Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thơ Ngự chế của vua Thiệu Trị ở Quảng Trị

1. Mở đầu

Ngự chế Bắc tuần thi tập là tập thơ ghi lại quá trình tuần hành ra miền Bắc của vua Thiệu Trị. Mỗi khi đi qua địa phương nào, lúc nghỉ ngơi, khi thăm thú phong cảnh, ban ơn cho dân ở các địa phương vua đều có làm thơ ghi lại.

Mỗi một địa phương ít nhất vua cũng làm vài bài thơ ghi lại phong cảnh, sự tích địa danh, cảm xúc cá nhân về vùng đất ấy, vì vậy, khi nghiên cứu về địa danh học, địa chí thì nhiều bài thơ của vua Thiệu Trị sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến địa phương. Trên thực tế, mỗi địa phương trước kia đều có bia đá khắc thơ tại di tích mà vua dừng chân nghỉ lại, tuy nhiên đến ngày nay nhiều bài văn bia trên thực địa hoặc trên các hành cung vì nhiều lí do đã không còn nữa, nhưng có thể căn cứ vào tập thơ này để nghiên cứu phục chế nhiều văn bia bị vỡ, bị sứt  trên thực địa hiện còn đến nay. Hơn nữa, khi vua cho khắc các bài thơ này trên bia đá để lưu lại các nơi, thì chính sử triều Nguyễn cũng đã ghi lại. Ngự chế Bắc tuần thi tập xứng đáng là tập nhật ký bằng thơ ghi lại tâm trạng của vua Thiệu Trị. Trong bài biểu của đình thần dâng sách có đoạn: 聖祖仁皇帝丕平之會賁飭鴻猷節奉聖駕北巡, 儀文日盛, 內綏德致, 外睦鄰交, 民生于茲, 歌詠聖澤, 去年春奉我皇上率遵成憲載舉彝章輦路所臨, 芳風普被, 九郡之江山生色, 三春之花草增妍. 察吏觀民… (Thánh tổ Nhân Hoàng đế phỉ bình chi hội, bí sức hồng du, tiết phụng Thánh giá Bắc tuần, nghi văn nhật thịnh, nội tuy đức trí, ngoại mục lân bang, dân sinh vu tư, ca vịnh thánh trạch, khứ niên xuân phụng ngã hoàng thượng, suất tuân thành hiến, tải cử di chương, liễn lộ sở lâm, phương phong phổ bị, cửu quận chi giang sơn sinh sắc, tam xuân chi hoa thảo tăng nghiên, sát lại quan dân…).

Dịch nghĩa: Thánh Tổ Nhân Hoàng đế kế thừa sự nghiệp, sửa sang cơ đồ rực rỡ, kính vâng Bắc tuần, lễ nghĩa ngày càng đầy đủ, trong nước thì yên ổn, bên ngoài thì hòa mục với láng giềng, dân sống nơi đâu đều ca tụng ân trạch như thánh, mùa xuân năm ngoái Hoàng thượng ta noi theo phép cũ, đề cao điển lệ, ngự giá các nơi, giáo hóa rộng khắp, sông núi khắp chín quận tươi đẹp, hoa cỏ mùa xuân càng rực rỡ, kiểm tra quan lại, thăm nom dân chúng... Qua ghi chép của bài biểu, có thể nhận thấy rõ mục đích của chuyến Bắc tuần. Vua Thiệu Trị đã noi theo vua cha noi theo phép cũ để Bắc tuần ngự giá các địa phương, vừa để nắm bắt dân tình, xem xét các địa phương, thi ân rộng khắp, kiểm tra quan lại các địa phương.

Những bài thơ viết về Quảng Trị nằm trong quyển 1 sách Ngự chế Bắc tuần thi tập. Sách được in năm 1844, sách Đại Nam thực lục cho biết: Tập thơ Ngự chế Bắc tuần khắc xong, ban cấp cho hoàng tử, hoàng thân, các quan văn võ và các quan ở các tỉnh về chầu, cùng phủ Thừa Thiên, trường Quốc tử giám, học chính các tỉnh đều 1 tập. Theo Mộc bản triều Nguyễn - Đề mục tổng quan thì Ngự chế Bắc tuần thi tập, kí hiệu H77/1-6, gồm 5 quyển, tổng cộng còn 190 tờ bao gồm các kí hiệu sau: H77/1 quyển thủ còn 46 tờ, gồm Biểu, Mục lục; kí hiệu H77/2 quyển 1, còn 29 tờ; kí hiệu H77/3 quyển 2, còn 30 tờ; kí hiệu H77/4 quyển 3, còn 29 tờ; kí hiệu H77/5 quyển 4 còn 28 tờ; kí hiệu H77/6 quyển 5 còn 28 tờ. Sách được các đại thần Hoàng Tế Mỹ 黃濟美, Nguyễn Bá Nghi 阮伯儀, Nguyễn Cửu Trường 阮久長, Lê Bá Đĩnh 黎伯挺 viết biểu.

2. Nguyên văn các bài thơ Ngự chế về Quảng Trị

Để khai thác giá trị nội dung của những bài thơ của vua Thiệu Trị viết về Quảng Trị, chúng tôi xin được cung cấp toàn văn phần chữ Hán, phần dịch nghĩa các bài thơ này. Hy vọng những thông tin trong các bài thơ có thể phần nào đánh giá được giá trị của những bài thơ này.

Bài 1 (Quyển 1, tờ 11)

金堆凉亭艤船小憩

歷過鄉村外

縈迴洲渚中

午鐘傳慧雨 (金堆社寺名 )

水榭送春風

少海澄波白 (三江海而 )

清流蘸日紅

蘭橈來小憩

休暇艤朦艟

Kim Đôi lương đình nghỉ thuyền tiểu khế

Lịch quá hương thôn ngoại 
Oanh hồi châu chử trung 
Ngọ chung truyện tuệ vũ (Kim Đôi xã tự danh)
Thuỷ tạ tống xuân phong 
Thiểu hải trừng ba bạch (Tam Giang Hải Nhi)
Thanh lưu tiếu nhật hồng
Lan nhiêu lai tiểu khế
Hưu hạ nghĩ mông đồng 

Dịch nghĩa

Dừng thuyền nghỉ ngơi ở lương đình Kim Đôi

Trải qua khắp bên ngoài thôn xóm

Chạy xung quanh qua vùng bãi giữa

Giữa trưa tiếng chuông chùa truyền đến (tên chùa xã Kim Đôi)

Nơi thủy tạ đưa tiễn gió xuân

Biển Hải Nhi sóng lặng trắng tinh (Tam Giang Hải Nhi)

Dòng nước trong thấm dưới ánh mặt trời

Khua chèo lan đến tiểu đình nghỉ ngơi

Khi nhàn rỗi bèn thả thuyền đi.

Bài 2 (Quyển 1, tờ 11-12)

大祿行宮夜泊

幾許修長小海程

艤來行殿已初更

矇矓樹色連天接

盡是鄉村屋比盈

Đại Lộc hành cung dạ bạc

Kỷ hứa tu trường tiểu hải trình 
Nghỉ lai hành điện dĩ sơ canh 
Mông lung thụ sắc liên thiên tiếp 
Tận thị hương thôn ốc tỷ doanh 

Dịch nghĩa

Dừng thuyền nghỉ đêm ở hành cung Đại Lộc

Mấy phen thay đổi hải trình đoạn dài đoạn ngắn

Dừng thuyền đi đến hành cung đã đầu canh

Sắc cây cỏ mông lung trải khắp bầu trời

Tất thảy thôn xóm nhà sát nhà.

Bài 3 (Quyển 1, tờ 12)

大祿行宮曉發泛相得

舟觀禾因隨適小試鳥鎗

輕輕舟楫不須催

利涉誠為相得哉

煙散鄉村沿海渚

時調禾穀茂田垓

偶然弋鳥皆隨獲

豈是從禽為此來

暗喜三農堪望歲

吾民益見樂生涯

Đại Lộc hành cung hiểu phát tương đắc chu quan hòa nhân tùy thích tiểu thí điểu thương

Khinh khinh chu tiếp bất tu thôi 
Lợi thiệp thành vy tương đắc tai 
Yên tán hương thôn diên hải chử 
Thì điệu hoà cốc mậu điền cai 
Ngẫu nhiên dặc điểu giai tuỳ hoạch 
Khởi thị thung cầm vy thử lai 
Ám hỷ tam nông kham vọng tuế 
Ngô dân ích kiến nhạc sinh nhai 

Dịch nghĩa

Buổi sáng sớm từ hành cung Đại Lộc đi thuyền ngắm lúa nhân đó thích thử súng săn

Khua nhẹ mái chèo không thúc giục

Lợi về đường đi thành thật cùng nhau phối hợp

Làng xóm khói tan men theo bờ biển

Thời vụ điều hòa ruộng lúa tốt tươi

Ngẫu nhiên bắn chim tùy tùng đều thu được

Há chăng là chim theo đến nơi này

Ngầm vui với tam nông trông mong năm được mùa

Để dân ta thêm phần vui với cuộc sống sinh nhai.

Bài 4 (Quyển 1, tờ 14)

抵廣治津次行宮

纔收錦纜落斜陽

天曠江清夜色光

半倚竹叢行殿敞

橫臨水際小亭凉

市廛隔岸人聲鬧

城郭當轅衛士強

湊巧春風催玉漏

東君護蹕早觀方

Để Quảng Trị tân thứ hành cung 

Tài thu cẩm lãm lạc tà dương 
Thiên khoáng giang thanh dạ sắc quang 
Bán ỷ trúc tùng hành điện sưởng 
Hoành lâm thuỷ tế tiểu đình lương 
Thị triền cách ngạn nhân thanh náo 
Thành quách đương viên vệ sĩ cường 
Thấu xảo xuân phong thôi ngọc lậu 
Đông quân hộ tất tảo quan phương

Dịch nghĩa

Đến hành cung ở bến sông tỉnh Quảng Trị

Mới thu dây neo ánh chiều tà chiếu xuống

Trời rộng sông trong cảnh đêm sáng

Nửa dựa bụi trúc hành cung rộng rãi

Cầu ngang bên nước bên đình nhỏ hóng mát

Chợ cách bờ xa tiếng người náo nhiệt

Thành quách xe vua vệ sĩ khỏe khoắn

Chính lúc gió xuân thổi thúc giục mùa xuân tươi đẹp

Ánh mặt trời giúp cho xa giá sớm đi đến.

Bài 5 (Quyển 1, tờ 18)

梅舍行宮來歇

不屑驅驢訪岸梅

輕移彩舫襯香來

幾回夕照澄江練

誰是星光色色皚

Mai Xá hành cung lai yết

Bất tiết khu lư phỏng ngạn mai 
Khinh di thái phảng sấn hương lai 
Kỷ hồi tịch chiếu trừng giang luyện 
Thuỳ thị tinh quang sắc sắc ngai 

Dịch nghĩa

Đến nghỉ ở hành cung Mai Xá

Chẳng thèm rong ruổi nữa đến hỏi hoa mai bên bờ

Thuyền đi nhè nhẹ hương thơm bay đến vạt áo

Mấy lần ánh mặt trời chiếu xuống, dòng sông lắng đọng nước trong vắt

Cái gì là ánh sáng của ngôi sao, sắc trắng đầy trời.

Bài 6 (Quyển 1, tờ 19)

時和行殿日中小泊

不寒不煖值陰晴

欸乃歡呼歷遠程

兩岸茸茸鋪綠罽

可知氣豫麥苗榮

Thời Hòa hành điện nhật trung tiểu bạc

Bất hàn bất noãn trị âm tình 
Ai nãi hoan hô lịch viễn trình 
Lưỡng ngạn nhung nhung phô lục kế 
Khả tri khí dự mạch miêu vinh 

Dịch nghĩa

Trong ngày dừng thuyền ở hành cung Thời Hòa

Không lạnh không nóng gặp lúc trời tạnh ráo mát mẻ

Hoan hô cổ vũ chèo thuyền vừa trải qua một hành trình dài

Hai bên bờ lá non phô vẻ xanh ngắt như dệt

Dự đoán có thể biết được lúa mạch tươi tốt.

Bài 7 (Quyển 1, tờ 16)

石捍江

屈曲源頭山路賒

分支迴繞水三义

輕敲細練噓真汞

澄湛清流落彩霞

馥馥也難爭腦麝

涓涓頓覺露銀沙

江千竹影疏枝畔

隱約漁庄四五家

Thạch Hãn giang

Khuất khúc nguyên đầu sơn lộ xa
Phân chi hồi nhiễu thuỷ tam nghĩa
Khinh xao tế luyện hư chân hống
Trừng trạm thanh lưu lạc thái hà
Phức phức dã nan tranh não xạ
Quyên quyên đốn giác lộ ngân sa
Giang thiên trúc ảnh sơ chi bạn
Ẩn ước ngư trang tứ ngũ gia

Dịch nghĩa

Sông Thạch Hãn

Đầu nguồn sông quanh co gấp khúc bắt nguồn từ đường núi xa

Phân chia dòng nhánh quẩn quanh, nước chảy ba dòng

Sóng nhẹ trắng xóa thanh âm

Nước sông trong vắt như in cả ráng chiều trên sông

Hương thơm phức cũng khó sánh với xạ hương

Nước sông sạch sẽ cảm giác như sương dòng Ngân Hà

Ngàn bóng trúc in trên sông bày khắp bờ

Trên dòng sông không rõ có bốn năm nhà làm nghề đánh cá.

Bài 8 (Quyển 1, tờ 16-17)

過愛子江述古

晚泛輕舟過碧潯

江山感昔鉞旄臨

神功締造千秋在

聖武昭垂萬古欽

助順聲聲湫浪異

效靈陣陣賊船沈

河千廟貌傳香火

風動波鳴護國心

Quá Ái Tử giang thuật cổ

Vãn phiếm khinh chu quá bích tầm 
Giang sơn cảm tích việt mao lâm 
Thần công đế tạo thiên thu tại 
Thánh võ chiêu thuỳ vạn cổ khâm 
Trợ thuận thanh thanh tưu lãng dị 
Hiệu linh trận trận tặc thuyền trầm 
Hà thiên miếu mạo truyện hương hoả 
Phong động ba minh hộ quốc tâm 

Dịch nghĩa

Qua sông Ái Tử thuật lại việc xưa

Chiều muộn thuyền nhẹ lướt sóng xanh

Cảm kích việc núi sông xưa binh khí cờ rơi xuống

Công lao thần tạo mãi mãi còn ghi nơi này

Lời răn dạy của Võ Thánh muôn vạn năm còn vâng mệnh

Tiếng trợ giúp còn vang vọng sóng mát lạ thường

Trận trận linh thiêng nhấn chìm tàu giặc

Miếu mạo sông linh còn truyền hương hỏa

Gió lay động sóng gào bảo vệ đất nước.

Bài 9 (Quyển 1, tờ 18)

湖舍津次小棚夜憩

泛彼雕篷歷四天

艤來休暇小棚邊

省方畿輔知淳厚

察吏邊疆且向前

Hồ Xá tân thứ tiểu bằng dạ khế

Phiếm bỉ điêu bồng lịch tứ thiên 
Nghỉ lai hưu hạ tiểu bằng biên 
Tỉnh phương kỳ phụ tri thuần hậu
Sát lại biên cương thả hướng tiền 

Dịch nghĩa

Nghỉ đêm ở nhà nhỏ bến Hồ Xá

Thả thuyền buông rèm trải qua khắp nơi

Dừng thuyền nghỉ ngơi bên nhà nhỏ

Xem xét dân tình nơi xung quanh kinh kỳ biết được dân thuần tục phác

Dạy bảo quan lại nơi biên cương luôn hướng về phía trước.

Bài 10 (Quyển 1, tờ 18)

別湖舍由陸作

廉纖灑道不興塵

條轉晴凉趁曉春

野廣天低青靄樹

Biệt Hồ Xá do lục tác

Liêm tiêm sái đạo bất hưng trần 
Điều chuyển tình lương sấn hiểu xuân 

Dã quảng thiên đê thanh ái thụ

田深水長綠抽茵

鄉村段落迎行旅

里路修長快步人

弗忍施工挑小澗

縱勞一已樂吾民

Điền thâm thuỷ trưởng lục trừu nhân 
Hương thôn đoạn lạc nghinh hành lữ 
Lý lộ tu trưởng khoái bộ nhân 
Phất nhẫn thi công khiêu tiểu giản 
Tung lao nhất dĩ nhạc ngô dân 

Dịch nghĩa

Làm thơ trên đường bộ từ biệt Hồ Xá

Mưa nhỏ lất phất đường không nổi bụi

Gió chuyển mát mẻ trời tạnh ráo đi trong sáng mùa xuân

Đồng ruộng mênh mông, trời cao trong xanh, khí mây bốc ca

Ruộng sâu sông dài một dải xanh như trải đệm

Từng làng từng xóm nghênh đón đoàn xe loan

Dặm đường còn dài người mau rảo bước

Chẳng đợi thi công khơi dòng nhỏ

Bỏ đi nỗi nhọc nhằn để dân ta được yên vui.

3. Giá trị lịch sử về việc xây dựng các hành cung

Khi nghiên cứu về Quảng Trị thời vua Thiệu Trị, thông qua tư liệu Hán - Nôm có thể giúp khám phá rất nhiều những thông tin bổ ích, phục vụ cho quá trình nghiên cứu. Đối với việc nghiên cứu di tích các hành cung ở nơi đây, có thể thông qua tư liệu chính sử, hoặc căn cứ vào các thông tin trong thơ ngự chế của vua Thiệu Trị.

Việc xây dựng hành cung dọc đường thiên lý thủy bộ bắt đầu từ thời vua Gia Long. Theo quy định cứ 4.000 trượng dựng một sở hành cung từ Hà Nội đến Quảng Trị.  

Đến năm Thiệu Trị thứ nhất, vua dụ rằng: sang năm vua đi tuần miền Bắc, hành cung ở ven đường bộ và đường thủy phải nên dự xem xét địa thế trước, để cho được chu đáo ổn thỏa.

Đối với việc nghiên cứu về địa danh học khu vực tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là những nơi vua dừng chân khi Bắc tuần thì những bài thơ do chính vua sáng tác thực sự có giá trị. Mặc dù trên thực địa có thể bia kỷ niệm không còn nhưng thông qua văn bản này có thể trùng tu, bổ khuyết lại những văn bia đã bị mất.

Hơn nữa, khi Bắc tuần vua lệnh cho các quan địa phương khắc các bài thơ này trên bia đá để lưu lại các nơi, khi quan Nội các dâng sớ tâu bày về việc này, sách Đại Nam thực lục cho biết: Khắc các bài thơ ngự chế khi Bắc tuần ở các địa phương. Quan Nội các dâng sớ nói: “Trộm nghĩ: núi cao, sông chảy ngang dọc trình bày, đó là văn của đất. Tiếng vàng tiếng ngọc, điều lý trước sau, đó là văn của thánh nhân. Nước ta, bờ cõi muôn dặm, núi sông thắng tích chỗ nào cũng có. Năm nay, ngự giá ra Bắc, thăm mùa màng, hỏi việc nông, xem dân tình, xét quan lại, làm phúc, ban ơn, dạy chính sự, sửa việc binh, phàm trải qua chỗ nào đều có thơ để ghi việc, tính được gồm 173 bài. Thí dụ như những bài “Sông Vĩnh Định”, “Sông Ái Tử” thì truy thuật công to lúc khai sáng, nào nghĩ tới sông Hà, sông Lạc khi xưa...”.

Những bài thơ được khắc trên bia hay không được khắc trên bia đều mang những giá trị và hàm ý khác nhau. Theo như lời đánh giá của quan Nội các thì mỗi bài thơ do vua làm như những áng văn truyền đến muôn đời, hoặc ghi trên tấm đá để trấn một phương. Mặc dù có rất nhiều bài vua làm không tạc trên bia đá, song đối với địa phương những tư liệu này cũng có nhiều giá trị. Vua xem sớ tâu, phê bảo rằng: Khi trẫm ra Bắc, trải xem các địa phương, coi đến núi sông mà nhớ ơn liệt thánh, mừng tục thuần mỹ mà mộ sự vẻ vang của triều xưa, không phải là chỉ ưa thích thơ văn mà thôi. Nhưng sơ thảo lần đầu, sợ chưa đủ để lại cho đời sau. Nay đã có lời xin thì giao cho các đại thần duyệt lại, tâu lên. Trương Đăng Quế, Vũ Duy Cẩn lại xin cho thi hành việc khắc. Vua bèn y cho. Bấy giờ mới chia định: bài “Sông Vĩnh Định”, bài “Sông Ái Tử” ở Quảng Trị”.

Như vậy, theo ghi chép của chính sử, khi Bắc tuần vua đã làm được 173 bài thơ trải khắp các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội. Trong số những bài thơ này được tuyển chọn 18 bài khắc vào bia đá các tỉnh hoặc khắc trên tường hành cung, biển ngạch treo lên.

Bên cạnh đó là việc xây dựng các hành cung để vua và đoàn hộ giá nghỉ ngơi, trên đường thiên lý đã cho xây 41 chỗ để vua nghỉ trưa và ngủ đêm. Công việc này đòi hỏi các quan địa phương phải khảo sát các địa điểm tốt và dựng hành cung. Vì vậy, từ những tư liệu trong thơ ngự chế, có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu phục dựng lại các hành cung mà vua đã từng dừng chân nghỉ ngơi trên đường Bắc tuần.

Theo Đại Nam thực lục: Từ phủ Thừa Thiên đến Hà Nội đặt nơi nghỉ trưa và ngủ đêm 41 chỗ: Kim Đôi, Đại Lộc, Trung Đan, tỉnh lỵ Quảng Trị,...

Việc xây dựng các hành cung trên đường thiên lý rất vất vả, nhận thấy việc đó nên vua đã lệnh ban thưởng cho các địa phương có xây dựng hành cung. Riêng ở Quảng Trị có các hành cung gồm cả đường thủy lẫn đường bộ, như: Quảng Trị Tân Thứ hành cung; Hồ Xá tân thứ; hành cung Thời Hòa; Kim Đôi lương đình; Đại Lộc hành cung.

Như vậy, có thể biết được việc xây dựng hành cung để phục vụ cho việc Bắc tuần, tùy từng địa phương và diện tích xây dựng khác nhau, thiết kế khác nhau. Tuy nhiên, theo ghi chép của chính sử việc xây dựng mỗi hành cung ở Quảng Trị cũng không dưới 100 quan.

Đại Nam thực lục cho biết: Sai bộ gửi kiểu mẫu đi các nơi, chủ yếu là phải làm cho chất phác. Thưởng tiền cho binh, dân làm việc nhiều ít có thứ bậc... thuộc địa phận các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An cộng 7 sở, mỗi sở tiền 120 quan; hành cung ở bến đò tỉnh lỵ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hưng Yên cộng 5 sở, đường thuỷ hành cung ngủ đêm: thuộc địa phận Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, tỉnh Thanh, Hà Nội, Hưng Yên cộng 7 sở, mỗi sở tiền 80 quan; hành cung nghỉ trưa, thuộc địa phận Thừa Thiên, Quảng Bình, tỉnh Thanh, Hưng Yên, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hà Nội cộng 11 sở, đều mỗi sở 50 quan…

Cả khi đi lẫn khi về, mỗi khi qua các hành cung các tỉnh vua đều có ban thưởng, chính vì bởi các quan, phu giúp việc làm việc vất vả, do đó vua đều có gia ân ban tặng tiền bạc cho các quan địa phương xây dựng hành cung.

Sách Đại Nam thực lục cho biết thêm: Lại những trạm trên đường bộ từ Quảng Trị ra Bắc, đường xe vua ra Bắc tuần qua đó, như trạm Tự Lập ở Quảng Trị...

Về quy định xây dựng và trang hoàng hành cung các tỉnh lỵ và hành cung dừng nghỉ ở các trạm đều có đặt cờ hiệu, cán dài 25 thước trở lên, lá cờ bằng vải vàng, dài 4 thước 6 tấc, rộng 3 thước 9 tấc 6 phân, rồi lấy vải đen cắt  4 chữ “某省某站 mỗ tỉnh mỗ trạm” (tỉnh nào trạm nào).

4. Giá trị nội dung qua thơ Ngự chế

Có thể nói, mục đích của vua Thiệu Trị khi xa giá Bắc tuần và dừng chân ở các địa phương đã rõ. Ngoài việc nghỉ ngơi, vua còn muốn dừng lại xem dân tình, ban ơn cho dân, an ủi dân xét quan lại, chỉnh binh nhung, làm tốt, gia ơn khắp tới dân chúng. Từ đó, vua vui mừng với cuộc sống no đủ, dân cư vui vẻ, ruộng vườn tốt tươi, chợ búa đông đúc. Đọc các bài thơ ở trên, như Nghỉ ở Hành cung Thời Hòa, vua đã ca ngợi mảnh đất này, mùa màng tươi tốt, ruộng nương rộng lớn.

Hai bên bờ lá non phô vẻ xanh ngắt như dệt

Dự đoán có thể biết được lúa mạch tươi tốt.

(Thời Hòa hành điện nhật trung tiểu bạc)

Còn gì vui hơn khi tâm trạng của nhà vua thấy cuộc sống của người dân được yên vui, phong tục thuần hậu, quan lại có chí hướng về phía trước.

Xem xét dân tình nơi xung quanh kinh kỳ biết được dân thuần tục phác.

Dạy bảo quan lại nơi biên cương luôn hướng về phía trước.

(Nghỉ đêm ở nhà nhỏ bến Hồ Xá)

Quảng Trị cũng là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích đã đi vào lịch sử, như sông Ái Tử, Thạch Hãn. Khi vua qua sông Ái Tử, nhớ đến việc xưa, thi hứng dâng trào. Bên cạnh đó cũng thuật lại để răn dạy cho đời sau biết được truyền thống cha ông, thể hiện lòng biết ơn vô hạn với tiền nhân. Như các bề tôi nhận xét: Sông Ái Tử thì truy thuật công to lúc khai sáng, nào nghĩ tới sông Hà, sông Lạc khi xưa.

Công lao thần tạo mãi mãi còn ghi nơi này

Lời răn dạy của Võ Thánh muôn vạn năm còn vâng mệnh

Tiếng trợ giúp còn vang vọng sóng mát lạ thường

Trận trận linh thiêng nhấn chìm tàu giặc

Miếu mạo sông linh còn truyền hương hỏa

Gió lay động sóng gào bảo vệ đất nước.

 (Quá Ái Tử giang thuật cổ)

Tóm lại, xuất phát từ đáy lòng của vua Thiệu Trị khi ngự giá qua tỉnh Quảng Trị đã để lại cho nơi đây những bài thơ mà theo lời tâu của các quan Nội các làm áng văn lưu truyền muôn đời, giao cho các nơi sở tại đem khắc vào bia lớn, để núi sông càng tươi đẹp, địa hạt thêm vẻ vang mà áng đại văn chương của thánh nhân sẽ cùng với núi cao sông chảy cùng giữ được đến vô cùng. Đó là cung bậc cảm xúc của người đứng đầu triều Nguyễn, vị vua hay chữ giỏi thơ văn. Bởi theo quan niệm làm thơ của vua thì thơ văn làm ra đều là những bài chăm chính sự, yêu nhân dân, xét lúc tạnh, tính lúc mưa, hoặc là xúc cảnh nên thơ, làm ra những lời ngâm vịnh như câu “phong mộc”, bài “Lục nga” ngụ tấc lòng mơ tưởng ở trong canh, trên tường, vốn không phải có ý tìm tòi, làm cho đẹp đẽ để cùng với bọn nghệ sĩ, văn nhân đua hơn, so kém; tưởng có hại gì cho việc làm mà cần phải đem nói? Vả, thơ là để nói rõ chí hướng, cốt để đào luyện tính tình cho người ta.

Mặc dù trải bao biến thiên của lịch sử, tự nhiên, nhiều tấm bia ở Quảng Trị đã không còn, hoặc bị biến dạng nhiều như bia sông Vĩnh Định, dẫn đến việc nghiên cứu cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, thông qua việc nghiên cứu thơ Ngự chế, chúng tôi nhận thấy có nhiều thông tin về Quảng Trị, đặc biệt là các địa danh vua từng nghỉ lại thật khiến cho người đọc muốn khám phá. Từ đây có thể nghiên cứu các địa danh, hành cung mà vua Thiệu Trị đã dừng chân, nhằm mục đích bảo tồn, trùng tu di tích lịch sử hướng đến phát triển du lịch cho địa phương trong tương lai. Đọc lại những áng thơ văn của tiền nhân, suy ngẫm sử xưa để lòng tĩnh lặng, mong mỏi kết nối đời xưa với đời nay, để khỏi phụ những tấm lòng đã gửi vào thiên cổ.

N.H.K

___________________

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch quyển 6, 2007), Nxb Giáo dục, HN.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản chữ Hán, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

3. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (bản dịch, tập VII 2005), Nxb Thuận Hóa, Huế.

4. Ngự chế Bắc tuần thi tập, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Đà Lạt, ký hiệu H 77.

5. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (2004), Mộc bản triều Nguyễn - Đề mục tổng quan, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

NGUYỄN HUY KHUYẾN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 310

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

7 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

7 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

7 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

7 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground