Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Truyền thống quê hương, gia đình với việc hình thành, bồi đắp lý tưởng cách mạng của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn

Quảng Trị, vùng đất địa linh nhân kiệt và sâu nặng nghĩa tình. Từ mảnh đất này, thế hệ nối tiếp thế hệ, mang trong mình cốt cách, phẩm giá của người Quảng Trị để góp công, góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn là người con ưu tú, làm rạng danh quê hương Quảng Trị. Gần 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú, cuộc đời đồng chí là bản hùng ca bất tử, biểu tượng sáng ngời về nhân cách, tài năng và trí tuệ Việt Nam; là kết tinh những truyền thống quý báu của quê hương Quảng Trị, dòng họ và gia đình.

Khu di tích lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn  tại huyện Triệu Phong - Ảnh: T.T

Khu di tích lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại huyện Triệu Phong - Ảnh: T.T

Lòng yêu nước, thương dân vô hạn

Noi gương bao lớp cha anh đi trước của quê hương Quảng Trị anh hùng, đồng chí Lê Duẩn đã sớm dấn thân vào con đường đấu tranh để cứu nước, cứu dân. Năm 1925, đồng chí đã hòa mình vào không khí đấu tranh sôi nổi của nhân dân tại Huế đòi giảm án tử hình cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Cũng trong năm này, đồng chí quyết định tạm gác sự nghiệp học hành, rời quê hương để thực hiện hoài bão của một người thanh niên yêu nước. Năm 1926, làm nhân viên Hỏa xa Đà Nẵng, hàng ngày, hàng giờ chứng kiến sự ngang ngược, áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp đối với những người lao động làm thuê càng nung nấu thêm lòng căm phẫn và quyết tâm “đánh Tây” của đồng chí. Thời gian này, vừa làm việc, đồng chí vừa tiếp xúc và giác ngộ tinh thần yêu nước cho nhiều thanh niên, trí thức: “Một lần đang đi bộ trên bờ sông Hàn, anh Nhuận xúc động nắm tay tôi, nói: Dân mình cực khổ quá. Bọn Tây cai trị làm trời, làm đất. Biết anh nói đúng, nhưng tôi vẫn hỏi: Dân mình yếu đuối, làm gì nổi? Anh nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng đanh thép: Chỉ có cách đánh đuổi nó đi1.

Năm 1928, đồng chí rời Đà Nẵng ra Hà Nội làm nhân viên thư ký Đềpô thuộc Sở Hỏa xã Đông Dương. Cuối năm 1928, đồng chí chính thức gia nhập tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng. Thời gian này, nhờ tiếp cận với nhiều tài liệu của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên như “Đường cách mệnh”, “Báo Thanh niên” nên đồng chí đã lý giải được nhiều trăn trở và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. Năm 1929, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, được phân công công tác vận động, tuyên truyền anh em công nhân ngành đường sắt. Với tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng chí đã gây dựng nhiều cơ sở và phát động đấu tranh trong giới thợ thuyền, thanh niên, bà con lao động, hòa mình vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Hà Nội.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí được tiếp nhận về sinh hoạt Đảng tại Thành ủy Hà Nội. Từ một thanh niên giàu lòng yêu quê hương, đất nước, mang trong mình nỗi đau của những người nô lệ, đồng chí Lê Duẩn đã sớm trở thành một người chiến sỹ Cộng sản. Tháng 10/1930, đồng chí nhận nhiệm vụ làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ, chính thức bước vào con đường hoạt động cách mạng.

Với lòng yêu nước, thương dân vô hạn được thừa hưởng từ lớp lớp người con của quê hương, dòng họ, gia đình đã tạo thành động lực, nguồn sức mạnh lớn lao để đồng chí vượt lên tất cả những chông gai, thử thách, từng bước trưởng thành qua thực tiễn cách mạng trên các cương vị: Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ; Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Trung ương cục miền Nam; Bí thư thứ Nhất, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong mỗi nhiệm vụ, trên mỗi chặng đường đấu tranh, lòng yêu nước của đồng chí càng được thử thách, tôi luyện và tỏa sáng rực rỡ; đó là thái độ đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù; tinh thần sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để kề vai sát cánh, lãnh đạo quân, dân Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ; là ý chí, quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; là khát khao xây dựng Việt Nam ấm no, thanh bình, vươn tầm thế giới.

Tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất

Mảnh đất Quảng Trị có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Trong lịch sử tồn tại và phát triển, đây cũng chính là tiêu điểm ác liệt nhất của các cuộc kháng chiến chống xâm lăng, là ranh giới của các cuộc chia cắt Bắc - Nam. Ít có mảnh đất nào phải chịu nhiều xáo trộn, biến động, chia cắt và là chiến trường khốc liệt của chiến tranh như Quảng Trị. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt đã tôi luyện nên con người Quảng Trị ý chí kiên cường, bất khuất, lòng dũng cảm, bản lĩnh không bao giờ chịu khuất phục trước mọi kẻ thù xâm lược, không bao giờ lùi bước trước khó khăn để vươn lên làm chủ cuộc sống. “Và bởi vậy, nhân cách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự thủy chung, kiên định,... của con người Quảng Trị là bản sắc rõ nét nhất, gần gũi nhất có thể sờ tay thấy, nghe được và ôm ấp được trong lòng2.

Có thể nói “...một truyền thống kiên trung, bất khuất, một cốt cách cần cù, bao dung, một năng lực thông minh, cần mẫn...”3 của người Quảng Trị đã kết tinh ở người con ưu tú của quê hương - đồng chí Lê Duẩn. Mang trong mình khí chất đặc trưng của con người Quảng Trị, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là bản hùng ca bất diệt về bản lĩnh, ý chí sắt đá, sự thủy chung, tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất.

Điều đó được thể hiện rõ qua 2 lần đồng chí bị bắt, với hơn 10 năm bị địch cầm tù. Lần thứ nhất, vào năm 1931, khi bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò, mặc dù thực dân Pháp và tay sai dùng đủ mọi cách để mua chuộc, lôi kéo, dụ dỗ nhưng đồng chí không một chút nao núng, lay chuyển; bọn mật thám dùng roi da lõi đồng, roi cá sấu đánh tới tấp khiến “mình mẩy sưng vù, các khớp xương đau nhức tột độ”, nhưng chúng chỉ nhận được ở đồng chí “sự im lặng”. Thực dân Pháp kết án đồng chí 20 năm tù cầm cố và lưu đày đến các nhà tù Sơn La, Côn Đảo; vượt lên mọi cực hình, đồng chí luôn bền gan, quyết giữ vững ý chí, lập trường và niềm tin cách mạng; cùng với đồng chí, đồng đội nêu cao khí phách trung dũng, kiên cường đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, giữ trọn khí tiết của người Cộng sản chân chính. Lần thứ hai, vào cuối năm 1940, địch bắt và đày đồng chí ra nhà tù Côn Đảo. Tại “Địa ngục trần gian” này, chúng “đối xử với tù nhân hà khắc không sao kể hết được”, phần đông tù nhân đều chết dần, chết mòn vì những đợt đòn tra tấn, vì bệnh tật, kiệt sức, có ngày đến vài chục cái chết thương tâm; bản thân đồng chí bị chúng tra khảo đến “chết đi sống lại” nhiều lần; nhưng kẻ thù càng hung bạo, đồng chí càng trở nên mạnh mẽ, kiên cường, bất khuất để chiến đấu và chiến thắng sự tàn bạo của chúng.

Không chỉ được tôi luyện dưới sự khắc nghiệt của nhà tù đế quốc, tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất của đồng chí Lê Duẩn còn được thử thách và chứng minh qua thực tiễn cách mạng. Năm 1936, sau khi được trả tự do, đồng chí đã vượt qua sự truy lùng ráo riết của địch, lăn lộn, chỉ đạo phong trào đấu tranh, gây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng; kịp thời chỉ đạo phong trào dân chủ phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu, tiến hành cuộc tập dượt lớn nhằm tiến tới cao trào cứu nước 1939 - 1945, giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng tháng Tám. Trong những năm tháng kề vai, sát cánh cùng với nhân dân Nam Bộ kháng chiến chống Pháp xâm lược, đồng chí đã đối mặt và vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ, lãnh đạo quân và dân Nam Bộ kháng chiến đến ngày thắng lợi. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phẩm chất kiên trung, bất khuất của đồng chí được biểu hiện rõ nét nhất ở tư tưởng cách mạng tiến công, bản lĩnh, ý chí sắt đá, quyết tâm cao nhất đánh Mỹ và thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1965, trong cuộc họp với ba lãnh đạo Liên Xô là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Breegiơnep, Chủ tịch Xô Viết tối cao Podgonưi, Thủ tướng Koxưgin về tình hình cuộc chiến với Mỹ của Việt Nam, Podgonưi đã phản đối gay gắt việc Việt Nam tiến hành chiến tranh vũ trang để thống nhất đất nước vì Mỹ rất mạnh, Việt Nam không thể thắng Mỹ”, đồng chỉ đã trả lời kiên quyết: “Nhất định chúng tôi phải đánh Mỹ và thắng Mỹ. Nếu các đồng chí ủng hộ, có thể chúng tôi chỉ chết có một triệu người. Nếu các đồng chí không ủng hộ, chúng tôi có thể hi sinh nhiều người hơn nữa. Nhưng chúng tôi phải thực hiện được mục tiêu cuối cùng là thống nhất đất nước4. Với quyết tâm, ý chí sắt đá đó, cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất, với bản lĩnh, ý chí và sự kiên cường của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí đã có những quyết sách sáng suốt để cùng với Đảng lãnh đạo đất nước vượt lên những thời điểm khó khăn nhất, vững bước đi lên trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Yêu lao động, trọng tình thương và lẽ phải

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cuộc sống luôn vất vả, gian truân đã làm cho con người Quảng Trị thêm cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất để làm chủ cuộc sống, chinh phục tự nhiên. Trong các cuộc di dân dưới các triều đại phong kiến, các ông tổ người Việt Quảng Trị thuộc nhiều dòng họ bằng sự cần cù, chịu thương, chịu khó đã dày công khai sơn phá thạch, gây dựng cuộc sống, để lại cho con cháu đời sau những vùng đất phì nhiêu, màu mỡ, làm kế mưu sinh. Các thế hệ người Quảng Trị cứ thế nối tiếp nhau phát huy truyền thống lao động của cha ông và biến nó trở thành nét đẹp, cốt cách của chính con người Quảng Trị. Cùng với lao động, người Quảng Trị có truyền thống trọng chính nghĩa, giàu tình thương yêu, luôn đoàn kết, đùm bọc nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn: “Quê tôi đã bị mấy hạng người, đeo mặt nạ, kiêu căng, hung tàn, mọi rợ, vô giáo dục, vô lương tâm, ồ ạt sức mạnh, với lý thuyết xứ người đến đây đốt phá cỏ cây, mùa màng, súc vật, giết hại dân thường một cách dã man. Nhưng chúng đâu có biết cái tình cảm của xứ tôi, không một sức mạnh nào đập phá đi được5.

Làng Bích La, quê hương của đồng chí Lê Duẩn là một làng có lịch sử lâu đời. Tộc họ Lê Văn là một trong 15 tộc họ đồng khai khẩn đã góp phần không nhỏ vào truyền thống tốt đẹp trong lịch sử dựng nghiệp ở làng ngay từ buổi ban đầu. Gần 5 thế kỷ từ ngày khai hoang, lập làng, lập xã, vừa chống chọi với thiên nhiên địch họa, vừa tạo dựng cơ đồ, người dân Bích La nói chung, các thế hệ con cháu trong tộc họ Lê Văn nói riêng đã vun đắp nên nhiều truyền thống tốt đẹp được lưu giữ và phát triển từ đời này sang đời khác như: truyền thống lao động cần cù, chịu thương, chịu khó; trọng nghĩa, trọng tình; đoàn kết, tương thân, tương ái... Nền tảng của truyền thống đó chính là cái tâm, cái đức được các thế hệ nối tiếp giữ gìn và phát triển. Các vị tiền nhân của tộc họ Lê Văn khi đỗ đạt ra làm quan đều nổi tiếng là những người thương yêu dân chúng, làm gương cho các thế hệ con cháu đời sau học tập.

Chợ Sãi (làng Hậu Kiên) nơi nuôi dưỡng đồng chí từ thuở bé, mặc dù dân cư là người tứ xứ tập hợp về đây làm ăn sinh sống, nhưng dân làng Hậu Kiên rất mực thương yêu, đùm bọc nhau. Nét nổi bật của con người Hậu Kiên là sống thủy chung, tình nghĩa, nhà ai có việc gì, tất cả cùng lo. Thân phụ đồng chí là ông Lê Văn Hiệp, từng học chữ nho và đỗ khóa sinh nhưng ông không theo con đường quan nghiệp mà mở xưởng mộc nhỏ và cửa hàng bán đồ gỗ ở chợ Sãi (làng Hậu Kiên). Ông Hiệp là một người cha luôn chăm lo cho cuộc sống của gia đình, chăm chỉ, chịu khó làm ăm, quan tâm giáo dục con cái. Bởi vậy, đồng chí sớm ý thức ý nghĩa và giá trị của lao động đối với mỗi một con người. Mẹ đồng chí là một người đàn bà mẫu mực, hiền lành, phúc hậu, hay giúp đỡ người nghèo và tình thương con vô hạn. Tình thương và cách giáo dục con của người mẹ đã dần dần bồi đắp nên ở đồng chí tình yêu thương đối với con người, nhất là những người thống khổ.

Được nuôi dưỡng bởi truyền thống quê hương, làng xóm, dòng họ, gia đình nên ngay từ thuở thiếu niên cho đến khi trưởng thành và sau này giữ những chức vụ chủ chốt của Đảng, đồng chí đã tỏ rõ là một người yêu lao động, trọng chính nghĩa và giàu tình thương. Với đồng chí Lê Duẩn yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải, đó là phẩm chất cơ bản cần được bồi dưỡng và hoàn thiện để con người có thể làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, tiếp cận và chiếm lĩnh được “cái Đúng, cái Tốt, cái Đẹp” của cuộc sống. Đồng chí thường căn dặn: Con người sống là phải lao động, có tình thương và lẽ phải. Đó là đạo lý cuộc sống6.

Từ những ngày đầu rời mảnh đất quê hương đi làm cách mạng, hành trang mà đồng chí mang theo chỉ có lý tưởng của người thanh niên yêu nước, thương nòi; đồng chí đã tự nuôi sống bản thân để thực hiện hoài bão cứu nước bằng lao động chân chính. Sau này, khi bước vào con đường hoạt động cách mạng, đồng chí là một tấm gương về lao động và không ngừng lao động, sáng tạo. Trong những năm tháng chịu cảnh tù đày dưới hệ thống nhà tù đế quốc, đồng chí đã vượt qua sự tra tấn, khủng bố khốc liệt của kẻ thù “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, tự học, rèn luyện để trở thành một người cộng sản có trí tuệ lớn, tài năng lớn. Trong thời gian hoạt động ở Nam Bộ, đồng chí là “ngọn đèn hai trăm nến”, luôn “cháy hết công suất” để lãnh đạo cách mạng miền Nam. Đặc biệt, với khả năng lao động, sáng tạo phi thường, đồng chí đã dự thảo “Đề cương cách mạng miền Nam” là bước khởi đầu để hình thành Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 lịch sử - Nghị quyết tạo ra bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam, góp phần đưa miền Nam liên tiếp giành những thắng lợi to lớn. Trong kháng chiến chống Mỹ, với cương vị là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, đồng chí đã làm việc không ngừng để cùng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại, lãnh đạo nhân dân làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không chỉ là con người của lao động, đồng chí Lê Duẩn còn là con người của “tình thương và lẽ phải”. Thuở bé, tình thương của đồng chí khởi nguồn từ tìm cảm hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương gia đình, bà con lối xóm. Những năm tháng hoạt động cách mạng, tình thương của đồng chí được nâng lên thành tình cảm sâu nặng với đồng chí, đồng đội, đồng bào; là tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng đối với Tổ quốc, nhân dân. Sau ngày đất nước thống nhất, “tình thương và lẽ phải” của đồng chí chính là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc thực sự cho nhân dân. Đồng chí nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “...trước hết phải lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, con em phải được đến trường, phải lo cho tất cả mọi người không phân biệt “bên này bên kia” vì ai cũng là công dân của nước Việt7. Trong rất nhiều bài viết, bài nói chuyện, đồng chí thường nhấn mạnh: “Sức mạnh của người cách mạng là ở lý tưởng của mình, đồng thời còn ở khát vọng về tình thương đối với đồng bào mình, nghĩa là yêu nước phải gắn liền với thương dân, phải có tình thương và trách nhiệm đối với dân8. Năm 1978, Trung Quốc thông báo không bán bông cho chúng ta nữa nên sản lượng bông sẽ giảm đi một nữa, do vậy Chính phủ chỉ lo được cho dân “hai năm một bộ quần áo”. Đồng chí Lê Duẩn kiên quyết chỉ đạo các đồng chí trong Chính phủ “phải lo đủ cho người dân mỗi năm một bộ áo quần mới”. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương của người đứng đầu đất nước đối với nhân dân.

Ở một khía cạnh khác, “tình thương và lẽ phải” đối với đồng chí còn là trân trọng nghĩa tình, sống có trước có sau. Trong tình cảm của mình, đồng chí luôn giành cho đồng bào miền Nam lòng biết ơn sâu sắc. Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí nhiều lần trở lại miền Nam, thăm các gia đình cơ sở ở Cà Mau, Rạch Giá, Bến Tre... Luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên miền Nam phải chăm lo cho cuộc sống của bà con, nhất là những gia đình dám xã thân vì cách mạng. Với quê hương Quảng Trị, đồng chí luôn dành những tình cảm sâu nặng: “Đối với tất cả chúng ta, quê hương biết bao tình sâu nghĩa nặng! Riêng tôi, ngoài công việc chung của cả nước, vẫn thường nghĩ đến tỉnh nhà và tự hỏi không biết đồng bào trong tỉnh từ ngày giải phóng đến nay sống như thế nào...”9. Đến những giây phút cuối cùng trên giường bệnh, đồng chí vẫn là một con người trung thực, sáng suốt, đầy tình cảm, luôn hướng về lẽ phải, tình thương và trách nhiệm với dân tộc, nhân dân.

Trong Điếu văn đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta đã khẳng định: “Là chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, một người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa…. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp”. Quê hương Quảng Trị vinh dự, tự hào là nơi hun đúc và nuôi dưỡng nhân cách cao đẹp của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn - người đã giành trọn cuộc đời của mình làm rạng danh quê hương Quảng Trị và góp phần nâng tầm vị thế của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Chú thích:

1 Hồi ký của đồng chí Võ Nghiêm, lúc đó là Tổ trưởng Tổ kế toán ở Hỏa xa Đà Nẵng. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thảnh ủy Đà Nẵng.

2, 3, 4 Hố Sỹ Vịnh (chủ biên): Đôi nét về dòng chảy văn hóa và người Quảng Trị, NXB chính trị Quốc gia năm 2001.

5, 8 Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, 2013.

6 Lê Duẩn Tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia, năm 2007.

7, 9 Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị, NXB Chính trị quốc gia, năm 2002.

Nguyễn Ngọc Tuấn

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

43 Phút trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground