Ô Giang dòng nước đưa thuyền đến
Cổ Tháp đồi xanh đón bạn về
Một miền quê yên ả với ruộng đồng, lũy tre xanh, những con đường rợp bóng hoa bày ra trước mắt. Đây đó những ngôi từ đường, mái chùa Thiên Bửu tự, đình làng, miếu ngài Khai canh, Lùm Tháp… đã tôn lên dáng vẻ cổ kính của một ngôi làng có gần 600 trăm năm tồn tại. Trung Đơn có bề dày lịch sử - văn hóa, là một ngôi làng truyền thống tiêu biểu của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị....
Hội làng Trung Đơn - Ảnh: L.V.T.G
Cái tên Trung Đơn (忠丹), nguyên tên gốc là Trung Đan, chữ Đan đã được đọc thành Đơn, theo âm thường dùng của xứ Đàng Trong. Trung (忠) là trung thành, làm hết bổn phận, lo việc chu toàn như Chu Thần Cao Bá Quát từng khẩu khí: “Ghé vai gánh việc triều đình/ Trước thềm thề quyết trung thành tấc son”. Còn Đan/ Đơn (丹) nghĩa là màu đỏ. Trung Đơn hay Trung Đan có thể hiểu là lòng trung thành thắm đỏ như son, một hình tượng thật đẹp, thật ý nghĩa. Dưới chế độ phong kiến và chịu sự ảnh hưởng hệ tư tưởng Nho giáo, tên gọi Trung Đơn đã tồn tại một cách có ý nghĩa nhất, tự nó đã xây dựng nên hệ giá trị về truyền thống văn hóa, về phẩm chất con người trên vùng đất này. Có lẽ cái tên ấy, tinh thần ấy đã lan tỏa trong con dân làng qua bao thế hệ, như những con người Trung Đơn tôi có dịp tiếp xúc đều đậm chất Trung Đơn ở sự chân thành, đầy lo toan, trách nhiệm và luôn nhiệt tình gánh vác công việc cho tới khi hoàn tất. Dạo quanh một vòng qua các xóm Phường, xóm Làng, xóm Bia, xóm Cồn, xóm Mưng, xóm Nổ, xóm Gia Nới… nghe những câu chuyện về lịch sử làng, người làng qua bao đổi thay, thăng trầm mới biết Trung Đơn là một kho sử, một kho chuyện nhiều gợi mở biết bao.
Theo “Phổ hệ sự tích”, Thần hoàng tiền khai khẩn làng Trung Đơn là họ Trần. Kế tiếp sau họ Trần là các họ Hồ, Phan, Hoàng, Lý lần lượt đến Trung Đơn mở đất, lập làng, được ghi nhận là “tứ tộc: tiền khai canh - hậu khai khẩn”. Về sau, các họ Lê, Nguyễn, Đỗ, Phạm, Đoàn, Trương… lại đến đây sinh sống làm ăn, cùng nhau đoàn kết, xây dựng cơ nghiệp lâu bền với các họ nói trên để hình thành làng Trung Đơn thân yêu ngày nay.
Về quá trình thành lập làng, từ thế kỷ XV, Trung Đơn đã được thành lập với vai trò của ngài Khai khẩn Trần Duy Ninh. Hồi bấy giờ, nhà Trần bị nhà Hồ tiếm quyền, thay thế, rồi quân Minh lại kéo sang xâm lược. Tình cảnh ấy khiến hai anh em Trần Duy Ninh và Trần Duy Hoành rời đất Bắc, hướng về phương Nam tìm đất dựng nghiệp mới.
Băng ngàn vượt biển, vào phương Nam mưu cầu sinh kế
Dãi gió dầm sương, đến đất này dựng xây cơ nghiệp
Chọn đất đầm lầy, quanh năm ngập lũ
Khai phá lập ấp, suốt tháng suốt năm.
Người anh Trần Duy Ninh chọn đất Trung Đơn, người em Trần Duy Hoành chọn đất Câu Nhi. Về sau, dòng dõi ngài Trần Duy Ninh chỉ duy trì được vài đời thì không có người nối dõi. Dân làng trân trọng người đầu tiên mở đất, dựng làng đã lập miếu thờ ngài Khai khẩn Trần Duy Ninh. Dưới triều Khải Định từng ban sắc phong “Bổn thổ Khai khẩn trứ phong Dực Bảo Trung Hưng Linh phò, gia tặng Đoan Túc tôn thần”. Con cháu về sau đã lập văn tế xướng lên trong các lễ cúng có câu:
Công đức ấy, sáu trăm năm chẳng hề phai nhạt,
Nghĩa tình nay, mấy thế kỷ không chút lãng xao.
Trải qua thời gian, chiến tranh biến động, miếu thờ ngài nhiều lần hư hại, xuống cấp. Con dân làng đã đóng góp, nhiều lần sửa sang, tôn tạo. Anh Lý Công Thạch dẫn tôi thăm miếu Khai khẩn đã được xây dựng lại kiên cố vào năm 2012 trên nền đất cũ tại xóm Cồn. Miếu khang trang, phía trước có trụ biểu, bình phong, tiền đường hậu chẩm trang trí hài hòa, bắt mắt, nổi bật nhất là phần khảm sành sứ công phu ở mái miếu lưỡng long chầu nguyệt và bức bình phong long mã. Đứng trước miếu Khai khẩn, trăm năm như còn đó, công người mở đất, dựng nghiệp sáng ngời đến tận mai sau.
Sau ngài Trần Duy Ninh, một nhân vật lịch sử khác mà trong quá trình khảo cứu sách vở chúng tôi phát hiện thêm là Hiệu úy Hồ Biến. Sách Ô châu cận lục chép: “Hồ Biến: người làng Trung Đơn, huyện Võ Xương, xuất thân lực sĩ ty Đề sinh vệ Kim ngô, trải qua các chức Hiệu úy, Chỉ huy thiêm sự. Khi loạn Chính Trung theo Nghĩa quận công đánh giặc, được ban tước Diên trường bá. Ông bền lòng trung nghĩa, trước sau vẹn toàn công lao, được thăng Đô chỉ huy thiêm sự vệ Chiêu võ. Đến khi đảng giặc quấy nhiễu vùng Tây Nam, ông theo Nghĩa quận công, nhiều lần chiến trận, xông pha trước binh lính, tuy bị trọng thương, đã bịt lại mà đánh tiếp, có công thắng giặc, được dinh tướng dâng tấu thăng lên Đô chỉ huy sứ. Khi quan quân tấn công giặc ở xứ Nhật Lão ông bị bắn trúng, bị thương nặng mà mất”1. Hiệu úy Hồ Biến phụng sự nhà Mạc, tham gia nhiều trận chiến, nổi tiếng là người trung nghĩa. Tuy nhiên, nguồn tư liệu chúng tôi tiếp cận được còn quá ít ỏi, chưa xác định năm sinh, năm mất chỉ biết là ông sống trong khoảng thế kỷ XVI, cũng như những hành trạng cụ thể khác của nhân vật lịch sử này.
Một vấn đề khác là, dưới thời các chúa Nguyễn, chính sách khuyến khích việc trao đổi buôn bán giữa các địa phương; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa như khơi thông các tuyến giao thông đường bộ và đường sông, hình thành các đội vận chuyển được chú trọng. Làng Trung Đơn nằm trên thủy lộ từ Bắc vào Nam nên ngay từ thời này đã được chú trọng phát triển giao thông đường thủy. Cụ thể, tháng 5 năm 1681, chúa Nguyễn Phúc Tần cho đào kênh Trung Đan, chúa đích thân ra xem2. Năm 1693, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, lại cho đào kênh Trung Đan3. Kênh Trung Đan góp phần vào việc hình thành hệ thống giao thông thủy dưới thời chúa Nguyễn, kết nối các địa bàn duyên hải, nội thủy, là một điểm nối quan trọng trong nội thương thời kỳ này. Tuy nhiên, vùng đất này địa chất không ổn định, lại hay bị gió cát, chúa nhiều lần cho đào, sau lại bị cát bồi hầu thành đất bằng.
Đến Triều Nguyễn (1802 - 1945), Trung Đơn một lần nữa đóng vai trò quan trọng về giao thông và thủy lợi, gắn với con sông đào Vĩnh Định. Đây là sông nối liền giữa sông Thạch Hãn (ở ngã ba Cổ Thành) đến sông Lương Điền, thông vào phá Tam Giang nối liền kinh đô Huế. Đây là con đường thủy nội địa huyết mạch quan trọng dưới triều Nguyễn. Con sông này được đào và nạo vét nhiều lần, trải dài từ triều Minh Mạng đến các triều Thiệu Trị, Tự Đức và các vua sau này. “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Năm 1825, vua Minh Mạng sai Thống chế Phan Văn Thúy đốc binh dân khai đào từ xã Câu Kênh đến xã Trung Đan gồm 1.720 trượng (gần 8km), ba tháng thì xong, bèn cho tên hiện nay. Năm thứ 17 (1836), xa giá đi tuần Quảng Trị, thuyền ngự đi qua sông này, có thơ ngự chế khắc vào đá và dựng nhà bia ở bờ phía nam sông; cùng năm ấy đúc Cửu Đỉnh, khắc tượng vào Thuần Đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1844) xa giá Bắc tuần, có thơ ngự chế khắc vào bia dựng ở bờ sông”4. Như vậy, để đào được sông Vĩnh Định có sự đóng góp không ít công sức của dân làng Trung Đơn. Và khi sông đào xong, cảnh đẹp Trung Đơn cũng khiến các vua Minh Mạng, Thiệu Trị dừng chân thưởng ngoạn, đề thơ.
Ở đây chúng tôi xin dẫn thêm một đoạn trong bài thơ “Trung Đan toạ lạc ngọ đình”, nghĩa là “Buổi trưa dừng nghỉ ở Trung Đơn” của vua Thiệu Trị trong chuyến Bắc tuần năm 1844:
Trăm dân chờ yết lọng vàng
Hai hàng tề chỉnh bên đàng ngóng trông
Ngự thuyền dừng lại bên sông
Mừng vui thôn dã cho hồng ngày mai5
Trung Đơn phải có gì đó đặc biệt để nhà vua dừng lại, chính là nhờ cảnh trí tươi đẹp của chốn thôn dã bình yên này, là đồng xanh, gió mát, là chùa cổ, tháp cổ, là con người hiền hòa, chân chất để Ngự thuyền dừng lại bên sông và rồi có thơ ngự chế lưu danh muôn thuở. Quả thật, các vua Nguyễn từ Minh Mạng cho đến Khải Định đã nhiều lần ban ân điển cho vùng đất này, từ đào sông Vĩnh Định, bắc cầu, nạo vét kênh mương, ban sắc phong cho ngài Khai khẩn, ban tên mới cho ngôi chùa làng… Sự quan tâm của bậc quân vương với lê dân trăm họ, với làng Trung Đơn cũng là một đặc điểm đáng chú ý trong thời kỳ này.
Miếu thờ ngài Khai khẩn Trần Duy Ninh - Ảnh: L.V.T.G
Trung Đơn cũng là điểm kết nối của hệ thống đường bộ thời Nguyễn. Vào thời này, từ thời Gia Long đã cho dân đắp lại con đường Cái quan, chạy dài từ Ải Nam Quan đến Hà Tiên. Trên con đường này, nhà vua cho đặt thêm quán trạm ở dọc đường, cứ trung bình khoảng 30 dặm thì đặt một dịch trạm. Tin tức, công văn có thể truyền nhanh bằng ngựa. Cầu cống từ đó cũng được sửa sang và làm mới, những con sông, kênh nhỏ thì có cầu gỗ bắc ngang để vượt qua, chỗ gặp sông lớn thì có bến đò nối liền đường thủy bộ. Trong bối cảnh đó, cầu Trung Đơn đã được xây cất bằng gỗ, cùng với các cầu Ái Tử (Triệu Phong), cầu Hà Thượng (Gio Linh), cầu Cao Xá (Gio Linh), Xuân Hoà, Hồ Xá… Tuy nhiên, ngày nay cầu không còn nữa. Từ sông đào Vĩnh Định đến hệ thống dịch trạm, cầu gỗ đường cái quan, ta có thể thấy được sự liền mạch của hệ thống thủy lộ tính từ kinh sư đến các tỉnh hướng ra Bắc và sự đan xen của 2 hệ thống giao thông thủy - bộ trong giai đoạn này và Trung Đơn là một mắt xích quan trọng trong hệ thống giao thông thời bấy giờ, khác hẳn với bối cảnh ngày nay.
* * *
Ấn tượng nhất đối với tôi là Di tích tháp Trung Đơn ở khu vực phía bắc làng, thường hay gọi là Lùm Tháp. Xưa đây từng tồn tại một tháp Chăm sừng sững, là thắng tích của cả một vùng. Về niên đại, theo nhà nghiên cứu Lê Đức Thọ, tháp Trung Đơn thuộc giai đoạn Trà Kiệu, vào khoảng thế kỷ XI, tính đến nay ngót nghét hơn 1000 năm.
Theo những dòng tư liệu của Dương Văn An trong “Ô châu cận lục” (viết vào thế kỷ XVI) và Lê Quý Đôn trong “Phủ Biên tạp lục” (viết vào thế kỷ XVIII) có thể nhận biết rằng: vào giữa thế kỷ XVI cho đến giữa thế kỷ XVIII, ngôi tháp Chăm Trung Đơn vẫn còn tồn tại và gần như nguyên vẹn. Dương Văn An mô tả “ngọn tháp cao ước trăm xích”, “Lê Quý Đôn cũng ước lượng “… cao đến 100 thước”. Trong đơn vị đo lường cũ của Trung Hoa và Việt Nam, xích và thước bằng nhau, xích hay thước tương đương độ dài hiện nay là 0,33m. Như vậy 100 xích hay 100 thước nói trên tính ra thì ngọn tháp Trung Đơn cao 33m, tương đương tòa nhà trung bình 11 tầng hiện nay. Độ cao ấy giữa vùng đồng bằng chiêm trũng Hải Lăng là khá ấn tượng, nên cụ Dương Văn An đặc tả rằng “mắt nhìn ngoài trăm dặm”, “có cảm giác như chân đạp lên chín tầng mây” quả không ngoa chút nào. Ấy vậy để mục sở thị thắng tích của đất Vũ Xương khi ấy cũng không phải dễ dàng gì “khách đăng lâm thưởng ngoạn”. Như vậy, ngày xưa, xung quanh tháp rừng cây phủ kín phải “đăng lâm”, leo đồi vượt rừng mới có cơ hội thưởng ngoạn.
Theo truyền khẩu của dân làng tháp có lẽ bị đổ vào khoảng cuối thế kỷ XVIII hoặc XIX. Nơi tháp đổ cây mọc um tùm nên có tên Lùm Tháp hay đồi Cổ Tháp. Lùm Tháp là một gò đất rộng 8.000m2. Đầu thế kỷ XX, Cố cả L.P. Cadière đến đây khảo sát thì tháp đã đổ nát rồi, chỉ còn “đống gạch có đường kính 40m, cao 4m”. Tiếc thay cho một ngọn tháp đồ sộ, đặc trưng của tháp Chăm vùng Thuận Hóa. Chúng ta khó có cơ hội để tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật xây dựng, tính bền vững của công trình này qua bao nhiêu thế kỷ. Sau khi tháp đổ dân làng xây miếu thờ ở phía Tây sườn gò, có 3 miếu xung quanh, miếu Ông Hổ, miếu Ông Voi và miếu Đá Thần. Các miếu này thực chất chính là nơi thờ phụng những hiện vật đá rơi vãi và được dân làng thần hóa như miếu Ông Hổ thì thờ tượng đá có hình hổ, miếu Ông Voi thì thờ tượng đá có hình voi, miếu Đá Thần thì thờ một viên đá tảng. Thực ra, miếu Ông Hổ thờ phù điêu mang hình một thú thần thoại (Kala), có thể là Hanuman, là nhân vật quan trọng trong sử thi Ramayana, một hình mẫu tận tâm, trung thành hết mực. Thần Khỉ Hanuman là một vị thần rất nổi tiếng và được thờ cúng khắp Ấn Độ, ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa, tín ngưỡng Chămpa. Miếu Ông Voi thờ chính là bức phù điêu hình thủy quái Makara, thường được thể hiện trong điêu khắc cổ xưa ở các đền điện Hindu và Phật giáo trải rộng khắp Nam Á và Đông Nam Á. Makara là vật cưỡi của thần đại dương Varuna và cũng là vật cưỡi của nữ thần sông Hằng Gangadevi. Truyền thuyết khác cho rằng, Makara là loài vua rắn nước, chuyên về cõi âm, loài mang nước đến cho mùa màng bội thu được con người thờ cúng. Makara được mô tả sinh động như là vật trấn giữ ở lối vào các điện thờ Hindu và chùa chiền, chính điện Phật giáo và cả tháp Chăm. Còn Đá Thần được nhiều nhà nghiên cứu cho là một hiện vật rơi vãi từ chóp tháp đất nung. Việc hiện diện các ngôi miếu này không phải là mới, trong “Ô châu cận lục”, Dương Văn An đã từng cho biết về một điện thờ nằm bên cạnh ngôi tháp: “Hai làng Đan Quế và Trung Đan, bóng cổ tháp gần kề nơi quế điện”, biểu hiện của sự cộng hưởng tâm linh, thờ phụng giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt.
Khi chúng tôi đến làng Trung Đơn vào cuối năm 2023, Lùm Tháp cây cối vẫn rậm rạp. Lần theo những lối mòn và bụi rậm, chúng tôi lên đến khu vực trung tâm, gạch đá vương vãi khắp nơi. Trải qua thời gian, gạch chỉ còn những mảnh vụn phủ khắp một vùng rộng lớn. Những viên gạch trước đó được tìm thấy có kích cỡ 22x16x4cm không còn thấy nữa. Với tháp Trung Đơn, chúng tôi hy vọng một ngày nào đó cơ quan hữu trách sẽ tiến hành khai quật để có thể phát hiện thêm những điều mới mẻ về ngôi tháp cổ kính này, đồng thời hướng đến việc công nhận, xếp hạng di tích tháp Trung Đơn, góp phần bảo tồn hiện trạng, cảnh quan nơi đây.
* * *
Trung Đơn quá khứ và Trung Đơn hiện tại cô đọng trong những dòng sau:
Bao đời gian khổ, đánh giặc, giữ làng, cứu nước, cứu dân
Cho đến ngày nay, làng Trung Đơn xứng danh văn vật
Đình làng, chùa làng, đền miếu thảy được trùng tu.
Hội làng đầu xuân, ba năm một lượt;
Dân cúng linh thần, chư thủy tổ khai khẩn khai canh.
(Văn tế Đình)
Ngày nay đến Trung Đơn, chúng ta cảm nhận sức sống mới tràn trề khắp làng quê giàu truyền thống văn hóa và cả sự thanh bình, mộc mạc. Các công trình như Đình làng, chùa Thiên Bửu Tự, miếu ngài Khai khẩn, miếu các ngài Khai canh, miếu Âm hồn và nhiều công trình văn hoá khác đã trùng tu, tôn tạo và xây dựng mới. Tôi cảm nhận được tình yêu quê hương đằm thắm, dịu ngọt của con dân làng Trung Đơn dù ở trong làng hay xa quê vẫn luôn đau đáu về vùng đất chiêm trũng, gian khó nhưng giàu có nghĩa tình, là nơi họ được sinh ra, nơi nguồn cội yêu thương mãi vững bền năm tháng. Ở quê hương mà nhớ quê hương của những người con ở lại và “ly hương bất ly tổ” của những người con tha hương là cái gì đó riêng của Trung Đơn trọng tình, trọng nghĩa. Rời miền danh hương, tôi nhẩm lại bài thơ Dạ khúc quê hương của anh Hoàng Thế Mỹ đọc tặng đêm hạnh ngộ:
Những chiều hè vàng sóng lúa bờ đê
Từng gánh thóc đường về nghe kẻo kịt
Nhớ màu thu dòng Ô Giang xanh nước biếc
Thuyền nan ai đôi chiếc ngược dòng trôi.
Trung Đơn đẹp mộng mị trong cơn mưa phùn tháng Giêng, Trung Đơn nhiều nỗi niềm trăm năm còn đó, dù xa rồi vẫn muốn quay trở lại vào dịp hội làng, khi cúc mai nở rực vàng hương thôn dã.
__________
Chú thích:
1. Dương Văn An, Ô châu cận lục, quyển 6.
2. 3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực lục (tiền biên).
4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế.
5. Tác giả dịch thơ, nguyên văn: Chung lê nghênh bái yết/ Hiệp đạo cộng chiêm vọng/ Thả chỉ ngô chu tiếp/ Dụng thù nhĩ địa phương (trích đoạn).