Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vang mãi sóng Cửa Tùng

 

T

ừ những năm chiến tranh ác liệt, trường Mỹ thuật chúng tôi phải sơ tán về vùng Hiệp Hòa, Hà Bắc với cái ký hiệu hòm thư có phần bí hiểm: V503 – H14 – BC13H. Chúng tôi cũng đã thường xuyên có những chuyến đi vẽ ở những vùng “nóng bỏng” như: Quảng Ninh, Hàm Rồng, Hậu Lộc, Ngư Thủy, Vĩnh Linh…

            Cái thời “tiếng hát át tiếng bom” ấy, chúng tôi đã thuộc, đã hát rất nhiều bài ca về Quảng Trị nhưng đáng nhớ nhất, lưu đọng nhất trong mỗi chúng ta là bản hợp xướng “Sóng Cửa Tùng” của nhạc sĩ Doãn Nho. Cũng xin “khoe” với mọi người rằng, ngoài dàn hợp xướng khổng lồ và rất nổi tiếng của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị hồi ấy ra thì dường như chỉ có một đơn vị  văn nghệ nghiệp dư là trường Mỹ thuật chúng tôi mới dám “cả gan” dàn dựng “Sóng Cửa Tùng”.

            Với giọng lĩnh xướng của Huỳnh Trị Triết rất trong trẻo, ngọt ngào; với Vi Quốc Hiệp “bè trưởng” giọng nam cao sáng láng, ngân vang; với Ca Lê Thắng “ bè trưởng” giọng nam trung ấm áp, hào hùng; với Mô Lô Kai “bè trưởng” giọng nam trầm rầm rền, sôi động, và Lưu Mai Phương “ bè trưởng” giọng nữ cao véo von, náo nức…Chúng tôi đã nhiều lần biểu diễn phục vụ bà con địa phương nơi sơ tán, từng “giao lưu” với các trường bạn, trong đó có trường Âm nhạc kết nghĩa (nay là Nhạc viện Hà Nội), đã biểu diễn chào đón đoàn đại biểu của hội nhạc sĩ Việt Nam mà nghe xong, nhạc sĩ Văn Ký đã “bật” lên sân khấu để chúc mừng và khen ngợi: “thật không ngờ, trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mà các “họa sĩ tương lai” đã dựng được một tác phẩm hợp xướng phức tạp và đồ sộ, vững vàng và thành công đến mức này…”

            Vâng, chúng tôi có quyền tự hào về bản hợp xướng “vô tiền khoáng hậu” của phong trào văn nghệ trường tôi trong những tháng năm “cả nước ra trận” để xóa bỏ nổi đau chia cắt: “..Hò ơ ớ…Sông Hiền Lương vừa trong vừa mát…Sóng Cửa Tùng dào dạt biển ơ ớ ơ Đông ơ…”. Vậy mà đã hơn ba chục năm rồi, khi mái đầu đã điểm bạc, lũ chúng tôi đã từng có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc như: Tây nguyên, cà mau, Côn Đảo, Trường sa…mà đến nay mới có dịp trở về  với Quảng Trị, trở về với “sóng Cửa Tùng” vạn ngàn nhung nhớ.

            Nhóm chúng tôi gồm: Phạm Ngọc Liệu, Đỗ Hiển, Dân Quốc, Đặng Trần Sơn, phạm Hào, Trần Đốc, Lý Trực Sơn có mang theo hàng trăm tranh ký họa đã vẽ ở Quảng Trị thời chiến tranh. Những hình ảnh các chiến sĩ giải phóng quân trước giờ ra trận, những trận địa phòng không giữa nắng lửa, bom rơi, những lão dân quân, những o du kích gan góc, kiên cường, những xóm làng lặn vào lòng đất, sinh tồn, bất diệt… sẽ cùng với ký họa về Quảng Trị hôm nay, tạo nên một ý tưởng “Quảng Trị ngày ấy, bây giờ” để trưng bày phục vụ  bà con vùng gió cát. Cũng xem đây như một nghĩa cử nhỏ bé của chúng tôi đền đáp lại tấm lòng và sự hy sinh quá lớn của quân và dân Quảng Trị.

            Phó chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chính, nhà văn Xuân Đức giám đốc sở văn hóa – thông tin, nhà thơ Lê Bá Tạo phó chủ tịch thường trực hội văn học – nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiếp đón và gặp gỡ chúng tôi như với những người thân quen cũ. Anh em họa sĩ của tỉnh cũng kéo đến “tay bắt mặt mừng”, ôm chầm lấy nhau, hỏi han và nhắc lại biết bao nhiêu kỷ niệm xa xưa. Từ những ngày còn học ở trường, nơi sơ tán, Nguyễn Thế Hà cũng đã nổi tiếng là một cây văn nghệ rất nổi trội mà nhớ nhất là anh đã thủ vai một lính Mỹ với biệt danh “Hươu cao cổ” trong vở kịch “Nàng bắn lén” của Ngô Y Linh từ miền Nam gửi ra. Đội kịch của trường chúng tôi ngày ấy diễn xuất không hề thua kém những diễn viên chuyên nghiệp. Hơn thế nữa, trong lần “mang chuông đi đánh nước ngoài”, chúng tôi “kéo quân” sang biểu diễn “giao lưu” với trường Âm nhạc cũng ở nơi sơ tán đã được ca sĩ Tô Phương Lan xin tình nguyện được “cười” trong vai “Nàng bắn lén”. Sau lần ấy Tô Phương Lan đã khước từ suất đi học ở Liên Xô để tình nguyện vào với chiến trường nóng bỏng. Bao bồi hồi kỷ niệm. Chúng tôi nhắc tới những lần gặp nhau tại Hà Nội trong các kỳ đại hội, trong các cuộc triễn lãm những tác phẩm của họa sĩ Quảng Trị với công chúng thủ đô. Hồ Uông, Trịnh Hoàng Tân và nhiều tác giả của đất này đã nhiều lần giành được giải thưởng ở triển lãm khu vực và toàn quốc, đã có nhiều tác phẩm được lưu giữ ở bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.

            Quảng Trị đã vào mùa gió Lào, nắng lửa. Chúng tôi chia thành nhiều mũi, tỏa đi khắp các địa bàn không thể lãng quên như: Lao Bảo, Cửa Việt, Khe Sanh, Nghĩa trang Trường sơn, Tà Cơn, Cửa Tùng…

            Tôi và họa sĩ Dân Quốc lại về với bộ đội biên phòng, dăm tháng trước đây chúng tôi đã vẽ ở các đồn biên phòng vùng biên giới của Sơn La, Lai Châu. Ở đâu họ cũng là chiến sĩ “đa năng”. Ngoài những nhiệm vụ chính ra, họ còn phải “kham” thêm cả chức năng của những cán bộ ngành y tế, văn hóa, giáo dục…Trăm thứ khó khăn, phức tạp của công tác vận động và giúp đỡ nhân dân kể cả ở vùng sâu vùng xa đều “đổ lên đầu” cán bộ chiến sĩ của quân chủng mà anh em thường gọi đùa là “đầu đa hệ”.

            Trong chuyến đi vùng biên ải Tây Bắc, tôi đã viết nhiều bài đăng trên báo Biên Phòng, báo Quân Đội nhân dân, chắc chắn rằng trong những giờ đọc báo hàng ngày anh em đã đọc, trong đó dễ gợi nhớ nhất là bài “Lên với đồn trưởng Trung Râu” nên khi nhắc tới, mọi người “à” lên một tiếng, thế là đủ thân nhau, quý nhau rồi.

            Nhóm chúng tôi cùng “đồng cam cộng khổ” với các chiến sĩ ở Đội cơ động số 1 trên thao trường nắng lửa cũng như khi dưới đồi cọ dầu rợp mát. Chúng tôi cũng có mặt cùng với các chiến sĩ ở đồn Cảng Cửa Việt, một đơn vị  mới thành lập được hơn một năm mà đã đạt danh hiệu “đơn vị vững mạnh toàn diện” và “chi bộ trong sạch vững mạnh”. Chúng tôi cũng có mặt ở đồn Cửa Tùng, một “đơn vị anh hùng” và đã gặp gỡ, vẽ chân dung cựu chiến binh Trần Minh Sáng đã từng 10 năm liền chốt giữ ở  đồn Công an biên phòng đầu cầu Hiền Lương năm xưa. Chúng tôi đã thăm lại địa đạo Vịnh Mốc, một điển hình của “lũy thép Vĩnh linh”, là kho tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, là bằng chứng sinh động, hùng hồn của sức mạnh, ý chí kiên cường, bất khuất của Quảng Trị anh hùng.

            Mà lạ thật! Ở nơi vùng đất vô cùng khắc nghiệt này, cái vùng đất mà “Đừng than phận khó ai ơi! Còn da thì lông mọc, còn chồi thì nảy cây” này nhưng đã sinh ra những con người làm rạng danh quê hương đất nước như: Đặng Tất, Bùi Dục Tài, Nguyễn Hữu Thận, Nguyễn Khoá Bảo, Lê Duẩn, Hồ Xuân Lưu, Chế Lan Viên…

            Chẳng phải “nịnh” nhau làm gì, một bữa trưa nắng đến mức phơi chiếc khăn rửa mặt trong hiên nhà mà ăn chưa xong bữa cơm, chiếc khăn đã khô cong. Nóng không thể ngủ trưa được, tôi sang buồng của chiến sĩ trực điện thoại cùng nghe buổi phát thanh “Cuộc sống và tác phẩm” của đài Quảng Trị. Thật sự ngẫu nhiên và cũng hết sức bất ngờ, tôi nghe như nuốt từng lời một bài viết về Quảng Trị súc tích và truyền cảm đến mức khó có thể viết hay hơn. Tiếp đó là một bài bình thơ “Chiếc lá” của Văn Cao vô cùng tinh tế, sâu đọng mà âm vang. Xin ai đó chớ phật lòng, buổi phát thanh của một đài “tỉnh lẻ” nay còn hấp dẫn và trên tầm nhiều buổi phát thanh văn nghệ khá “dông dài” của quý đài “tầm cỡ” mà tôi đã từng nghe.

            Những năm vừa qua, do tính chất công việc, tôi thường xuyên được “điểm” các báo và tạp chí trong cả nước. Một điều mà nhiều người đã thừa nhận và khẳng định là các tạp chí: Nhật Lệ, Cửa Việt, Sông Hương, cái “khúc ruột” chẳng được thiên nhiên ưu ái, đãi đằng gì mà sao bài vở, tác phẩm vẫn nổi trội, hấp dẫn thế, ở cái cấp độ hơn hẳn nhiều nơi khá phong lưu, trù phú, xênh xang.

            Khi từ đồn Cảng Cửa Việt sang tới đồn Cửa Tùng, tôi qua xã Gio Hải (huyện Gio Linh). Ơi cái xã hầu như chỉ bạt ngàn cát trắng và những khóm phi lao cằn cỗi mà đã hai lần được phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng”. Câu hát xưa, dù là của ai nhưng đã đi vào tâm khảm của nhiều người lại khơi dậy trong tôi: “Mẹ già cuốc đất trồng khoai – Nuôi con đánh giặc đêm ngày – cho dù áo rách sờn vai” nhất là khi tôi rẽ vào thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Con có chồng và 4 con trai cùng 2 con dâu đã hy sinh vì Tổ Quốc. Tôi đã vẽ bức chân dung mẹ nhanh nhất, cô đọng nhất và cũng đầy xúc động chỉ trong vòng dăm bảy phút nhưng lại là một trong những bức ký họa đẹp nhất của tôi trong chuyến đi.

            Quảng Trị ơi! Cái vùng đất có 56 vạn dân mà có tới 14 vạn liệt sĩ với 72 nghĩa trang lớn nhỏ, liệu có nơi nào sánh nổi! Nhiều xã còn nghèo, nhà cửa còn tuềnh toàng, đơn sơ nhưng những lăng mộ và nghĩa trang liệt sĩ lại rất khang trang, đẹp đẽ. Đời sống tâm linh của bà con trên đất này với những người đã khuất sao thiêng liêng, kỳ bí như một điều rất khó giải mã.

            Sau khi vẽ cô dân quân Nguyễn Thị Hoa của xã Vĩnh Quang, tôi một mình đi dọc theo bờ cát. Chiều lộng gió. Cửa sông Bến Hải xao động, lung linh. Những đoàn thuyền rộn ràng tiếng máy, lũ lượt ra khơi. Tôi ngồi trên mỏm đá sát mép biển cho sóng Cửa Tùng tung nước vào người và ngâm ngợi những câu thơ mà tôi đã ghi lại trên báo tường của những người lính Biên phòng:

            Áo em trắng nên chiều duyên dáng quá

            Ta mềm lòng trước trang giấy vô tư

            Cửa biển nao nao con sóng đợi chờ

            Ta bảng lảng trong chiều vàng rơi vãi…

                                                            (Phạm Đức Phúc)

            Quê cho tôi đôi mắt em xinh

            Những hàng cây nở nụ cười lấp lánh

            Quê cho tôi niềm tin chắp cánh

            Con chim non khao khát một vòng trời…

                                                            (Xuân Lộc)

            Và

            Xin hãy nhớ đất này là đất lửa

            Biển mặn nồng và nắng gió luyện tôi

            Vị chè chát, hạt tiêu nồng xé lưỡi

            Rừng cao su dâng nhựa sống cho đời

            Những người lính sống bên cửa biển

            Như dừa xanh quen nắng gió mặn mòi

            Nhận vào mình biết bao dữ dội

            Để mãi xanh đời

                                    Đồng đội mến yêu ơi!

                                                            (Phương Thanh)

            Cửa Tùng! Hoàng hôn về, sóng càng to, gió càng lộng. Nhớ da diết cái dàn hợp xướng khổng lồ ngày ấy với hàng trăm học sinh, sinh viên tham gia ở đâu đó trong Thành Cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm máu lửa. Những âm hưởng của bản hợp xướng cứ trào dâng mãnh liệt trong tôi. Tôi chẳng thể hát được hết các bè nhưng cũng gào lên cùng sóng biển: “Thuyền ta chung bến (ớ huầy ớ dô) Chung bến chứ chung dòng…Là chung tình Nam Bắc (ô ố huầy) chung lòng đấu tranh  (ới dô ới dô huầy dô ới dô). Biển ta nước bạc (ớ huầy ớ dô) Nước bạc chứ cá vàng…Tay ta đây chài lưới (ô ớ huầy). Quân dân cùng ấm no (ới dô ới dô huầy dô ới dô)…”

            Cừa Tùng đây! Chiều nay tuy không thể có tác giả Doãn Nho, không thể có dàn hợp xướng đông đảo và kiêu hùng mà những âm hưởng bất diệt từ thẳm sâu mỗi lúc càng sống động, trào dâng khôn nguôi. Bản hợp xướng bừng bừng, siêu tuyệt như trong tỉnh, như trong mơ, như trong huyền thoại vĩnh hằng. Bản hợp xướng “Sóng Cửa Tùng” vẫn sống mãi cùng mảnh đất đang hồi sinh, đang trở thành hiện thực của mong ước bao đời…và, chỉ có tiếng sóng ầm ào, tiếng máy nổ rộn rã của những đoàn thuyền náo nức ra khơi làm những bè đệm cho giọng “độc xướng” vẫn còn đủ sức rầm rền, hào sảng của riêng tôi, gã nhạc trưởng đã trở nên cũ càng…mùa ấy!

                                                                                                Đ.T.S

Đặng Trần Sơn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 82 tháng 07/2001

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

6 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

7 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground