Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người chép sử nơi cuối nguồn Bến Hải

Hơn nửa thế kỷ miệt mài chép lại lịch sử của đảo Cồn Cỏ và quê hương Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) anh hùng, ông Nguyễn Thi Sỹ rất trân quý công việc của mình. Thói quen chép sử này đã gắn bó với ông gần 60 năm qua, đến nay từng trang viết vẫn được ông nâng niu và lưu giữ như những kỷ vật của bản thân.

Lưu giữ chiến công hào hùng qua trang sách

Nhắc đến đảo Cồn Cỏ, ông Sỹ hướng ánh mắt xa xăm về phía biển, chỉ cho tôi chấm xanh giữa trùng khơi rồi bộc bạch: “Để có màu xanh của hôm nay, biết bao người con của quê hương đã anh dũng ngã xuống, hòa mình vào lòng biển cả. 60 năm trôi qua, lịch sử đã sang trang mới nhưng với tôi, Cồn Cỏ vẫn hát mãi khúc ca bi hùng về một thuở “máu và hoa”. Qua những trang tư liệu nhuốm màu thời gian do ông chép lại, chúng tôi như được sống lại một thời hoa lửa trong cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta để bảo vệ hòn đảo nhỏ thân yêu này.

Những câu chuyện về về lịch sử của quê hương luôn đượcông Sỹ truyền lại cho thế hệ sau - Ảnh: L.N

Những câu chuyện về về lịch sử của quê hương luôn đượcông Sỹ truyền lại cho thế hệ sau - Ảnh: L.N

Trong câu chuyện “Tình cảm của quân và dân Vĩnh Linh và cả nước đối với Cồn Cỏ”, ông Sỹ viết: “Từ giữa năm 1965, tình hình trên đảo hết sức nguy ngập. Gạo ăn dè sẻn cũng chỉ đủ một tuần, đạn phải đếm từng viên. Có ngày cả đảo chỉ còn dăm bi đông nước. Điện từ đảo đánh vào đất liền ngày một dồn dập. Trước tình thế đó, Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh hạ quyết tâm “Bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ đảo” và phát đi lời kêu gọi “Còn đất liền là còn đảo”.

Đáp ứng lời kêu gọi ấy, hàng trăm lá đơn của ngư dân các xã vùng biển, lá đơn nào cũng thể hiện quyết tâm được lên đường chiến đấu bảo vệ đảo. Những chuyến tiếp tế cho đảo cam go ác liệt, với tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc nên không một ai quản ngại hy sinh. Nhiều người mất tích, hy sinh nhưng có những chuyến hàng trót lọt, đảo được tiếp tế kịp thời”.

Bài viết “Dũng khí của một người cha”, ông Sỹ đã chép lại câu chuyện cảm động của ông Lê Mỵ trong hành trình tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Đó là đêm 29/5/1965, đoàn thuyền 12 chiếc tiếp tế cho đảo hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền. Khi còn cách đảo chừng 15 km thì bất ngờ bị 6 tàu địch ập đến tấn công. Sau 3 giờ đánh nhau với địch, bỗng giông tố ập đến, sóng quật dữ dội, đoàn thuyền của ta bị sóng gió lớn đẩy đi trong đêm. Các chiến sĩ cố gắng giữ cho thuyền khỏi chìm nhưng không xác định được phương hướng giữa màn đêm đen kịt, nhiều người mất tích giữa trùng khơi. Nén nỗi đau khi hay tin con trai cả Lê Liệu mất tích, ngày hôm sau ông Lê Mỵ gặp đảng ủy xin gửi đứa con thứ hai là anh Lê Lẹt lên đường phục vụ đảo. Ông nói: “Nếu cháu có sao tôi xin thay thế nó để chiến đấu bảo vệ đảo cho đến cùng!”.

Rất nhiều câu chuyện xúc động của quân và dân Vĩnh Linh bảo vệ đảo trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đã được ông Sỹ sưu tầm, chép lại và in thành sách. Như câu chuyện “Người mở đường máu ra đảo Cồn Cỏ” ghi lại tấm gương anh hùng, sáng kiến của anh Lê Thanh Dư đã hiến kế, đánh lừa địch giúp đoàn thuyền của ta vượt qua sự vây ráp của kẻ thù, chở hàng đến đảo an toàn. Đó là ông Nguyễn Quang Sóa 6 năm phục vụ đảo, 42 lần vượt biển. Nhiều lần thuyền ông Sóa bị địch tấn công những vẫn dũng cảm chiến đấu, cứu thương binh, dìu đồng đội, đưa hàng vào đảo an toàn.

Các cụ Hồ Ngọc Bớt, Phạm Chung, Hồ Mò,...mặc dù đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn tình nguyện phục vụ đảo, được chi đoàn Cồn Cỏ kết nạp “Đoàn viên danh dự”. Chị Khiêm, chị Lý tuổi mới mười tám, đôi mươi nhưng đã anh dũng, mưu trí vượt mưa bom bão đạn để đưa hàng ra tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Hay anh Lê Văn Ban lên đường tiếp tế cho đảo trong hoàn cảnh đặc biệt, vợ vừa mất, lại thường xuyên ốm đau nhưng đã 60 lần vượt biển, trong đó có nhiều chuyến chiến đấu với tàu chiến, thuyền bị trúng đạn, anh vừa phải nhét chỗ thủng, vừa tìm đường đưa hàng tới đảo.

Nửa thế kỷ miệt mài chép sử

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thị trấn Cửa Tùng giàu truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ, từng trang sử của dân tộc và những chiến công hào hùng của các thế hệ cha ông như ngấm vào máu của cậu thanh niên Nguyễn Thi Sỹ qua lời ru của mẹ, lời kể của bà. Tròn 18 tuổi, khi được trực tiếp chiến đấu và chứng kiến sự hy sinh anh dũng của quân dân Vĩnh Linh, đặc biệt là các xã ven biển để giữ đảo Cồn Cỏ, ý tưởng chép sử bắt đầu hình thành.

Ông Sỹ nhớ lại: “Trong kháng chiến chống Mỹ, Cồn Cỏ là địa bàn ác liệt, kẻ địch đã đưa tàu chiến bao vây bốn mặt, cắt ngang, chẻ dọc mặt biển. Ý đồ của chúng là phải chiếm được đảo Cồn Cỏ hòng hủy diệt và tấn công Vĩnh Linh. Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh, các chiến sĩ trên đảo đã lập nhiều chiến công xuất sắc, dũng cảm mưu trí đánh thắng địch ngay từ loạt đạn đầu tiên. Lớp lớp già trẻ, gái trai con em Vĩnh Linh đã tình nguyện lên đường bảo vệ đảo. Các chiến sĩ cảm tử đều được “truy điệu sống” trước khi ra đảo. Những lần chia tay ấy, người đi, kẻ ở diễn ra trong khung cảnh vô cùng xúc động. Được cấp trên giao nhiệm vụ làm dân quân trực chiến, hằng ngày chứng kiến sự chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân quyết tâm giữ đảo Cồn Cỏ, tôi bắt đầu viết nhật ký và ghi chép tất cả các sự kiện với các mốc thời gian diễn ra cụ thể. Từng cuốn sổ ghi chép cứ thế dày lên theo thời gian, tôi cất giữ nó như báu vật với mong muốn làm tư liệu để thế hệ sau biết đến, trân quý những chiến công của cha anh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm lược của kẻ thù”.

Nhiều tư liệu lịch sử quý được ông Nguyễn Thi Sỹ chép lại thành sách - Ảnh: L.N

Nhiều tư liệu lịch sử quý được ông Nguyễn Thi Sỹ chép lại thành sách - Ảnh: L.N

Niềm đam mê chép sử càng được hun đúc sau khi ông Sỹ tốt nghiệp Học viện Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội vào năm 27 tuổi. Trở về địa phương, ông tiếp tục học đại học kinh tế nông nghiệp và cống hiến sức lực để xây dựng và tái thiết quê hương. Trở thành Chủ nhiệm HTX Hòa Lý, ông đã dám “vượt rào” cho san ủi đất đai, chia thêm đất thổ cư cho xã viên; thực hiện khoán theo đơn vị thuyền nghề cho các đội sản xuất. Nhờ vậy, đời sống xã viên HTX được cải thiện. HTX Hòa Lý 5 năm liền là đơn vị tiên tiến của tỉnh Bình Trị Thiên, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trên các cương vị khác như Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Quang, Phó Giám đốc Công ty Thủy sản Bến Hải, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh, ông Sỹ luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dù ở vị trí công tác nào, ông cũng dành một quỹ thời gian nhất định để chép sử. Ngoài niềm đam mê đó, ông còn sưu tầm các tài liệu, sách báo viết về lịch sử chiến tranh, các danh nhân, anh hùng dân tộc cũng như tìm hiểu về lịch sử các địa phương trong tỉnh. Đến thời điểm này, ông đã có hơn 3.000 cuốn sách cùng hàng ngàn tấm ảnh, tư liệu về Tổng Bí thư Lê Duẩn, Bác Hồ...

Ông đã xuất bản cuốn “Đất và người Cửa Tùng”; viết hàng chục cuốn lịch sử đảng bộ của các xã. Ngoài ra, ông Sỹ còn tham gia biên tập cuốn “Lịch sử huyện đảo Cồn Cỏ 1959 - 2019”, đạt được một số giải thưởng về báo chí. Tài sản lớn nhất trong ngôi nhà nhỏ của ông Sỹ bây giờ chính là sách. Hưởng ứng cuộc thi “Quảng Trị trong tôi” do UBND tỉnh phát động, ông đã gửi một số bài dự thi, trong đó có bài “Cồn Cỏ ngày mới”được đông đảo bạn đọc chia sẻ.

Đến nay, mặc dù đã gần tuổi 80 nhưng hằng ngày ông Sỹ vẫn miệt mài ghi chép những câu chuyện về sự đổi mới trên quê hương, gương người tốt, việc tốt... Với ông Sỹ, chép sử đã trở thành công việc hằng ngày, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Những lúc rảnh rỗi, sum vầy bên con cháu, ông Sỹ thường đem những câu chuyện lịch sử của đảo Cồn Cỏ của quê hương, đất nước kể lại.

“Hiện nay, các cháu rất dễ dàng tiếp cận thông tin qua nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, với tư cách là một nhân chứng sống, tôi mong muốn qua sự truyền đạt của mình, các cháu sẽ hiểu rõ hơn về lịch sử quê hương, đất nước, nhất là lịch sử về đảo Cồn Cỏ. Biết được truyền thống anh hùng của cha ông, tôi tin rằng các cháu sẽ ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân mình đối với quê hương, đất nước”, ông Sỹ cho hay.

Đảo Cồn Cỏ-Ảnh: KHÁNH TOÀN

Đảo Cồn Cỏ-Ảnh: KHÁNH TOÀN

Niềm đam mê sưu tầm, nghiên cứu lịch sử của ông Sỹ đã góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử hào hùng địa phương. Ông tâm sự, quãng đời còn lại của mình, chỉ cần đủ sức thì ông vẫn tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu tài liệu để chép sử, hoàn thiện tiếp những công trình, cuốn sách đang còn dang dở.

Lệ Như
http://www.baoquangtri.vn/Xa-hoi/modid/420/ItemID/164676/title/Nguoi-chep-su-noi-cuoi-nguon-Ben-Hai

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

1 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground