Dân làng Trung Yên (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) xem sắc phong như bảo vật linh thiêng của cả cộng đồng, được gìn giữ bảo vệ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. - Ảnh: N.T
Điền dã ở một số làng xã vùng Quảng Trị, chúng tôi may mắn được tiếp cận với các đạo sắc phong và nhận thấy đây là cổ vật quý, vừa chứa đựng giá trị lịch sử và văn hóa, vừa chứa đựng giá trị tâm linh. Các vị thần được ban sắc phong đã trở thành các vị thần ở làng và được nhân dân tôn kính, thờ phụng.
“Căn cước” của làng
Vùng đất Quảng Trị trải qua các cuộc chiến tranh ác liệt và chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt, đến nay sắc phong còn lại không nhiều. Đây là điều rất đáng tiếc. Phần lớn các đạo sắc được lập dưới thời các vua Nguyễn. Có 1 đạo sắc được xác định có từ thời Lê (năm 1578) và 2 đạo sắc có từ thời Tây Sơn (năm 1793 và 1795). Thực tế, trong nhiều làng xã, dòng họ, gia đình vẫn còn đang cất giữ sắc phong nhưng chưa được điều tra nên số lượng có thể còn nhiều hơn.
Sắc phong ở Quảng Trị có hai loại chính. Loại thứ nhất là sắc phong nhân vật do nhà vua các triều đại phong kiến dùng để phong chức tước cho các quan lại, quý tộc, người có công. Loại này không còn nhiều và thường do các dòng họ, gia đình lưu giữ nên không phổ biến ra công chúng. Loại thứ hai là sắc phong thần cho các vị thần (có thể là nhiên thần, thiên thần hoặc nhân thần) là tài sản chung của cả cộng đồng làng xã nên thường được cất giữ tại các đình, chùa, đền, miếu. Loại sắc phong này còn được bảo tồn khá nhiều ở các làng, xã trong tỉnh.
Các sắc phong thần thường được viết trên một mặt của tờ giấy dó hình chữ nhật màu vàng nhạt, kích thước dài 130 cm, rộng 50 cm. Mặt trước được trang trí hoa văn long ẩn vân thếp nhũ bạc, điểm xuyết xung quanh là hình những chấm tròn biểu trưng cho những vì tinh tú. Bốn góc và chính giữa mép trên trang trí hoa văn chữ Thọ lồng trong khung hình chữ nhật, hoa văn hình chữ S và những áng mây. Bên phải là toàn văn bản sắc phong viết bằng chữ Hán theo lối chữ chân rất rõ ràng, dễ đọc. Bên trái là dòng lạc khoản ghi niên đại và dấu triện đỏ Sắc mệnh chi bảo, Phong tặng chi bảo.
Nội dung sắc phong chỉ có khoảng hơn 100 chữ ghi về địa chỉ nơi được ban sắc phong, tên gọi của thần, lý do thần được ban sắc hoặc nâng cấp phẩm trật, trách nhiệm của thần đối với dân sở tại, trách nhiệm của dân đối với thần, sau đó là thời gian phong sắc, niên hiệu và đóng quốc ấn của triều đình. Cũng trong đạo sắc phong, nhà vua giao cho các vị thần che chở bảo hộ con dân của ngài và cho phép các địa phương chính thức tôn thờ những vị thần bản địa của mình.
Đối với mỗi làng xã, sắc phong thần là nguồn tư liệu quý và linh thiêng vì gắn liền với lịch sử và đời sống tâm linh của người dân. Những vị thần và những người được vua phong thần thông qua sắc phong đã được người dân tín ngưỡng, thờ phụng. Đồng thời, niên đại được ghi trên sắc phong là niên đại chính xác, đáng tin cậy cho phép khẳng định rõ ràng lịch sử lập làng, lịch sử hình thành dân cư, dòng họ, lịch sử khai khẩn. Chính vì thế, sắc phong cũng có ý nghĩa như một văn bia hay “thẻ căn cước” của làng. Sắc phong làng nào thì tốt nhất ở làng ấy lưu giữ vì đấy mới là chủ nhân của sắc phong thực sự. Người khác giữ thì không thể tốt bằng. Cầm sắc phong của làng khác cũng như cầm giấy tờ của người khác. Treo sang đình làng khác nó cũng không có giá trị.
Đạo sắc phong cổ gần 200 năm tuổi tại đình làng Trung Yên (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong). Bề mặt của sắc phong vẫn còn rõ chữ và dấu ấn triện của nhà vua. - Ảnh: N.T
Bảo vật linh thiêng của làng
Đối với các làng xã thì đạo sắc phong thể hiện những giá trị về văn hóa và tâm linh. Vì vậy, nhiều nơi, khi bị mất đi sắc phong thì họ cảm thấy như mất đi phần hồn của làng và đời sống tâm linh bị ảnh hưởng. Chính vì thế, việc gìn giữ sắc phong như một trách nhiệm để giữ lại sự linh thiêng cho làng.
Làng Hà Lộc (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng) nằm ở bờ bắc sông Ô Lâu là một ngôi làng cổ phong cảnh hữu tình. Cùng với lịch sử lập làng lâu đời cách đây gần 500 năm trước, người làng còn tự hào về ngôi đình linh thiêng đang cất giữ 28 sắc phong do các vua Nguyễn ban tặng và nhiều tập địa bạ, khế ước. Coi sắc phong là bảo vật, dân làng quyết tâm giữ gìn bảo vệ đến cùng với tinh thần “làng còn thì sắc phong còn”.
Trong chiến tranh, đình làng Hà Lộc đã bị đốt phá nhiều lần, thế nhưng giặc không thể đốt, cướp các sắc phong là nhờ người làng di tản kịp thời, đến khi bình yên mới đem về làng. Trước đây các sắc phong được cất giữ ở nhiều nơi, có khi được mang về cất tại nhà của những người trông nom đình làng. Mùa lũ lụt thì sắc phong được thỉnh đến vị trí cao nhất trong làng để tránh nước. Hiện tại sắc phong được bảo quản trong ngôi đình làng để thờ phụng và hương khói tôn nghiêm. Dân làng cũng cẩn thận bọc nhựa số sắc phong để phòng mối mọt rồi cho tất cả vào một chiếc rương, khóa cẩn mật. Sợ mất trộm khi lưu giữ tại đình nên làng đã bầu ra một thủ sắc (người trông nom sắc phong). Người được bầu vào vị trí này phải là người có uy tín với cộng đồng và đạo đức trong sáng.
Làng Trung Yên, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn 19 đạo sắc phong. Trong đó sắc phong cổ nhất được ban năm 1826 thời vua Minh Mạng đời thứ 7, đến nay đã ngót 2 thế kỷ nét vàng son vẫn tươi nguyên trên nền giấy cũ. Các sắc phong được ép nhựa, cuộn tròn đặt trong tráp gỗ và treo lên mái đình đề phòng lũ lụt, mất trộm. Các cụ cao niên trong làng phân công một người giữ chìa khóa tráp đựng sắc phong cẩn thận, chỉ khi nào có việc hệ trọng mới được thỉnh xuống.
Hằng năm vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, làng Trung Yên tổ chức lễ giỗ chung các vị thần có công của làng tại ngôi đình làng. Người dân tập trung đông đủ để cử hành lễ giỗ cầu mong các vị thần linh phò hộ độ trì cho mưa thuận gió hòa, xóm làng an yên, con cháu học hành đỗ đạt. Cùng với lễ giỗ, các cụ cao niên sẽ thực hiện nghi lễ “khai sắc”, trao truyền lại cho con cháu tính thiêng của sắc phong. Nếu con cháu tin vào tính thiêng liêng của sắc phong, biết trân trọng thì mỗi người sẽ tự giác giữ gìn, không ai có thể lấy đi và đánh đổi được. Chính sự trao truyền ấy là cách giữ gìn sắc phong hiệu quả nhất mà không một hòm khóa bảo vệ nào chắc bền được như vậy.
Câu chuyện bảo tồn sắc phong của những ngôi làng cho chúng ta một niềm tin, di sản văn hóa tốt đẹp của những ngôi làng đang được gìn giữ và tôn vinh. Bởi khi giữ gìn được sắc phong, làng quê như được giữ lại linh hồn, để các vị thần che chở, bao bọc con dân cho nhiều thế hệ được tiếp nối, phát triển bền vững.