Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thành Hoàng hay Thần Hoàng

Đ

ầu xuân Mậu Tý này, nhân một cuộc gặp mặt mừng năm mới với đồng hương, tôi được nghe phản ánh một chuyện liên quan đến văn hoá rất thú vị. ở một làng nọ có ngôi miếu Thành hoàng được công nhận là di tích văn hoá cấp tỉnh. Bằng công nhận đã chuyển về hai năm rồi nhưng dân làng chưa tổ chức đón nhận và đang có nguyện vọng muốn vào tỉnh để đổi lại bằng khác. Lý do là vì trong bằng ghi: Miếu Thành hoàng mà theo các cụ bô lão của làng đáng lẽ phải ghi là miếu Thần hoàng. Họ hỏi tôi thủ tục xin đổi lại bằng thế nào, tôi nói chuyện đó không có gì khó, chỉ cần phòng Văn hoá huyện vào gặp Trung tâm quản lý di tích hoặc phòng quản lý văn hoá của Sở, họ sẽ giúp đỡ. Vấn đề là, bằng chứng nhận di tích của tỉnh viết như thế có sai không?

Thú thực lúc mới nghe tôi cũng hơi lúng túng. Bởi lâu nay cách dùng từ quen thuộc là Thành hoàng, nhưng nay nghe các cụ muốn đổi lại là Thần hoàng, tự nhiên thấy cũng không sai, bởi chính cái miếu đó là để thờ thần kia mà. Khi về đến nhà tôi vội mở Internet lục lọi… May quá, nhờ cái công nghệ viễn thông mà cái gì cũng có và mau lẹ. Hôm nay nhân tháng rộng ngày dài, xin được hầu chuyện các cụ.

Có đến hàng ngàn tư liệu liên quan đến cụm từ này. Tôi chỉ xin trích vài chỗ thôi và xin nói rõ là từ đây về sau, những chỗ trích dẫn, tôi sẽ cóp nguyên văn bản, nghĩa là những từ Thành hay Thần có trong bản trích là nguyên bản gốc không phải do tôi chép lại.

Trước hết là Từ điển Bách khoa toàn thư mở, tìm ở mục Thành Hoàng:

Thành Hoàng bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Thành hoàng,còn gọi là Thành hoàng làng hay Thành hoàng, là danh từ chung để chỉ vị thần được thờ trong một làng xã Việt Nam. Trong phạm vi gia đình, người Việt thờ tổ tiên và vài vị thần như Táo công, Thổ công, Thần tài… ở phạm vi làng xã, người Việt thờ Thành Hoàng. Giống như Táo công và Thổ công, Thành hoàng cai quản và quyết định hoạ phúc của một làng. Gần như không có làng nào ở Việt Nam không có Thành hoàng.

Những người được thờ thường là những người có tên tuổi và địa vị, có công lao đối với làng đó. Tuy nhiên một số làng còn thờ những nhân vật có lý lịch không “hay ho” gì như trẻ con, ăn xin, ăn mày, có thể vì họ đã chết vào “giờ thiêng” hay có thể vì một truyền thống xa xưa của làng. Đôi khi Thành hoàng không phải là một nhân vật lịch sử trong làng mà có thể là một sinh vật siêu phàm.

Như vậy là, Thành hoàng là danh từ chung để chỉ các vị thần khác nhau do các địa phương khác nhau thờ cúng. Hay nói cách khác, là một chức danh, một chức tước được phong, cũng tương đương như chức Thổ công hay Thổ địa, Táo công… Như vậy một ông thần, có thể được giao cho chức vụ gì thì gọi tên chức vụ đó, có khi gọi đầy đủ, có khi gọi tắt. Ví dụ: Thần Thổ địa (gọi đầy đủ) hay Thổ địa (gọi tắt). Minh chứng cho điều này, lại xin cóp ra một đoạn trong một từ điển khác có tên là cao đài từ điển:

- Trong mục: Thành có cụm từ: Thành hoàng thần

- A: The tutelary spirit of a city.

P: Le gésnie tutélaire d’un cité.

Thành:Bức tường bao quanh, thành thị. Hoàng: ao cạn trong thành. Thần: vị Thần.

Thành hoàng đồng nghĩa Thành hào, là cái thành có mương đào chung quanh

Thành hoàng Thần là vị Thần có trách nhiệm ủng hộ (về phương diện thiêng liêng) dân chúng sống trong một cái thành, trong một thị trấn, hay trong một vùng dân cư.

Thành hoàng Thần được nói tắt là Thành hoàng. Nếu Thành hoàng ủng hộ dân chúng trong một làng, một xã thì gọi là Thần hoàng bổn cảnh. (Xem thêm: Thần hoàng bổn cảnh).

Thành hoàng phần lớn là được công nhận qua các sắc phong của vua trong các triều đại phong kiến.

Hai Thành hoàng làng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là Phù Đổng Thiên Vương (hay Thánh Gióng) và Trần Hưng Đạo.

Còn đây nữa là đoạn trích trong Bách khoa toàn thư (khác với BKTT mở).

Thành Hoàng:

Thần chủ được tôn vinh theo tín ngưỡng thờ thần của cộng đồng cư dân làng xã Việt Nam truyền thống. Có Nhân thần (nhân vật có thật được suy tôn). Nhiên thần (nhân vật trong huyền thoại được suy tôn). Nói chung, Thành hoàng thường là những vị có công với nước chống giặc ngoại xâm, có công khai hoang lập ấp, đem những ngành nghề mới dạy cho dân làng làm kế sinh nhai; đem lại sự thịnh vượng cho làng xã. Vì vậy, cũng thường được gọi là Phúc Thần. Không phổ biến nhưng cũng có địa phương thờ những nhân vật trước đây khi chết gặp giờ linh. Sau đó, dân làng lại gặp những “tai ương hoạ chướng” nên sợ mà lập đền thờ. Thông thường, Đức Thành hoàng thường được thờ tự tại một ngôi đình (hoặc đền). Khi làng tổ chức lễ tế tự, vào đám thường có hình thức diễn xướng lễ hội kèm theo.

Đức Thành hoàng là “vị chỉ huy tối cao” không chỉ trong lĩnh vực tâm linh mà còn trong cả lĩnh vực đời sống thực của cư dân làng xã truyền thống. Ngày nay, nghi lễ thờ cúng các Đức Thần hoàng gắn với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc vẫn được duy trì và là một nét đẹp trong việc bảo lưu các giá trị của nền văn hoá Việt Nam.

Tuy nhiên cũng trên sách vở, báo chí hoặc trên mạng Internet tôi cũng có thể trích dẫn rất nhiều văn cảnh được các tác giả ghi là Thần hoàng. Đơn cử là tích Trạng Quỳnh vợ ốm, cầm hai quả trứng ra cúng xin Thần hoàng: “Chú là kẻ cả trong làng/ ta là người sang ngoài nước/ hai bên chức tước/ chẳng kém chi nhau…”

Lại có nhiều trường hợp cùng một văn cảnh mà ở sách này nói Thành hoàng, sách khác lại gọi là Thần hoàng. Đơn cử như việc giải thích danh từ: Thần hoàng bổn cảnh.Cao Đài từ điển (sách đã dẫn ở phần trên) thì giải thích, vị Thành hoàng nào ủng hộ cho một địa phương cụ thể nào đó thì tại nơi đó Thành hoàng được tụng là Thần hoàng bổn cảnh. Tuy nhiên, cũng lại có khá nhiều bài ở các sách khác vẫn gọi Thành hoàng bổn cảnh.

Tóm lại, theo thiển ý của tôi, cách giải thích của các loại từ điển đã dẫn ở trên cơ bản đã rõ. Thành hoàng được hiểu như là chức vụ của một vị thần khi “được giao” phụ trách việc phù hộ cho một địa bàn nào đó. Vì vậy mà tên gọi Thành hoàng dùng trong các loại văn cảnh: Miếu Thành hoàng, thờ Thành hoàng, hay Thành hoàng của làng A là vị thần X… là chính xác. Tuy nhiên, vì chức vụ nó gắn với vị thần cụ thể, nên trong dân gian do thói quen nói tắt, rất nhiều trường hợp người ta gọi miếu Thần hoàng, thờ Thần hoàng… cũng chẳng có gì sai cả.

 

          X.Đ

 

Xuân Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 164 tháng 05/2008

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/04

25° - 27°

Mưa

18/04

24° - 26°

Mưa

19/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground