Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị

Năm 1558, vua Lê Anh Tông ký quyết định bổ nhiệm Đoan quận công Nguyễn Hoàng (1525 - 1613) làm Tổng trấn Thuận Hóa theo lời tâu đề xuất của Thái sư Trịnh Kiểm (1503 - 1570), như Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên (vt. Tục biên) 16 tờ 16b3-6 đã viết: “Năm Mậu Ngọ Chính Trị thứ nhất (1558)…

Chú Tiên Nguyễn Hoàng (1525 - 1613)

Chú Tiên Nguyễn Hoàng (1525 - 1613)

tháng 10 Thái sư Trịnh Kiểm vào chầu dâng biểu tâu xin cho con thứ của Chiêu Huân Tĩnh công là Đoan quận công Nguyễn Hoàng sai đem quân vào trấn thủ xứ Thuận Hóa để phòng giặc phía Đông, cùng với Trấn quận công của Quảng Nam (khuyết tên) cứu viện cho nhau. Phàm mọi việc lớn nhỏ của địa phương và các ngạch thuế đều giao cả cho, hằng năm đến kỳ thu nộp”.

Căn cứ vào thông tin vừa dẫn, thì Nguyễn Hoàng đã được vua Lê chính thức bổ nhiệm làm Tổng trấn Thuận Hóa theo đề nghị của người anh rể Thái sư Trịnh Kiểm. Xét về mặt thủ tục hành chính, đây là một sự bổ nhiệm bình thường do yêu cầu thực tế của đất nước. Đặc biệt, khi xét về tuổi tác và công trạng, Nguyễn Hoàng xứng đáng để bổ nhiệm những chức vụ cao hơn mà đây là một trường hợp. Thực tế lúc bổ nhiệm, Nguyễn Hoàng đã ba mươi bốn tuổi, độ tuổi ngày xưa gọi là tam thập nhi lập, tương đối đủ kiến thức và bản lĩnh để tự đứng lên làm việc. Còn về công trạng, thì cũng chính Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên 16 tờ 7a7-b6 sau khi ghi sự kiện bố của Đoan quận công Nguyễn Hoàng là Nguyễn Kim bị một hàng tướng nhà Mạc là Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất đầu độc vào tháng 5 năm Ất Tỵ Nguyên Hòa thứ 13 (1545) chép ngay đến việc “phong cho con trưởng của Kim là Uông làm Lãng quận công và con thứ là Hoàng làm Hạ Khê hầu sai lĩnh quân đi đánh giặc”.

Gần một thế kỷ sau, khi viết Đại Việt thông sử vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), Lê Quý Đôn cũng hoàn toàn thống nhất với những ghi chép của Tục biên vừa dẫn, nhưng cho ta nhiều chi tiết hơn. Đại Việt thông sử phần Nghịch thần truyện của Liệt truyện tờ 71a5- 72a3 đã viết: “Năm Mậu Ngọ Chính Trị thứ nhất (1558)(…). Tháng 10 Thái sư chầu vua ở Hành tại, bàn kế lớn đánh giặc, dâng biểu nói rằng: ‘Thuận Hóa là một kho tinh binh của thiên hạ. Xưa quốc triều bắt đầu sáng nghiệp, từng dùng dân đó để bình giặc Ngô. Xứ ấy địa hình hiểm trở, dân khí cương cường, lại có rất nhiều nguồn lợi sản vật hàng hóa của núi rừng và cá muối của biển cả. Về phương diện trọng yếu, không có chỗ nào có thế hơn đó. Gần đây, quan quân phải kinh lược mấy chục năm sau mới lấy được. Vậy nên hết sức lưu ý, giữ gìn để củng cố thành bức bình phong vững chắc. Còn về đường sá từ Nghệ An đi vào, cả thủy lẫn bộ đều xa cách, có thế khỏi phải để ý lo nghĩ. Còn từ Hải Dương, Quảng Yên phóng thuyền theo gió Nam ra ngoài biển thì vài ngày có thể đến nên sợ quân giặc dòm ngó để xâm lược. Nay con thứ của Chiêu Huân Tĩnh công là Nguyễn Hoàng, tính người trầm tĩnh, cương nghị lại có mưu lược, cầm quân có độ lượng, khoan hòa giản dị. Vậy xin sai ông làm trấn thủ để trị an vỗ về vùng biên giới, phòng chống giặc phía Đông, cùng Trấn quận công của Quảng Nam có thể cứu viện cho nhau. Phàm các việc địa phương không kể lớn nhỏ đều cho phép tùy nghi xử trí. Chỉ cần giao việc trưng thu tô thuế đúng kỳ đem nạp giúp dùng việc nước. Như thế thì một xứ Ô châu có thể khỏi phải để ý lo tới. Hạ thần nhờ vậy được chuyên tâm lo việc Đông chinh kinh lý Sơn Tây, Sơn Nam để nhằm thu phục kinh đô cũ, tiểu trừ bọn thoán nghịch. Công nghiệp trung hưng tất có thể sớm thành công’. Vua Anh Tông bèn làm theo đề xuất đó. Từ ấy, Phúc Nguyên không dám dòm ngó tới hai xứ Thuận Quảng”.

 Như thế, nếu chỉ đọc những sử liệu do phía chính quyền họ Trịnh viết ra, mà đây là bộ Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên và Đại việt thông sử, thì sự kiện bổ nhiệm Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm Thuận Hóa trông có vẻ hết sức bình thường đúng quy trình hành chính xưa cũng như nay.

Tuy nhiên, nếu đọc phía sử liệu của chính quyền họ Nguyễn viết sau này về cùng sự kiện ấy, ta có một bức tranh hoàn toàn khác hẳn với nhiều tình tiết có vẻ không bình thường. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chính biên (vt. Cương mục) 28 tờ 10b3-12a7 đã chép: “Năm Mậu Ngọ Chính Trị thứ nhất (1558) (…), mùa Đông tháng 10 sai Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta đến trấn nhậm Thuận Hóa. Từ khi Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta công nghiệp lớn chưa xong mà đã băng hà, thì đại quyền của quốc gia nằm trong sự chuyên chế của Trịnh Kiểm. Lãng quận công Uông làm Tả tướng quốc. Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta dẫn binh đi chinh phạt, lập nhiều chiến công, được tấn phong Đoan quận công. Kiểm đều ghét sợ. Tả tướng Uông bỗng chốc bị hại. Còn Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta rất tự kín đáo. Lúc bấy giờ đang cùng người Mạc đánh nhau liên miên. Thuận Hóa tuy là cương giới cũ nhưng bọn Mạc phần lớn ra vào. Lúc đó, vẫn chưa rảnh mà đi kinh lý. Bèn nhân Trưởng công chúa Ngọc Bảo xin cho Hoàng trấn giữ đất ấy. Trịnh Kiểm cũng thừa vùng đất xa xôi nguy hiểm đó bèn hứa cho, liền viết biểu nói rằng: ‘Thuận Hóa là vùng đất thế đẹp. Quân và của từ đó mà ra. Lúc đầu mở nước nhờ nó mà thành được nghiệp lớn. Chỉ vì lâu bị giặc chiếm, nên lòng người vẫn còn mang dạ phản trắc, nhiều lần vượt biển theo Mạc. Hoặc nhân thế dẫn giặc đến sau lưng ta, rất đáng lo. Nếu chẳng được tướng giỏi trấn nhậm vỗ về thì không thể được. Đoan quận công là con nhà tướng có tài thao lược, khiến đến trấn nhậm đất ấy, cùng với Trấn quận công Bùi Tá Hán của Quảng Nam làm thế ỷ dốc cho nhau để ta khỏi có mối lo đến phía Nam’. Vua nghe theo, trao cho cờ tiết để trấn nhậm cho phép xử trí mọi việc trong vùng đó, hằng năm thu nạp thuế là được. Từ đó, bộ khúc từ quê Tống Sơn và những nghĩa dũng của vùng Thanh Nghệ phần đông vui vẻ kéo nhau đi theo. Trước đóng doanh ở Ái Tử, vỗ về quân dân, thu dụng hào kiệt, nhẹ thuế ít việc, lòng người vui theo. Bấy giờ gọi là Chúa Tiên”.

Đọc qua đoạn văn vừa trích, ta thấy xuất hiện nhiều tình tiết mới ví dụ việc người con trưởng của Chiêu Huân Tĩnh công Nguyễn Kim là Tả tướng quốc Nguyễn Uông bị ám hại. Với một vị có chức vụ Tả tướng quốc đứng đầu triều đình thì ai có thể ám hại được. Cần nhớ rằng Chiêu Huân Tĩnh công bị đầu độc mất vào tháng 5. Tục biên 16 tờ 7b7-8, thì đến tháng 8 Dực quận công Trịnh Kiểm mới được phong là Lượng quốc công Thái sư, Đô tướng tiết chế các dinh quân thủy bộ các xứ, kiêm Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự.

Phải chăng trong ba tháng này cuộc đấu tranh quyền lực giữa hai dòng họ Trịnh-Nguyễn đã diễn ra một cách gay gắt khốc liệt, dẫn đến cái chết của Tả tướng quốc Nguyễn Uông và Dực quận công Trịnh Kiểm lên chức Thái sư được phong là Lượng quốc công Trịnh Kiểm, Đô tướng tiết chế các dinh quân thủy bộ các xứ, kiêm Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự?

Vậy, từ năm 1554 đến năm 1558 là giai đoạn Đoan quận công Nguyễn Hoàng đã phải thu mình lại, thậm chí còn phải giả điên giả dại như Đại Nam thực lục tiền biên và Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi nhận. Việc giả vờ này chắc chắn không qua mắt được Trịnh Kiểm. Chính lời đề xuất của Trịnh Kiểm đối với vua Lê Anh Tông đã nói Nguyễn Hoàng là con nhà tướng “thâm trầm cương nghị có mưu lược, cầm quân khoan hòa và giản dị”. Nhận xét như thế chứng tỏ Trịnh Kiểm đã thấy được tài năng và đức độ của người em vợ Nguyễn Hoàng, nhưng chưa biết cách xử lý thế nào trước sự đe dọa của con người này đối với sự nghiệp chính trị quân sự của bản thân Trịnh Kiểm cũng như con cháu ông về sau. Có người nói, việc Trịnh Kiểm đề xuất cho Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm Thuận Quảng thực tế là cho không cả một đất nước(١). Nói cho không là hơi quá, phải nói là Trịnh Kiểm đã đánh giá sai Nguyễn Hoàng. Nhiều người đã nói tới việc cho Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm Thuận Hóa là một hành động nham hiểm, có ý đồ mượn tay người khác để giết Nguyễn Hoàng. Quan điểm này từ rất sớm đã được Bảng trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736) viết rõ trong Nam triều công nghiệp diễn chí: “An Tĩnh hầu mất rồi, được tặng phong là Chiêu Huân Tĩnh vương. An Tĩnh hầu có con là Nguyễn Hoàng, tính thông minh mẫn tiệp, trí tuệ hơn người, nhưng vì tuổi còn nhỏ, chưa thể cầm nắm việc quân. Rể của hầu là Trịnh Kiểm vốn có tài có sức, quân sĩ vui theo. Bấy giờ, Kiểm đang đóng quân ở nội trấn, vua Trang Tông bèn cho quyền nắm giữ quân đội, chuyên lo đánh dẹp. Đến khi Nguyễn Hoàng lớn lên, bèn cùng theo Kiểm đi chinh chiến nhiều năm, lập được nhiều công lớn. Vua Trang Tông nhiều lần phong quan cho ông đến chức Hữu tướng. Kiểm thấy vậy ngày càng nghi, nghĩ rằng Hữu tướng Nguyễn Hoàng ngày sau công danh không ở dưới Kiểm. Kiểm bèn tâu vua cho Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Mà Thuận Hóa quân tướng nhà Mạc lúc ấy đang thường đóng giữ ở đó. Mưu Kiểm sai Hoàng đi trấn nhậm ấy là muốn mượn tay họ Mạc kia để giết Hoàng. Tâm nguyện của Kiểm là như thế, nhưng lẽ trời không thuận”.

Trên thực tế, khi Đoan quốc công vào trấn nhậm Thuận Hóa đã xảy ra hai vụ biến loạn lớn nhằm thực hiện ý đồ nham hiểm vừa nói của Trịnh Kiểm. Đó là vụ Mỹ Lương-Nghĩa Sơn xảy ra vào năm 1571, người của Trịnh Kiểm và vụ Lập Bạo năm 1572, người của nhà Mạc. Nhận định này được chứng minh một cách dễ dàng với việc khởi loạn của đám Mỹ Lương-Nghĩa Sơn tay chân của Trịnh Kiểm và việc vây bắt của tướng Mạc là Lập Bạo. Nhưng, Đoan quốc công Nguyễn Hoàng đã thành công đánh dẹp được các cú đánh lén này một cách dễ dàng, gây dựng nên vùng đất Thuận Quảng thành cơ sở cho việc phát triển đất nước mà ta có hôm nay.

Điều đó chứng tỏ Nguyễn Hoàng là một thiên tài chính trị, biết nhu biết cương, biết đưa ra những sách lược đúng đắn cho từng giai đoạn, cho từng vấn đề. Sự tình này ta có thể thấy ngay khi Nguyễn Hoàng đặt chân lên một vùng đất, mà sau này hình thành nên tỉnh Quảng Trị. Tại sao lại không chọn một vùng đất khác như hai huyện Khang Lộc hoặc Lệ Thủy của phủ Tân Bình?

Lệ Thủy theo Ô Châu cận lục 4 tờ 57a9-b4 đã ghi nhận sự tồn tại của thành Ninh Viễn và được mô tả như sau: “thành ở xã Uẩn Áo huyện Lệ Thủy. Sông Bình chảy qua phía trước, sông Ngô ôm lấy phía sau. Hai sông chảy tới phía Tây Bắc thì lại hợp vào một. Ba mặt có sông vây quanh, còn một mặt là dãy núi. Ấy là bởi ông trời thiết hiểm vậy. Đó là phên dậu của thành Hóa. Cửa phía Nam có khắc đá đề tên thành Ninh Viễn. Vệ Trấn Bình đóng quân ở đó”.

Còn ở Thuận Hóa thì cũng có hai thành do Ô châu cận lục ghi lại. Đó là thành Thuận và thành Hóa làm lỵ sở đóng quân và cơ quan quản lý của châu Thuận và châu Hóa để làm nên xứ Thuận Hóa. Ô Châu cận lục 4 tờ 57b5-7 và 58b1-4 đã viết về thành Thuận như thế này: “Thành ở địa phận huyện Hải Lăng, phía Tây có dãy sông dài, có cầu Giáp cao sừng sững, chợ Dần sát kế bên. Huyện lỵ đóng ở bên ngoài thành, trong thành có kho thóc lúa đầy đủ (…). Chợ Thuận ở giữa hai huyện Hải Lăng và Vũ Xương, có sông lớn chảy vào từ phía Tây Nam. Có một nhánh sông con. Trên sông có nhịp cầu dài. Phía Nam cầu phố xá từng dãy, nào huyện nào thành, Đông Tây đối diện nhau, đường thủy đường bộ muôn ngã thông thương. Là nơi tấp nập của châu Thuận”.

Về châu Hóa, Ô Châu cận lục 4 tờ 57a2-8 viết thế này: “thành Hóa ở địa phận huyện Đan Điền. Có sông lớn Đan Điền chảy qua phía Tây. Sông có một nhánh sông nhỏ chảy vào trong thành. Bên phải sông là nơi đóng nha môn Học đô thừa của phủ Triệu Phong. Sông lớn Kim Trà chảy phía Nam nó. Bắc có phá, Đông có đầm khoảng muôn ngàn khoảnh, bốn mặt đều là sông nước bao quanh. Thành cao trăm trĩ sừng sững như đám mây dài, vì thế đất tụ tập do thợ trời bày ra chỗ hiểm. Trần Dụ Tông năm Đại Trị thứ 5 (1362), Đỗ Tử Bình khi được bổ cầm quân Lâm Bình và Thuận Hóa đã xây xong ngôi thành này”.

Thế đã rõ khi bước chân đến vùng Thuận Hóa, Đoan quận công Nguyễn Hoàng có thể chọn một trong ba thành này để vào đóng quân và tổ chức lại bộ máy quản lý vùng đất mình được giao. Song Nguyễn Hoàng đã không làm. Vì sao? Đối với vùng Tân Bình gồm hai huyện Khang Lộc và Lệ Thủy cùng hai châu Bố Chính và Minh Linh, Nguyễn Hoàng đã không chọn đóng ở thành Ninh Viễn vì một lý do hết sức rõ ràng. Đó là sự có mặt của một viên chức cao cấp nhà Mạc Dương Văn An đang ở đó ٥ năm trước khi Nguyễn Hoàng đi vào năm ١٥٥٨. Điều này có nghĩa tình hình chính trị vùng đất ấy quá phức tạp. Nói khác đi, đây là vùng đất chưa thuộc quyền quản lý hoàn toàn của chính quyền vua Lê.

Đối với hai thành Thuận châu và Hóa châu của xứ Thuận Hóa thì như thế nào?

Qua phân tích những ghi chép của Dương Văn An về các nhân vật của châu Thuận và châu Hóa phần lớn họ hướng về nhà Mạc. Trường hợp Hoàng Bôi ở châu Thuận, Trần Hoàng Củ, Tống Văn Hồng, Hoàng Nãi, Trường An Bá… ở châu Hóa cũng đều đứng về phía họ Mạc. Do sự có mặt của nhiều trí thức quan lại họ Mạc như thế, nên Nguyễn Hoàng đã không chọn thành Thuận và thành Hóa làm căn cứ cho hoạt động chính trị và quân sự của mình, dẫu tương truyền khi Đoan quốc công dẫn bộ khúc lính tráng theo mình đi vào Cửa Việt lên đổ vào xã Ái Tử, thì Tổng binh của châu Thuận là Luân quốc công Tống Phước Trị đã đem sổ sách bản đồ Thuận Hóa và nha thuộc đến đón chào và giao nộp đặt mình dưới sự điều động của Đoan quốc công. Hầu hết các viên chức của ba ty là Đô ty, Thừa ty và Hiến ty do nhà Lê đặt ra đều được lưu dụng.

Với cặp mắt của nhà quân sự thiên tài cùng với tấm lòng thương dân tha thiết Nguyễn Hoàng đã chọn một làng quê bình thường bên bờ sông Thạch Hãn để đóng doanh trại cho các hoạt động chính trị quân sự của mình. Đó là làng Ái Tử. Tại sao lại chọn Ái Tử mà không chọn một ngôi làng nào khác?

Đọc Ô Châu cận lục 3 tờ 37a9 khi bàn về phong tục các xã vùng Thuận Hóa, thì làng Ái Tử của huyện Vũ Xương được các tác giả Ô Châu cận lục viết một câu: “Yêu mẹ yêu con sao nỡ bán cho người dân lương thiện” (Ái mẫu Ái tử hà nhẫn mại ư lương dân). Viết thế có nghĩa gì? Phải chăng đây là tục người vùng quê ấy đến bây giờ vẫn còn câu: “Bán vợ đợ con”? Ý muốn nói ngôi làng này là vùng đất nghèo khổ thiếu trước hụt sau thế nên phải bán vợ, cho con ở giúp người khác để có phương tiện sống.

Nói khác đi, đây là một vùng đất rõ ràng có thể làm nơi đóng quân, vì địa hình thế hiểm để xây dựng cứ điểm thỏa mãn được yêu cầu chiến lược công thủ, tức vừa tấn công khi cần thiết, lại vừa cố thủ khi bị phản công. Hơn nữa, chính xuất phát từ ý nghĩa chiến lược đó, nên một số nhà phân tích đã coi việc Đoan quốc công Nguyễn Hoàng chọn Ái Tử như một giao lộ của hai hành lang Nam Bắc và Đông Tây. Hành lang Nam Bắc không chỉ mang ý nghĩa chính trị quân sự của hai lực lượng đang đối địch ở phía Bắc của Thuận Hóa, mà còn có ý nghĩa kinh tế nối liền các cảng biển của Thuận Hóa với các cảng biển phía Nam của nó. Các hoạt động của những cảng biển ấy tạo nguồn lực không chỉ cho sự sống còn của chính quyền họ Nguyễn từ Thuận Hóa trở vào, mà còn tạo điều kiện và cơ hội giúp cho chính quyền nầy tiến hành thành công cuộc Nam tiến hoành tráng của dân tộc với việc cắm cờ Đại Việt lên mảnh đất, mà sau này trở thành thành phố Sài Gòn anh hùng mà hoa lệ vào năm 1698 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Chính nhận thức mới này về vai trò hành lang Nam Bắc của các cảng biển từ vùng Thuận hóa trở vào Nam đã thúc đẩy Đoan quốc công Nguyễn Hoàng bắt tay vào việc quan hệ với các chính quyền nước ngoài thông qua thư tín để bàn bạc với họ cho việc thúc đẩy quan hệ mậu dịch buôn bán giữa hai quốc gia, cụ thể ở đây là Nhật Bản. Theo những phát hiện gần đây, thì chỉ trong 6 năm từ năm 1601 cho đến năm 1606, Nguyễn Hoàng đã viết cho Mạc phủ Tokugawa tám bức thư trong đó hai lần có gửi quà. Để đáp lại, Tokugawa  của chính quyền Mạc phủ đã trả lời 6 bức thư.

Ngày nay, chúng ta vô cùng ngạc nhiên trước những trao đổi thư từ qua lại giữa hai chính quyền này, đặc biệt là đối với tình hình thương mại của Việt Nam. Nói khác đi, chúng ta quá ngạc nhiên trước những hành động có tính hết sức mới mẻ và hiện đại. Đây rõ ràng là một thể hiện tác động của tư tưởng Phật giáo coi chuyện làm giàu bằng buôn bán là việc tự nhiên đáng làm. Không coi chuyện làm giàu là việc bất nhân, mà Khổng Tử và đám hủ Nho về sau đã rêu rao “Phi thương bất phú, vi phú bất nhân”. Và để thực hiện việc buôn bán tất nhiên phải có nguồn hàng. Để đáp ứng yêu cầu ấy hành lang Đông Tây giúp khai thác sản phẩm từ các nguồn mà vùng này sở hữu và của những nước lân cận điển hình là vương quốc Ai Lao, hình thành nên mạng lưới hàng hóa đa dạng và phong phú từ sản xuất của con người cho đến các nguồn hàng tự nhiên. Chính mạng lưới đó đã khai thác được sự phong phú giàu có về các sản phẩm nằm ở phía Tây của các cảng  biển để cung cấp cho các tàu hàng. Mặt khác, mạng lưới này do những hoạt động dịch vụ của chính nó đã biến vùng đất không màu mỡ trở thành vùng đất màu mỡ từ các hoạt động thương mại đem lại đã làm thay đổi bộ mặt cuộc sống người dân, vĩnh viễn xóa bỏ được tình cảnh “bán vợ đợ con”.

Vậy khi mới bước chân đến Quảng Trị, việc lựa chọn Ái Tử làm nơi đóng doanh trại, Nguyễn Hoàng đã thể hiện đường lối chiến lược chính trị và quân sự vì dân của mình, lấy dân làm trung tâm và xây thành trong lòng dân. Chính do chủ trương xây thành trong lòng dân, mà ngày nay ta gặp phải vô vàn khó khăn trong việc tái dựng lại những thành quách mà Đoan quốc công Nguyễn Hoàng đã xây dựng cho mình. Sự khó khăn này là do việc xây dựng dinh thự cho các cơ quan công quyền đã được thực hiện theo chủ trương vừa nói. Nói khác là những dinh thự ấy cũng không khác biệt lắm với nhà cửa của dân sống xung quanh. Ta hiện nay không có bất kỳ một mô tả nào về dinh thự như thế do Đoan quốc công Nguyễn Hoàng xây. Nhưng may mắn dinh thự do người cháu sáu đời của ông là Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) đã được chính thiền sư Thạch Liêm Đại Sán (1633 - 1704) mô tả lại trong Hải ngoại ký sự 1 tờ 10b với những dòng sau: “Trên đường đến gần vương phủ không thấy có thành quách. Chung quanh đều trồng tre làm bờ rào. Bên trong có dãy nhà lợp cỏ, mỗi gian đều có đặt súng đồng nặng từ vài trăm cân đến vài ngàn cân, đúc rất tinh xảo, khám chu sa gắn phỉ thúy sáng loáng rực rỡ. Hẳn có công lau chùi hằng ngày mới đẹp được như vậy. Nếu đem số đồng đó mà đúc các loại lư, bình và các loại đồ quí dùng trong nhà thì không biết giá trị đến bao nhiêu nữa. Sau trại súng, có hàng tre bao bọc, bên trong có tường thấp, rộng chừng một hai dặm. Quốc vương ở trong đó”.

Không những tả nơi ở của chúa Nguyễn Phúc Chu, Hải ngoại ký sự 3 tờ 55b cũng mô tả ngôi nhà của Quốc mẫu: “Cách vương cung hơn một dặm ấy là phủ Quốc mẫu. Chỉ cách một dòng sông lâu đài đối diện, cửa lầu mở rộng, hang hóc tự nhiên. Suối biếc vòng quanh, cây cao im mát, bóng râm cầu ván, dậu tre rào kính, gà chó khó lọt. Trong vườn, mít sai trái ngọt, dừa ngậm nước đầy, luống hoa giàn thuốc, tối sáng chen nhau, chim công lượn vòng bên dưới, hươu nai ăn ngủ ở bên trong. Ngay giữa là điện Phật được quét dọn bày biện sạch sẽ, tĩnh lặng thanh thoát nhẹ nhàng, có ý dựng thành cõi Đào Nguyên riêng biệt vậy”.

Qua hai mô tả về Vương phủ và phủ Quốc mẫu ta thấy chỗ ở và làm việc của các lãnh đạo họ Nguyễn ở Đàng Trong không có lầu đài, thành quách nguy nga, mà chỉ là những dãy nhà tranh bao bọc xung quanh bởi lũy tre giống như bao nhiêu nhà dân khác ở vùng Trị Thiên, mà đến thế kỷ XX ta vẫn còn thấy rất phổ biến. Những người lãnh đạo ở trong các vương phủ như thế ngoài chuyện điều hành đất nước vẫn có cách sống sinh hoạt như bao người dân bình thường khác. Cũng chính Hải ngoại ký sự 2 tờ 60b-61a ghi lại sự kiện chúa Nguyễn Phúc Chu đang tiếp chuyện với thiền sư Đại Sán Thạch Liêm trong vương phủ “chợt có một Nội giám từ ngoài chạy vào bẩm mấy câu tiếng địa phương. Quốc vương vội chạy ra ngoài rồi nghe bên ngoài vương phủ nổi lên ba hồi trống. Một lúc sau, Quốc vương mới trở lại, hơi thở còn chưa định tĩnh. Tôi thấy lạ. Mới hỏi thì Quốc vương cho biết: ‘vừa rồi trại quân bị cháy, ta vội vàng chạy để cứu, xin chịu thất lễ trong khi đang phụng tiếp Hòa thượng’. Tôi hỏi lại: ‘Quốc vương thân hành đến cứu à?’ Quốc vương đáp: ‘Vâng. Không kịp chờ xa giá ta vội đến. May nhờ có quan quân cùng nhau cứu chữa’. Tôi vội nói: ‘Ngài nói sao lạ vậy! đứa con quí sánh ngàn vàng, không được ngồi thèo leo bên thềm cửa. Huống chi là vị vua của một nước có ngàn cỗ xe, trên là trọng trách với tông miếu xã tắc, dưới thì quan hệ an nguy của trăm họ quần sinh, ngài lại giám xem nhẹ thân mình vào chốn nước sôi lửa bỏng! Dù vẫn biết đó là ân đức nhà vua thấm khắp lê dân, nhưng biết đâu được bọn điên cuồng thù oán rình rập theo dõi. Cũng có thể bọn chúng đốt trại để dụ Vương ra, thừa cơ vùng dậy xúc phạm thánh thể, chẳng phải nguy sao! Cho nên, nói bậc quân nhân đi ra bằng đường cảnh(3), đi vào bằng đường tất(4), không phải là không có nghĩa lý đâu’. Quốc vương nghe liền đổi sắc mặt, bèn nói: ‘nhưng biết làm sao được!’. Nước ta toàn là nhà tranh, mỗi lần có hỏa hoạn, cháy lan ra đến vài dặm. Nếu không cứu kịp, ta e nhà dân thành tro bụi hết’. Tôi đáp: ‘đã có cách Vương nên đặt ra một cơ quan lệnh tiễn. Khi trong nước có việc cần kíp, cần sự có mặt của Quốc vương, thì chỉ cần sai Nội giám và quan quân mang lệnh tiễn đến. Lệnh tiễn đến cũng như Vương đến vậy. Lệnh đã đến nếu quan quân có người không đến, ắt bị trị tội không tha. Như thế, cả hai đường đều không phương hại gì cả’. Quốc vương hài lòng, nói: ‘nếu lão Hòa thượng không yêu ta, thì ta đã không thể nào nghe được những lời ấy. Mấy ngày đàm luận, trong những gì nghe biết đã có bao nhiêu điều vì nước vì dân. Điều nào cũng được giãi bày cặn kẽ. Ta sẽ khắc ghi vào trọng trách của người chăn dân, sẽ mãi cùng thần dân gìn giữ’”.  

Đọc qua những ghi chép này của Đại Sán Thạch Liêm, ta thấy trong gần 150 năm kể từ lúc chúa Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm Thuận Hóa và đóng dinh ở Ái Tử cho đến khi chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp Đại Sán Thạch Liêm tại phủ chúa của mình vào năm 1695, chắc chắn dinh thự của 6 đời chúa họ Nguyễn, tức từ Nguyễn Hoàng (1558- 1613), Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648), Nguyễn Phúc Tần (1648- 1687), Nguyễn Phúc Thái (1687 - 1691), Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), tất cả các chúa vừa kể đã không xây thành quách xung quanh vương phủ của mình, như đã nói. Không những thế, khi xảy ra sự cố có tác động lớn đến người dân như hỏa hoạn, người lãnh đạo cao nhất cũng chạy đi chữa lửa cùng quân đội với dân chúng. Thế nên, họ đã cai trị vùng đất đó trên một thế kỷ rưỡi.

Trong khi đó, bố của chúa Nguyễn Phúc Chu là chúa Nguyễn Phúc Thái bắt đầu có ý tưởng xây dựng lên một kinh thành Phú Xuân, mà đến thời chắt là Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738- 1765) đã xây một trung tâm chính trị quân sự của Đàng Trong với nhà cửa thành quách được Lê Quý Đôn mô tả lại trong Phủ biên tạp lục 2 tờ 72b4-74a6 như sau: “Phú Xuân của huyện Hương Trà xưa là đất xã Thụy Lôi. Nguyễn Phúc Trăn (Thái) xưng Hoằng quốc công mới lập làm dinh trấn, đất rộng bằng phẳng rộng rãi như bàn tay độ hơn 10 dặm, Chính dinh ở trên đất cao, bốn bề xung quanh thấp hơn. Đó là chỗ đất lồi ở trong vùng đất bằng đó, nằm ở hướng Càn (Tây Bắc), ngó về hướng Tốn (Tây Nam), dựa ngang vào sóng đất rồng, trước có dãy núi quần tụ chầu về la liệt, thu hết nước ở bên phải cho nên đây là nơi người của giàu thịnh.

Từ năm Đinh Mão Chính Hòa thứ 8 (1688) đến nay, mà ở trên là các phủ thờ ở Kim Hoa và Quang Hoa, giữa là các cung phủ hành lang, dưới là nhà cửa ở Phủ Ao. Nguyễn Phúc Chu xưng vương đổi biển tên đề có hai điện Kim Hoa và Quang Hoa, có các nhà tựu lạc, Chính Quan, Trung Hòa và Di Nhiên, đài Sướng Xuân gác Giao Trì, gác Chương Dương, gác Quang Thiên, đình Thụy Vân, hiên Đồng Lạc, am Nội Viện, đình Giáng Hương, Công Đường, trường học và trường súng.

Về thượng lưu của bờ Nam có phủ dương Xuân và phủ Cam. Ở trên nữa có phủ tập Tượng (Voi), lại dựng điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, nhà cửa mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ, tường bao giải vũ (nhà cửa), cửa mở bốn phương, chạm khắc vẽ vời, khéo đẹp cùng cực, các nhà đều lát nền bằng đá, trên lót ván Kiền Kiền, máng xối để hứng nước đều làm bằng kẽm, trồng sen cây cối, cây vả cây mít đều to mấy ôm. Vườn sau thì có non bộ đá quí. Ở trong ao vương hồ quanh, cầu vòng thủy tạ, tường rào trong ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sứ đắp thành hình rồng phượng, lân hổ, cỏ hoa.

Ở thượng lưu và hạ lưu của Chính dinh đều là nhà ở quân đội ngang dọc la liệt như hình bàn cờ. Nhà của lính thủy nằm ngang đối diện. Xưởng thuyền và kho thóc nằm ở các xã Hà Khê, Thọ Khương ở trên thượng lưu. Còn nhà vườn của các công hầu quyền quí thì chia ra ở hai bờ phía thượng lưu sông Phú Xuân (sông Hương) cùng với hai bờ sông con bên bờ sông phủ Cam. Ở thượng lưu và hạ lưu phía trước Chính dinh là chợ phố liền nhau, có đường đi lớn ở giữa, nhà cửa chia khoảng tiếp nhau đều lợp ngói. Cây to bóng mát phải trái thành hàng. Thuyền buôn bán, đò dọc ngang đi lại như mắc cửi. Bài Sơn minh của Chu Dữu Tín có câu:

Tương truyền người dân đã dâng 7 vò nước lên chúa Nguyễn Hoàng.

Tương truyền người dân đã dâng 7 vò nước lên chúa Nguyễn Hoàng.

‘‘Cửa xuân như giải vóc xuân

Khe ngòi ánh lộng

Chợ thu dưới bóng hòe lục

Thuyền chèo lại qua’’

Tưởng cũng có thể tả được cảnh sắc của nơi này. Dật sỹ Ngô Hoàn Phác vào năm Ất Mùi (١٧٧٥) đi qua chùa Tây Thiền đã có cảm tác bài thơ:

‘‘Bảo các quỳnh lâu bán dĩ hoa

Phạn cung y cựu đối tà dương

Khả lân nhị bách dư cơ nghiệp

Bất cập sơn tăng nhất mộng trường’’.

Dịch:

‘‘Lầu quỳnh gác báu nữa đà hoang

Chùa vẫn như xưa đối chiều vàng

Đáng tiếc hai trăm năm cơ nghiệp

Chẳng bằng giấc mộng của sơn tăng”

Thế đã rõ, 150 năm của bảy đời chúa dinh thự chủ yếu là những mái nhà tranh nằm sau các tường rào bằng tre xanh bình dị như bất cứ ngôi nhà nào của người dân thời ấy và sau này. Nhưng, đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, thì nhà tranh không còn nữa, thay vào đó là các dinh thự lầu quỳnh gác báu, tường rào trong ngoài vắng bóng lũy tre xanh, mà chỉ là những bức tường xây dày mấy thước bằng đá vững chắc, song lại không bảo vệ được cơ nghiệp của họ Nguyễn. Điều đó giải thích tại sao Ái Tử là vùng quê nghèo nhất của Thuận Hóa lúc bấy giờ đã được Đoan quốc công Nguyễn Hoàng đặt dinh thự.

Chính quyết định ban đầu này của Đoan quận công đã đặt nền móng cho một tương lai phát triển rực rỡ không chỉ cho dòng họ Nguyễn, mà cho cả dân tộc trong sự nghiệp Nam tiến.

Cũng cần nói thêm việc làng Ái Tử được chọn trước hết đất đai nó không màu mỡ. Nhưng không vì thế mà toàn bộ xứ Thuận Hóa là một dải đất nghèo khổ như lời truyền "Ô châu ác địa" mà nhiều người thường hay phụ họa để mô tả “Thuận Hóa là vùng đất đai chật hẹp, phong tục quê mùa, nhân vật thì thưa thớt buồn tẻ, không ví được với miền Hoan Ái”(٥) và gán cho Ô Châu cận lục của Dương Văn An. Hoặc có khi cũng trích từ Ô Châu cận lục, nhưng không trích đầy đủ tạo nên ấn tượng sai lầm về sự phong phú giàu có của vùng đất này.

Chính Ô Châu cận lục 3 tờ 47a9-b3 khi nói về non nước của phủ Triệu Phong trong đó có xứ Thuận Quảng đã viết: “Có núi sông này, thì có phong cảnh này. Người xưa nói: ‘Phong cảnh thì không khác nhưng đưa mắt trông thì có núi sông khác. Chính là muốn nói điều đó’. Nước Việt ta, lộ Thuận Hóa ở tít ngoài cõi phía Nam. Phủ Triệu Phong gồm có ٥ huyện, núi sông kỳ vĩ, ruộng đồng bao la, nhân dân đông đúc. Thật là nơi tụ hội quan trọng to lớn của một phương. Cảnh tượng giàu có, phong vật đẹp tươi không đâu hơn được”.

Thế cũng đủ thấy ngoài những thành trì của châu Thuận với châu Hóa cùng phố xá nhà cửa đông đúc buôn bán tấp nập, các làng xã của vùng Thuận Hóa nầy cũng giàu có tốt đẹp không thua kém. Do đó, việc chọn Ái Tử một ngôi làng có tục “Bán vợ đợ con” như thế sao nỡ để xảy ra. Đoan quốc công Nguyễn Hoàng quyết định giải quyết sự tình của ngôi làng này. Trong 12 năm đóng doanh trại ở đây, tục ấy đã được xóa bỏ, và tiếp theo Ái Tử lại nổi tiếng về mặt hàng đường trắng, đường đen. Rồi về sau, do yêu cầu phát triển mới mở rộng thêm khu vực doanh trại của mình qua tới làng Trà Bát 2 cây số gần đó. Ngôi làng ấy cũng được chính Ô Châu cận lục 3 tờ 53a7 đã ghi nhận có những thú vị rất mới. Cuối cùng sau 26 năm lại mở thêm Dinh Cát.

Ngày nay, những dinh thự này không còn dấu tích nhiều một phần vì những biến đổi tự nhiên của địa hình và sự tàn phá của thiên tai địch họa. Nhưng, một nguyên nhân khác quan trọng không kém thông qua thông tin của Đại Sán Thạch Liêm cho ta thấy những dinh thự ấy hầu hết được xây dựng giản đơn từ những vật liệu dễ bị phân hủy như cây lá nên không thể chịu đựng lâu dài được với thời gian. Dẫu vậy, những người làm chính trị thành công ở đất nước ta hầu hết đều dựa vào dân, sống với dân một cách bình thường. Cho nên, Đoan quốc công Nguyễn Hoàng đã chọn xây thành trong lòng dân là vì thế. Và điều này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong lịch sử dân tộc.

Từ đó, ngay cả một triều đại cực kỳ sùng Phật như các vua Trần, mà vẫn có quan điểm làm chùa to lớn là một việc không nên, vì tiền của không phải từ trời rớt xuống và sức lực chẳng phải do thần làm ra, thì há chẳng phải vơ vét máu mỡ của dân ư? Như Lê Văn Hưu (1230 - ?) trong Đại Việt sử ký 2 tờ 3b7-9 chép và bản thân Lê Văn Hưu lại xuất phát từ gia đình có truyền thống cực kỳ sùng Phật ở Thanh Hóa là Lê Lương. Việc làm chùa còn bị đánh giá như thế huống những công trình khác. Sự mẫn cảm chính trị của Đoan quốc công Nguyễn Hoàng đã giúp ông đưa ra đường lối chính trị thân dân, không xa cách dân, sống với dân giải thích rất nhiều cho việc chọn Ái Tử và Quảng Trị làm xuất phát điểm trong sự nghiệp chính trị của mình, có những đóng góp to lớn cho dân tộc ta. Trở thành khuôn mặt anh tài trong lịch sử Việt Nam, mà con cháu muôn đời về sau mãi mãi ghi nhớ¢

__________________

1. Li Tana, Nguyen Cochinchina, Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries, Icatha, New York: Cornell University, ١٩٩٨.

  1.  Nguyễn Khoa Chiêm, Việt Nam khai quốc chí truyện, Trần Khánh Hạo đứng in trong Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san, Đài Bắc: Đài Loan học sinh thư cục, 1958 tr 18.
  2.  Đường có canh gác.
  3.  Đường cấm.
  4.  Trần Thị Mai, Tầm nhìn của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, trong Nguyễn Hoàng người mở cõi, Phan Huy Lê và Đỗ Bang chủ biên, Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, 2014, tr.267.

 

LÊ MẠNH THÁT
Chuyên đề 9: Mở cõi & Bang giao

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground