Vượt gian khổ để học hành giỏi sớm giúp quê nhà - Ảnh: Minh Thư
1. Địa danh Thuỷ Ba có từ bao giờ?
Câu hỏi đầu tiên là địa danh Thuỷ Ba có từ bao giờ? Chứng cứ thành văn cho thấy các địa danh Thuỷ Ba Thượng, Thuỷ Ba Hạ như là tên làng (bấy giờ gọi là xã) lần đầu xuất hiện trong tác phẩm Ô Châu cận lục của Dương Văn An, viết vào giữa thế kỷ XVI (1553 - 1555), công trình “địa phương chí sớm nhất” của Việt Nam. Trong sách này, Thuỷ Ba Thượng, Thuỷ Ba Hạ và Lại Xá là tên của 3 xã trong số 65 xã thuộc châu Minh Linh, phủ Tân Bình, mà theo tác giả bài viết “Sự thành lập các làng cổ ở Quảng Trị” (Nguyễn Minh Ngọc, 1990) thì đó đều là các “xã cổ”, được thành lập trong giai đoạn từ 1075 đến 1553, Mặc dù theo Trần Quốc Vượng (1992), các ông tổ người Việt ở Quảng Trị đều là người gốc Bắc đến làm ăn, sinh sống tại Quảng Trị từ thời Lý, Trần và các triều đại sau, nhưng để trả lời chính xác các làng cổ đó ở Thuỷ Ba xưa được thành lập vào lúc nào, những người di dân đầu tiên đến từ đâu thì hiện vẫn chưa có chứng cứ chính xác, vì trải qua năm tháng hầu như không còn gia đình, dòng họ nào ở Thuỷ Ba còn lưu giữ được gia phả.
Hơn 2 thế kỷ sau, vào cuối thế kỷ XVIII, các địa danh Thuỷ Ba, Thuỷ Ba Thượng, Thuỷ Ba Hạ lại được nhắc đến trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776). Lúc này tên gọi Thuỷ Ba được dùng để đặt cho một trong 5 tổng của huyện Minh Linh là tổng Thuỷ Ba, bao gồm 16 xã, 1 thôn, 2 phường thuộc phạm vi các xã Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn ngày nay. Theo đó, ba xã có tên trong Ô Châu cận lục của Dương Văn An là Thuỷ Ba Thượng, Thuỷ Ba Hạ, Lại Xá trở thành các xã thuộc tổng Thuỷ Ba, huyện Minh Linh. Việc lấy tên một xã (tương đương như làng ngày nay) để đặt tên cho một tổng gồm 19 xã, thôn, phường cho thấy vị thế quan trọng của Thuỷ Ba xưa.
Cách định danh này được duy trì cho đến thế cuối thế kỷ XIX, thể hiện qua Đại Nam nhất thống chí và Đồng Khánh dư địa chí (biên soạn trong khoảng những năm 80 của thế kỷ XIX). Đến giai đoạn này, tổng Thuỷ Ba đã có đến 21 xã, thôn, phường và riêng ở địa bàn Vĩnh Thuỷ, ngoài Thuỷ Ba Thượng, Thuỷ Ba Hạ và Lại Xá, có thêm phường Khánh Thọ, một phường của làng Lại Đức sau này.
Từ sau năm 1945, cùng với sự ra đời của chính thể mới - chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và sự xuất hiện của một địa danh hành chính mới là xã Vĩnh Thuỷ, địa danh Thuỷ Ba quay trở về với chức năng đầu tiên của nó là tên gọi của các làng cổ trên mảnh đất Thuỷ Ba xưa (là Thuỷ Ba Hạ, Thuỷ Ba Thượng - về sau tách thành Thuỷ Ba Đông và Thuỷ Ba Tây như hiện nay).
2. Thuỷ Ba được nhắc đến những gì trong sách xưa?
Ở trên mới đề cập đến địa danh Thuỷ Ba xưa từ góc độ hành chính. Tuy nhiên, trong sách xưa, Thuỷ Ba không chỉ được nhắc đến như một đơn vị hành chính (làng, xã, tổng) mà còn như là một vùng đất của tự nhiên, văn hoá và lịch sử. Về tự nhiên, sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An từ thế kỷ XVI đã ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên của vùng đất Thủy Ba với “Linh Sơn sắc núi mông lung”, “Sa Lung thắm sắc liễu tươi” và “hương sen tỏa mười dặm”. Trong các địa danh tự nhiên ở Thủy Ba, thì núi Linh Sơn (tên thường gọi ở Vĩnh Thủy là động Lòi Reng hay núi Voi) là địa danh được nhắc đến nhiều nhất trong các sách xưa. Dương Văn An trong Ô Châu cận lục gọi Lòi Reng là “Linh Sơn” và mô tả vẻ đẹp của “Linh Sơn sắc núi mông lung”. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cũng để cập đến “núi Linh Sơn ở châu Minh Linh, gần xã Sa Lung, bốn mặt đồng bằng giữa nổi lên một quả núi rất đẹp”. Đồng Khánh dư địa chí gọi Lòi Reng bằng một cái tên khác là Tượng Sơn, tức núi Voi, một cái tên mà người dân Thủy Ba cũng hay dùng. Đặc biệt, trong Đại Nam nhất thống chí, vẻ đẹp của động Lòi Reng, tức núi Linh Sơn của Thủy Ba được mô tả khá kỹ và bình phẩm với lời khen ngợi như sau:
“Núi Linh Sơn: Ở phía tây bắc huyện Minh Linh, hình núi như voi phục, cao hơn ngàn trượng, bốn mặt bằng rộng, một ngọn núi tròn rất đẹp. Có sông chảy ở hướng phía đông bắc, các núi chầu ôm ở phía tây nam, thật là thắng tích ở Linh Châu (huyện Minh Linh)”.
Về mặt văn hóa và lịch sử, nhắc đến Thủy Ba xưa là nhắc đến truyền thống săn bắt hổ (coọc) của người dân Thủy Ba. Từ điển Bách khoa mở Wikipedia trong mục từ “Làng Thủy Ba” đã giới thiệu: “Làng Thuỷ Ba (thuộc xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) nổi tiếng khắp nước và thế giới về nghề bắt sống cọp. Người dân làng Thủy Ba có tài bắt “coọc” nên được mệnh danh là “Làng bắt coọc”... và Vua ở Kinh thành Huế đã phải ban chiếu lệnh triệu người Thủy Ba vào bắt “coọc”, tiêu trừ ác thú để bảo vệ sự bình yên cho dân làng”. Đáng tiếc là câu chuyện bắt hổ của Làng Thủy Ba cũng như chuyện làng Thủy Ba được vua triệu vào kinh đô Huế bắt cọp và được vua ban thưởng cho đến nay chỉ được truyền tụng lại bằng những bài vè và những lời kể truyền miệng. Thời gian, chiến tranh và cuộc sống mưu sinh gian khổ của cha ông lớp trước đã phủ một lớp bụi lên câu chuyện đáng tự hào này, rất dễ biến nó thành giai thoại, nếu lớp con cháu hiện nay và về sau không tìm cách làm sáng tỏ.
3. Có hay không chuyện săn hổ và những chuyến đi vào Huế săn hổ của Làng Thủy Ba xưa?
Cho đến nay chuyện săn hổ và vào Huế bắt hổ của dân làng Thủy Ba xưa chủ yếu được ghi chép lại dựa vào lời kể của các cụ cao niên (sinh vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX) và bài vè “Bắt coọc” được truyền tụng lại và không ai biết chính xác người Thủy Ba có nghề bắt hổ từ đời nào.
Trong bài viết “Tỉnh Quảng Trị” in trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ (B.A.V.H) năm 1921, viên Công sứ Pháp A. Laborde chép rằng: “Tại làng Thủy Ba Thượng ngày nọ, có một con quạ bay ngang và làm rơi một cái xương người. Một đồng cốt cho rằng đó là xương của một vị thần tên Mai Quý Đông. Lập tức người ta lập đền thờ thần, và thần thường nhập vào cốt đồng để dạy cho dân chúng nghề bắt hổ”. Từ đó dân Thủy Ba nổi tiếng có tài bắt hổ và nhiều lần được vua triệu vào kinh đô Huế để bắt hổ (dẫn theo Wikipedia: Làng Thuỷ Ba). Câu chuyện về nguồn gốc của nghề bắt hổ này có vẻ hoang đường, nhưng dựa vào lời kể của các chứng nhân cao niên, bài vè “Bắt coọc” và các hiện vật săn bắt hổ còn lưu giữ lại thì chuyện dân làng Thủy Ba có nghề bắt hổ, đã từng vào kinh đô Huế để bắt hổ và được vua ban thưởng, là chuyện có thật, chứ không hề là giai thoại. Vấn đề là việc đó xảy ra mấy lần, vào thời gian nào, và không lẽ một sự kiện nổi tiếng như thế lại không hề để lại dấu ấn nào trong sử sách, hay có mà chúng ta chưa tìm ra?
Tôi đã tra cứu các công trình Ô Châu cận lục, Phủ biên tạp lục, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí...mà không thấy có đoạn nào ghi chép về nghề săn bắt hổ dữ của làng Thủy Ba hay việc dân làng Thủy Ba vào Huế bắt hổ theo lệnh vua. Nhưng may mắn thay khi dò tìm trong Mục lục Châu bản triều Nguyễn thì phát hiện ra 3 châu bản hình như có liên quan đến chuyện này. Nói “hình như” là vì cả 3 châu bản đều nói đến việc năm 1825 các thợ săn của làng Thuỷ Ba được phái đi săn để cung tiến phục vụ ngày giỗ của triều đình nhưng không thấy nói rõ là có phải vào Huế hay không và đi săn hổ (cọp) hay săn gì.
Châu bản thứ nhất - số 59, ban hành ngày 15 tháng 1 năm Minh Mệnh 6 (tức là năm 1825), có đề tài là “Ban tiền cho những người phục vụ cho việc giỗ chạp ở Thế Miếu”, nội dung ghi rõ “Nay gặp ngày giỗ ở Thế Miếu, phái người đi săn để cung tiến làm lễ tế. Cấp cho những binh lính phái đi, mỗi tên 5 mạch tiền, thợ săn ở Phù Bài, Thuỷ Ba mỗi tên 5 mạch tiền, nửa phương gạo...”. Châu bản thứ 2 - số 118, ban hành ngày 1 tháng 9, cùng năm Minh Mệnh 6, có đề tài là “Thưởng cho binh lính, thợ săn, dân phục vụ ngày giỗ ở Hưng Miếu”, nội dung cũng ghi rõ “Các ngày mồng 10, 14 tháng 9 là ngày giỗ Hưng Miếu, truyền phái người đi săn bắn để lấy lễ vật dâng tiến làm lễ tế. Cấp cho...120 thợ săn, dân phu ở Phù Bài, Thuỷ Ba mỗi tên 5 mạch tiền, nửa phương gạo...”. Châu bản thứ ba - số 134, ban hành ngày 17 tháng 11 cũng vào năm Minh mệnh 6, có đề tài là “Ban thưởng cho những người phục vụ ngày giỗ ở Thế Miếu” và nội dung ghi “Nay gặp ngày giỗ ở Thế Miếu, phái người đi săn để cung tiến làm lễ. Truyền cấp cho 30 thợ săn, 170 dân phu ở Phù Bài, Thuỷ Ba mỗi tên 1 quan 5 mạch tiền, 1 phương gạo”.
Mặc dù cả ba châu bản này đều nói về việc ban thưởng tiền và gạo cho thợ săn và dân phu của Thuỷ Ba (và Phù Bài, một làng ở Thừa Thiên) trong cùng năm Minh Mệnh 6 (1825) nhưng ở các tháng cách xa nhau, số người và mức ban thưởng cũng không hoàn toàn giống nhau, chứng tỏ đó là những lần khác nhau. Như vậy, chỉ trong 1 năm mà người Thuỷ Ba 3 lần được phái đi săn phục vụ cho việc tế lễ của vua và được ban thưởng thì câu chuyện người Thuỷ Ba vào Huế để săn bắt hổ là câu chuyện có thật và chắc chắn không phải chỉ một lần, đúng như nhiều chứng nhân cao niên của Vĩnh Thuỷ đã kể lại.
Tôi tin rằng nếu chịu khó tra cứu tài liệu, đặc biệt là các tài liệu Hán - Nôm thời Nguyễn, chắc chắn sẽ còn có nhiều thông tin thú vị nữa về Thuỷ Ba và nghề bắt hổ ác của người dân Thuỷ Ba.
Và câu chuyện người Thuỷ Ba bắt cọp ác bảo vệ cho nhiều vùng quê chắc hẳn sẽ không dừng lại ở đây. Cần quan tâm để chú trọng và phát huy.
* * *
“Có một ngôi làng rất đỗi bình dị như bao nhiêu ngôi làng khác của Việt Nam. Nhưng nét khác biệt ở chỗ là làng đã có lịch sử tồn tại, phát triển trên một nghìn năm. Vượt bao thăng trầm của thời cuộc, trải nhiều cuộc biến đổi bãi biển, nương dâu, làng nổi danh là làng bất khuất, kiên cường, giàu lòng thượng võ nhưng lại rất yêu chuộng hòa bình và công lý. Làng được đón nhận vinh dự là làng anh hùng của thời kỳ đổi mới. Đó là làng Thủy Ba xưa, nay là xã Vĩnh Thủy, thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị”.
Tôi xin mượn lời giới thiệu mở đầu quyển sách “Thuỷ Ba - làng bắt cọp và bắn hạ nhiều máy bay Mỹ” (Nxb Pháp Lý, Hà Nội, 2018) của cố Luật sư, đại tá Trần Đức Tiết, một người con rể đã thành danh của Vĩnh Thuỷ, để kết luận cho bài viết này và cũng để bày tỏ niềm tự hào về quê hương Thuỷ Ba xưa và Vĩnh Thuỷ ngày nay. Tôi cũng mong nhận được các ý kiến góp ý và sự lượng thứ cho những thiếu sót của bài viết mà chắc chắn là khó tránh khỏi.
Hà Nội tháng 9/2022
_____________________________
Tài liệu tham khảo
1. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước: Mục lục Châu bản triều Nguyễn, Tập I. Nxb Văn hoá Thông tin, 2020.
2. Dương Văn An: Ô Châu cận Lục (Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải). Nxb Giáo dục, 2009.
3. Đồng Khánh dư địa chí (Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin dịch, biên tập và chú giải). Nxb Thế giới, 2003.
4. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục (Viện Sử học). Nxb Văn hoá Thông tin, 2007.
5. Nguyễn Văn Ngọc: Sự thành lập các làng cổ ở Quảng Trị. Tạp chí Cửa Việt, 1990.
6. Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí (Viện Sử học), Nxb Thuận Hoá, 2006.
7. Trần Quốc Vượng: Bối cảnh địa văn hoá vùng Quảng Trị (1992). Trong Trần Quốc Vượng “Theo dòng lịch sử”, Nxb Hồng Đức, 2018.
8. Trần Đức Tiết: Thuỷ Ba - Làng bắt hổ và bắn hạ nhiều máy bay Mỹ. Nxb Pháp Lý, 2018.
9. Một số bài viết về Thuỷ Ba và Vĩnh Thuỷ trên các báo và tạp chí.
10. Mục từ “Làng Thuỷ Ba” trên Wikipedia
* PGS.TS, Đại học Quốc gia Hà Nội, nghcon@gmail.com