Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người Quảng Trị

 

T

ất cả nông trường Tân Lâm đều gọi Mùi và Hoa là “hai con chim cu cu”. Hễ rảnh việc ra là chúng quấn quýt với nhau suốt ngày. “Còn chần chừ đến bao giờ mới cho chúng tao ăn kẹo hử?”. Thấy tình yêu của chúng đã chín mõm rồi nên ai cũng giục, cũng nhắc nhở.

            Mùi và Hoa yêu nhau thật. Cứ nhìn vào mắt chúng thì biết. Hoa là công nhân trồng tiêu. Tình yêu cứ làm cho Hoa đẹp rực lên. Hai má lúc nào cũng như hai trái đào chín nấp dưới cặp mắt long lanh. Mùi chỉ cười. Ai nói gì cũng cười. Cái cười rạng rỡ.

            Chiều nay, trên vạt cỏ xanh mởn, mịn màng bên bờ sông Hiếu, Hoa ngồi hơi co cặp chân tròn vo mềm ấm cho Mùi gối đầu. Cô hơi cúi đầu, chăm  chú nặn trứng cá cho Mùi. Mùi ngoan ngoãn như một con mèo trong lòng cô. Họ cũng không biết câu chuyện của họ bắt đầu từ đâu. Lâu lắm, lâu lắm, Mùi quàng hai tay lên đầu Hoa vít xuống thấp. Anh thì thầm:

            - Chúng mình cưới nhau đi.

            Hoa im lặng. Mắt như lơ đãng đâu đâu. “Chúng mình cưới nhau đi Hoa. Anh sẽ làm hết sức, không để cho em khổ đâu.”

            Cũng khá lâu Hoa mới đáp:

            - Em cũng muốn chúng mình cưới nhau. Em cũng muốn chúng mình có con nữa. Nhưng…em lo…

            - Nhất định anh sẽ không để mẹ con em khổ đâu mà. Nhất định thế. Em còn lo gì?

            Hoa chưa từng trải, cô nói rất thật lòng rằng cứ trong ba đứa em của Mùi, Hoa rất sợ. Cứ mỗi lần có việc phải về nhà Mùi, mắt cô không dám nhìn kỹ vào mấy đứa em quái thai của Mùi. Thằng Bình như một đống thịt. Cả hai chân tay teo lại như không có xương. Suốt ngày nằm một chỗ. Mỗi khi cho ăn phải có người đỡ sau lưng mới ngồi dậy được. Còn Lài có đủ chân tay, nhưng cái quái thai bại từ trong não. Không lúc nào nó nằm yên. Cứ lăn qua lăn lại liên tục. Có lúc nó đập đầu xuống giường rầm rầm. Cái Thúy nhỏ nhất nhưng lại cứng cáp nhất. Nó ngồi được. Nhưng không đứng lên được. Không đi được. Muốn đứng phải có người đỡ. Mà đôi mắt Thúy lúc nào cũng trợn ngược, vô hồn.

            Hoa nói:

            - Em nghe người ta nói rằng, trong số con chiên nữ của thiên chúa giáo nhiều cô rất giống đức mẹ. Vì người mẹ suốt ngày ngắm nhìn, tơ tưởng tới đức mẹ. Em sợ suốt ngày em sống với Bình, Lài, Thúy biết đâu lúc em sinh con, chúng nó cũng bị dị dạng như cô chú chúng.

            Những đứa em Mùi hiện ra trong mắt anh. Mùi như thấy chúng ngồi trước mặt. Hoàn toàn đúng như Hoa nói. Cái cảm giác chết lặng dâng đầy hồn anh. Thấy Mùi như người mất hồn, Hoa phải lay cho anh tỉnh dậy:

            - Em yêu anh lắm. Anh có yêu em không?

            Mùi đã lấy lại được hồn:

            - Anh sống không thể thiếu em được đâu.

            Mặt trời phía tây thấp dần. Nắng vàng nhạt đi. Nhưng cũng đọng trong nắng hoàng hôn nỗi buồn của cả hai người. Hoa đã tìm ra cách:

            - Cha em đã mua được đất trong Đồng Nai rồi. Những mấy héc ta. Chúng mình vào đó. Em làm vợ anh. Không cần cưới xin gì cũng được. Vợ chồng mình sẽ xin cha một héc ta đất. Chắc thế chúng mình sẽ đẻ được những đứa con nguyên lành. Em sẽ gắng làm để nuôi anh, nuôi con. Người Quảng Trị mình không sợ khó khăn, gian khổ đâu anh.

            Mùi im lặng. Anh nhắm mắt lại. Sao hai con mắt tự dưng chói thế. “Em sẽ làm vợ anh mà”. Câu nói ấy của Hoa cứ ong ong trong óc Mùi.

            Mùi dắt xe đạp tới cổng nhà, anh nghe từ trong nhà tiếng thét vọng ra. “Đúng tiếng con Lài”. Mùi dựng xe chạy vào nhà. Một cảnh tượng quặn thắt đập vào mắt anh. Bà nội anh ôm con Thúy trên tay phải, tay trái vỗ về thằng Bình. Giường góc trong cả cha và mẹ Mùi hai người đang cố giữ Lài, trong lúc đó Lài vật vã, giẫy giụa, thét xé giọng. Cha Mùi bình tĩnh hơn, còn mẹ Mùi vừa giữ con vừa nước mắt đầm đìa. Chợt nhớ thằng Ngọc nhà bác Ngà bệnh tình cũng như Lài, cũng cùng tuổi Lài mới chết cách đây năm ngày, Mùi thấy xót xa trong lòng như có ai lấy muối xát vào. Mùi chạy tới giúp mẹ. Phải tới nửa tiếng sau Lài mới nằm yên.

            Mùi hỏi cha:

            - Có phải đưa em đi bệnh viện không ba?

            - Thỉnh thoảng em lại lên một cơn như vậy – Cha anh đáp – có đem đi bệnh viện cũng không được gì.

            Mỗi một ngày qua đi ở gia đình là một ngày Mùi kiểm nghiệm lại đề nghị của Hoa. Anh cứ băn khoăn: “Không biết có phải mình quá yêu Hoa nên độ nghiêng về Hoa mỗi lúc một cao?” “Không, đó là một sự thật. Một sự thật hiển nhiên!”

            Tình cờ bữa mẹ Mùi đứng trước gương, lấy lược cào lại tóc cho gọn gàng, Mùi nói:

            - Mẹ vất vả quá.

            - Mẹ Mùi cũng tình cờ nói với anh:

            - Con đến tuổi rồi, cũng nghĩ đến chuyện lấy vợ đi cho mẹ đỡ vất vả.

            Phải mất một tuần sau Mùi mới đủ sức kể cho mẹ nghe tất cả ý kiến và đề nghị của Hoa. Mới nghe, bà Bình – mẹ Mùi bàng hoàng. Nỗi bàng hoàng của người mẹ cảm thấy bị người con bỏ rơi. Nhưng dần dần bình tỉnh lại, bà ý thức được hoàn cảnh của gia đình mình. Và chấp nhận về một phương diện nào đó Mùi có lý. Và cũng một tuần sau bà mới nói lại được với chồng, ông Thành, chồng bà vừa nghe xong đã nổi đóa:

            - Thằng mất dạy. Nuôi nó bằng ngần ấy tuổi đầu vẫn không hiểu nổi hai chữ hiếu để.

            Đợi chồng qua cơn nóng bà bình tĩnh nói với chồng:

            - Mình thường nói rằng: “Đời ta coi như vất. Chỉ cầu mong sao cho con cái được hạnh phúc”. Thằng Bình, cái Lài, cái Thúy thật sự chúng ta không còn hy vọng gì. Còn một thằng Mùi, nếu nó được hạnh phúc thì chúng ta cũng mãn nguyện rồi. Tôi xem ra, hai đứa chúng yêu nhau lắm. Mình nên nghĩ lại.

            Mỗi lần nghĩ đến chuyện Mùi là mỗi lần ông Thành nghe buốt trong tim. Có một lúc, ông nghe được tiếng độc thoại của chính ông vang lên trong lòng: “Nếu mình có một đứa cháu đích tôn cũng lâm cảnh như thằng Bình chắc mình chết mất”. Câu nói ấy là đầu mối dẫn ông tới sự chấp nhận cho Mùi và Hoa đưa nhau vào Đồng Nai. Ông cho Mùi gọi Hoa về. Trước mặt con trai và con dâu tương lai, ông nói:

            - Cha mẹ chỉ biết cầu mong trời phật cho các con được hạnh phúc!

            Hai chữ hạnh phúc ông Thành nhấn mạnh bao hàm sự đầm ấm trong hai vợ chồng chúng. Dù không nói thành lời, song hai chữ hạnh phúc của ông còn chứa chất khát khao trong đó có những đứa cháu của ông lành lặn.

            Hoa òa khóc ôm lấy ông rồi lấy bà Bình”

            - Con xin cám ơn ba, cám ơn mẹ.

            Suốt buổi tiễn con đi, ông lặng lẽ, chỉ dặn một câu cuối cùng:

            - Hễ có hệ sự gì thì báo về cho cha mẹ, chúng tao sẽ vào ngay.

            Mùi đi, nhà anh như trống vắng hẳn một nửa. Bà nội Mùi nói với cha mẹ anh:

            - Thằng Mùi đi, mẹ nhớ nó quá, nhưng bù lại, mẹ còn có một chút hy vọng.

            Không cứ gì bà nội, cả ông Thành, cả bà Bình bần thần, ngơ ngác cả một tháng.

            Cách đây hai mươi lăm năm, hai ông bà là cặp uyên ương trai tài gái sắc của du kích xã Cam Chính thuộc huyện Cam Lộ này. Họ cưới nhau ngay trên cửa hầm bí mật, có đội du kích Cam Chính cùng gió trăng cây cỏ của Cam Chính làm nhân chứng. Ngay năm sau, 1967, họ đẻ đứa con trai đầu tiên. Lấy ngay can chi của năm ấy đặt cho con trai mình làm kỷ niệm một thời yêu nhau: Bùi Đinh Mùi. Xuất xứ của cái tên Mùi là vậy. Sau cuộc tấn công Mậu Thân 1968, đội hình Mỹ ngụy tan hoang. Chúng trả thù tất cả cây cỏ trên Trường Sơn bằng chất độc màu da cam. Thành và Bình cùng bao đồng đội khác nhiễm chất độc màu da cam ấy. Năm 1969, Bình sinh Binh, thấy cái quái thai chui ra từ máu mình, Bình khóc rấm rứt. Hai vợ chồng bàn nhau: “Thôi ta đẻ thêm vài đứa nữa, bù cho sự mất mát của Binh”. Ai ngờ sinh Lài, rồi sinh Thúy, vừa nhìn thấy đôi mắt Thúy trên tay người hộ sinh nâng nó trên tay trao cho Bình, Bình òa khóc. Cứ thế khóc nức nở. Hận mình, hận đời. Thành phải dỗ cô suốt một đêm Bình mới nguôi ngoai trở lại. Vợ chồng bảo nhau: “Dẫu sao chúng cũng là giọt máu của chúng ta”. Họ sợ, không dám đẻ nữa. Tất cả nghị lực của họ dồn vào nuôi ba giọt máu quái thai ấy của mình.

            Chỉ có bà mẹ của Thành, không ít lần, bà gào lên:

            - Xin trời hãy băm vằm cái lũ giặc Mỹ đã hại đời ba đứa cháu tôi.

            Thành, anh cũng phải hết sức nén lòng mình lại để an ủi mẹ và vợ:

            - Cả huyện Cam Lộ có tất cả 650 cháu dị dạng như con cháu chúng ta, chứ nỗi đau ấy đâu chỉ riêng gia đình mình.

            Thành và Bình sau chiến tranh, trở lại làm người Cam Chính và cặm cụi suốt ngày làm lụng để nuôi bốn đứa con của mình. Nổi an ủi lớn nhất đối với họ là dù sao họ cũng có Mùi.

            Bà Bình nói với ông Thành:
            - Vợ chồng mình hãy tạm quên Mùi đi để cho nó được yên thân.

            Duy chỉ có bà nội của Mùi, bà hiểu nỗi đau của vợ chồng Thành, nên bà im lặng. Nhưng những lúc nhớ Mùi, bà tấm tức khóc, rơi nước mắt một mình.

            Do miếng ăn và sự sống của cả gia đình, nên ông Thành thả ba đứa con của mình ở nhà cho bà nội. Năm nay bà đã bảy chín tuổi. Lưng còng xuống như con tôm, như một dấu hỏi. Mặt tóp lại, nhăn nheo dưới mái tóc bạc phơ lòa xòa. Cả ngày hầu như không có lúc nào để có được nụ cười.

            Ba đứa cháu tội nghiệp nằm ba giường, cụ lóc cóc chống gậy trúc, vỗ về đứa này nằm yên lại chạy qua giường kia cho cháu ăn. Binh, Lài, Thúy thay nhau làm tội bà, không lúc nào để bà được yên.

            Oa! Oa! Oa!.. Con Thúy khóc. Rầm! Rầm! Rầm! Con Lài đập giường. Bạch! Bạch! Bạch! Mấy bữa nay thằng Binh ăn phải cái gì mà đi chảy suốt ngày. Mùi tanh của phân người bệnh thành uế khí trong căn phòng.

            Chiều về, vừa đặt gánh khoai, gánh củi vào góc sân, bà Bình lao vào nấu nướng bữa chiều. Ông Thành múc nước dưới giếng sâu hun hút, bưng từng chậu vào nhà cùng mẹ tắm cho từng đứa con một.

            Ngày nào cũng vậy, cứ phải mười một mười hai giờ đêm, khi ba đứa nhỏ ngủ được, thì lúc ấy mái nhà mới thật bình yên. Bất thình lình một đứa nào hét lên, thế là cùng lúc ba giọng thét như giông bão, mái nhà như sập xuống.

            Chỉ cần nhìn hố mắt đen ngòm của những người lớn trong nhà, đủ thấy họ bị mất ngủ triền miên, thèm một đêm thật thanh bình. Đơn giản thế thôi, nhưng đã mấy chục năm nay, trời chưa cho họ một đêm như thế. Có những ngày ba người lớn không nói với nhau một lời. Họ sống âm thầm như cam chịu chấp nhận cái số phận của mình.

            Có lần bà Bình thở hắt ra:
            - Không biết kiếp trước mình sống ra sao?...

            Chưa nói hết câu mẹ chồng đã át đi:

            - Sao thằng Mỹ nó ác đến nhường này. Trời ơi, trời có mắt không trời!

            Hội phụ nữ cho bà Bình vay vốn để làm vườn tiêu, nuôi thêm mấy con lợn trong chuồng. Hội chữ thập đỏ tặng cháu Thúy một chiếc xe lăn. Thanh niên Cam Chính tổ chức đội tình nguyện: “Đưa các cháu trở lại với cuộc đời!” Mỗi tuần ba buổi chiều, chị Ý lại tới nhà ông Thành, dùng dầu bóp xoa chân cho cháu Thúy rồi giúp cho cháu đứng lên, vịn vào cái xe lăn bước đi từng bước một. Những chiều ấy hy vọng trong nhà như được hồi sinh. Từ đấy, ông bà Thành gắng thu xếp công việc nương vườn về sớm hơn để giúp cho Thúy tập đi. Mỗi bước đi run run của Thúy, là mỗi bước run run của cả gia đình này. Cả nhà như cùng tập đi.

            Đúng lúc cái nét cười lóe lên ấy thì Binh giở chứng. Nó khóc cả ngày. Biếng ăn hẳn đi. Nó không nói được, như Lài và Thúy không nói được, nên chẳng thể biết được những diễn biến gì trong cơ thể nó. Nên nghe tiếng khóc càng thêm đau lòng. Ông Thành ôm con lên trạm xá xã. Các thầy thuốc không tìm ra con bệnh trong Binh. Nó không nóng không sốt. Chỉ có nhịp tim cứ yếu dần, yếu dần rồi lịm đi.

            Ông Thành đưa con về tới nhà thì nó đã chết. Da thịt Binh lạnh dần. Được gọi từ vườn tiêu về, nhìn thấy con, bà Bình òa khóc, ôm chầm lấy nó mà lay: “Binh ơi, con nỡ bỏ mẹ mà đi ư?” Tiếng khóc của bà kéo cả hàng xóm tới. Nhưng tất cả đều bất lực.

            Đắp xong mộ Binh. Bà Bình vẫn ôm chặt nắm đất ấy mà khóc, mà kể lể: “Nào mẹ có hắt hủi gì con đâu, con nỡ bỏ mẹ mà đi con ơi!”. Hàng xóm ngày nào cũng tới thăm hỏi, an ủi, chia buồn. Nhưng không xua tan được mùi khói hương cứ lảng vảng trong đó có hình bóng Binh. Đứa con tàn tật ấy lúc nào cũng hiện ra trước mắt bà Bình. Thế mới biết, với người mẹ thì tất cả giọt máu của mình đều rất đáng yêu, dẫu số phận của chúng thế nào.

            Chính vì vậy, trong vòng một tháng mái tóc đen của Bình đã bạc trắng, không còn một sợi nào xanh…Ngày ngày bà mang cơm trứng ra tận mộ cúng cho con và ngồi với con hàng giờ, vẫn không muốn dứt ra về.

            Sức khỏe ông Thành cũng suy sụp hẳn. Viên bi nằm trong phổi sát ngay bên trái tim, thỉnh thoảng làm quặn lên những cơn đau thắt, mồ hôi đầm đìa. Mảnh bom bên trái đầu như cọ quậy bên trong, ê ẩm cả một nửa đầu, mắt trái mờ hẳn đi.

            Bác sĩ khuyên ông bớt xúc động. Nỗi đau mất mát quá lớn làm mỗi tế bào trong ông choáng váng. Những ổ bệnh đều như muốn bung ra.

            Đúng hôm trở trời, thầy thuốc phải đến tiêm cho ông một ống giảm đau ông mới chịu đựng nổi.

            Bà Bình bảo ông:
            - Hay tôi đánh điện gọi thằng Mùi ra nhé?

            Ông Thành gạt đi:

            - Nhận điện vợ chồng chúng không ngồi yên đâu. Mà kéo nhau đi thì lấy đâu tiền tàu xe. Chúng mới vào, cả trăm thứ, chỗ nào cũng cần tiền. Chúng đâu đã dành dụm được.

            Ông chợt hỏi:

            - Bà tính xem, con Hoa đã đến tháng đẻ chưa?

            - Cứ tính theo như thư con Hoa gửi về, thì nó sinh được hai tháng rồi.

            Ông Thành nghẹn ngào:

            - Hay là…Hay là…Hay là đứa cháu đích tôn của chúng ta đã…đã mệnh hệ gì?

            Nhắc tới nổi thấp thỏm ấy, cả hai ông bà lịm đi. Một lúc sau ông Thành ôm ngực đau quằn quại. Hai tay ông ôm chặt ngực, giục vợ:

            - Bà lấy cái khăn  hay sợi dây thừng càng tốt quấn chặt vào đầu tôi này. Nửa đầu trái cũng đau quá! Nó giật lên từng cơn theo nhịp tim.

            Bà lấy khăn quấn vào đầu cho ông, ông không chịu, đòi lấy giây thừng thắt cho chặt. Và như có ai đâm dao vào ngực ông. Ông ngã vật xuống, hai mắt trợn ngược, nước dãi trong miệng trào ra hai bên mép! Ông muốn nói gì đó mà không thành lời, chỉ ú ớ, ú ớ.

            Bà Bình đứng giữa sân kêu hàng xóm:

            - Ông Thành chết mất. Ớ bà con, giúp tôi với! Giúp tôi với.

            Những người đàn ông rồi những người đàn bà nghe tiếng kêu của bà Bình, họ gọi nhau chạy tới. Thoáng cái, người đã chật nhà. Một ông hàng xóm ra lệnh:

            - Mau lên, đưa ông ấy đi cấp cứu!

            Đúng lúc ấy, một người đàn ông cao, gầy, đen nhèm từ cổng nhảy vào. Qua một chút bất ngờ, họ nhận ra người ấy là Mùi.

            - Bà Bình ơi, thằng Mùi về.

            Người ta chỉ kịp đặt vào tay Mùi chiếc ghi đông xe đạp. Một chiếc cáng buộc vội nối xe anh cầm với một chiếc xe đằng sau. Nằm trong cáng là ông Thành, cha anh. Họ giục anh:

            - Đi ngay đi không chậm mất.

            Theo sau chiếc xe đạp dắt cáng là mẹ Mùi ôm một bọc quần áo của chồng theo sau.

            Cứ thế, nhằm hướng ra Cam Lộ, hai người đẩy xe cắm đầu chạy miết. Rất may chỉ một tiếng đồng hồ sau bệnh nhân đã được chuyển thẳng vào khoa cấp cứu. Bác sĩ lùa hết người nhà bệnh nhân ra ngoài, một chiếc giường đẩy chuyển ngay ông vào phòng cấp cứu khẩn cấp.

            Ba ngày sau ông Thành được xuất viện. Các bác sĩ bệnh viện, sau khi hội chuẩn, các thầy thuốc quyết định phải dùng đủ liều  thuốc tim mạch hạ cơn xúc động của ông xuống trạng thái bình thường.

            Bác sĩ hỏi bà Bình:

            - Có sự cố gì mà gây cho ông ấy cơn chấn động dữ dội đến thế?

            Bà Bình đáp:

            - Đứa con trai yêu quý của chúng tôi chết.

            Ông bác sĩ lắc đầu thông cảm bằng cách tập trung hết sức lực chạy chữa cho ông Thành. Ba ngày sau, ông Thành đã tỉnh táo, sức khỏe được phục hồi nhanh. Duy huyết áp còn hơi cao: 150/100.

            Trao giấy ra viện cho ông Thành, bác sĩ nói:

            - Ông phải hết sức tránh xúc động để viên bi nằm bên trái tim được nằm yên. Trước mắt phải bồi dưỡng cho lên sức. Sang xuân trời mát, chúng tôi sẽ tính chuyện với viên bi này.

            “Tránh xúc động”, lời dặn ấy của bác sĩ đã ngăn ông Thành, dù Mùi ngồi cạnh ông, ông vẫn lảng mắt tránh để không phải hỏi Mùi về đứa cháu mà ông vẫn lo canh cánh bên lòng.

            Xe có dấu chữ thập đỏ của bệnh viện vừa xịch đổ trước sân, ông Thành mở ngay cửa, chạy vào nhà, bồng Lài và Thúy trên hai cánh tay:

            - Ba nhớ các con quá! Các con biết không.

            Đã đành chúng không nói được. Nhưng mắt chúng nhìn đi đâu đâu. Mắt ông Thành gặp những ánh mắt ấy! Hai cánh tay ông càng ghì chặt chúng vào lòng.

            Bất giác Mùi không thấy Binh. Anh hỏi:

            - Em Binh đâu mẹ?

            Bà Bình ngồi phịch xuống cái giường xưa Binh vẫn nằm. Bà khẻ nấc:

            - Em Binh chết rồi con ơi…ơ…

            Nhìn mẹ lăn lóc trên giường, nhìn hai đứa em tuột khỏi tay ba, Mùi òa khóc:

            - Sao ba mẹ không tin cho con để con về với em – Mùi cũng nấc lên như mẹ - Binh ơi, sao em không hiện lên báo mộng cho anh.

            Ông Thành lặng lẽ dẫn Mùi ra mộ Binh. Bà Bình thẫn thờ loạng choạng bước theo sau. Mùi châm lửa thắp hương cho em. Còn mẹ anh dang rộng hai cánh tay ôm nấm đất vào lòng. Cũng phải tới cả tiếng đồng hồ, nhờ sự vững vàng của người cha, cả ba người mới lấy lại được bình tĩnh. Ông Thành sờ nắn hai vai gầy tóp của con:

            - Các con đói lắm hay sao mà gầy đến nông nổi này?

            Mùi đáp:

            - Không đêm nào con ngủ được trọn vẹn. Người cứ thế mà mòn đi dần. Hoa phải giục con: “Em biết anh thao thức vì các em từng ngày. Anh phải trở về Cam Chính đi, không thì ở đây anh chết mất. Mẹ con em mãi mãi chờ anh”

            Câu nói cuối cùng của Mùi như một thân cây chuối giữa dòng nước lũ. Ông bà Thành bám lấy vào thân cây chuối ấy. Ông Thành nói:

            - Con có biết ngày nay ba mẹ sợ hết hồn về hai chữ “cháu ông” như thế nào không? Mẹ con đêm đêm bấm đốt tay tính, nếu như theo con Hoa gửi về, thì nó sinh được hai tháng rồi. Không thấy tin tức gì của con, cha mẹ sợ quá. Thôi thì dẫu sao cũng là giọt máu của mình. Nó có phận hệ gì thì cũng là con cháu mình. Con vừa nhắc tới ba chữ “Mẹ con em”, vậy hãy nói ngay cho mẹ biết xem đứa cháu của ông bà thế nào. Không nói thành lời cũng được. Nếu khó, chỉ cần con ra hiệu lắc đầu hay gật đầu cho ba mẹ biết là được.

            Mùi rút trong ví ra tấm hình chụp đứa con mũm mỉm của anh, đưa cho cha:

            - Cháu đích tôn của ông bà đây.

            Cả hai ông bà như vồ lấy. Mùi nói tiếp:

            - Cháu lành lặn ba mẹ ạ.

            Ông Thành hai tay run run nâng tấm ảnh trước mặt như nâng một bông hoa. Bà Bình nghiêng người ngó vào xem nhỡ. Bất thình lình ông Thành úp tấm ảnh ấy vào mặt, khóc rống lên:

            - Ôi! Cháu tôi!

            Nước mắt ông chảy ròng ròng. Từng giọt, từng giọt lăn từ trong lòng hai bàn tay chảy xuống cùi tay, rơi từng giọt, từng giọt xuống đất.

 

                                                                                    N.Q.H

Nguyễn Quang Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 82 tháng 07/2001

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

9 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

9 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

9 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

10 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground