Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhật ký Quảng Trị 1972

Năm 1972, tác giả Anh Ngọc là lính thông tin của Đại đội 4, Trung đoàn 132 thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc, chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị. Nhiệm vụ là rải đường dây và bảo vệ đường dây liên tục thông suốt để phục vụ cấp trên chỉ huy chiến dịch Quảng Trị đang diễn ra rất ác liệt. Trong suốt thời gian có mặt ở chiến trường, Anh Ngọc luôn mang theo bên mình một cuốn sổ vừa để ghi nhật ký vừa để sáng tác... Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Tạp chí Cửa Việt trích đăng một phần nội dung trong cuốn nhật ký của tác giả hoạt động năm 1972 trên đất Quảng Trị. Trân trọng giới thiệu đến với quý độc giả, bạn viết gần xa.

Những trang nhật ký của tác giả - Ảnh: A.N

Những trang nhật ký của tác giả - Ảnh: A.N

Đêm 16.4.72:

…Hai ngày khủng khiếp nhất trong đời mình. Hôm qua hành quân suốt, 1 giờ chiều đến địa điểm. Bỏ ba lô là đi vác dây, leo một cái dốc khủng khiếp. Trên đường về tối mịt, không biết đường. Toàn thân bàng hoàng, nôn, chưa bao giờ mình như vậy. Không thể tưởng tượng.

Sáng nay lại đi tiếp, vác dây. Hai chuyến. Chuyến sau đi suốt từ 9 giờ đến 5 giờ chưa tới, 14 kg. Leo dốc liên miên. Không đến nơi. Bọn bạn bảo về mới về. Về đến nơi chỉ còn bò ra. Nằm gần như bất tỉnh nhân sự. Trong đời mình chưa bao giờ gặp những gì ghê gớm như vậy. Nôn, ọe, toàn thân bại liệt, gan…??!!...

Bây giờ nằm trên võng. Ngón chân bỏng, phồng hết. Ê ẩm, ợ, đầy bụng. Không cơm cháo gì được. Không thể nào tưởng tượng…

*

Sáng 17.4.72 (trạm T2):

Nằm ghi trên võng. Nắng trên tăng rất nóng.

Hôm nay nghỉ vì không thể lê đi được nữa. Toàn thân bải hoải. Các ngón chân phồng to. Đầy bụng. Loạng choạng.

Nhớ lại: ngày 15 ra đi rất sớm, trèo đèo lội suối, những con đường bé chỉ đi lọt một bàn chân, lau lách, gai góc, bùn lầy, không thể ngờ lại là đường của hàng vạn anh lính đi. Vác ba lô và 4 kg gạo ê vai mới đến chỗ nghỉ, 1 giờ chiều. Mắc võng, nghỉ một tý lại bò đi vác cáp ngay. Rất xa và leo một cái dốc dựng đứng 80 độ, rất dài. Đi không cũng ngất đi huống gì vác cáp. Đến chỗ lấy cáp gần lặn mặt trời. Lấy cáp về, cùng một thằng bạn, dọc đường nghỉ, giơ tay xin lương khô Thanh niên xung phong. Nói chuyện với các “ả” hỏa tuyến ở Nghệ An vào. Lần mò đi. Tối mịt. Trong rừng rậm con đường len trong lau lách lên xuống chập chùng. Không đèn pin, không bật lửa, không diêm. Đi được nửa đường, buồn nôn quá, người lao đao không đi được nữa. Đành bỏ dây lại bên đường, lần mò cuốc về. May gặp một toán đi sau nó kịp soi đèn cho về.

Những tưởng là xin được nghỉ vì không thể đi được nữa. Nhưng hôm sau lại đi làm vì không muốn để họ nghĩ xấu. Phiền lắm, danh dự là cực kỳ quan trọng. Đúng là đi bằng đầu.

Sáng hôm qua vác hai chuyến, chuyến đầu lên đỉnh dốc (cao và dài ghê gớm) thì quay lại. Khoảng gần 10 giờ vác chuyến thứ hai. Sáng chỉ ăn hai bát. Trèo đèo lội suối, leo dốc liên miên suốt đến lúc mặt trời còn một con sào nữa. Bọn đi sau đều vượt xa. Đến một doanh trại pháo mặt đất. Không sao lê lên được nữa. Bọn bạn bảo bỏ đấy mà về. Thế là đành. Bỏ. Giời sắp tối, con đường quá xa, nên nhắm mắt lao. Thở không ra hơi nữa. Càng đến gần càng bủn rủn. Phải bò qua thân cây đổ nằm ngang mà đi. Về đến đây chập tối. Nằm vật ra, nhờ bọn chúng nó pha sữa cho uống, lấy nước nóng ngâm chân, không thể nhúc nhắc được.

Thật trong đời mình chưa bao giờ khủng khiếp đến dường này. Suốt thời bộ đội vừa rồi cũng không bao giờ có lúc như thế.

Nằm liệt cho đến sáng nay. Hôm nay phải nghỉ thôi. Đại đội trưởng đến hỏi, cũng đồng ý cho nghỉ.

Nhưng trước mắt mọi việc còn rất dài, rất ghê, làm sao để vượt qua được đây?...

Chiến công của chiến sĩ thông tin rất thầm lặng nhưng cũng kỳ vĩ lắm. Không hy sinh xương máu mấy nhưng vô cùng vất vả. Hai ngày nay mình đã nếm mùi và bắt đầu hiểu. Họ im lặng làm, è cổ mà vác.

Đây là đợt phục vụ cho cuộc tấn công ở Quảng Trị đang tiếp diễn. Đang bao vây Đông Hà, La Vang, Ái Tử và thị xã Quảng Trị.

Đúng tối 14 phó chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh (trung tá Lạc) đến báo cho biết kế hoạch gấp: phải làm trong 5 ngày (hết 19.4) xong 150 km đường dây phục vụ chiến dịch (bổ sung thêm một trung đội bộ binh). Từ 400, qua T2 (chỗ mình ở hiện nay) tít vào A33 (Tân Lâm, Cam Lộ), sau đó làm tiếp vào đơn vị bộ binh đang đánh nhau. Từ 400 đến A33 làm 2 đường cáp, 1 đường dây bọc. Từ 15 đến 17 phải xong 40 km cáp từ 400 đến A33. Như thế cho nên mới phải làm tướt bơ “ỉa cứt ra quần”.

Thương bọn trẻ vô cùng. Có những đứa hiền lành như trẻ con, phần lớn là học sinh cấp II. Không ít tuổi nhưng vẫn là tuổi đi học. Minh, Trí, Bì, Hùng, Bàng… Mình đang từ trên dốc xuống, thấy Trí (hiền lắm), Minh đi lên, è cổ. Thương, cảm động đến không cầm được nước mắt. Lạ thật.

Có những người rất lạ: nhiệt tình, không nói nhiều mà làm rất khỏe. Đồng chí Thành vác 6 cuộn, Bàng thường xuyên vác 4 cuộn. Mỗi cuộn cáp nặng 7 kg. Mình chỉ có thể vác 2 cuộn đã è cổ.

Thường xuyên nhịn ăn cả ngày là chuyện thường. Uống nước suối, ăn lương khô. Mà dốc thì khôn tả.

Đã vác dây vượt sông Bến Hải (chỉ là con suối rất nhỏ). Đến mảnh đất của miền Nam. Đến tận một khẩu đội pháo 122 ly vừa pháo kích vào Quảng Trị. Đến đầu đường số 13, đang tiến vào đường 9.

Rất nghịch, mà nói đùa thì thật là có sách và gọi đúng tên sự vật ra mà nói.

Điển: Anh nuôi, không được đại đội quý gì. Nhưng mình thấy cậu ta rất vui, trẻ con, đi bộ đội 7 năm, làm hạ sĩ, nấu nướng, tìm kiếm, làm ăn hoàn toàn nông dân. Chỉ có ngỗ ngược, không nghe lời trên, hay ngủ. Tham gia Nam Lào, đã đánh nhiều, nhưng hồn nhiên lắm. Đủ mọi chuyện tếu trên đời.

Nhất định phải viết về chiến sĩ thông tin K4 trong chiến dịch này. Vì nó lớn quá: có lẽ nên cả văn xuôi (cao cấp lẫn thấp cấp) và thơ.

*

Chiều 18.4:

Hôm nay tiếp tục đi gùi dây. Không xa lắm, nhưng dốc, 1 chuyến và vác vừa thôi nên có đỡ mệt.

Quả thật 4 ngày qua phục vụ chiến dịch làm mình kiệt sức. Và đó là tình trạng chung từ nay về sau. Ấy thế mà bọn lính trẻ tuổi ở đây đã từng chịu đựng như vậy hàng 5, 6 năm nay. Chúng nó thật anh hùng và cũng đáng thương thật. Lòng trào lên cảm xúc về đồng đội…

Đại đội trưởng vừa ghé vào nói chuyện rất lâu. Như vậy là ông ấy cũng rất muốn mình viết cái gì cho báo. Mình cũng muốn thế và sẽ cố. Còn sáng tạo lớn thì phải từ từ đã. Đại đội trưởng là Cao Đình Hợp, chính trị viên Hải, Mão.

*

Chiều 22.4:

3 ngày qua 19, 20, 21 đi vác dây và ở lại bên khe suối cách chỗ này 7 - 8 km gì đó.

Từ đây đến đó phải đi qua cao điểm 570. Trên đó còn vết công sự cũ của ngụy, bao cát ni lông, hầm, leo dốc chí chết. Sau đó vượt cao điểm 350 ra đường 13. Bom dội vào đường dây. OV10. Địch đánh vào chỗ trung đội đang ra dây. Hôm qua 21, cả bọn vừa đến suối (cây số 25, nơi hôm kia chúng ném bom) thì OV10 đến quần ghê quá, lượn vòng trên đầu nhiều lần ngày càng hẹp dần. Mình và một thằng bạn chui vào một cái hầm bên đường, ọp ẹp quá. Hoảng quá. May nó bỏ đi. Thằng này quần nói chung là ném cối xuống và phản lực đến trút bom ngay, luật thế.

Con đường 13 (và 15 cũng thế) chênh vênh len giữa những sườn núi cao chót vót. Ở đây nhìn thấy đỉnh 1574 ở Nam Lào, nơi chúng nó làm năm ngoái. Con đường trơ trụi, chỉ có lính. Cáng thương, những anh thương binh nằm trên cáng mất máu nhợt nhạt mà vẫn tươi cười chào người qua đường. Không hàng quán, không có bà lão nào bán nước cả. Những con đường chiến lược là thế.

Ở lại ven suối, không thể ngờ một chỗ suối róc rách, hẻm núi, lau lách, cây to bị chất độc hóa học rải trơ trụi, mốc ẩm, gỗ mục, cỏ dại mà lại chui vào vạch lau, mắc võng tăng ngủ được thành “nhà”. 3 đêm như vậy.

Nằm trên võng, trăng non mồng 7 - 8 vẫn len vào lau lách, ánh vàng trên mặt suối. Tiếng sáo văng vẳng. Đêm vẫn sang “nhà” nhau trò chuyện. Kể “Vàng và máu” (truyện kinh dị của Thế Lữ - A.N.) cho thằng liên lạc nghe !!

Những O dân công hỏa tuyến: tuyệt đại đa số người Nghệ An (Nghi Lộc nhiều nhất) ở trong sâu khe, mắc võng. Chiều ra suối tắm giặt. Hết sức kết lính, có người không e dè gì cả. Quần áo đen. Dọc đường gặp các O cáng thương, gùi gạo, người chắc nịch, có O mặc áo quần phăng, mồ hôi nhễ nhại và đều niềm nở. Ý mới đấy.

Nói chuyện với một ông kỹ sư quân sự vừa ra trường (Cảnh), chịu khó lao lắm, có thể đi một ngày 30 - 50 km rừng. Có tay kỹ sư quân sự con ông làm to mà rất chịu lao.

Vẫn dở ảnh con và vợ ra ngắm. Nhớ. Nhưng sao lòng mình gửi những đâu đâu. Mình không chịu nổi công việc nặng nhọc ở đây nhưng cũng không chịu nổi cái nhàm chán ỉ eo của môi trường ở nhà…

…Sáng 30.4:

Đêm qua trăng rất đẹp. Trăng 16 lên hơi muộn, tròn vành vạnh. Lúc bấy giờ rừng đã gần ngủ yên, mọi người đã ngủ yên. Mặt trăng lặng lẽ nhô lên giữa khoảng trống của mấy vòm cây. Ánh sáng chan hòa trên những mình cây cao vút, tuôn lỗ chỗ trên nền đất rêu ẩm. Soi hoang vu vào bóng tối ngàn năm của rừng.

Sáng nay ngủ dậy, cứ tưởng có cái máy nổ đều đều đâu đây: gió rào rào trên những vòm cây cao vút, gió, gió bay lá nghiêng cành, trời lộ một khoảng xanh trong vắt. Tiếng chim hót vang quanh nhà, con quốc gọi bầy đi kiếm ăn, chim chích, chim chào mào rừng và gì gì không biết nữa, nhiều giống chim lạ. Hương dẻ rừng ngào ngạt lâu quá. Những cánh dẻ rừng vàng xuộm, hơi ngắn, bè, nằm rải rác trong cỏ, cành mục, còn vương hương bầu trời.

Rừng đẹp quá, rừng giàu sức sống, tâm hồn quá. Từ bé mình đã thích rừng và bây giờ đi đánh giặc lại nằm ngay trong ruột của rừng, rừng già, những cây mấy người ôm, cao vút 30 - 40 mét, có suối, có núi, có hoa, có chim. Trưa nắng đẹp, sáng gió mơn man đẹp, đêm trăng lại càng đẹp. Cho đến những ngày mưa, ẩm ướt, rừng vẫn ẩn dấu những gì kỳ vĩ, lạ lùng lắm.

Mà tiếng máy bay thì không ngớt gầm lên cái tiếng rất xa lạ, rất quỷ quái trên đầu rừng. Tìm tòi xoi mói cái gì? Bom đạn phá rừng…

Chúng nó đã viết nhiều về rừng, liệu mình còn tìm ra chỗ trống để đặt chân nữa không? Hãy hòa tâm hồn vào đó, tâm hồn là của mình thì thơ cũng sẽ là của mình thôi.

…Cả ngày hôm nay làm việc suốt từ 7 giờ đến 4 giờ chiều liên tục, viết khoảng 24 trang: 4 bản tin cho Ban chính trị E, Bộ tư lệnh, Đài và Báo QĐND. Viết thư cho vợ, cho cậu (bố - A.N), nhờ bỏ hai bài “Những niềm vui gặp lại” và “Nửa đêm tỉnh giấc trong rừng” cho Văn Nghệ. Viết thật là sái cả tay, ù cả tai, hoa cả mắt cho kịp gửi một tay sắp ra hậu cứ bỏ dùm. Kể ra sức làm việc “máy móc” của mình ghê thật, lúc cần mình có thể làm việc như sư tử.

Chẳng biết tất cả sẽ đi đến đâu?

Cứ biết cố gắng đã.

*

Chiều 6.5.72:

…6 ngày nay mới ghi. Sau một chuyến đi làm về tổ 3 ở xa. Mấy ngày vô cùng mệt. 2.5 đi. Gùi 25 kg dây. Nhưng thằng bạn gùi cho là chính, mình chỉ mang được vài quãng. Còn gùi tăng võng cho nó. Đến gần đỉnh 570 thì bắt đầu giông.

Đầu tiên là mưa ướt, điện sét giật qua dây, liên tiếp tóe lửa, nổ lép bép, vừa chạy vừa để ý nhìn lên vì lo cây bị rải hóa học chết khô đổ xuống đầu. Sét đánh váng tai. Nhìn thấy nó đánh vào ngọn cây khô bốc khói và cành gẫy như bom… Mưa đá quất vào mũ lốp cốp. Cứ thế mà lao. Xuống chân núi thì nước lũ dâng cao, suối đục ngầu, tuôn ào ào.

Thật là một cảnh đáng nhớ.

Ngày 3.5 đi gùi cáp cho một tổ chữa dây dọc đường. Máy bay vừa ném bom cháy bên đồi tranh ngay cạnh đường, khói còn nghi ngút, lửa nổ lép bép. Chiều lại giông nhưng vào trú trong một lán công binh.

Ngày 4.5 đi gùi (gùi tăng võng cho 5 người) làm lại đoạn đường dây bị địch đánh phá. Con đường mới chui trong bụi rậm đầy lau lách, đặc biệt dọc xuống một cái thác, khe cạn từ đỉnh xuống, rất khó đi. Mệt lắm. Có 3 km mà đi gần 1 ngày! Tối ngủ lại ở chỗ làm việc.

Sáng 5.5 dậy đi làm một lúc thì có lệnh về hậu cứ. Về liền. Mệt vô cùng… Như vậy là đi mất 2 ngày mới được khoảng 20 km.

Về nằm. Nhận được một cái thư tay của một người tên “Nguyễn Duy” gửi vào chào và chúc viết tốt, không rõ có phải thằng Nguyễn Duy Độ không? Có lẽ không phải, vậy thì ai? Hay tay nào ở tòa báo Thông tin? Không rõ nữa.

Sắp tới sẽ làm đường dây trần tại ngay tuyến này. Rất vất vả đây…

Cần vượt qua tất cả. Tin chắc rằng cuộc sống sớm muộn cũng phải quy phục sức chiến đấu của mình. Số phận không thể khuất phục được mình. Mình đã từng đau đớn nhiều và đã bắt đầu chiến thắng!

Hãy cố gắng bằng tất cả sức mình, đây là cuộc chiến đấu cuối cùng!!!

Như vậy là hết ngày 1.5 đã hoàn toàn giải phóng xong tỉnh Quảng Trị. Đông Hà, Ái Tử, La Vang tiêu diệt gọn. Thị xã Quảng Trị địch rút chạy. Huế đang run, chúng lập phòng tuyến nhưng Huế đã nằm trong tầm súng của ta. Tình hình rất đẹp.

Vô cùng sốt ruột về chuyện viết lách. Những chủ đề cứ ùn lại mà mình thì không có lúc nào ngơi mặt. Làm mệt đến mức không còn nghĩ được gì đến chuyện viết lách nữa. Có lẽ sẽ tích lại và viết sau. Nhưng có những cái sẽ thành ra lạc hậu. Tất nhiên là viết cho lâu dài chứ, làm gì đến nỗi héo ngay đề tài này!

*

7.5:

Chủ nhật. Nằm nghỉ. Nặng mi mắt quá, có triệu chứng gì chăng? Thấy mệt lử. Gầy. Đi ngoài ra máu! Nghĩ về sức khỏe. “Các anh không theo được bộ đội rồi” (!), Chính trị viên phó nói vậy. Có lẽ họ không hoàn toàn bằng lòng về mình. Nhưng sức cố gắng của mình đến đó là tận cùng. Mình sẽ cố gắng làm hết sức mình, ốm đau đành nằm xuống thôi.

Mình biết rằng chịu đựng này là rất nặng nề nhưng không thể từ chối. Số phận mình là thế…

Hôm nay chủ nhật. Hoàn toàn không còn ý niệm gì về ngày thứ nữa. Đời lính là thế. Cũng nhiều lúc nhớ cuộc sống trước đây với gia đình, học sinh, vợ con. Mới một tháng chiến trường mà mình già, gầy, đen đi quá. Chưa qua thử thách mà. Mong rằng sẽ dần dần quen thêm. Nhưng chán nhất là thiếu thời gian để viết một cái gì đó. Quả thật cuộc sống nặng nhọc cướp đi khả năng suy nghĩ và rung động của con người, lúc mệt thật là không nghĩ ra một cái gì nữa.

Địch tuyên bố đang mở đợt đánh đường 13 ngay bên cạnh chỗ mình đang ở và dọc tuyến đường dây. Bay suốt ngày, rất thấp, chậm, toàn F4, có vài chiếc A6A. Ném bom, gầm rú. Nhưng không ai buồn ra hầm.

Chỉ còn cuốn nhật ký này là niềm vui, là nơi yên ổn và tâm sự của mình với chính mình. Hạnh phúc là lúc đối diện với lòng mình. Có cái gì cô đơn quá chăng? Không nên…

1.8.1972:

Ngày sinh ở chiến trường! 29 tuổi.

Đây là ngày sinh đáng nhớ nhất trong những ngay sinh đáng nhớ của mình. Đã bước sang một cuộc đời mới, đầy gian lao nguy hiểm, sóng gió, nhưng cũng rộng rãi, mãnh liệt hơn xưa nhiều. Những kỷ niệm đẹp xưa không ngừng về sống lại trong lòng ta. Những tình yêu say đắm không ngừng nuôi sống trí mơ mộng và yêu đời của ta… Tâm hồn mình không hề đi sau quỹ đạo mà đời đã vạch ra cho nó, chỉ có đi xa hơn, nhanh hơn mà thôi.

Nhớ lại những ngày sinh thơ mộng xưa, nhất là những ngày sống trong tình yêu…

Giờ đây đã là chiến trường! Dưới màu xanh của bộ quân phục đã bắt đầu tả tơi, trái tim mình đập mãnh liệt, vẫn đắm say như xưa, hơn xưa, cây cỏ, hoa lá, trăng sao, núi sông… giờ lại thêm vẻ hùng tráng, oai nghiêm của chiến tranh, bom đạn, khói lửa, cái chết và cái gian lao, tình cảm với con người, đồng đội, những nạn nhân đau khổ của chiến tranh… Hỡi những làng mạc, những người dân yêu dấu của xứ sở Quảng Trị mà ta đi qua, ta thương các ngươi vô hạn… Nói sao hết được tình cảm của mình hiện nay đối với đất nước, nhân dân…

Sáng nay vẫn đi làm: vác dây. Con đường dây trần, niềm yên tâm phấn khởi của những anh lính vào ra chiến trường, đang sắp kết thúc. Nằm bên bờ suối, chân quả đồi Con Thỏ. Những địa danh nổi tiếng của cuộc chiến đấu hôm nay. Đi làm xong, cùng một thằng bạn đi qua suối La La (tên khác là Tân Kim), qua bãi Tân Kim, vượt sông Cam Lộ (rất to, chảy xiết, nhưng nông) vào làng đầu tiên: Làng Cốt Xá. Mênh mông mái tôn. Lại những căn nhà xơ xác, nhiều kim loại hơn là thảo mộc. Địch vừa oanh tạc nên cau, chuối xơ xác, vườn tược tan hoang. Tội quá. Vào nhà dân chơi. Ông bà cụ và chị con gái đã có hai con. Họ đã ra Quảng Bình chạy bom 2 tháng. Phân biệt được địch ta, thương, tin giải phóng quân. Nhưng cũng bảo “Người Mỹ tốt, ai ốm đau họ mang ra tàu chữa, khỏi ngay” (!). Mấy mạ đang đắp điếm hầm. Hầm là chính, nhà thì trống đông lộng tây, nhìn thông thống. Nhưng đến cái ri đô cũng hoa ni lông. Bà già 70 cũng áo cộc tay xăng co, quần láng! Kỳ!

Trẻ con rất tốt. Mấy em bé khoanh tay chào “chú ạ, chú có ra Bắc cho cháu đi với”! Chao, là cái tụi trẻ con, đâu cũng biết xé lòng ta như nhau cả. Một ý đấy. Phải nuôi dạy chúng trở thành một thế hệ trong sạch, đời chúng phải được hạnh phúc, các cháu ngoan ơi!

Từ trên đồi (có lẽ là đồi Không tên) trông xuống làng mạc Cam Lộ trắng xóa mái tôn. Sẽ vào quận lỵ chơi. Lính đóng trong làng. Có cả thím bộ đội nữa. Nhưng sao mấy O dân đây vẫn đáng yêu hơn, beo béo, hoa tai, trông hiền dịu quá, cái giọng thì…

Máy bay đánh liên miên, có thể nói suốt ngày đêm không lúc nào ngớt, đã nhập tâm đủ loại: OV10, B57, B52 (bay cao nhưng rất rõ, loáng thoáng trong mây), F4, A6, F105, A37 (ngụy), C130, L19… Đủ!

Khói bom dựng lên như những khóm tre lớn, đen sì, chớp bom, mưa bom, sấm bom… toàn là hình ảnh của cơn mưa sắt đạn cả!...

Mệt lắm, cháy đen, nhưng cũng phải cố gắng làm trâu bò ít lâu nữa. Cái gì sẽ tới nhỉ? Chỉ có thể trả lời bằng cái óc và cái tay này thôi!

Chốc nữa có mấy bạn (một ông kỹ sư, một thằng bạn…) sang chơi. Ngày sinh mà!

Cũng là một ngày sinh đáng ghi nhớ.

Ta đang sống dưới bầu trời Cam Lộ. Ta có là gì đâu, nếu như ta không biết yêu cái bầu trời này!

Đừng quên cái ngày sinh ở chiến trường này!

29 tuổi! một cái mốc lớn đấy chứ.

Ta đã làm được ít nhiều công việc có ích, nhưng chưa thấm vào đâu với ước mơ! Ta sẽ làm gấp 5, gấp 10… thế nữa, hỡi những ngày sinh nhật, hãy chứng cho những cố gắng của ta!...

*

3.8:

Chuyển đến ở ven suối La La. Chỉ cái tên thôi cũng đã gợi bao nhiêu ý tình. Nơi đây xưa kia đánh nhau chí tử. Kẻ thù lùng sục suốt. Bạn bè mình đã tới đây. Và bây giờ đến lượt mình. Con suối to, xanh trong, có chỗ lởm chởm đá, hai bên là lau lách. Trước mắt là bãi Tân Kim, phẳng rộng 4 - 5 km vuông. Đường dây sẽ đi qua bãi và chỉ còn hơn 2 km nữa thôi, những km cuối cùng!

Đứng bên bờ suối mà hát “Ơi dòng suối La La” của Huy Thục thì hợp quá. Nhất định phải viết một cái gì về con suối này, một vị trí không phải là không đẹp trong con đường đi đời lính của mình.

Mắc võng nằm bên một miệng hầm. Cây lúp xúp. Cỏ gianh. Đây là rừng non (mình thích rừng non hơn rừng già, sinh động, ấm cúng hơn). Gió nồm nam cực kỳ to, tốc cả tăng võng. Nắng gió Quảng Trị có phải đùa đâu. Thật ra khí hậu tốt, từ trên đỉnh đồi thấy cồn vàng biển xanh, tàu Mỹ vênh vang ngoài kia! Xứ sở lạ! Kể ra Quảng Trị cũng là một miền đẹp, sơn thủy hữu tình lắm chứ. Còn con người thì ân tình dịu hiền lắm. (Các bà già trong ấp, không hiểu do ăn mặc hay do vóc dáng, tư thái có “văn minh hóa” mà trông còn đỏm dáng và có cái gì ăn chơi, không thuần phác như các mẹ già Miền Bắc).

B52 đánh liên miên. Đi hàng đàn 3 chiếc, phun khói trắng xóa như kẻ nhạc trên trời. Cứ thấy F105 là có B52… Bản hợp xướng quỷ quái của lũ chúng nó! Chiến tranh ghê gớm thực, chứ không phải đùa…

ANH NGỌC

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

9 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

11 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground