi là “di sản sống”, “báu vật sống” ngày càng “hiếm” do tuổi cao, sức yếu, trong khi thế hệ trẻ lại bị lôi cuốn vào các trò chơi công nghệ điện tử. Số người làm anh/chị Hiệu có khả năng giỏi ứng biến, linh hoạt ngày càng ít. Bên cạnh đó, không gian văn hóa của các làng xã - nơi tổ chức hội bài chòi đang biến đổi, thu hẹp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc khôi phục, phát triển nghệ thuật bài chòi ở Quảng Trị. Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, nhất là chính sách hỗ trợ động viên các nghệ nhân cũng chưa được đặt ra. Việc tổ chức ở các địa phương chỉ mang tính tự phát chưa có sự chỉ đạo, quản lý, khôi phục và phát triển hình thức sinh hoạt này.

Để di sản bài chòi ở Quảng Trị - một bộ phận hợp thành của di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại  được bảo tồn và phát huy giá trị trong cuộc sống, cần được thực hiện đồng bộ các giải pháp là:

Thứ nhất, về truyền dạy, tuyên truyền và nâng cao nhận thức

Điều cốt lõi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bài chòi Quảng Trị là xây dựng cho được ý thức bảo vệ của cộng đồng trước loại hình di sản với nhiều hình thức và biện pháp khác nhau. Đây là công việc cần được tiến hành ngay, bởi lẽ đây chính là chiếc cầu nối để đưa di sản trở về với cộng đồng, với chủ thể sáng tạo trong quá trình giữ gìn di sản. Và để thực hiện được điều này thì chức năng truyền thông của các loại báo nói, báo hình, báo viết sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây là lực lượng tuyên truyền, quảng bá nhanh nhạy, hiệu quả, dễ đi sâu vào các tầng lớp nhân dân do diện phủ sóng và thu hút lượng người xem đông đảo. Phải xây dựng những sản phẩm báo nói, báo hình, báo viết về di sản bài chòi thật sự đặc sắc nhưng mang tính bình dân, giản dị, dễ tiếp cận để người dân thật sự hiểu được giá trị văn hóa đặc sắc của di sản bài chòi Quảng Trị, từ đó người dân có ý thức bảo tồn một cách bền vững.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngành Văn hóa cần tiếp tục tăng cường chương trình giáo dục cộng đồng về di sản văn hóa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ trong và ngoài nhà trường. Cần phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để xây dựng kế hoạch, chương trình về di sản văn hóa phi vật thể nói chung và bài chòi nói riêng để giảng dạy trong các trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở. Xây dựng giáo trình để giảng dạy ngoại khóa, tổ chức trình diễn bài chòi tại các trường học theo cuộc vận động xây dựng “nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”, giúp cho học sinh dễ dàng nhận biết cái hay, cái đẹp, cái bản sắc của nghệ thuật bài chòi Quảng Trị để tiếp nhận nó một cách chủ động, tích cực. Công việc này cần kiên trì tiến hành trong thời gian dài, với đội ngũ cán bộ giàu tâm huyết, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao.

Để hội bài chòi mang tính chất bền vững và phù hợp với bối cảnh hiện nay thì phải có kế hoạch tổ chức thường xuyên liên hoan, hội thi, trình diễn bài chòi, tạo sân chơi cho các nghệ nhân hoạt động... Điều này cần có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước cho các địa phương, hoặc cho nghệ nhân tổ chức hội bài chòi, nhất là trong các dịp lễ, Tết ở từng thôn, xã.

Cùng với việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức hội bài chòi, việc quan trọng là phải đào tạo, phát triển cho được nguồn nhân lực để tổ chức các hội bài chòi truyền thống. Hàng năm, ngành Văn hóa cần duy trì tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy, cách thức tổ chức trình diễn hội bài chòi truyền thống cho cán bộ văn hóa cơ sở, những người có năng khiếu, đội ngũ báo cáo viên là các nghệ nhân và các giảng viên chuyên nghiệp về nghệ thuật âm nhạc.

Thứ hai, về cơ chế, chính sách

Hội bài chòi có thu hút được đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia hay không phụ thuộc rất nhiều vào tài năng diễn xuất, vận dụng các câu thơ, ca dao, bài vè và khả năng sáng tác của người hô Hiệu mà ta thường mệnh danh là nghệ nhân hay những “báu vật sống”. Chính vì lẽ đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể bài chòi Quảng Trị cũng có nghĩa là “bảo vệ” các nghệ nhân bài chòi hay những “báu vật sống” đó.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nghệ nhân biết hô bài chòi cổ và các anh/chị Hiệu hiện nay đa phần đã lớn tuổi và không còn nhiều. Vì thế, việc bảo vệ và tôn vinh những nghệ nhân bài chòi theo quy định của Nhà nước trở thành nhiệm vụ cấp bách. Ngành Văn hóa cần có văn bản đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cụ thể các chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Và trên cơ sở đó tham mưu cho UBND tỉnh việc xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đưa vào hiện thực cuộc sống. Đặc biệt là tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo tồn, trình diễn, phát huy giá trị di sản cho các câu lạc bộ bài chòi, các địa phương duy trì tổ chức hội bài chòi thường xuyên vào các dịp lễ, Tết.

Thứ ba, về xây dựng nguồn lực

Nghệ thuật bài chòi là loại hình di sản cộng đồng và cộng đồng chính là chủ thể bảo tồn di sản, do vậy, cần kiện toàn đội ngũ nghệ nhân. Họ chính là những người lưu giữ, thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể quý giá này. Hiện nay, trong Nhân dân vẫn còn nhiều người am hiểu bài chòi và có khả năng thực hành thuần thục di sản văn hóa này. Các câu hô thai vẫn còn lưu truyền trong kho tàng văn học dân gian và cả lưu giữ thành văn, phải chú trọng việc hình thành được một lớp nghệ nhân trẻ về bài chòi.

Mặt khác, thường xuyên đào tạo cho cán bộ quản lý văn hóa tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm trong việc quản lý, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể với định hướng lâu dài mang tính bền vững. Tạo điều kiện để cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở được học tập, nâng cao kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ cũng như trong công tác quản lý.

Thứ tư, về kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa

Ngành Văn hóa cần phối hợp với Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có loại hình di sản bài chòi đã và đang tồn tại để xây dựng kế hoạch nghiên cứu, điều tra, sưu tầm. Tiến hành sưu tầm và tổng kiểm kê khoa học, bao gồm cả việc tổng kiểm kê nghệ nhân, nhằm làm cho mỗi địa phương, mỗi nhà quản lý nắm được chính xác di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương mình. Trên cơ sở đó tiến hành đánh giá, phân loại, xếp đặt thứ tự ưu tiên trước - sau để nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến các câu hô thai lời cổ, lời mới, cách làm thẻ bài và dựng chòi…

Việc tiến hành điều tra, sưu tầm được thực hiện cùng với việc tư liệu hóa thông qua việc chụp ảnh, ghi chép, ghi âm, ghi hình… sẽ giúp chúng ta phục hồi, bảo tồn hội bài chòi truyền thống Quảng Trị. Tuy nhiên, để thực hiện tốt đòi hỏi ở các kỹ thuật viên, biên tập viên ghi âm, ghi hình, phải nắm vững và hiểu biết về nghệ thuật dân gian bài chòi nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng về nội dung để quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước trên các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, cần mời các nhà nghiên cứu, am hiểu về bài chòi để tập huấn cho cán bộ tham gia nắm được yếu tố cốt lõi của công việc, có như vậy, việc điều tra, sưu tầm mới đầy đủ và chính xác.

Thứ năm, kiểm tra, đánh giá, thi đua khen thưởng

Các cấp chính quyền cần phát huy vai trò, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư, công dân đối với việc tổ chức, quản lý hoạt động nghệ thuật bài chòi. Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về đời sống văn hóa cơ sở, hoạt động của các câu lạc bộ, trong đó có lồng ghép nội dung kiểm tra thực trạng hoạt động trình diễn, biểu diễn của nghệ thuật bài chòi. Trên cơ sở đó, cán bộ văn hóa cơ sở có thể nắm bắt được tình hình hoạt động thực tế ở địa phương mình và đề xuất khen thưởng những người có công trong việc gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật độc đáo này.

Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có đóng góp hiệu quả, tích cực trong công tác quản lý văn hóa, truyền dạy, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi. Nhân rộng các mô hình, cách làm hay, phong trào của các câu lạc bộ, tạo sức lan tỏa cho các địa phương khác trong tỉnh.

Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi là sản phẩm tinh thần độc đáo, là tài sản quý báu của không chỉ Nhân dân các tỉnh Trung Bộ mà còn của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vừa thể hiện sự trân trọng của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật đặc sắc này, vừa khẳng định bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là các tỉnh, thành Trung Bộ, trong đó có tỉnh Quảng Trị - một vùng đất có vị thế quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, nơi sản sinh, lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, trong đó có Nghệ thuật Bài chòi. Chính vì vậy, để việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể này tiếp tục phát triển, lan tỏa, xứng đáng với vị trí, vai trò trong đời sống văn hóa tinh thần của người Quảng Trị, người miền Trung, Nhân dân Việt Nam và nhân loại là trách nhiệm cao cả của người dân Trung Bộ nói chung và Nhân dân Quảng Trị nói riêng.

NGÔ THỊ SÂM DUNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 342

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground