Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những người lặng lẽ đắp nền

Hơn 45 năm về trước, đội ngũ giáo viên đi B đã vào Quảng Trị khi tuổi đang thời xuân sắc thì nay đã hoặc gần đến tuổi “xưa nay hiếm”. Vượt qua hạn chế vì tuổi tác, sức khỏe, xếp lại những bận rộn của gia đình và không ít khó khăn trên quãng đường dài để trở về với “nơi trái tim mình đã từng gắn bó”. Tình cảm đó thật cao quý! Việc làm đó thật đáng trân trọng!

Tôi là người có cơ duyên may mắn thay mặt Ty Giáo dục đón tiếp đội ngũ giáo viên đi B 45 năm trước và tiếp đó, đồng hành cùng các bạn cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về miền Bắc.

Lần thứ tư trở về Quảng Trị, chắc chắn các bạn muốn sống lại ký ức một thời mà đến giờ vẫn gắn bó trong trái tim mỗi người. Cuộc sống của con người bao giờ cũng chứa đựng cả ba phạm trù của thời gian: Quá khứ - hiện tại - tương lai mà quy luật biện chứng là không thể tách rời. Nói như tổng thống Vladimir Putin: “Chúng ta sống với những hoài bão về tương lai nhưng những ai quay lưng với quá khứ là không có trái tim. Nhưng những ai chỉ biết có quá khứ là không có đầu óc”. Tôi nghĩ rằng: Kỷ niệm về một thời bao giờ cũng là tài sản tinh thần quan trọng của mỗi người. Nhưng nếu đó là một thời đầy gian khổ, khó khăn, thậm chí đầy hiểm nguy thì kỷ niệm đó càng sâu đậm ý nghĩa. Bởi vì ở thời điểm đó, con người phải chịu đựng và nỗ lực gấp bội mới có thể hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thiện bản thân. Vì vậy, trong hồi ức một thời của các bạn luôn thấm đẫm tình người và chứa đựng cả tầm cao nhân cách. Các bạn đến Quảng Trị lúc đó ngoài khó khăn xa gia đình và những người thân là phải đối mặt mỗi ngày với bao gian khó mà có lẽ chỉ ở Quảng Trị mới có ở mức ấy. Từ thời tiết khắc nghiệt đến sự hoang tàn của mảnh đất, từ điều kiện sinh hoạt: ăn, ở, ngủ, nghỉ, cho đến các điều kiện tối thiểu để hành nghề… tất cả đều thiếu thốn. Các bạn phải sống trong nỗi nhớ người thân, phải chịu bao vất vả mỗi ngày, sức khỏe giảm sút, nhất là với các cô giáo thì nhan sắc cũng bị thách thức bởi cát trắng gió Lào, nạn bò chét và sốt rét. Có những bạn đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, có bạn đau ốm kéo dài trong những năm tiếp sau và còn có những cô giáo vì éo le, trắc trở phải sống đơn thân cho đến hôm nay. Hẳn là mỗi bạn không ai quên được những thách thức đó. Nhưng khi nghĩ về điều này, tôi lại nhớ đến câu thơ nổi tiếng của Tam nguyên Thái Bích San, tri phủ thành Hà Nội giữa thế kỷ XIX: “Tuế hoàn nhiên hậu, tri tùng bách – Nhân bất phong sương, vị lão tài” (nghĩa là: Có qua mùa đông tháng giá mới thấy hết cái hiên ngang của cây bách, cây tùng. Có qua một thời gian khó mới thấy hết bản lĩnh của con người). Người Quảng Trị đã chứng kiến những gian khó mà các bạn đã chịu đựng nhưng quan trọng hơn là chứng kiến sự bền bỉ để vượt qua của các bạn. Thời Trường Sơn, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng viết: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng - Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay” (nghĩa là: Tạm gác lại cái đắng trong lòng mình để vì người khác). Các bạn đã từng sống như vậy trong một thời mà như cách nói của nhà sư phạm Nga lỗi lạc Xukhômlinxki là “Trái tim tôi đã hiến dâng cho trẻ”. Đời có “nhân” và có “quả”, có cho và có nhận. Đi cùng với sự chịu đựng gian khó, chấp nhận hy sinh vẫn tận tụy với nghề nghiệp, điều các bạn đã được nhận lại là: Sự kính trọng của xã hội, tình đồng nghiệp đằm thắm, tình dân mặn mà, nhất là tình thầy trò gắn bó son sắt. Và chính trong thử thách cam go đó, các bạn đã học được thật nhiều và cũng đã trưởng thành thật nhiều từ nghề nghiệp đến cuộc sống. Vì vậy, kỷ niệm một thời của các bạn không chỉ có vị đắng của gian khó mà còn và quan trọng hơn là vị ngọt của tình người và sự khẳng định giá trị bản thân.

Thời điểm các bạn đến Quảng Trị là lúc trên mảnh đất hoang tàn, đổ nát này, Đảng bộ và nhân dân đang quyết tâm xây dựng một nền giáo dục mới: Giáo dục cách mạng. Biết bao khó khăn bủa vây nhưng ngặt nghèo nhất là việc thiếu trầm trọng đội ngũ giáo viên. Giáo chức cũ ở lại không tới 20 người. Đào tạo mới thì chưa thể vì chưa có “đầu vào”. Đã đào tạo cấp tốc của cấp tốc: 3 + 7 (lớp 3 học 7 ngày) nhưng số lượng quá ít và cũng chỉ để dạy xóa mù chữ. Không có thầy thì không thể mở trường lớp. Đã có một câu chuyện thật phản ánh thực trạng ngày ấy, đó là ông Trưởng ty Văn hóa (nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) đã trở thành giáo viên xóa mù chữ. Số là khi về công tác tại Triệu Độ, ông thấy địa phương cần mở lớp xóa mù chữ nhưng không có thầy. Trên đò đi lên, ông đã gặp một bà cụ đi chợ bán gà. Hỏi, thì cụ đáp: “Nhà tôi nuôi được hai con gà này, giờ tôi phải đi học xóa mù nên phải bán đi để mua cái kính sáng”. Nhà văn nói với chúng tôi: “Mình làm văn hóa đứng trước cái tâm thức văn hóa của dân như vậy không thể không hành động”. Thế là hơn một tháng ông Trưởng ty Văn hóa đêm nào cũng đi dạy xóa mù. Điều hạnh phúc lớn đối với Quảng Trị khi Bộ đã có một quyết định hợp lý và đầy trách nhiệm là điều động hơn 700 giáo viên từ các tỉnh miền Bắc chi viện cho giáo dục Quảng Trị. Có đội ngũ giáo viên, hình hài nền giáo dục mới nhanh chóng hình thành. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ bậc học mầm non đến trung học đệ nhị và các loại hình học bổ túc văn hóa đã sớm ra đời. Rõ ràng là đội ngũ giáo viên chi viện này là những người lặng lẽ đào móng, đắp nền cho nền giáo dục Quảng Trị ở thời điểm cam go nhất. Chính họ là những người đã nâng cao dân trí cho toàn dân, trực tiếp cung cấp nguồn nhân lực cho sự phát triển. Hầu hết cán bộ xã, khá đông cán bộ huyện và một số cán bộ tỉnh đã đi lên từ những mái trường này. Công lao đó thật sự to lớn! Sự cống hiến đó thật có ý nghĩa! Tôi nghĩ rằng tượng đài trong lòng người cũng rất quan trọng. Trong lòng người Quảng Trị nói chung và trong lòng những người làm giáo dục Quảng Trị nói riêng đã có một tượng đài về những người giáo viên - chiến sĩ chi viện đó. Bởi vì xét đến cùng: Ý nghĩa của đời sống chính là khi ta làm được những điều hữu ích. Các bạn đã có một thời sống và cống hiến đầy hữu ích mà người dân Quảng Trị không thể nào quên.

Để có một bức tranh về sự trưởng thành và những thành tựu của giáo dục Quảng Trị, đó là niềm vui, niềm tự hào của tất cả chúng ta và cũng là quà tặng tinh thần đầy ý nghĩa cho những người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nền giáo dục này. Bây giờ dù không có điều kiện để trực tiếp đóng góp cho những thành tựu giáo dục cho vùng đất ân nghĩa này, nhưng chính nhờ nền móng mà các bạn đã góp phần xây dựng trước đây cùng với tấm gương sáng đầy thuyết phục mà các bạn đã dâng hiến thì chắc chắn sẽ còn là cơ sở, là động lực quan trọng cho sự phát triển giáo dục Quảng Trị hôm nay và mai sau.

T.S.T

Trương Sĩ Tiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 290 tháng 11/2018

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground