Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cánh buồm trắng

T

rời mưa nặng hạt, cuối đông mà mưa to thế thì thật hiếm có.

Đứng ở bến đò ngang bên này, nhìn sang bên kia không thấy một bóng người. Dưới chân đê, cánh đồng mới gặt còn chưa kịp cầy ải, những gốc rạ ướt sũng, tơi tả theo từng cơn giá thổi rào rào, lạnh buốt.

Ông Thẩm quàng mảnh tơi nhựa, đầu đội chiếc nón lá, tát nước đò oàm oạp.

- Sao mà lắm nước thế không biết ? - Ông cằn nhằn

Sắp Tết rồi, nếu không mưa thì ông Thẩm cứ nhoài người ra mà chèo đò, đưa khách qua sông.

Tầm này mọi năm, khách bên kia sang sông đi chợ sắm Tết lũ lượt. Chợ họp có phiên. Nếu hôm nay không đi, thì chỉ còn ngày hai mươi tết là phiên cuối cùng, có mưa nữa, chắc cũng không đừng được. Ông Thẩm bảo thằng Thảo, đứa con trai út mới mười ba tuổi, đến hôm ấy phụ với ông một tay chèo mới kịp được.

Thằng Thảo "Vâng" rồi chạy vào cái ổ rơm nằm co ro, xuýt xoa kêu rét.

Thảo cùng học một lớp với tôi. Thảo rất nể tôi, vì tôi học giỏi nhất lớp, mà nó thì dốt gần nhất lớp. Nhà Thảo, nhờ có nghề chở đò nên có vẻ khá giả. Mới học chưa xong cấp hai phổ thông, nó đã ra dáng cậu ấm ghê lắm. Lúc nào cũng ăn diện, đầu chải bóng mượt bằng một loại sáp nó mầy mò tự chế từ hạt bưởi, cũng thơm ra phết, rồi rẽ cái ngôi lệch một bên, trông rất oách.

Hồi ấy, ở quê tôi, cung cách như thằng Thảo là dân chơi nhất làng, không có ai cùng lứa tuổi bì kịp. Hôm nọ, đứng trên sân nhà nó, tôi tiết lộ:

- Hè này, tớ sẽ đi đò chở cát cùng ông Phi ở tận Đồng Quan nhé!

Thảo bảo tôi:

- Không được đâu, đi đò lấy cát cực nhọc lắm!

Nhà cạnh bến sông nên Thảo rành hơn tôi. Tôi cũng chẳng biết Đồng Quan ở tận đâu, nhưng chắc là xa lắm. Tôi hỏi nó. Thảo chỉ ngược về phía dòng sông đang chảy:

- Tớ nghe người ta nói, Đồng Quan ở tít mạn ngược ấy.

Tôi nhìn theo, hướng ấy xa tít tận chân trời. Buổi chiều mùa đông, có những đám mây xám xịt, lảng bảng trên đỉnh núi. Một cánh buồn trắng đục, đưa con thuyền lặng lẽ trôi xuôi. Tôi nghĩ: Chắc là thuyền của ông Phi về nghỉ Tết. Nhưng con thuyền đi qua bến đỗ, không thấy rẽ vào, mà cứ trôi miết đến tận cuối dòng sông. Tôi ngơ ngẩn nhìn theo, thấy hút dần, đến lúc chỉ còn một cái chấm nhỏ.

Thằng Thảo nằm trong ổ rơm nghe chừng đã ấm chỗ. Nghe tiếng giọt gianh rơi lộp bộp, nó chép miệng, thở dài:

- Chán thật! Tết đến nơi rồi, cứ mưa mãi thế này, chắc thất thu mất.

Như đã thành lệ, từ dạo lên mười, năm nào Thảo cũng được bố cho phụ chèo đò ba ngày Tết. Làng tôi với bên kia sông có họ hàng với nhau nhiều lắm, quanh năm bận rộn, chỉ có mấy ngày Tết mới có dịp qua lại, thăm nom nhau cứ nườm nượp như trảy hội. Thảo kẻng trai, lại nhanh nhảu, nên ít nhiều, ai cũng mở hàng cho nó để chúc phúc năm mới. Thảo được khối tiền, thích lắm, nên thấy trời mưa thế, làm gì mà nó chẳng ngao ngán.

Hôm sau, mưa tạnh hẳn. Cả nhà tôi ngồi quây quần quanh cái mâm bằng đồng được đánh trấu sáng loáng xem bố gói bánh chưng. Ông trải lá dong vào chiếc khuôn gỗ vuông vức, rồi tra đều gạo nếp ngâm, trắng ngần lên trên lớp lá. Đỗ trộn với mật, được vo tròn thành từng viên, đặt vào giữa làm nhân... Thời ấy khó khăn, quê tôi quen gói bánh chưng Tết chỉ đơn giản thế thôi, gọi là bánh chưng mật.

Tôi đang giúp bố lau lá dong thì thằng Thảo vào rủ tôi đi mua pháo. Tôi bảo với nó không đi được. Nó chạy ra cửa hàng mua bán của Hợp tác xã, rước về một bánh pháo tép, gỡ một mảnh giúi cho tôi, rồi châm lửa đốt. Tôi bảo nó:

- Mày về đi ! Bố tao cấm đốt pháo đấy

Nó chạy biến mất sau hàng rào dâm bụt ngoài ngõ. Bố tôi gườm gườm nhìn theo, bảo :

- Đừng có học nó, què tay đấy con ạ !

Như thường lệ, khi bánh chín, bố tôi đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên xong rồi bóc cho cả nhà ăn thử. Ông có bí quyết nấu bánh chưng rất nhanh mà ăn vẫn rền nục. Tôi ăn hai miếng đã thấy no bụng. Bố bảo :

- Ăn cho chán đi ! Ngày dưng chả có đâu mà ăn.

Cây đào trước sân nhà tôi đã nở bung những bông hoa màu hồng, rực rỡ. Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ hai tháng trước. Không khí đón xuân yên bình. Lúc Giao thừa, tiếng pháo nổ ròn rã hơn mấy năm chiến tranh. Mọi người nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ, ai cũng đoán, chắc miền Nam sắp được giải phóng đến nơi rồi. Mẹ tôi bảo:

- Sao mà lắm bom đạn thế không biết? Vừa mới hoà bình được hơn chục năm, đã lại đánh nhanh rồi ...

- Miền Bắc là sướng đấy, chứ miền Nam, có ngày nào được yên đâu! – Bố tôi cắt lời.

Mồng Bốn Tết, vừa mới ăn sáng xong, tôi đã nghe tiếng thằng Thảo e hèm ngoài ngõ, đánh tín hiệu rủ đi chơi. Tôi khoác vội chiếc áo bông màu xanh sẫm, to xù xụ, chạy theo. Bố tôi gọi với:

- Chơi một lát rồi về bài vở, mai đi học rồi đấy!

Tôi quay lại:

- Vâng ạ!

Trên đường đi, Thảo hích vai tôi, tò mò hỏi:

- Này, tớ hỏi thật, có phải cậu muốn đi đò chở cát với ông Phi để kiếm tiền không?

- Ừ, mà cậu hỏi làm gì kỹ thế? – Tôi trả lời qua quýt cho xong chuyện.

Thảo không biết, ước muốn của tôi là cái khác cơ, nó làm sao mà hiểu nổi. Tôi là đứa trẻ hay mơ mộng, muốn khám phá tất cả những gì mà tuổi thơ của tôi vẫn thấp thỏm. Ở mạn ngược kia, ở tít tận Đồng Quan là nơi bắt nguồn của đầu con sông đang chảy về xuôi, chảy qua đầu làng tôi ấy. Tôi sẽ gặp những dãy núi nhấp nhô và những đám mây chiều lảng bảng mà tôi vẫn nhìn thấy. Ở nơi ấy, chắc sẽ có một hang động rất lớn, đầy bí hiểm như trong truyện cổ tích. Có lẽ ở đó, có cả lối lên trời…

Hết năm học, hôm chia tay nhau, tôi ghé tai Thảo:

- Tớ nghe nói, bọn sơ tán sắp về Hà Nội cả rồi, buồn nhỉ?

- Mày buồn gì cơ?

Tôi không nói nữa, trong lòng bỗng thấy ngẩn ngơ, luyến tiếc điều gì rất khó tả…

Một đêm hè, trên dòng Nhuệ Giang, con sông quê hương tôi đầy ắp gió từ hướng Nam thổi về. Con thuyền của ông Phi giương cánh buồm, căng phồng, ngược dòng nước trôi nhẹ, hướng về mạn ngược. Ông Phi cùng hai người khác ngồi trong khoang, vừa uống nước chè vừa cầm lái điều khiển con thuyền. Tôi ngồi cạnh họ, nhìn ra ngoài, nghe tiếng sóng vỗ mạn thuyền ràn rạt. Dòng sông dưới ánh trăng vằng vặc, đẹp không thể nào tả xiết.

Tôi thấy nhớ lớp mình da diết. Nhớ bọn sơ tán, chúng nó về Hà Nội cả rồi, chắc không bao giờ gặp lại chúng nữa. Tôi nhớ cái Hiền. Tôi và Hiền chơi với nhau thân nhất lớp. Thế là xa rồi, xa mãi, xa mãi…

Lúc buổi chiều chia tay với Thảo, nó nhắc lại câu nói hôm sắp Tết, gàn tôi: “Đừng! Đi đò chở cát cực nhọc lắm, Dương ơi!”

*  *  *

Đã khuya, gió mát làm tôi buồn ngủ. Tôi chui vào trong khoang thuyền có trải chiếc chiếu manh, lăn kềnh ra, rồi thiếp đi lúc nào không biết. Lúc ông Phi gọi dậy thì trời đã sáng. Tôi chui khỏi chiếc mùng vá chằng vá đụp không biết bao nhiêu mảnh, ngơ ngác nhìn xung quanh, rồi vươn vai mấy cái. Ở đằng đông, mặt trời mới mọc đỏ như son. Hai bên bờ quen quen, lạ lạ, cũng có những rặng tre, những bụi chuối giống như quê tôi, nhưng đúng là có cái gì khang khác thật. Tôi quay lại phía sau, một cái cầu sừng sững bắc qua sông. Cái cầu to quá, lần đầu tiên tôi nhìn thấy cái cầu to đến thế! Tôi hỏi ông Phi:

- Cầu gì thế hở chú?

- Cầu Đồng Quan đấy.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông Phi bảo:

- Mày lạ lắm à?

Chẳng lẽ tôi lại nói với ông Phi: tưởng Đồng Quan ở tận đẩu, tận đâu, hóa ra chỉ cách nhà tôi chưa đầy mười cây số. Tôi nhớ lại hồi chiến tranh, hễ nghe tiếng bom rền rền vẳng lại, ông nội tôi lại đoán non đoán già: “Chắc nó ném bom cầu Đồng Quan đấy”. Tiếng bom nổ xé đất, xé trời, mà chỉ nghe rền rền thì chắc phải xa lắm chứ? Tôi cứ thấy tần ngần, hơi thất vọng về ước mơ khám phá của mình, rồi tự an ủi: “Cũng hay, mình biết thêm một ít về giá trị của những ảo tưởng. Mình hơn thằng Thảo là cái chắc”

Đang còn ngơ ngác với bao điều, ông Phi đã gọi:

- Nhanh lên, vào ăn sáng rồi còn làm việc!

Tôi cầm khăn mặt ra mạn thuyền rửa mặt. Lúc này, tôi mới thấy có nhu cầu… Tôi ngượng ngùng, định hỏi, ông Phi đã hiểu ý, chỉ xuống dòng sông:

- Tất cả cho xuống đấy! Sống trên đò này cũng như dân thuyền chài ấy mà.

Tôi rùng mình thấy ghê. Hóa ra “khuất mắt trông coi”, dòng sông trong vắt thế mà ô uế, bẩn thỉu thật. Bọn chúng tôi vẫn tắm, lặn ngụp, súc miệng òng ọc, thậm chí uống ừng ực mà không biết gì cả. Tôi hỏi ông Phi:

- Thế nước ăn lấy ở đâu hở chú?

Ông Phi cười ha hả, có vẻ khoái chí vì sự ngây thơ của tôi:

- Cả con sông to thế này, không nhẽ tao mua nước ở trên bờ mang xuống chắc. Mà họ cũng lấy nước ở sông này, chứ còn lấy ở đâu nữa.

Rồi như muốn để làm mẫu cho tôi, ông Phi đứng hiên ngang ở mũi thuyền thả ồ ồ xuống sông, và quay lại nói với tôi:

- Mày đã bao giờ nghe nói chưa? Ỉa đồng mát mông, ỉa sông mát đít. Sướng nhất trên đời đấy con ạ, cứ quen đi rồi sẽ thấy!

Tôi ngượng chín cả mặt, vội quay đi chỗ khác. Mấy người kia khoái trá, cười ngất, làm tôi cũng phải bất đắc dĩ cười theo.

Bữa sáng ấy, tôi chỉ ăn được một bát cơm vì cảm giác cứ lờm lợm. Ông Phi “hừ” một tiếng như để cảnh báo:

- Làm việc nặng mà không ăn cho no là mệt lắm đấy!

Ngày đầu tiên, bắt đầu một công việc mới lạ trên sông. Ông Phi bảo:

- Mày chưa làm được đâu, nhìn đã, xem người ta làm rồi bắt chước, cũng dễ thôi, nhưng cần phải khỏe đấy!

Một ông lạ hoắc trong số bốn chúng tôi, trần truồng như nhộng, lưng khom khom, tay khum lại che lấy… rồi lao ùm xuống nước, chìm nghỉm. Lát sau, ông ngoi lên, cầm nắm cát đưa cho ông Phi. Ông Phi đón lấy, nheo mắt nhìn, ngón cái co lại gạt gạt, rồi nói:

- Được đấy.

Người ấy trèo lên, con thuyền chòng chành khiến tôi suýt ngã.

Ông Phi thả xuống sông cái gầu tôn sáng loáng, có gắn cây sào dài tới ba bốn mét làm cán. Ở sát gàu buộc một đoạn dây thừng, đầu dây được tết một vòng tròn to, quấn giẻ rất dầy. Ông đưa cho Phượng. Anh Phượng trạc ba nhăm tuổi, rất khỏe, khoác sợi dây thừng vào vai. Ông Phi hô:

- Bắt đầu!

Ông Phi cầm cái. Anh Phượng bải chân chèo, kéo; nhích… nhích… từng nhịp một. Ông Phi bảo phải thế, cát mới vào gầu được.

Di chuyển được chừng hai mét, cả hai người cùng phối hợp nhấc gầu lên. Anh Phượng tay kéo, miệng hô: “Hò dô ta… nào…”. Chiếc gầu được nhấc lên, nước trào ra miệng tung tóe, chỉ còn cát nặng hơn nằm lại bên trong. Ông Phi nhìn gầu cát vòng óng, mừng quýnh:

- Trúng rồi, quá đẹp!

Ông nhe răng cười, cái răng mạ màu vàng được ánh nắng chiếu vào, lóe lên một tia sáng chói cả mắt.

Tôi nhìn hai người co kéo, thấy dễ sợ. Lúc anh Phượng chuẩn bị đổi ca cho người kia, tôi nói với ông Phi:

- Cho cháu làm thử!

Ông Phi bảo:

- Đưa cho nó!

Tôi bước lên mảnh ván kê dọc, sát be thuyền, đỡ lấy cái dây anh Phượng đưa cho, khoác vào vai. Ông Phi ném cái gầu xuống nước, cười hí hí:

- Còn tốn nhiều cơm con ạ.

Tôi phăm phăm, lấy tư thế, dồn hết sức giựt một cái thật mạnh. Ông Phi mất đà, loạng choạng, suýt lao xuống sông. Ông buông cái cán gầu chới với lấy lại thăng bằng, rồi văng một câu chửi tục. Tôi sợ quá. Anh Phượng và người kia thì được một phen cười chảy cả nước mắt.

Ông Phi không cáu nữa, nghiêng mình bảo tôi nhìn ông làm mẫu. Tôi để ý thật kỹ rồi bắt đầu thực hành lại. Ông Phi bảo:

- Bao giờ tao hô mới được kéo, nghe chưa?

Tôi và ông Phi chuẩn bị xong đâu đấy, ông Phi cất tiếng:

- Bắt đầu!

Tôi bải người về phía trước. Nặng quá! Cả cơ thể ông Phi đè lên chiếc gầu, để lưỡi gầu cắm xuống cát. Tôi còn phải thắng được cả lực cản của những hạt cát nằm dưới đáy sông đã lâu đời, đóng chắc lại thành tảng, rắn như đá.

Ông Phi dõng dạc:

- Cứ thế mà làm! Nào, một… hai… ba… Nhích… nhích!... – Hình như ông cảm nhận được như tận mắt nhìn thấy cái lưỡi gầu dưới đáy sông. Ông nói:

- Được đấy, tốt, tốt lắm! Cái thằng thế mà giỏi!

Tôi được khen, càng thêm phấn khích. Kéo được chừng nửa tiếng đồng hồ, tôi thấy mệt nhừ, người nóng ran. Trời nắng như dội lửa xuống đầu. Kéo được mỗi gàu cát lên khỏi mặt nước, tôi lại cảm giác như buông xuống đáy sông một chút sức lực trong cơ thể. Tôi luôn tay gạt mồ hôi vã trên khuôn mặt đỏ nhừ như gấc chín. Cả người tôi ướt đầm đìa. Màu áo nâu sẫm đen lại, dính bệt. Sợi dây thừng lăn đi lăn lại, chà xiết trên bộ ngực lép kẹp, làm vằn vện, rớm máu, xót kinh người.

Mới thay nhau đến ca thứ hai, tôi đã thấy đói lả, mắt hoa lên, nhìn thấy cả ngàn vạn con đom đóm bay giữa ban ngày. Bỗng tôi khuỵu xuống, nhưng may kịp chống tay trên tấm ván nên không bị ngã sấp. Tôi run lẩy bẩy, sợi dây thừng vẫn quàng trên vai, mồ hôi rơi lộp bộp trên tấm ván, loang thành vết, tròn như những đồng xu. Anh Phượng thấy thế vội chạy đến đỡ tôi dậy. Ông Phi cười hí hí. Hình như ông coi chuyện ấy chẳng có gì đáng nói.

Anh Phượng dìu tôi. Nghe tiếng ông Phi cười, tôi ghét quá, càng gắng gượng để tỏ ra không dễ bị khuất phục:

- Em… đi… được mà!

Tôi cố lê chân, bước tới khoang thuyền, lăn kềnh ra thở dốc. Lát sau, tôi thấy hoàn hồn dần và nằm im thin thít như người chết rồi. Đến lượt người kia thay ca, anh Phượng lo lắng hỏi:

- Đỡ mệt chưa?

- Em đỡ rồi.

Tôi chỉ về phía người kia:

- Ông ấy là ai thế?

- À. Ông Chước đấy mà, hình như người trên Tía thì phải - Anh Phượng ái ngại nhìn tôi – Mà em còn nhỏ, sao phải đi làm sớm thế? Rồi ốm thì khổ đấy!

Tôi không nói gì, cả anh Phượng cũng chẳng hiểu gì tôi hết. Tôi nhìn trân trân ra ngoài. Trời vẫn đổ thêm nắng xuống dòng sông, dun nóng dần mặt nước. Mái vòm con thuyền làm bằng gỗ cũng bắt đầu hầm hập, ngột ngạt quá!

Tôi vùng dậy, cầm cái bát sắt Trung Quốc đã sứt hết lớp men xung quanh miệng, bước ra mạn thuyền, khua mạnh, rồi vục sâu xuống múc một bát đầy. Ở dưới lớp sâu, nước vẫn còn mát. Tôi đã quen cái cảm giác lờm lợm ban sáng, ngửa cổ uống ừng ực một hơi, ngon lành.

Ông Phi nhìn tôi cười, nhắc lại câu hồi nãy:

- Còn tốn cơm con ạ!

Nhưng tôi quyết không đầu hàng, lục tìm trong mớ quần áo, lấy một chiếc cũ nhất, gấp lại cho thật dày, vắt lên vai. Tôi cố lấy giọng bình tường, nói với ông Phi:

- Cháu tiếp tục!

- Thằng này được – Ông Phi lại cười hí hí như để giỡn tôi, làm tôi thấy gai cả người.

Tôi thay ca cho ông Chước. Ông ấy trao chiếc dây cho tôi như muốn để chạy trốn, rồi đứng sát mạn thuyền bên kia, vốc nước rửa mặt. Tôi nhìn ông đầm đìa mồ hôi như vừa tắm dưới sông lên, hỏi:

- Chú không sợ cảm à?

Ông Chước nói tỉnh bơ:

- Chú quen rồi. Cháu thì không thế được đâu đấy!

Rồi ông vào trong khoang thuyền, lấy cái điếu cày, vê mồi thuốc lào, châm lửa, kéo một hơi giòn tan.

Ông Phi cũng bị bén hơi thuốc lào. Ông nhấc cái gàu, đặt ngệch lên mũi thuyền bảo:

- Nghỉ cái đã!

Rồi bước tới bên cạnh ông Chước, với cái điếu, rít một hơi dài không kém. Ông ngửa mặt lên trời, đùn khòi, phê tít. Trong khoang thuyền sặc sụa như hun chuột cống. Tôi bịt mũi, hạ cái nón khua lấy khua để.

Anh Phượng lúi húi thổi cơm. Ông Phi bảo tôi:

- Cố tý nữa! Trên thuyền này, công việc dồn cả vào buổi sáng, cơm trưa xong là nghỉ luôn, nghe rõ chửa?

Mặt trời đã lên tới giữa đỉnh đầu. Nghe ông Phi bảo “cố tý nữa”. Một “tý” lúc này, thấy dài hơn cả từ sáng đến giờ, bởi sức lực của tôi đã cạn kiệt, gần như đến tận giọt cuối cùng.

*  *  *

Nhìn cái gàu múc cát chỉ nhỉnh hơn cái xẻng con một chút, mà cái thuyền thì to bằng nửa gian nhà. Có từng ấy con người, cứ kẽo kẹt như những con ong xây tổ. Mỗi ngày, cát trong thuyền lại đầy lên một ít. Một ngày trôi qua, ba ngày trôi lại, thấm thoắt đã một tuần. Con thuyền của ông Phi từ lúc bồng bềnh trên mặt nước, bây giờ nặng dần, chìm dần xuống. Đến lúc cát trong thuyền lùm lùm thì nước cũng mấp mé, chỉ chực tràn vào. Tôi lấy tay đo mạn thuyền, còn chưa đầy một gang nữa thì tới mặt nước. Nhuệ Giang quê tôi thật hiền lành, không dữ dằn như những dòng sông khác. Chỉ cần một con sóng nhỏ, nước cũng có thể ào vào, nhấn chìm tất cả mọi thứ xuống tận đáy sông.

Ông Phi “hữ” một tiếng:

- Sợ hả, có biết bơi không đấy?

- Sợ gì? Cháu bơi qua bơi lại tới năm vòng ấy chứ!

Ông Phi gật gù:

- Thế thì tốt, sông nước mà không biết bơi, có ngày khốn.

Sau bữa cơm phụ buổi tối, tôi lặng lẽ ngồi một góc thuyền, vừa lấy nước nóng chườm lên vai, vừa nghe người lớn nói chuyện mùa màng. Đêm mùa hè, dưới sông không nóng lắm, hễ có tý gió là rất mát. Ông Phi nhìn dải Ngân Hà, chỉ mấy ngôi sao xếp hình cái gầu sòng, nói:

- Năm nay rồi úng to đấy! Không khéo mất mùa, đói kém, đ… ai xây nhà nữa, cát có bán cho chó.

Anh Phượng nhìn ông Phi:

- Sao bác biết có úng? Bác giỏi thật đấy!

Ông Phi phẩy tay:

- Có gì đâu, kinh nghiệm các cụ dạy ấy mà!

Bỗng anh Phượng ngoái đầu, hỏi tôi:

- Thế nào cu cậu, đã thành chai chưa?

Tôi sờ lên những vết phồng rộp, nhăn nhó:

- Vẫn mọng nước lắm.

Ông Phi lại cười hí hí:

- Ăn thua gì? Tao đã bảo rồi, còn tốn nhiều cơm con ạ!

Rồi ông chui ra khỏi khoang thuyền, đứng hóng gió trời, lẩm bẩm:

- Kiểu này, chắc sáng mai vẫn nồm thôi.

Tôi không hiểu ý ông Phi. Nhưng anh Phượng thì có vẻ lo lắng. Ông Chước chắp tay trước ngực, ngửa mặt lên trời cầu khấn:

- Lạy trời đổi gió cho chúng con nhờ!

Anh Phượng bảo:

- Mùa này, lấy đâu ra gió Bấc mà cầu với chả khấn. Cứ xác định gò lưng ra mà làm trâu thôi – Anh chỉ sang tôi – chuyến này, có cu Tý hỗ trợ thêm, cũng đỡ.

Bấy giờ, tôi mới hiểu, bèn nói:

- Nước chảy thế này, nó tự trôi được cần gì phải kéo.

- Đồ ngốc, nếu thuyền không trọng lượng thì mới trôi được, chứ nặng thế, có kéo cũng còn mệt, rồi xem!

Tôi bỏ chiếc khăn vẫn còn ấm xuống âu nước nóng, nhìn anh Phượng, hỏi:

- Anh hát hay thế, sao không xin đi văn công?

Chả là anh Phượng hay hát, mà hát cũng thật hay. Tôi rất mê anh hát bài: “Bài ca hy vọng” của nhạc sĩ Văn Ký, nên mới bất chợt hỏi thế. Anh Phượng bảo:

- Chú mày tưởng dễ à? Văn công đâu đến lượt những thằng người như mình. Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa. Từ xưa, các cụ nói có sai bao giờ đâu.

Sao anh không đi bộ đội? Trong ấy, họ cũng tuyển những người hát hay làm văn công đấy.

Giọng anh chùng xuống:

- Nói thằng em đừng cười, anh đã nhập ngũ rồi, hành quân vào gần đến Quảng Bình rồi mà  vẫn bị tuột xích.

- Chắc là anh sợ vất vả chứ gì?

- Có ở đâu vất vả hơn trên con thuyền này nữa? Anh có một vợ, ba con. Cả ba đứa đều lít nhít, thương quá, nên không vượt qua nổi.

Tôi ái ngại cho anh Phượng, không hỏi thêm gì nữa, chui vào trong khoang nằm, đánh một giấc thật ngon lành.

Đang ngủ say, bỗng nghe tiếng người nói ồn ào. Tưởng đã sáng, tôi định dậy. Anh Phượng thấy thế bảo:

Cu Tí cứ ngủ đi, mới nửa đêm thôi. Số cậu em sướng nhé.

Lại thấy ông Chước được thể, nói:

- Thấy chưa, tao phải cầu trời khấn phật mãi mới được Người rủ lòng thương đấy.

Hóa ra, trời đổi gió Bấc thật. Anh Phượng và ông Chước đang cùng ông Phi giương buồm, tranh thủ nhổ neo. Cánh buồm lại căng gió đưa con thuyền về xuôi. Một mình ông Phi ngồi cầm lái. Trăng cuối tháng vừa liệng ra khỏi lùm cây phía xa xa, tò mò nhòm vào tận trong khoang thuyền, nơi ba chúng tôi đang ngon giấc.

*  *  *

Sáng rõ mặt người thì con thuyền về tới bến. Tôi hồi hộp như đã đi xa lâu lắm rồi. Thằng Thảo đứng gần ngay bến đò ngang nhà nó. Tôi mừng quýnh, gọi toáng lên:

- Thảo ơi… Thảo!

Tôi nhảy phắt lên bờ, chạy nhào tới chỗ nó. Thẳng Thảo đầu chải bóng mượt, hai tay đút túi quần, đang cao hứng huýt gió, dường như nó không để ý gì lắm tới sự vồn vã của tôi. Mà tôi cũng không kịp nhận ra điều đó. Tôi luống cuống lấy trong túi áo một hòn đá cuội trắng muốt, có hình giống như con thuyền của ông Phi, đưa cho Thảo:

- Cho mày cái này, tao nhặt được khi kéo cát ở Đồng Quan đấy!

Thảo cầm lấy, liếc qua, buông một câu nhạt toẹt:

- Cái này, ở kia thiếu đếch gì.

Nó chỉ xuống bờ cát. Rồi cầm hòn đá tôi đưa cho, vung sải tay ném thật xa, nghe “tỏm” một cái.

Tôi ngơ ngẩn nhìn. Chỗ hòn đá cuội rơi xuống, có những vòng tròn đuổi nhau, loang to trên mặt nước, rồi tan dần theo dòng sông đang miệt mài chảy…

*  *  *

Tôi còn gắn bó với con thuyền thêm mấy kỳ nghỉ hè nữa. Sau đó, tôi đi bộ đội. Giải phóng miền Nam, tôi được đi du học và làm việc ở nước ngoài, gần đây mới có dịp trở về Hà Nội.

Hơn ba mươi năm rồi, thăm lại quê hương. Một buổi chiều, tôi thong thả dắt đứa cháu nội lên ba, hướng về bờ sông Nhuệ tìm lại kỷ niệm thời thơ ấu.

Tôi sững sờ trước những đổi thay quá sức tưởng tượng. Dòng sông ngày xưa thơ mộng là thế, bây giờ đen ngòm bởi nước thải công nghiệp từ thành phố đổ về. Không còn bóng dáng một chiếc thuyền đánh cá của ngư dân, mà quê tôi vẫn gọi họ là “thuyền chài”. Ông Thẩm đã mất lâu rồi, cái nhà mái ngói của ông cũng không còn nữa. Trên nền đất ấy là túp lều bán hàng nước, nép dưới gốc đa đã thành cây cổ thụ. Chủ quán là một người đàn bà, trạc tuổi ngũ tuần, đon đã với khách. Bà rót bát nước vối, mời tôi uống. Tôi cám ơn bà, bưng bát nước uống một hơi. Mùi nước vối rất đượm, rất đặc trưng, không giống bất kỳ một loại giải khát nào trên khắp thế giới. Tôi lặng lẽ nhìn dải bờ vắng heo hút. Hàng phi lao ngày xưa xanh thẫm, đã thay bằng giống cây công nghiệp thời vụ, trơ những cái gốc bị chặt nham nở, khô quắt lại vì nắng hạn lâu ngày.

Tôi hỏi thăm bà về ông Phi và anh Phượng.

- Ông Phượng ở làng dưới phải không? - Bà nói – Cũng gần bảy mươi rồi, yếu lắm. Còn ông Phi, dễ sang cát tới hai lần, sống đâu đến tận bây giờ.

Con đò ngang chở khách sang sông, gằn lên tiếng động cơ máy coler rất chói tai. Nhìn người lái đò đã có tuổi, đầu đội chiếc nón lá sờn rách, tôi hỏi:

- Bây giờ, ai chở đò sang sông thế hở bà?

Bà ấy vẫn xởi lởi:

- Ông nhà tôi! Ông Thảo đấy!

T.Đ

 

 
 
Thế Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 190 tháng 07/2010

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground