Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tình cảm của Bác Hồ đối với cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ

Một ngày tháng 4, giữa cái nắng chói chang của đất trời Quảng Trị, chúng tôi cùng đoàn công tác lên tàu xuất phát từ cảng Cửa Việt hướng ra đảo Cồn Cỏ để bắt đầu hành trình tìm hiểu vì sao trong quá khứ, Cồn Cỏ vinh dự 3 lần được nhận thư khen ngợi của Bác Hồ. Sau một giờ đồng hồ di chuyển bằng tàu cao tốc, cuối cùng đảo Cồn Cỏ cũng hiện ra trước mắt. Khi tàu vừa cập cảng, những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm, những gương mặt rạng rỡ của quân, dân trên đảo giúp chúng tôi thấy được tình cảm và hiểu phần nào lời câu nói Đảo là nhà, biển cả là quê hương.

Con mắt thần của biển hay Thảo PhùHòn MệHòn Gió cũng là đây. Tên gọi nào cũng bùng cháy niềm kiêu hãnh tự hào… Những thước phim hào hùng và bi tráng về một thời trận mạc xưa của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ bất ngờ gợi lên trong tâm trí chúng tôi khi đặt những bước chân đầu tiên lên đảo nhỏ giữa trùng khơi này. Mỗi mét vuông đất nơi đây từng thấm đẫm máu xương bao anh hùng liệt sĩ trong suốt gần 1.500 ngày đêm chống Mỹ kiên cường.

Sau Hiệp định Genève (20/7/1954), đảo Cồn Cỏ thuộc khu phi quân sự nên không có lực lượng vũ trang đồn trú. Đảo không có nước ngọt nên không có người ở, chỉ là nơi tránh bão cho các tàu thuyền, bà con ngư dân lui tới hái rau, kiếm củi, cắt tranh, bắt cua…

Mùa thu năm 1959, biết được âm mưu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn muốn chiếm đảo xây dựng căn cứ quân sự, cản trở giao thông tiếp tế từ Bắc vào Nam và là căn cứ quân sự, làm bàn đạp đánh phá ra miền Bắc nên Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Trung đoàn 270 lập kế hoạch đưa quân ra bảo vệ đảo Cồn Cỏ. Ngày 8/8/1959, Đại đội 6, thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 270 do Thiếu uý Dương Đức Thiện chỉ huy v­ượt sóng gió trùng d­ương ra đảo và đúng 11h ngày 8/8/1959, lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên đảo, một lần nữa khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam. Lập tức hai ngày sau, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đưa tàu chiến đến vây đảo, bị lực lượng bảo vệ đảo nổ súng cảnh cáo phải rút lui. Từ đó, việc giữ đảo và bảo vệ đảo đã trở thành vấn đề cấp bách. Một khẩu hiệu lớn được nêu lên: Đảo là nhà, biển cả là quê hương. Các chiến sĩ giữ đảo bắt tay xây dựng, kiến thiết đảo, quyết biến đảo thành một hình ảnh Tổ quốc thu nhỏ.

Ngày 7/2/1965, lấy cớ trả đũa quân giải phóng tiến công doanh trại Mỹ ở Pleiku, Tổng thống Mỹ Johnson ra lệnh cho không quân Mỹ mở chiến dịch Mũi lao lửa ném bom bắn phá thị xã Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) và Cồn Cỏ của Vĩnh Linh trở thành mục tiêu đánh phá hủy diệt của không quân và hải quân Mỹ. Chúng đưa tàu chiến bao vây bốn mặt, tuần dương hạm, khu trục hạm, tàu biệt kích, tàu đỗ bộ… cắt ngang, chẻ dọc mặt biển, quyết chặt đứt đảo Cồn Cỏ ra khỏi đất liền. Máy bay tập trung lên đến hàng trăm chiếc, có ngày chúng đánh mười đến mười hai trận. Tất cả những công trình kiến thiết trên đảo đều bị san phẳng. Chúng đánh ban ngày, đánh ban đêm, đánh cả lúc mưa to gió lớn. Chúng ném xuống đảo đủ các loại bom. Đất đảo bị đào lên quật xuống, nổi thành gò đống bên những hố bom hình phễu. Cây cối ngả rạp, gốc cây bị xé tướp. Lớp bom mới chồng lên lớp bom cũ. Nhiều ngày khói bom đạn phủ trùm kín đảo, đứng ở đất liền nhìn ra như bị che khuất sau một lớp sa mù màu da cam.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ thường xuyên luyện tập sẵn sàng chiến đấu- Ảnh: NCH

Cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ thường xuyên luyện tập sẵn sàng chiến đấu- Ảnh: NCH

Cuộc sống và chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ trên đảo gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, tình trạng thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh khiến người phù thủng, nổi mụn nhọt. Gạo ăn dè xẻn cũng chỉ được một tuần, đạn phải đếm từng viên, nhất là thiếu nước ngọt. Trong trận đánh phá đầu tiên, một quả bom Mỹ rơi trúng bể chứa nước mưa, thế là đảo sạch nước ngọt, phải chặt chuối rừng vắt lấy nước uống. Có trận đánh, cả đơn vị chỉ còn một bi đông nước. Chiến sĩ nhường cho chỉ huy, chỉ huy nhường cho thương binh, thương binh lại chuyển ra trận địa nhường cho anh em đang chiến đấu. Địch biết rõ điều đó, một mặt chúng cho dội thật nhiều bom, phá hết những gì còn sót lại trên đảo. Mặt khác, dùng tàu chiến bao vây thật chặt, bịt kín mọi lối vào ra giữa đảo với đất liền.

Trước hình hình trên, khu vực Vĩnh Linh được Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ trực tiếp mở đường máu chi viện cho đảo Cồn Cỏ. Với quân và dân Vĩnh Linh, nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho bộ đội Cồn Cỏ là mệnh lệnh từ trái tim. Bởi từ ngàn xưa, ngư dân Vĩnh Linh gắn bó máu thịt với đảo, vì đảo là ngư trường khai thác hải sản lý tưởng, là nơi trú ngụ của thuyền bè khi phong ba bão tố. Là nơi mà bà con ngư dân với chiến sĩ trên đảo đã xây dựng được mối quan hệ đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Giờ đây, trước nguy cơ sống còn của đảo, Đảng ủy Khu vực đã tổ chức họp ra nghị quyết: Tất cả vì Cồn Cỏ thân yêuđất liền còn, Cồn Cỏ còn và đưa ra cho toàn Đảng bộ, Nhân dân và các lực lượng vũ trang, nhất là các xã vùng biển học tập. Xác định sự mất còn của đảo có ảnh hưởng như thế nào về mặt quân sự, kinh tế, chính trị và tư tưởng đối với Vĩnh Linh cũng như đối với quân dân trong cả nước, từ đó hạ quyết tâm bảo vệ đảo đến cùng.

Thực hiện nghị quyết và lời kêu gọi của Đảng ủy Khu vực, ở đất liền, nhân dân Vĩnh Linh luôn hướng ra đảo, lập các đội cảm tử vượt biển tiếp tế cho đảo. Hàng ngàn lá đơn của dân quân, thanh niên các xã ven biển Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái, Vĩnh Giang, có những cụ già 60, 70 tuổi cũng lấy máu mình viết đơn xin đ­ược đi tiếp tế Cồn Cỏ với thanh niên. Các hợp tác xã khẩn trương soát xét lại thuyền bè, sửa chữa hư hỏng, chọn những người có sức khỏe tốt và thông thạo luồng lạch thành lập đội thuyền tiếp tế. Toàn khu vực dấy lên cao trào sâu rộng trong làng xã bằng những việc làm thiết thực Ngày Cồn Cỏ, Làng Cồn Cỏ, Việc làm Cồn Cỏ… Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi sát sao tình hình chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ. Dù bộn bề công việc quốc gia nhưng Người vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến đảo Cồn Cỏ, dành cho Cồn Cỏ những tình cảm yêu thương nhất.

Đáp lại tình cảm của Bác Hồ và đất liền, cán bộ, chiến sĩ trên đảo nguyện Thà hy sinh, quyết không để đảo lọt vào tay quân thù. Nếu như ở đất liền có khẩu hiệu Đất liền còn, Cồn Cỏ còn thì cán bộ, chiến sĩ trên đảo đáp lại Còn đất liền, còn đảo. Mỗi trận địa đều được cán bộ, chiến sĩ đặt một cái tên như Hà Nội, Sông Hồng, Hà Nam, Hải Phòng, Ấp Bắc…

Trong bom đạn của quân thù đã tôi luyện thành những tên tuổi của ý chí chiến đấu, của lòng dũng cảm. Tại cao điểm 63, nơi anh hùng Thái Văn A giữa bom đạn quân thù, dẫu thương tích đầy người vẫn tự tay rút mảnh đạn ra khỏi cơ thể xin được ở lại vị trí đài quan sát, góp phần cùng đơn vị bắn rơi hai máy bay Mỹ và bắn hư hỏng nhiều chiếc khác trong ngày 11/3/1965. Đây là một trong những trận thắng vang dội đầu tiên của Cồn Cỏ trong hành trình chống Mỹ suốt 10 năm.

Chiến sĩ Lê Ngọc Văn thuộc khẩu đội thượng liên sáu lần bị bom đạn làm sập ụ súng, sáu lần đồng chí Văn cùng với đồng chí Lĩnh - một đoàn viên cùng tổ di chuyển súng sang ụ khác để tiếp tục nhã đạn vào quân thù. Khi đồng chí Văn bị thương, máu ướt sũng hai ống quần, không hề hé răng kêu rên một tiếng. Lúc đồng đội vực anh đưa vào trạm cấp cứu, trước lúc lâm chung anh còn hỏi đảo có can gì không? Có ai hy sinh không? Đồng đội đã nấc lên nghẹn ngào khi nguyện vọng cuối cùng của Lê Ngọc Văn vang lên nếu được xin cho tôi vào Đảng. Tiền trong ví cho tôi đóng Đảng phí đầu tiên.

Chiến sĩ Bùi Thanh Phong vừa tròn 18 tuổi mải mê chiến đấu cho đến lúc bị bom nổ hai tai điếc đặc, ngất trên mâm pháo vẫn không rời vị trí. Trung đội trưởng phải ra lệnh, Phong mới chịu về hầm quân y. Nằm chưa nóng chỗ, Phong đã tìm đường ra trận địa. Anh nói: Tôi phải tham gia bảo vệ đảo đến cùng. Nguyễn Văn Đơ, Nguyễn Văn Hòa bị thương nặng vẫn xin ở lại đảo điều trị, để khi hồi phục là có thể chiến đấu ngay. Nguyễn Văn Tảo có lần đang ăn cơm thì máy bay địch đến. Tảo đặt nhẹ bát cơm xuống gần pháo, cẩn thận lấy lá chuối đậy lên che đất cát. Đánh xong lại cầm bát cơm ăn ngon lành. Nguyễn Huy Nhâm một hôm nhận được thư bố căn dặn: Đời người chỉ sống có một lần, con phải sống sao cho xứng đáng. Nhâm đọc to lời bố dặn cho các bạn nghe, rồi vui vẻ nói: Mình thì nghĩ: Đời người chỉ chết có một lần, thì hãy chết một cách cho anh hùng. Sau một trận chiến đấu, chính trị viên gặp Nhâm vừa lau đạn vừa hát. Chợt thấy ống quần Nhâm chảy máu, Chính trị viên hỏi: Nhâm sao lại thế! Nhâm vội rút chân lại, giấu chỗ bị thương và đáp: Báo cáo thủ trưởng chỉ xây xát tý thôi ạ. Chính trị viên bắt Nhâm phải về hầm quân y, anh giãy nảy lên: Báo cáo, chỉ có thế này mà phải về hầm quân y thì hại tôi quá. Với giọng vui đùa anh nói tiếp: Nếu tôi có điện đài liên lạc được với Hoa Thịnh Đốn, thì tôi sẽ báo cho Giôn-xơn: Các chiến sĩ Cồn Cỏ sẵn sàng hăm bốn trên hăm bốn ngồi trên mâm pháo tiếp các người, tiếp hết tháng này sang tháng khác, nếu các ngươi đủ sức đến thăm.

Để kịp thời biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ, từ năm 1965 đến năm 1968, Bác Hồ kính yêu đã 3 lần gửi thư thăm hỏi, động viên.

Lần thứ nhất, khi biết tin cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ chiến đấu dũng cảm, mưu trí bắn rơi nhiều máy bay và đánh đuổi tàu biệt kích Mỹ, ngày 12/4/1965, Người gửi thư khen ngợi. Đồng thời, để động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ, Bác đã gửi tặng chiếc radio bán dẫn hiệu Sony. Đây là món quà do Đảng Cộng sản Nhật Bản tặng Bác nhưng Bác đã dành tặng lại cho chiến sĩ trên đảo. Bác bảo: Đây là tiếng nói, là lời động viên, khích lệ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa để chiến sĩ đảo tiền tiêu giữ vững tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Món quà thiêng liêng đó được chuyển ra đảo vào tối 29/6/1965. Đại đội 22 vinh dự được giao nhiệm vụ trọng đại này. Trước khi lên đường, Đại đội trưởng Trương Văn Bút và Chính trị viên Trần Ngọc Diệp thông báo: Hôm nay có chuyến hàng đặc biệt, đó là món quà quý Bác Hồ gửi tặng cho bộ đội Cồn Cỏ. Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải mang cho được món quà của Bác trao tận tay đồng chí chỉ huy đảo. Đêm đó, đơn vị tổ chức buổi truy điệu sống cho 7 thành viên thuộc Đại đội 22 diễn ra như thường lệ trước mỗi giờ xuất bến. Mỗi người nhận 2 nắm cơm vắt, bộ áo quần bà ba đen. Đặc biệt hơn, đêm đó chỉ có một chiếc thuyền lên đường. Mọi người xác định rõ phải hoàn thành nhiệm vụ. Đây là món quà chất chứa nhiều tình cảm của Bác dành tặng cho chiến sĩ đảo và cũng là nguồn động viên to lớn tiếp thêm sức mạnh của Bác và cả nước đang hướng về Cồn Cỏ. Trước khi lên thuyền, thuyền trưởng Nguyễn Nông nói ngắn gọn: Đồng tâm, hiệp lực hoàn thành nhiệm vụ. 6 đồng chí còn lại đồng thanh hô to: Quyết tâm thành công, trao tận tay món quà đặc biệt cho đảo trưởng Cồn Cỏ. 

Xuân 1967, giữa lúc cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của quân và dân ta diễn ra vô cùng ác liệt, Bác Hồ đã gửi tặng cán bộ, chiến sỹ đảo Cồn Cỏ bức ảnh chân dung đen trắng cỡ 10x15cm của Người với lời đề: Chúc các cháu giành được nhiều thắng lợi! Xuân 1967. Bác Hồ! Món quà là kỷ vật thiêng liêng đối với nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ đảo Cồn Cỏ. Hình ảnh của Bác trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, chiến sỹ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ.

Lần thứ hai cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ vinh dự được nhận thư khen của Bác đó là ngày 5/6/1968, khi lập thành tích xuất sắc dũng cảm, mưu trí bắn rơi bốn máy bay Mỹ chỉ trong một ngày.

Lần thứ ba, khi biết tin sáng ngày 16/10/1968, giặc Mỹ cho máy bay bắn phá đảo Cồn Cỏ. Các chiến sĩ trên đảo nêu cao ý chí quyết đánh, quyết thắng đã hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu rất mưu trí, trong vòng một giờ liên tiếp bắn rơi ba máy bay Mỹ: 6 giờ rưỡi hạ một máy bay lên thẳng; 6 giờ 40 phút hạ một máy bay F.100; 7 giờ rưỡi, hạ một máy bay F.4. Để động viên tinh thần mưu trí dũng cảm, lập công vẻ vang, khuyến khích ý chí chiến đấu của chiến sĩ và cán bộ đảo Cồn Cỏ nói riêng, của toàn quân và dân nói chung trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngày 20/10/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi.

Chiến sĩ huyện đảo Cồn Cỏ thường xuyên ôn lại truyền thống hào hùng để tiếp bước cha anh - Ảnh: Tất Hải

Chiến sĩ huyện đảo Cồn Cỏ thường xuyên ôn lại truyền thống hào hùng để tiếp bước cha anh - Ảnh: Tất Hải

Không chỉ viết thư khen ngợi, căn dặn và động viên cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ, mà tình cảm của Người dành cho Đảo nhỏ anh hùng được thể hiện qua bài phát biểu tại Đại hội thi đua Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của các lực lượng vũ trang nhân dân, được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 7/8/1965. Đây là Đại hội đầu tiên của các đơn vị anh hùng chống Mỹ, cứu nước. Khi biểu dương thành tích của các địa phương và đơn vị, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: Vừa qua nhiều địa phương và đơn vị đã có những cố gắng và những thành tích về nhiều mặt, hoặc to hoặc nhỏ, đều đáng khen ngợi. Hôm nay Bác chỉ nêu một địa phương và ba đơn vị gương mẫu nhất. Trong ba đơn vị gương mẫu đó, Bác đã vinh danh đảo Cồn Cỏ: Đơn vị đảo Cồn Cỏ anh dũng, kiên cường đánh bại hàng trăm đợt tiến công bằng máy bay và tàu chiến của địch, bắn rơi 22 máy bay Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến từng tấm gương anh dũng trong chiến đấu bảo vệ đảo.

Ngày 7/8/1965, đồng chí Trần Đăng Khoa, Chính trị viên phó đảo Cồn Cỏ trong đoàn anh hùng chiến sĩ thi đua Quân khu 4 được vinh dự gặp Bác Hồ. Ngày 25/2/1966, khi đọc và biết tin qua bài viết Máu vẫn chảy về tim của báo Tiền Phong viết về anh giao liên tên Duyên. Suốt ba giờ bom đạn giặc Mỹ bắn phá, không khí ngột ngạt muốn tắt thở, các đám cháy cùng khói thuốc súng làm mờ mịt đảo, đường dây thông tin bị đứt đoạn, chuông nhiều nơi không còn reo nữa. Không quản ngại nguy hiểm, mặc dù bị thương nhưng anh Duyên vẫn gắng sức bảo vệ, sửa chữa đường dây thông tin, đảm bảo Mạch máu Cồn Cỏ vẫn chảy suốt về tim, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tặng ngay một huy hiệu cho chiến sĩ Duyên.

Trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã nhận được sự quan tâm động viên, thăm hỏi, dặn dò tâm huyết của Bác. Đây chính là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ trưởng thành về mọi mặt. Cồn Cỏ trở thành một đơn vị toàn năng với những chiến sĩ dũng cảm, sử dụng giỏi nhiều loại vũ khí, hăng say chiến đấu, diệt thù. Trong cuốn Nhật ký chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ, Trung đội trưởng Trung đội Phòng không Nguyễn Hữu Tứ viết ngày 19/5/1965 có đoạn: Mừng thọ Hồ Chủ tịch 75 tuổi. Nhớ ơn Người, mình quyết tâm thực hiện lời dạy của Người, chiến đấu dũng cảm tiêu diệt nhiều máy bay Mỹ.

Hôm nay các chiến sĩ hải đảo Cồn Cỏ chuẩn bị chiến đấu tốt hơn lúc nào hết. Từ đêm hôm qua anh em đã thể hiện quyết tâm làm tốt những lời dặn dò của Người trong thư khen vừa qua bằng việc làm tăng năng suất đào đắp công sự pháo. Sáng nay các pháo thủ hân hoan vui sướng, nhắc nhở nhau chiến đấu tốt hơn, quyết bắn rơi máy bay Mỹ. Học tập đạo đức cách mạng của Người, suốt đời chiến đấu không mệt mỏi cho giai cấp, cho dân tộc. Mình xin hứa với Người luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự nghiệp cách mạng, nhất là hiện nay cùng đơn vị quyết tâm tiêu diệt đế quốc Mỹ, bảo vệ hải đảo Cồn Cỏ đến cùng.

Ngày 27/5/1965: 7 giờ sáng hôm nay, quân dân thành phố Vinh, Nghệ An đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 300 của đế quốc Mỹ trên miền Bắc. Nhân dịp này, Bác Hồ gửi thư khen. Đối với đảo chúng ta, trong số 300 đó, chúng ta đã góp 19 chiếc. Bác Hồ hứa sẽ tặng thưởng Huy hiệu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Rất phấn khởi được Bác Hồ tuyên bố quyết định đó. Mình sẽ quyết tâm lập nhiều chiến công mới nữa để được vinh dự nhận huy hiệu đó của Người. Các chiến sĩ trong phân đội cũng đang nô nức phấn đấu, chiến đấu và công tác để nhận phần thưởng vinh dự ấy của Bác.

Ngày 29/4/1965, trong thư gửi cho gia đình Hạ sĩ Vũ Đức Ruệ (sau này là liệt sĩ hy sinh trên đảo Cồn Cỏ) viết: Với những khó khăn, gian khổ và dũng cảm chiến đấu 88 trận trên đảo Cồn Cỏ thì hạ được 14 chiếc máy bay, chỉ có 1 tiểu đội phòng không thôi. Con đã được nhân dân và Đảng thưởng cho 1 Huân chương, Bằng khen và vinh dự hơn là được Bác Hồ tặng Huy hiệu chiến sĩ gang thép ở nơi tuyến đầu Tổ quốc…

Trong suốt 1.440 ngày đêm, máy bay của quân đội Mỹ đã ném xuống Cồn Cỏ 13.000 quả bom các loại, 172 lần tàu chiến bắn gần 4.000 quả đạn pháo lên đảo. Dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, đảo tiền tiêu Cồn Cỏ vẫn vững vàng, hiên ngang, chiến đấu 841 trận, bắn rơi 48 máy bay Mỹ các loại, bắn cháy và chìm 17 tàu chiến; góp phần tạo thuận lợi cho các đoàn thuyền của tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển qua vùng biển Vĩnh Linh - Quảng Trị thông suốt. Tính chung trong những năm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965 - 1968), đường Hồ Chí Minh trên biển đưa được 410 tấn vũ khí vào chi viện cho chiến trường Miền Nam. Kịp thời bổ sung nguồn vũ khí, trang bị, tăng cường sức chiến đấu cho quân và dân trên các địa bàn, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tạo bước ngoặt có ý nghĩa quyết định của cuộc chiến tranh, buộc Mỹ phải đàm phán với ta tại Hội nghị Paris, bàn về việc rút quân Mỹ khỏi Miền Nam, kết thúc chiến tranh. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Cồn Cỏ.

Trước khi chia tay chúng tôi, trung tá Phan Văn Phương, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Cồn Cỏ tâm sự: Trên vai cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Cồn Cỏ hôm nay, ngoài hành trang hiện tại, còn có cả quá khứ hào hùng của các thế hệ cha anh, của quê hương, của cả dân tộc. Chúng tôi đang cùng nhau ngày đêm ra sức thi đua xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với quá khứ đầy tự hào của Cồn Cỏ anh hùng.

N.C.H

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Huy, Vĩnh Linh, NXB Văn hóa, 1982.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Quân dân Vĩnh Linh tiếp tế, chi viện, chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, 2021.

3. Nhiều tác giả, Truyện và ký Một thời giới tuyến, NXB Thanh niên, 2004.

4. Huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, Vĩnh Linh tình đất tình người, NXB Hội Nhà văn, 2014.

5. Nguyễn Hữu Tứ, Nhật ký chiến đấu trên đảo Cồn Cỏ.

6. Nguyễn Trọng Oánh, Nhật ký đảo anh hùng

7. Trần Văn Thà, Hồi ký Chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ.

8. Thư của liệt sĩ Vũ Đức Ruệ.

Nguyễn Chí Hiếu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 320

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground