Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tổng tuyển cử ở Quảng Trị - những chặng đường nhìn lại

Thực hiện chủ trương Tổng tuyển cử trong cả nước, ở Quảng Trị bắt đầu từ tháng 12/1945 tỉnh đã lên kế hoạch của chính quyền, mặt trận về việc bầu cử đại biểu Quốc hội và kế hoạch bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Việt Minh giới thiệu danh sách ứng cử viên để cho toàn dân trong tỉnh lựa chọn. Ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình, nhân dân khắp nơi trong tỉnh hăng hái thực hiện sắc lệnh tổng tuyển cử của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/1/1946 ở Quảng Trị, cuộc bầu cử cũng diễn ra rất sôi nổi. Ngày bầu cử Quốc hội thật sự là ngày biểu dương lực lượng đoàn kết toàn dân, biểu dương ý chí làm chủ vận mệnh của dân tộc. Tại thời điểm đó Quảng Trị có trên 28 vạn dân và 15 vạn cử tri nên được bầu 3 đại biểu. Các đại biểu đắc cử đều là những người do Mặt trận Việt Minh giới thiệu như: Lê Thế Hiếu, Đặng Thí, Trần Mạnh Quỳ. Các ông Trần Hữu Dực, Trần Quỳnh, những người con ưu tú của quê hương Quảng Trị cũng được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I tại đơn vị bầu cử thành phố Huế và tỉnh Phú Yên.

Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên ở Quảng Trị cũng như trong cả nước thành công là một thắng lợi có ý nghĩa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân. Nó đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đấu tranh giữa nhân dân ta với bè lũ Mỹ - Tưởng, nói lên sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Với sức mạnh thống nhất ý chí, đoàn kết đấu tranh của dân tộc Việt Nam đã giáng cho âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của Mỹ - Tưởng một đòn thất bại nặng nề, dồn chúng đến chỗ không thể lập nên một chính quyền tay sai và chúng phải tình nguyện rút ra khỏi nước ta.

Cùng với việc tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam, công việc xây dựng chính quyền làng xã và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương được Người coi trọng. Ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm tới việc xây dựng hệ thống chính quyền ở các địa phương, đó là thành lập các ủy ban nhân dân. Trong bài viết: “Cách tổ chức các Ủy ban Nhân dân” đăng trên báo Cứu quốc ngày 11/9/1945, Người chỉ ra rằng “Các Ủy ban Nhân dân Làng, Phủ là hình thức chính phủ địa phương, phải chọn trong đó những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi của dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo nhân dân tín nhiệm. Nhất thiết không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào đó được”. Vì thế, vào giữa tháng 3/1946, Quốc hội quyết định cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Một lần nữa, nhân dân tỉnh Quảng Trị nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, lựa chọn những người xứng đáng vào các Hội đồng nhân dân, cơ quan lập pháp ở địa phương. Cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các xã được triển khai một cách khẩn trương, nghiêm túc. Hội đồng nhân dân các xã Quảng Trị gồm có 21 ủy viên. Trong đó Hải Lăng 6; Triệu Phong 6; Cam Lộ 2; Gio Linh 2; Vĩnh Linh 2; Hướng Hóa 1; Thị xã Quảng Trị 1; Đông Hà 2.

Hội đồng nhân dân các cấp đã bầu ra Ủy ban hành chính các cấp. Đồng chí Nguyễn Xuân Luyện được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh; Nguyễn Hữu Khiếu - Ty Công an; Ngô Trọng Hy - trưởng Ty Giao thông - Bưu điện; Nguyễn Đàm - Thẩm phán Tòa án nhân dân; Nguyễn Duy Thược - trưởng Ty Tài chính; Trương Quang Phiên - phụ trách Giáo dục; Nguyễn Tăng Mật - trưởng Ty Y tế; Nguyễn Thụy - phụ trách Ban kiến thiết.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá II được tiến hành vào ngày 8/5/1960 với tổng số là 453 đại biểu. Trong đó có 362 đại biểu do nhân dân bầu trực tiếp, 91 đại biểu miền Nam được lưu nhiệm. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá II từ năm 1960 đến 1964.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tọa đàm kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam- Ảnh: TL

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tọa đàm kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam- Ảnh: TL

Quốc hội khóa II với đặc điểm tình hình đất nước bị chia cắt làm hai miền. Các đại biểu của tỉnh Quảng Trị khóa I được tiếp tục lưu nhiệm và khu vực Vĩnh Linh có 3 đại biểu trúng cử là các ông Hoàng Đức Sản, Phó Bí thư Đảng ủy khu vực, Chủ tịch Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hồ Tơ, Thẩm phán Tòa án Nhân dân khu vực Vĩnh Linh. Sau đó, ông Hoàng Đức Sản từ trần, khu vực Vĩnh Linh bầu bổ sung ông Hoàng Văn Đáo, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ khu vực, trưởng Ty Công an khu vực Vĩnh Linh. Cũng tại khóa này, có nhiều đại biểu quê ở tỉnh Quảng Trị được bầu vào Quốc hội ở các địa phương khác.

Quốc hội khoá III được tiến hành vào ngày 26/4/1964 với tổng số 453 đại biểu, trong đó có 366 đại biểu do nhân dân bầu trực tiếp và 87 đại biểu miền Nam lưu nhiệm. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá III từ năm 1964 đến 1971. Khu vực Vĩnh Linh có 3 đại biểu trúng cử là các ông: Hồ Hăng, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Vĩnh Hà, Vĩnh Linh; Nguyễn Hữu Khiếu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trưởng Ban công tác nông thôn; Dương Tốn, trưởng Ban công tác nông thôn khu vực Vĩnh Linh.

Cuộc bầu cử Quốc hội khoá IV được tiến hành vào ngày 11/4/1971 đã bầu ra 420 đại biểu. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá IV từ năm 1971 đến 1975. Khu vực Vĩnh Linh có 3 đại biểu trúng cử là ông Trần Đồng, Bí thư Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh; ông Nguyễn Ray (tức Hồ Ray), Ủy viên Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh; bà Nguyễn Thị Dậu, Đảng ủy viên, Hội trưởng Hội phụ nữ xã Vĩnh Giang, khu vực Vĩnh Linh.

Cuộc bầu cử Quốc hội khoá V được tiến hành vào ngày 6/4/1975 đã bầu ra 424 đại biểu. Khu vực Vĩnh Linh có 3 đại biểu trúng cử là ông Trần Đồng, Bí thư Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh; ông Nguyễn Ray (tức Hồ Ray), Đảng ủy viên khu vực, Trưởng ban Chỉ đạo miền núi khu vực Vĩnh Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Nguyễn Thị Dậu, Đảng ủy viên, Hội trưởng Hội phụ nữ xã Vĩnh Giang, khu vực Vĩnh Linh.

Quốc hội khoá VI được tiến hành vào ngày 25/4/1976, tức là chỉ hơn một năm sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá V, do cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã hoàn toàn thắng lợi, cần thiết phải tổ chức Tổng tuyển cử Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Cuộc bầu cử này đã bầu ra 492 đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ này từ năm 1976 đến 1981.

Ở Quảng Trị, ngày 25/4/1976 đã thực sự trở thành ngày hội lớn. Trong không khí tưng bừng, phấn khởi, cuộc bầu cử đã diễn ra sôi nổi, thật sự dân chủ và đúng pháp luật. Hơn 98% cử tri trong toàn tỉnh đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đặc biệt là cử tri vùng mới giải phóng, nơi đầu tiên sau 30 năm nhân dân được thực hiện quyền dân chủ với chế độ mới. Tại địa bàn Quảng Trị và khu vực Vĩnh Linh có 4 đại biểu trúng cử là ông Hồ Sỹ Thản, Phó Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh Bình Trị Thiên; bà Hồ Thị Hương, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hướng Hoá; bà Nguyễn Thị Lý, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Uỷ viên thư ký Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh; ông Nguyễn Chí Phi, Anh hùng Lực lương vũ trang nhân dân.

Cuộc bầu cử Quốc hội khoá VII được tiến hành vào ngày 26/4/1981 đã bầu ra 496 đại biểu. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá VII từ năm 1981 đến 1987. Trên địa bàn Quảng Trị có 3 đại biểu trúng cử là ông Lê Văn Hoan, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Triệu Hải; bà Hồ Thị Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hướng Hoá, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Đại tá Nguyễn Chí Phi, Anh hùng Lực lương vũ trang nhân dân, Uỷ viên Thường vụ Thị ủy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Đông Hà.

Quốc hội khoá VIII được tiến hành vào ngày 19/4/1987 đã bầu ra 496 đại biểu, là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá VIII từ năm 1987 đến 1992. Ở Quảng Trị có 99,4% cử tri tham gia bầu cử và có 3 đại biểu trúng cử là ông Lê Văn Hoan, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên; bà Trương Thị Khuê, Tỉnh uỷ viên, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Trị Thiên; ông Hồ Văn Bảy, Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hoá.

Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại, cùng với 3 đại biểu được bầu trên địa bàn Quảng Trị, các ông: Thượng tướng Đoàn Khuê, Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trần Trọng Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương lập thành Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị… Sau này, các thế hệ đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị vẫn luôn thể hiện, phát huy tốt vai trò, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Nhìn lại chặng đường 75 năm qua với 14 cuộc bầu cử với những thăng trầm đã đi vào lịch sử những móc son hào hùng của dân tộc. Đã có nhiều người con ưu tú của quê hương Quảng Trị được cử tri cả nước tín nhiệm bầu vào Quốc hội của nhiều khóa như: Tổng Bí thư Lê Duẩn tham gia 6 khóa Quốc hội (từ khóa II đến khóa VII), Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực tham gia 7 khóa (từ khóa I đến khóa VII), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh tham gia 7 khóa (tứ khóa I đến khóa VII), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Đặng Thí tham gia 8 khóa (từ khóa I đến khóa VIII)... Đó cũng là truyền thống quý báu mà ngày nay mỗi người dân Quảng Trị đang tiếp tục phát huy, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Văn Thanh

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground