Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chiếc bút máy Trường Sơn

R

a khỏi cửa hang, con thuyền nổ máy lướt đi trả du khách về với trời xanh, nắng vàng và gió sông Son lồng lộng. Dẫu vậy, tâm trí mọi người vẫn chưa dứt khỏi nỗi ám ảnh về những hình thù kì thú, những âm vang trầm sâu, những sắc màu lạ lùng của kỳ quan thiên nhiên Phong Nha nổi tiếng thế giới đang lùi dần lại sau lưng. Chúng tôi tiếp tục thả óc tưởng tượng theo bao câu chuyện huyền hoặc, hư ảo vừa được nghe qua trong lúc tham quan; càng nghĩ càng tò mò cuối cùng đành ngỏ lời mong được bác chủ thuyền vốn dân gốc nơi đây kể cho nghe vài câu chuyện, ví như chuyện xưa có nàng tiên giáng thế, ghé chơi Phong Nha, tình cờ gặp chàng tiều phu, lại mến cảnh non bồng nơi trần gian thế rồi quên luôn đường về thượng giới…

Chủ thuyền, một người đàn ông trạc ngoài năm mươi, mặt phong trần, da cháy nắng vốn quen thờ ơ với chuyện dọc đường của du khách đang lơ đãng nhìn trời, quay lại mỉm cười:

- Phong Nha là nơi cất giữ rất nhiều huyền thoại, mà kho chuyện ấy vẫn đang ngày được làm giàu thêm đó, bởi mảnh đất này nó kỳ bí lắm… Chuyện xưa thì đã có mấy cuốn sách viết rất hay rồi, tìm mà đọc; còn nếu các cô các chú không từ chối, tôi sẽ kể cho nghe một câu chuyện không kém phần hấp dẫn ngay thời đánh Mỹ mà bản thân từng chứng kiến.

Dĩ nhiên chúng tôi đều đồng thanh nhất trí. Bác lái đưa con thuyền chạy tránh chiếc phao tiêu dập dềnh trên sóng một lúc, đoạn trao công việc lại cho cô con gái chừng mười sáu tuổi nãy giờ ngồi thêu thùa ngoài mũi thuyền, lần đến bên đám sinh viên bọn tôi, ngồi xuống sạp ván, chậm rãi kể câu chuyện sau đây.

***

Cuối năm 1965, đại đội thanh niên xung phong N.65 chúng tôi lúc đó đang phục vụ ở biên giới Việt Lào, thì trên điều về hợp lực cùng nhiều đơn vị bạn và bộ đội, giao thông có cả xe ủi, máy khoan đá ngày đêm làm việc để mở một con đường mới. Đó là đường 20, xuất phát từ Phong Nha, vượt non trăm cây số làm thành một cánh cung khổng lồ nối vào đường 9 trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Thời bấy giờ cánh chúng tôi còn rất trẻ, tất cả đều ở độ tuổi đôi mươi nên Bộ tư lệnh Đoàn 559 đặt tên con đường lấy là “Con đường tuổi hai mươi”. Phải thừa nhận thằng giặc đánh hơi rất thính mọi hoạt động của ta: Chỉ khoảng một tuần, sau khi một vài nơi đất đỏ vừa được lật lên, là máy bay của chúng nhào tới. Từ bấy con đường làm đến đâu, là y như rằng hôm sau ở đó bị ném bom…

Nếu kể hết mọi chiến công và hy sinh, mất mát của hàng vạn con người từng lăn lộn trên đường 20 trong những tháng năm khốc liệt ấy, thì mất cả tháng; đây tôi chỉ kể câu chuyện có lẽ cũng liên quan đến điều các cô, các chú đang để tâm.

Nhiệm vụ của thanh niên xung phong ngày ấy là “chiến đấu, sản xuất và học tập”. Chiến đấu là đi khai mở và bảo vệ những con đường vào mặt trận, sản xuất là tăng gia tự túc, còn học tập là học thêm văn hoá theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đoàn. Đại đa số anh em chúng tôi bấy giờ đang học dở cấp I, hoặc cấp II, thậm chí nhiều người mù chữ. Không ai nghĩ vào đây để được học hành, vậy mà chúng tôi đã được “cắp sách tới trường”. Ty Giáo dục tỉnh điều năm mươi giáo viên cấp ii sung vào các đơn vị thanh niên xung phong. Đại đội tôi được đón hai thầy giáo, là thầy Phúc dạy Toán, Lý, Hoá và thầy Hùng dạy Văn, Sử, Địa. Cả hai cũng chỉ nhĩnh hơn chúng tôi một vài tuổi. Đến đơn vị, hai thầy bắt tay ngay vào việc tổ chức các lớp học: cũng sách vở, bảng đen, phấn trắng… nhưng có khi phấn phải dùng những viên đá màu nhặt dưới suối, giấy bút được phát nhưng thiếu là thường, có cậu quanh năm viết bút chì, phòng học được bố trí trong hầm song nhiều lúc học bên chiến hào, dưới tán cây… Có tới mấy lớp, bởi trình độ khác nhau, thế nên các thầy phải dạy liên tục không tuần không thứ.

Phải kiên trì lắm, giàu chữ tâm lắm các thầy mới “chiều” nổi đám “học trò” ấy, bởi cũng ma quỷ không vừa. Trong khi có người đi viện vẫn mang theo bài vở để học, thì có cậu ngồi vào lớp ngứa ngáy không chịu thấu, trốn vào rừng tìm ong, hái măng, thậm chí có cậu bẻ bút vứt đi! Thế là các thầy phải dỗ dành, động viên, tỉ tê hơn thiệt, phải cầm lấy bàn tay chai sạn hướng dẫn vẽ từng con chữ to đùng lên mặt giấy. Nhiều đêm bên ngọn đèn tù mù trong ngách hầm, các thầy vẫn thức cùng chúng tôi đánh vật với từng con toán, với những kiến thức xa lạ lần đầu chúng tôi được biết. Cũng lắm khi thật thơ mộng: bên bờ suối, dưới vừng trăng, thầy trò cùng nhau ca hát, ngâm thơ. Thầy Phúc có giọng ngâm cũng nghe được. Tôi còn nhớ thầy hay ngâm bài thơ của Bác Hồ: Tiếng suối trong như tiếng hát xa Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Kết quả sau bao năm học thật bất ngờ: nhiều anh, chị được xoá mù, nhiều người tốt nghịêp cấp I, tốt nghiệp cấp II; sau này trưởng thành lên, có người là giáo viên, kĩ sư, bác sỹ… Về bệnh viện trung tâm tỉnh, ta sẽ gặp một người, đó là nữ bác sỹ Minh Tâm vốn là thanh niên xung phong ngày ấy. Tôi nhắc tới Minh Tâm, là muốn nói tới công lao các thầy hồi đó, và không thể bỏ qua một nhân vật quan trọng trong câu chuyện này.

Minh Tâm, một cô gái nhỏ nhắn, trắng trẻo, lúc đi kháng chiến chỉ mới học xong lớp 6. Đó là một cô bé sáng dạ và khéo tay. Lúc các lớp học hình thành, thầy Phúc cử Tâm phụ trách chung, gọi nôm na là lớp trưởng.

- Eo ôi!... Em chẳng dám!

- Từ chối gì nữa! - Chúng tôi vỗ tay reo to, phần thấy thế là phải, phần nữa đã ma quỷ muốn cặp đôi ông thầy đẹp trai với “hoa khôi” của cả cái đám lấm lem mặt mày, đầu tóc, áo quần nhuộm cứng đất rừng của chúng tôi - Làm đi! Chúng ông ủng hộ, sẽ cho nghỉ mỗi tuần một ngày để “lo việc bàn giấy”.

Nghe thế, Minh Tâm la lên:

- Trời đất! Xin thầy cử người khác.

Nói vậy nhưng rồi Minh Tâm vẫn nhận vai lớp trưởng, và cô nàng không hề nghỉ lấy một buổi làm nào; còn các thầy, nhiệm vụ là giảng dạy song thỉnh thoảng vẫn cầm xẻng ra mặt đường, nhất là những lúc tình hình nguy cấp.

Trong hai thầy giáo, công bằng mà nói thì thầy Phúc giỏi hơn, tận tụy hơn, dạy đến đâu hiểu đến đó, chỗ nào khó là giảng đi giảng lại. Thầy là người yêu nghề, trong điều kiện rất khó khăn nhưng luôn tìm cách dạy gọi là có dụng cụ trực quan. Nhiều giờ dạy môn hình học chúng tôi được xem nào hình tam giác, hình thoi, hình chóp nón… làm bằng que thép; nhớ thầy từng quay vành bánh xe đạp chạy đi-na-mô phát điện trong giờ Vật lý… Thầy còn bồi giấy làm thành quả địa cầu tròn như quả bóng có đủ năm châu bốn biển cho thầy Hùng dạy bài Địa lý…

Thầy Phúc có một chiếc bút máy Trường Sơn, vốn là phần thưởng của ngành tặng những thầy cô đạt danh hiệu “Giáo viên giỏi” nhân kết thúc năm học trước khi thầy khoác ba-lô lên với đường 20. Loại bút ấy ngày nay không còn nữa: bút vỏ nhựa, bơm mực vào vét-xi bằng cao su, ngòi kim loại có lưỡi gà điều chỉnh cho mực chảy đều đều… Bút Trường Sơn bơm mực Cửu Long bấy giờ là của hiếm. Thầy Phúc ít dùng cây bút ấy, giáo án thường soạn bằng ngòi bút lá tre chấm mực viên địa phương sản xuất; nhưng thầy hay đưa bút cho những học viên “vỡ lòng” tập viết. Thấy anh chị nào lóng ngóng cày rách giấy với chiếc bút của mình là thầy rút cây Trường Sơn trao cho. Tôi cũng đôi khi dùng cây bút ấy trong những cuộc họp đoàn mình phải làm chân thư ký…

Chiến tranh ngày một trở nên ác liệt. Đơn vị thương vong nhiều, chỗ ở luôn thay đổi khiến việc học có lúc phải gián đoạn hàng tuần, thậm chí cả tháng. Trong điều kiện ấy, các thầy vẫn đuổi theo đơn vị, không rời một ngày, không dạy thì xắn quần, vác xẻng ra mặt đường trong tâm trạng vẫn đau đáu nghĩ tới ý đồ hoàn thành chương trình cho nhóm lớp này, xoá mù cho anh nọ, chị kia…

Minh Tâm vẫn làm lớp trưởng và hình như giữa cô nàng và thầy Phúc mùa xuân đã đến. Nhiều buổi sáng, thấy hai mắt Minh Tâm long lanh, đôi môi tái nhợt sau cơn sốt rét hồng lên, còn ông thầy kính mến của chúng tôi thì mái tóc có vẻ được chăm chút hơn, đôi lần thấy anh rẽ một đường ngôi thẳng tắp và miệng luôn luôn cười tươi. Mối tình ấy được đám “học trò” tinh quái chúng tôi xác minh khi đã mấy lần rình thấy hai anh chị ngồi bên bờ suối vắng. Thời bấy giờ yêu đương là chuyện cấm kỵ, bởi phải tập trung cho nhiệm vụ, ai lỡ hôn nhau là bị kiểm điểm liền, lôi thôi là cho về hậu phương ngay. ấy vậy mà “đám kia” vẫn rất được thông cảm, không ai hé răng phê bình phê bát gì hết, kể cả đại đội trưởng vốn được mệnh danh là “người thép”, cũng chỉ cười xoà cho qua!

Đâu khoảng đầu năm 68, lớp trưởng Minh Tâm, sau khi thi lấy bằng tốt nghiệp cấp II, đã chuyển về Tổng kho K.33 đặt trong hang Phong Nha, đúng nơi Hang Tiên bây giờ. Trông thầy Phúc không được tươi cho lắm, chúng tôi gần xa trêu chơi, thì thầy cười đỏ mặt, cũng có khi nổi hứng hát “Đông Trường Sơn nhớ Tây Trường Sơn…”.

Hai thầy lần lượt được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Gian khổ, khốc liệt vô chừng! Các thầy cũng như chúng tôi: gạo tháng từ hai mốt kí, rút dần xuống mười sáu, rồi mười bốn kí. Nước da xanh mét mà mắt thì đỏ đòng đọc vì sốt rét!... Thương các thầy quá! Chúng tôi là dân lao động, còn các thầy dù sao cũng là trí thức được đào tạo ra đâu phải để ném thân vào nơi ma thiêng nước độc với công việc nặng nề, cái chết kề bên. Cảm động nhất là các thầy có chút tiêu chuẩn riêng gồm cân đường đỏ, gói bột ngọt nho nhỏ mỗi tháng, nhưng chưa lúc nào dùng riêng. Nói sao rồi gói bột ngọt vẫn được thả vào nồi canh môn thục, gói đường thì dành đó, lúc ai ốm đau, lại được mở ra!

Có độ mưa dầm hàng tháng, sên vắt như trấu, áo quần thối ra, ai nấy da dẻ nổi nấm, lở lói, nhiều cô loét hết nuốm vú, háng bẹn mà duy nhất chỉ có thuốc đỏ! Thầy Phúc ốm xo, nhưng vẫn gắng hết sức, căn bệnh dạ dày nhiều lúc tưởng đánh gục thầy nhưng thầy vẫn làm việc và reo vui cùng mọi người. Thế rồi thầy lăn ra ốm, người gầy khô nằm dán xuống sạp nứa. Chúng tôi khiêng thầy đi trạm xá. Nhờ nghỉ ngơi, thuốc men, thầy lại bình phục, lại lên lớp hoặc ra đường với mọi người.

Đại đội trưởng ái ngại cho thầy, bèn mời lên hỏi han, gợi ý nếu cần thì cho thầy chuyển ra ngoài.

- Cám ơn anh - Thầy Phúc trả lời - Tôi chưa xong nhiệm vụ. Các anh chị còn đây, thì tôi còn ở đây, bao giờ trên điều đi đâu, tôi mới đi.

Không biết có phải do đặt vấn đề của lãnh đạo thanh niên xung phong không, mà sau đó có hơn tháng, thầy Phúc bỗng nhận được quyết định của Ty Giáo dục gọi về cho đi nước ngoài, nghe bảo thầy được qua Liên Xô học môn Tâm lý giáo dục trong đoàn cán bộ, giáo viên được chọn lựa trên toàn miền Bắc, chuẩn bị cho tương lai sau khi nước nhà độc lập.

Thầy được nghỉ ba ngày trước khi về lại đồng bằng. Minh Tâm biết tin, từ Tổng kho K.33 lên thăm; tôi còn nhớ hôm đó Tâm cõng lên một ba-lô những quả hồng chín mọng đủ anh em người một quả. Đơn vị kiếm được một chú nai tơ bị thương. Vui quá! Chúng tôi được một bữa đánh chén thoả thích. Hai người công khai tình yêu của mình. Đó là những ngày nắng ấm, mây lụa bay trên đỉnh Trường Sơn và hoa dại vàng rực những triền đồi gió thổi dạt dào. Lại thấy đôi má Minh Tâm ửng hồng và mái tóc rối bù của thầy Phúc được chải bồng với đường ngôi thẳng tắp. Đó là những ngày hạnh phúc nhất của đôi người ấy khiến có khi chúng tôi cũng như thấy ghen với họ. Nhưng mà họ xứng đáng được ôm ấp nhau sau rất nhiều âm thầm chờ đợi và rồi đây còn phải xa xăm mỗi người tận một phương trời!

Được nghỉ mà thầy Phúc chẳng nghỉ. Ngoài những lúc cùng người yêu dạo rừng, lội suối vào ban sáng hay lúc chiều xuống, thầy lại vẫn lên lớp. Thầy lo lắng tâm sự với anh em liệu rồi còn những lớp học này nữa không, khi mình ra đi? Lo là phải. Thầy Hùng gian khổ, thiếu thốn đã đánh ngả, phải nằm viện lâu dài vì ba bốn căn bệnh trong người, trong lúc chương trình học hành đang lở dở: ba anh diện xoá mù đang tập viết, cứ thắc mắc tại làm sao lại sinh ra chữ K, chữ C, chữ Q mà lại không chỉ là một chữ cho dễ; một lớp bốn anh chị đang chương trình cấp I; ba anh cấp II…Buổi chiều cuối cùng của thầy Phúc trên Trường Sơn cũng như mọi chiều khác. Thấy thầy cắp cặp bước vô lớp, có ý kiến nói:

- Thầy nghỉ thôi. Mai thầy lên đường rồi!

Thầy Phúc xoa tay cười:

- Thật tiếc không còn được làm việc ở đây nữa. Tôi muốn có buổi dạy kỷ niệm cùng các anh, bởi rồi đây tôi sẽ đi xa, ngày về, lúc đó hẳn nước nhà đã độc lập thống nhất, còn đâu những buổi học như thế này!... Nào, ta dở vở ra. Bài tập làm cả rồi chứ? Diện tích hình chữ nhật tính sao: một thửa ruộng hình chữ nhật, chiều rộng 17 mét, chiều dài 25 mét, hỏi diện tích bao nhiêu mét vuông?

Mấy thầy trò lại chụm đầu bên con tính, trong lúc dưới lán, Minh Tâm đang trằn trọc trên sạp giường: chỉ còn đêm nay nữa, mai anh xa rồi!... Anh nhát thế? Em đã chủ động cầm tay đặt lên ngực mình, mà anh còn cứ run run! Em muốn anh phải là một chàng trai mạnh mẽ trong tình yêu kia! Nhìn bức ảnh nhỏ xíu của Phúc treo đầu vách, Minh Tâm tâm sự tiếp: Anh Phúc ơi! Em yêu anh!... Xa nhau trăm núi ngàn sông… nhưng không cách lòng! Chiến tranh chắc cũng sắp kết thúc rồi. Đợi anh về! Em đợi anh về!...

Chính vào giờ khắc ấy những quả bom đen trùi trũi bắt đầu rơi vào khu lán đơn vị! Trên trời bốn chiếc F.4H đang thi nhau bổ nhào. Khắp nơi rền vang tiếng nổ và khói bụi bốc cao. Những căn nhà lụp xụp mái lá, cột gỗ thô sơ bốc cháy trong tiếng kêu thương! Lúc chúng tôi ngoài hiện trường chạy về, thì cả một quang cảnh tang tóc bày ra: nơi nơi người chết, người bị thương vùi trong cây cối ngổn ngang, đất đai phủ kín! Đại đội trưởng vừa đi họp về chết ngay cửa hầm, vai còn khoác xà-cột, bếp chị nuôi vung vãi cơm cháo, rau dưa trộn máu!...

Minh Tâm rách tươm quần áo, đầu tóc xổ tung gào khóc bên xác người yêu. Thầy Phúc bị mảnh bom chém vào ngực, bọt máu cứ tức tưởi trào ra cả lúc tim không còn đập nữa! Bên cạnh thầy, hai học viên cũng đã chết, tay còn cuốn vở với bài toán tính diện tích thửa ruộng hình chữ nhật mãi mãi dừng lại nửa chừng!

Chúng tôi hối hả khâm liệm rồi chôn cất những đồng đội hy sinh ngay trong đêm để sáng hôm sau kịp di dời nơi ở!

***

Chẳng hiểu do đâu mà ngót hai mươi năm sau ngày toàn thắng, người ta mới nghĩ tới việc cất bốc hài cốt của tám chiến sĩ đại đội N.65 thanh niên xung phong hy sinh từ cuối năm 1968 dưới chân đèo Đá Đứng về nghĩa trang. Tôi đợi chờ cái ngày ấy cho tới tuổi tóc nửa phần nhuốm bạc. Thế cho nên khi nghe tin có đoàn đi bốc mộ, dù không ai gọi, tôi vẫn bỏ thuyền bỏ lái bám theo. Té ra chẳng riêng chi tôi, trong đoàn người trở lại đường 20 hôm đó có nhiều người vốn là đồng đội cũ.

Đường đi rậm rì cây lá, càng vào sâu càng bồi hồi xúc động. Đây đó còn dấu vết một bếp lửa, một đầu dốc từng khi ngồi nghỉ hoặc một đoạn suối chúng tôi từng mò nhặt những viên cuội màu đem về làm phấn viết… Mất nửa ngày luồn rừng băng suối, cuối cùng những ngôi mộ chìm trong mưa gió nắng sương bấy nhiêu năm đã hiện ra. Chợt nhiên chúng tôi thấy như mình có lỗi với người nằm đó. Chúng tôi vòng quanh một lượt, đếm đủ tám ngôi mộ từng được chôn cất trong đêm dưới tầng pháo sáng năm xưa. Này là anh đại đội trưởng, con người “gang thép” nhưng rất tâm lý, này là cậu Nâm chuyên nói cà lăm, ra mặt đường làm việc thường đeo bi đông nước uống trên cổ; này là cô gái nuôi quân mủm mỉm từng phải cúi đầu ngồi nghe kiểm điểm thâu đêm vì bị bắt quả tang ăn nằm với một anh lính lái xe; này là chú Toả, nhỏ nhất đơn vị, mười bảy tuổi, vừa mới bổ sung…Còn đây! Thầy Phúc nằm đây! Ngôi mộ cỏ tranh mọc dày, vạch mãi mới lộ ra tấm bia bằng đá xanh đẽo vạc thô sơ khắc vội mấy chữ Thầy giáo nguyễn hồng phúc mưa gió dãi dầu!

Bác sỹ Minh Tâm đỏ hoe đôi mắt, quỳ xuống bên mộ phần người yêu năm nào:

- Anh Phúc ơi!... Có ngờ đâu ngày gặp nhau là ngày vĩnh biệt!... Ai ngờ anh ngã xuống lúc tương lai đang chờ phía trước!... Bao nhiêu năm qua… có đêm nào… em không nghĩ đến anh!... Ôi anh Phúc ơi!... Anh có hay em đã xin phép anh… đặt tên anh… cho đứa con đầu lòng của vợ chồng em!...

Khói hương lụi dần trên mấy ngôi mộ. Gió thổi từng đám tàn li ti trắng xốp vương lên tóc mọi người. Chúng tôi bắt tay vào việc. Từng bộ hài cốt được cẩn thận nhặt nhạnh cùng di vật: chiếc bật lửa, cái kẹp xâu xép, chiếc cặp tóc ba lá…

Trên ngực thầy Phúc có một vật màu đen, dài non gang tay vùi trong một lớp màng mỏng như khói phủ. Tấm màng mũn ra ngay khi ta chạm tay vào, và lộ thiên chiếc bút máy Trường Sơn vốn chủ nhân thường găm trên túi ngực! Nhặt chiếc bút lên, vặn nhẹ đầu nắp ra: ngòi vẫn sáng. Chúng tôi trao nhau chiếc bút ngày xưa ai cũng biết vốn màu hồng nay đã nâu sẫm lại như thể đã già đi cùng nhịp tháng ngày!

Bác sỹ Minh Tâm là người cuối cùng cầm trong tay chiếc bút. Chị cố nén dòng lệ chực trào nơi khoé mắt, mân mê báu vật trong trạng thái bâng khuâng nhớ về bao kỷ niệm ngọt ngào: lá thư tình đầu tiên… anh viết cho em… từ chiếc bút này!

***

Bác chủ thuyền ngừng lời, im lặng đưa mắt nhìn xa xăm trong tư thế ngồi thiền với hai chân xếp bằng trên sạp thuyền. Chúng tôi cũng lây cái tâm trạng hồi cố của ông. Thế rồi một câu cất tiếng hỏi:

- Sau rồi sao ạ? Là cháu muốn hỏi về chiếc bút máy Trường Sơn ấy.

- à …- Bác chủ thuyền như sực tỉnh - Sau khi đưa thầy Phúc về nghĩa trang, chúng tôi đã đem đặt chiếc bút lên bàn thờ của thầy, bên cạnh bức di ảnh - Bác chủ thuyền nhìn khắp lượt chúng tôi, nói tiếp - Có câu chuyện này hay lắm: Một thời gian sau, nghe đồn rằng cây bút vẫn còn mực, nghĩa là vẫn viết được, bằng mực Cửu Long hẳn hoi!

Chúng tôi trố mắt đặt câu hỏi vào bác, còn bác lại nheo mắt cười:

- Tôi vì bận việc, lại ở xa nên chỉ nghe thế; cũng định làm một chuyến về quê thầy thắp hương cho thầy và tận mắt xem sao.

- Nhưng bác có tin chiếc bút máy còn mực không?

 Bác lại gật đầu:

- Tin chứ. Tôi cho đó là sự thật còn ai tin thì tin, không tin thì thôi…

H.T.S

 

Hoàng Thái Sơn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 155 tháng 08/2007

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

13 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

19 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground