Lúc còn niên thiếu, cậu bé Nguyên Hữu Tửu đã sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Một hôm, nghe đoàn ca Huế biểu diễn ở Quảng Trị, cậu đã thuộc lòng gần hết những bài ca của họ. Lớn lên, ông được vào thừa kế các bậc thầy trong làng cổ nhạc hồi ấy như Hầu Biều, Cả Soạn, Hoàng Yến. Năm 1930, ông bước đầu sự nghiệp âm nhạc bằng cách đánh đàn nhị đệm cho cô Nhơn ca thu vào hãng đĩa Béka của Đức. Cũng trong năm này, vua hề thế giới Charlie Chaplin cùng vợ đến thăm Đà Nẵng nên triều đình Huế cử quân lính cùng một đoàn nhạc công đón tiếp trọng thể. Người ta nhiệt liệt vỗ tay khen ngợi tài năng của đoàn đã diễn tấu những nhạc phẩm bất hủ của Tây phương. Duy Charlie Chaplin vẫn không vỗ tay dù miệng luôn nở nụ cười. Không ai nhận thấy điều đó, trừ Nguyễn Hữu Ba. Ông đứng dậy xin độc tấu bản Long Ngâm bằng đàn bầu. Tiếng đàn dứt, không ai vỗ tay tán thưởng, trừ vua hề và vợ ông. Hữu Ba tiếp tục tấu một đoạn trong bản nhạc bất hủ “Danube blue” (Sông Danube xanh), ông biểu diễn với nguồn cảm hứng chưa từng thấy, xuất phát từ tinh thần dân tộc. Vợ chồng Charlie Chaplin tròn mắt thán phục.
Sau lần gặp Charlie Chaplin, Nguyễn Hữu Ba biết mình có một con đường đi duy nhất: Con đường âm nhạc dân tộc. Ông bỏ hai năm trời lao khổ (1931 - 1932) để nghiên cứu, đưa cách ký âm Tây Phương vào nhạc Việt Nam. Ông biết rằng chưa có một hệ thống ký âm thống nhất cho tất cả các nhạc cụ Việt Nam. Ông quyết tâm làm cho được điều đó.
“Bấy giờ, thang âm Việt Nam chỉ sử dụng bảy cung đều (nguyên cung) và chưa có bán cung. Qua nghiên cứu, Nguyễn Hữu Ba xác định: âm nhạc xuất phát từ giọng nói. Nhạc Tây Phương sử dụng 12 bán cung, vì nó phát sinh trong hệ thống ngôn ngữ đa âm, không luyến láy (khác với tiếng Việt: đơn âm, luyến láy). Câu hỏi đặt ra với Hữu Ba là: “Làm thế nào để kết hợp hài hòa cả hai?” Ròng rã hết xóa lại vẽ, hết ngồi trên bàn giấy lại nhảy đến bên cây đàn, cuối cùng, anh đã thành công. Anh giữ nguyên ký âm Tây phương để làm giàu cho nhạc Việt. Đồng thời, để không tổn hại quốc nhạc, anh Việt hóa cao độ và đưa dấu nhấn nhá vào phương pháp ký âm của mình. Tuy nhiên, mãi đến năm 1940, khi Nguyễn Hữu Ba xuất bản cuốn sách đầu tay “Tự học đàn nguyệt” thì phương pháp ký âm nói trên mới được công bố rộng rãi. Tận sau này, năm 1979, phương pháp đó lại một lần nữa gây tiếng vang lớn - lần này ở quy mô quốc tế. Năm đó, trong chuyến đi thăm Liên Xô, ông có dịp tiếp xúc với nền âm nhạc Ấn Độ và Uzbekistan. Ông nhận thấy phương pháp ký âm nhạc truyền thống bằng ký âm Tây phương của hai dân tộc này chưa đi vào chi tiết mà chỉ mang tính chung chung. Vận dụng phương pháp của mình 50 năm trước, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba khiến cho các nhạc sĩ hai nước này vô cùng sửng sốt. Vâng, họ không ngờ Việt Nam lại có một nền âm nhạc dân tộc tiến bộ như vậy”1.
Công lao nổi bật của Nguyễn Hữu Ba là chủ xướng thành lập Tỳ Bà viện với tôn chỉ bảo tồn và phát huy nền âm nhạc truyền thống dân tộc, góp phần vào công cuộc phục hưng nền văn hóa độc lập Việt Nam (ca, vũ, nhạc, kịch truyền thống). Đường lối của Tỳ Bà viện là bảo tồn quốc hồn, quốc túy và phát huy bản sắc của non sông, dân tộc Việt Nam.
Chương trình của Tỳ Bà viện gồm có 8 ngành hoạt động chung cho 7 bộ môn. Tám ngành hoạt động là: Sưu tập, bảo tồn, nghiên cứu, giáo dục, biên soạn, sáng tạo, phổ biến và tổ chức. Bảy bộ môn gồm:
1. Ca kịch: Hát bội (Nam, Trung, Bắc), cải lương, hát chèo.
2. Ca vũ: Dân vũ, lễ vũ, quan vũ, hoan vũ.
3. Ca nhạc thính phòng: Ca Huế (Trung); ca trù (Bắc), ca tài tử (Nam).
4. Dân ca: Dân ca ba miền và các sắc tộc (Trung, Nam, Bắc)
5. Quân nhạc (nhạc quân đội): Tập quân, hành quân, tiến quân, thu quân, hiệu quân.
6. Lễ nhạc: Phật nhạc, Lão nhạc, Khổng nhạc, Tiên nhạc, Thần nhạc, Ma nhạc, Thiền nhạc.
7. Thi ngâm: Các điệu ngâm qua các thể thơ xuất phát tùy theo giọng nói của ba miền và các sắc tộc.
Tỳ Bà viện chính thức hoạt động từ năm 1949 tại Huế qua sự chủ xướng và điều hành của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Cơ sở Tỳ Bà trang đầu tiên được xây cất, tọa lạc trên một khu đất rộng rãi thơ mộng cạnh Hoàng thành (Khu đất ấy, nay được con trai ông là Nguyễn Hữu Phước thực hiện nguyện vọng mà ông ấp ủ từ nhiều năm là phục hồi hoạt động của Viện Tỳ Bà, xây dựng viện thành nhà trưng bày bảo tồn âm nhạc truyền thống; nay là số nhà 51 đường Ông Ích Khiêm, TP. Huế). Cơ sở thứ hai là Tỳ Bà viện ở thành phố Sài Gòn 1960, sau khi ông rời Huế vào từ năm 1956.
Thành tích của Tỳ Bà viện trong 26 năm (1949 - 1975): trong bối cảnh lịch sử khó khăn và phức tạp của đất nước, thêm vào đó là những thiếu thốn về nhân lực cũng như tài lực, người chủ trương phải linh động trong mọi hoàn cảnh để thực hiện chương trình nêu trên, có thể kể:
1. Phần sưu tập:
- Đã bảo tồn được: 130 nhạc cụ, vừa hình ảnh, vừa hiện vật.
- Thu băng và đĩa nhiều môn ca nhạc trong gần 300 cuộn băng, đĩa (Hiện vì chiến cuộc nên đã bị thiêu hủy một số).
- Sưu tập sách các danh cầm từ đời Tự Đức trở lại.
- Ký âm hơn 200 bài bản ca nhạc qua hai hình thức: Ký âm Tây phương Việt Nam hóa và ký âm Việt Nam khoa học hóa.
- Nhiều bài thơ của nhiều danh sĩ vịnh các nhạc cụ và ca khúc cổ truyền.
- Nhiều tài liệu tối cổ và nhạc lễ.
2. Bảo tồn:
- Đã bảo tồn được trên ba mươi nhạc cụ.
- Trên 200 cuộn băng và đĩa nhạc cổ truyền.
- Gần 30 cuốn sách ca vũ nhạc kịch của các danh sĩ trên 100 nước.
- Nhiều hình ảnh và tiểu sử nhạc sỹ 100 năm trở lại.
- Chụp vào phim màu và đen trắng trên 100 hình ảnh trong các vai tuồng hát bội miền Trung (hóa trang và y trang)
- Ba mươi tấm hình các môn lễ nhạc của ba miền.
- Trên 10 tập bài bản về nghi thức lễ nhạc.
- Năm cuốn băng về nghi thức lễ nhạc.
3. Nghiên cứu:
- Tìm ra nguồn gốc phát sinh nền quốc nhạc.
a. Nhạc chính tông do dân tộc tạo tác.
b. Nhạc ngoại lai đã được Việt hóa.
- Tìm ra hai lối ký âm pháp Việt Nam:
c. Ký âm Tây phương Việt Nam hóa.
d. Ký âm Việt Nam khoa học hóa.
- Khoa học hóa kỹ thuật diễn tấu.
- Phương pháp hóa giáo huấn.
- Tìm thấy những yếu tố tạo thành dân tộc tính âm nhạc Việt Nam xưa và nay.
- Cải tiến ít nhiều nhạc cụ.
- Cải tiến lối hòa tấu, cách cầm đàn, cách ngồi đàn.
4. Giáo dục:
- Áp dụng phương pháp giảng dạy tân tiến vào các trường Đại học, Trung học chuyên nghiệp (Quốc gia âm nhạc) và các lớp nhạc phổ thông.
- Dạy Phật nhạc, Quốc nhạc tại Viện Đại học Vạn Hạnh và Phật học Huệ Lâm.
- Đưa chương trình dân ca, dân nhạc vào học đường.
- Mở lớp huấn luyện cho người Việt Nam và ngoại quốc tại Tỳ Bà viện.
5. Biên soạn:
- Vài thiển kiến về âm nhạc.
- Giới thiệu sơ lược âm nhạc Việt Nam.
- Nhạc pháp Quốc nhạc Việt Nam.
- Ca Huế tập I và tập II.
- Dân ca Việt Nam.
- Phương pháp học đàn Tranh.
- Bản đàn Tỳ Bà.
- Bản đàn Nguyệt.
- Bản đàn Nhị Huyền.
- Bản đàn Độc Huyền.
- Bản đàn Tranh.
6. Phổ biến:
- Hợp tác với giáo sư Trần Văn Khê làm đĩa nhạc Việt Nam do UNESCO in và phát hành ra quốc tế (đã được hai giải thưởng lớn quốc tế).
- Thuyết trình trên 20 lần tại các đô thị lớn để đề cao văn hóa dân tộc qua âm nhạc cổ truyền.
- Điều khiển và trình tấu quốc nhạc nhiều lần trong và ngoài nước.
- Diễn giảng cho nhiều phái đoàn văn hóa hoặc nhạc sĩ các nước đến nghiên cứu nhạc Việt tại Tỳ Bà viện hoặc tại trường Quốc gia Âm nhạc.
- Gửi băng và sách nhạc Việt cho nhiều Nhạc viện và Bảo tàng viện quốc tế.
- Triển lãm nhiều lần trong và ngoài nước như Mỹ, Úc, Pháp...
- Xuất bản và biên soạn trên 20 tác phẩm tân, cổ nhạc.
- Soạn nhạc và trình tấu cho 7 cuốn phim: La mort en Praude, Bụi dời, Thạch Sanh, Trương Chi - Mỵ Nương, Hồi chuông Thiên Mụ, Kim Văn Kiều và phim Tài liệu Ca vũ nhạc kịch cổ truyền Việt Nam do đài truyền hình Pháp giới thiệu ra quốc tế.
7. Tổ chức:
- Tỳ Bà trang ở Huế năm 1949.
- Tỳ Bà viện ở Sài Gòn (Tp Hồ Chí Minh) năm 1960.
- Sáng lập Hội Âm nhạc Việt Nam - Trung Việt.
- Lập Ban ca nhạc Huế.
- Lập Ban dân ca, dân nhạc sinh viện Vạn Hạnh và Văn khoa Huế.
- Lập Ban dân ca, dân nhạc học sinh trường Pétrus Ký (hướng dẫn phong trào dân ca dân nhạc học sinh đầu tiên đối với các trường).
- Lớp nhạc phổ thông tại Tỳ Bà viện.
- Sáng lập và điều hành Quốc nhạc tại Trường Quốc gia Âm nhạc - Sài Gòn (người đầu tiên áp dụng phương pháp tiến bộ để giảng dạy quốc nhạc, đồng thời mang nhạc cụ, nhạc liệu và máy móc của Tỳ Bà viện cho trường Quốc gia Âm nhạc mượn).
- Tham gia tổ chức Trường Quốc gia Âm nhạc - Huế
* * *
Những thành tích trên, chúng tôi dựa vào cẩm nang “Tỳ Bà viện - Trung tâm phục hưng quốc nhạc Việt Nam”2 do Giáo sư Nguyễn Hữu Ba biên soạn, để thấy rõ hơn công lao và sự nghiệp đóng góp suốt cả cuộc đời của Giáo sư trong công cuộc bảo tồn và phát triển quốc nhạc Việt Nam. Cũng nên lưu ý rằng, một số tài liệu sưu tập về băng, đĩa và sách vở đã bị tiêu hủy một phần do cuộc chiến Mậu Thân ở Huế năm 1968. Lần đó, trước cảnh điêu tàn do bom napal và tên lửa gây ra, Giáo sư Nguyễn Hữu Ba đã khóc nức nở. Hiện nay, phần lớn các hiện vật, tài liệu vô giá bao gồm nhạc cụ, băng từ đĩa nhạc, phim ảnh, thư tịch đã được gia đình dự định cho chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh ra Huế. Giữa lúc công việc trùng tu, phục hồi Tỳ Bà viện sắp hoàn thành, ngày mở cửa không còn bao xa nữa thì người Nghệ sĩ tài hoa và tâm huyết với quốc nhạc ấy đã vĩnh biệt cõi trần vào ngày 14 – 7 - 1997 tại thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi viết những dòng này với ý nguyện mong sao chính quyền địa phương cùng gia đình sớm hoàn tất công tác phục hồi Tỳ Bà viện ở Huế để giới nghiên cứu âm nhạc và văn hóa Huế có cơ hội học hỏi, nghiên cứu.
Trong số những công lao đóng góp của Giáo sư về âm nhạc, ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên là hai lĩnh vực mà ông quan tâm theo dõi. Về ca Huế, ngoài việc học đàn nhị và đàn bầu với cụ Ưng Biều từ năm lên 9 tuổi; năm 1937, ông được giải ưu về đàn nhị tại hội chợ Huế. Từ năm 1945, Nguyễn Hữu Ba tham gia cách mạng và được bố trí vào Đoàn Văn hóa xây dựng thuộc Thành uỷ Huế, hoạt động rộng rãi trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Thời kỳ này, ông đã cố gắng nghiên cứu, bảo tồn và phát triển vốn âm nhạc ca Huế. Những năm từ 1945 đến khi ông từ trần, ca Huế luôn là mối quan tâm hàng đầu của ông. Công lao đáng giá của giáo sư là đã sưu tập nhạc cụ, thu băng và đĩa, sưu tập sách cổ, ký âm các bài bản ca nhạc qua các hình thức: Ký âm Tây phương Việt Nam hóa và ký âm khoa học hóa. Tuy nhiên cách ký âm này ngày nay chưa phổ biến trong giới nghiên cứu. Các sách ca Huế và đàn trong khi ca Huế như: Tranh, Tỳ, Nhị, Nguyệt có thể nói là những cuốn nghiên cứu về ca đàn Huế xuất hiện sớm nhất.
Công việc thành lập các ban ca nhạc Huế, các ban dân ca, dân nhạc ở các trường Quốc gia Âm nhạc, ở Đại học và Trung học cho thấy sự năng động và nhiệt tình của Giáo sư trong việc truyền thụ kiến thức âm nhạc dân tộc cho tầng lớp thế hệ tiếp nối. Những học trò giỏi như Phạm Thúy Hoan, Nguyễn Văn Đời (Trưởng và Phó Khoa Âm nhạc dân tộc ở Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh) đang tiếp tục sự nghiệp, con đường và hoài bão của ông. Sinh ra trong một gia đình ở nông thôn, Nguyễn Hữu Ba không quên nguồn gốc nông dân của mình, ông lấy pháp danh Tâm Đạo, hiệu là Đạo Tâm là để nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình làng Đạo Đầu huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông cho rằng: “Dân ca là thể điệu chính tông, là kho tàng vô giá, rất phong phú, là nguồn gốc của nền nhạc Việt”3. Tập sách "Dân ca Việt Nam" là công lao của ông để ghi âm các bài dân ca ở Bình Trị Thiên, đóng góp vào kho tàng âm nhạc dân tộc một mảng nghiên cứu đáng kể.
Gắn bó với quốc nhạc, giáo sư Nguyễn Hữu Ba đã có nhiều đóng góp tích cực cho nền âm nhạc truyền thống... Cho đến ngày sắp nhắm mắt, xuôi tay, ông cũng không quên căn dặn, nhắc nhở: “Quốc nhạc là Quốc hồn - phải lo giữ gìn bản sắc dân tộc trước đã”. Đó là lời căn dặn của một con người đã chủ xướng sứ mệnh phục hưng Quốc nhạc, với bằng tất cả tâm tình, tài trí của mình, đã cố gắng hiến dâng suốt cả cuộc đời. Lời dặn ấy, lẽ nào chúng ta quên...
______________
(1) Nguyễn Đức An: Cung đàn Nguyễn Hữu Ba - Thế giới mới, số 232 ngày 21.4.1997, trang 68, 69.
(2) GS Nguyễn Hữu Ba: Cẩm nang "Tỳ Bà viện” Trung tâm phục hưng Quốc nhạc Việt Nam. Bản đánh máy.
(3) Nguyễn Hũu Ba - Sức sống của dân tộc nhìn qua âm nhạc Việt Nam - Bài thuyết trình, tr3 - Bản đánh máy.