Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 23/11/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tục chia hồn lúa của người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi/Pa Kô

Sinh sống trong điều kiện môi trường núi rừng, cuộc sống của người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi/Pa Kô chủ yếu dựa trên canh tác lúa nương và săn bắn hái lượm, một cách thức sinh tồn cơ bản, phổ biến và kéo dài. Chính vì thế, trong đời sống của họ cũng như của các tộc người bản địa khác sinh sống trên dãy Trường Sơn nói chung vẫn còn những tập tục phản ánh nhiều dấu ấn của xã hội thời kỳ nguyên thủy, biểu hiện rõ nét nhất qua chu trình sinh trưởng của cây lúa.

Già làng trưởng họ - Người giữ hồn lúa - Ảnh: Hồ Giỏi

Già làng trưởng họ - Người giữ hồn lúa - Ảnh: Hồ Giỏi

Xuất phát từ quan niệm có từ thời nguyên thủy “vạn vật hữu linh” nên trong cuộc sống của họ mọi sinh vật đều có linh hồn, nhưng duy nhất hạt lúa là một thực phẩm thiêng liêng do trời ban xuống cho con người và có linh hồn giống con người, được thần thánh hóa (giàng A bôn), được nâng lên địa vị tối cao trong hệ thống thần linh thờ cúng của người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi/Pa Kô. Giàng A bôn là nguồn sống thiêng liêng, là thần linh che chở cho loại lương thực cơ bản nhất của họ, đó chính là hạt lúa. Giống như thần bản mệnh (Chiết/Cợt) bảo vệ và giám sát con người ngay từ lúc vừa ra đời, sự sinh tồn, phát triển của lúa sẽ phụ thuộc vào giàng A bôn.

Trong một chu kỳ trồng lúa nương truyền thống của người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi/Pa Kô là một công việc phức tạp, trong đó tất cả các khâu đoạn đều được khởi đầu hoặc kèm theo một nghi lễ. Cây lúa không chỉ đơn giản là một loại cây trồng hay một loại lương thực mà hơn thế nó được coi là một thực thể sống có linh hồn. Họ hình dung thần lúa là một “bà cụ già” (A dã A bôn) sống trong cây lúa, được đặt tên là giàng A bôn. Khi bắt đầu một vụ trồng lúa, họ sẽ làm lễ “đánh thức” hạt giống (họ sẽ lấy một ít để làm lễ tại bàn thờ dành riêng cho A bôn), sau đó A bôn sẽ rời khỏi làng để chuyển ra rẫy. Họ sẽ dựng một cái lều nhỏ cho giàng ở đó. A bôn sẽ ở đó suốt vụ và “ứng vào” từng cây lúa. Trong quá trình đó, người ta phải tuân theo rất nhiều các tục lệ và điều cấm kị. Chẳng hạn, kể từ lúc bắt đầu gieo đến khi thu hoạch cây lúa cuối cùng, họ cấm đi trong đám lúa, cấm làm ô uế, đi tiểu tiện hay đại tiện, cấm làm ồn ào ở rẫy. Thậm chí, gọi tên cây lúa cũng không được, vì họ sợ sẽ làm A bôn đang sinh sống trong cây lúa sợ hãi và bỏ đi. Khi lúa chín, thì họ cấm tất cả những gì có thể làm A bôn đau: không được gặt lúa bằng liềm (sẽ cắt vào A bôn, làm thần chảy máu) hoặc không được đập lúa mạnh (sẽ làm thần bị đau). Chỉ được gặt lúa bằng tay, họ dùng những bàn tay trần để tuốt từng nhánh lúa, rồi nâng niu đặt các hạt lúa vào gùi đeo bên hông. Sau khi tuốt xong, bằng những hạt lúa trên những nhánh lúa cuối cùng, họ đón A bôn về nhà, đặt một vài hạt thóc trên bàn thờ dành cho A bôn, dâng cúng lễ vật tạ ơn A bôn (Cha đôi ta may, Cha xre) và A bôn sẽ được nghỉ ngơi ở đây cho đến khi được đánh thức vào đầu vụ trồng lúa tiếp theo.

Bàn thờ của giàng A bôn cũng có chút khác với các bàn thờ của các thần khác. Thay vì bản sao thu nhỏ một ngôi nhà, bàn thờ của A bôn chỉ có phần “hàng rào” đặt trong đó không phải là chén sứ mà là quả bầu hồ lô (A luôi). Tất cả những gì quan trọng với vụ lúa kết tinh trong hình tượng quả bầu hồ lô và hạt lúa: họ để tám hạt giống vào trong bầu hồ lô, đến đầu vụ sẽ đánh thức những hạt giống này. Lý do xuất hiện quả bầu hồ lô trên bàn thờ thần lúa có thể được giải thích bằng những chuyện thần thoại. Theo truyền thuyết về nguồn gốc của các tộc người, loài người bị thiệt hại lớn sau trận đại hồng thủy  các tộc người đã tái sinh từ quả bầu hồ lô.

Với vị trí quan trọng của giàng A bôn trong đời sống của người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi/Pa Kô như thế, nên trong không gian thờ cúng, bàn thờ giàng A bôn luôn luôn được xếp ở vị trí đầu tiên gắn trực tiếp lên cột ở góc thiêng của ngôi nhà, tạo thành góc vuông với các bàn thờ khác như là đang dõi theo, trông coi tất cả các bàn thờ khác. Hình ảnh này minh chứng hùng hồn về tầm quan trọng của giàng A bôn trong đời sống của người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi/Pa Kô.

Đối với người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi/Pa Kô, mỗi một dòng họ, việc thờ cúng giàng A bôn, giàng Cu múi/Kaneaq, Chiết/Cợt của các thành viên trong dòng họ được thực hiện tại nhà của trưởng họ. Những người trong cùng một dòng họ, cho dù đang sinh sống ở đâu đến khi thực hiện các nghi lễ theo phong tục (cúng cơm mới/cha đôi ta may, cha xre; thần bản mệnh/Chiết/Cợt) thì đều phải trở về để làm tròn bổn phận. Tuy nhiên, trong những trường hợp dân số của một dòng họ tăng nhanh, áp lực trong việc canh tác phải thực hiện xa nơi sinh sống, dẫn đến một số dòng họ muốn thuận lợi trong việc canh tác trên mảnh đất mới nên chuyển đến gần các mảnh đất đó, họ đã thành lập một chi mới ở đây. Hoặc trong trường hợp một bộ phận các dòng họ trong quá trình sinh sống tách riêng thành lập một dòng họ mới, một làng mới, nhưng trong đời sống phong tục tập quán phải quay lại làng gốc để thực hiện (lễ A da, lễ Ariêu ping), nó mất rất nhiều thời gian, họ cũng chia tách thành một chi mới, dòng họ mới độc lập với dòng họ ban đầu.

Để được có được sự độc lập trong việc thực hiện các nghi lễ liên quan đến phong tục tập quán thì phải có sự cắt đứt một phần hoặc hoàn toàn với làng gốc, họ gốc ban đầu. Đó là việc chia thần lúa - giàng A bôn. Đối với người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi/Pa Kô việc này không thực sự phổ biến nhưng được luật tục cho phép. Tuy nhiên, trong mỗi cộng đồng người, sự cho phép này ở mức độ khác nhau: đối với người Bru - Vân Kiều họ cho phép chia thần lúa, nhưng không được phép chia giàng Kaneaq/Cu múi; người Tà Ôi/Pa Kô đã chia giàng A bôn thì chia luôn giàng Kaneaq, giàng Cợt.

Hình thức chia: - Người Bru - Vân Kiều, chuẩn bị lễ vật 1 con dê, 1 con heo và 7 con gà. Trưởng họ khấn với Kaneaq/Cu múi, A bôn về việc dòng họ chia tách A bôn. Sau đó đưa A bôn xuống, lấy 4 hạt lúa trong A bôn cũ bỏ vào trong A bôn mới giao cho trưởng họ mới. Sau đó dòng họ được chia phải chuẩn bị lễ vật 1 con heo và 7 con gà để mừng và an vị A bôn lên bàn thờ. Từ đây, mỗi lần làm lễ mừng lúa mới/Cha đôi ta may thì họ có quyền tổ chức riêng bao gồm những hộ gia đình mới được chia tách.

- Người Tà Ôi/Pa Kô. Sau khi đã thực hiện xong lễ Ariêu ping chung của cả dòng họ, với những lý do như nêu ở phần trên, họ chuẩn bị lễ vật một con dê hoặc heo, 1 con gà để báo với giàng Kaneaq/Cu múi, giàng A bôn, giàng Cợt về việc chia tách các thần này; người Tà Ôi/Pa Kô không đưa A bôn trên bàn thờ xuống mà chỉ khấn và lấy một hạt lúa từ rẫy của người trưởng họ bỏ vào trong giàng A bôn mới giao cho nhóm người chia tách để trở thành giàng A bôn mới. Đối với chia giàng Kaneaq/Cu múi thì người ta chia bằng cách: những người đứng đầu dòng họ đang thờ giàng Kaneaq với người được chia có cùng ngôi thứ, thì người trưởng họ cũ được phép giữ lại ông bà và những người là con, cháu của người mình; người được chia thì mang linh hồn của cha mẹ cùng con cháu của họ về lập nên bàn thờ mới. Còn giàng Cợt thì của ai liên quan trực tiếp đến người trưởng họ nào thì được thờ cúng tại đó. Sau khi đã chia xong, người được chia mang tất cả các vị thần đó về nơi sinh sống của mình và chuẩn bị lễ vật heo, gà để an vị các vị thần đó lên bàn thờ. Và từ đây thành lập một dòng họ mới, dòng họ này độc lập hoàn toàn với dòng họ cũ trong khi thực hiện các nghi lễ theo tập quán của người Tà Ôi/Pa Kô.

Ngày nay, trong cơ cấu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, cây lúa không còn chiếm vị trị chủ đạo nữa mà thay vào đó là các loại cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao hơn, góp phần làm thay đổi đời sống của người dân. Đồng nghĩa với đó là sự thu hẹp diện tích đất dành cho lúa rẫy, kéo theo đó là sự thay đổi trong nhận thức của người dân đối với thần lúa - giàng A bôn. Ở giai đoạn thu hoạch, thay vì tuốt lúa bằng tay họ đã sử dụng liềm để cắt, sự thay đổi này tất nhiên phải thực hiện bằng nghi lễ và nhận được sự đồng thuận của giàng A bôn. Tuy nhiên, đối với người Bru - Vân Kiều, Tà Ôi/Pa Kô, giàng A bôn là vị thần mang lại đời sống ấm no cho họ và giàng A bôn luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của hai dân tộc này.

HOÀNG NGỌC THIỆP
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 361

Mới nhất

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

38 Phút trước

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển

19/11/2024 lúc 16:48

Sáng nay 19/11, UBND tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 20024, với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển”.

Bản sắc vùng cao Quảng Trị trong không gian triển lãm trưng bày hiện vật và ảnh nghệ thuật

19/11/2024 lúc 10:21

Triển lãm ''Không gian văn hóa Hồ Phương và Ảnh nghệ thuật bản sắc vùng cao của tác giả Hồ Thanh Thọ, Lê Ngọc Tú'' diễn ra trong hai ngày 18 - 19/11/2024 tại khách sạn Đông Trường Sơn (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)

Ca sĩ Tân Nhân - còn mãi với giai điệu “Xa khơi”

19/11/2024 lúc 08:34

Có lần nhà văn Châu La Việt trở lại thăm quê nhà Quảng Trị, mấy anh em văn nghệ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

24/11

25° - 27°

Mưa

25/11

24° - 26°

Mưa

26/11

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground