Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người tạm trú trần gian

P

hố huyện chạy tới đầu làng bổng thắt lại, từ đây đoạn vằn vèo nham nhở, khúc thênh thang. Làng sắp lên thị trấn. Cuộc sinh sôi biến chuyển nào cũng quyến rũ và nhọc nhằn, trải bao thắt lưng buộc bụng mới thành. Đường nâng cấp mở rộng gấp ba lần cho tương xứng với tầm vóc mới. Đá hộc, đá dăm đổ chất đống. Bóng nhẫy những thùng hắc ín mượn gió đưa mùi hương hăng ngái vào tận cuối xóm. Hàng phi lao chặt xuống như đốn đi một thời nghèo khó. Người nhào vô tậu thổ xây nhà mặt đường, đất ngằn ngặt cơn sốt. Mấy hộ nằm trong diện giải tỏa, được xã đền bù và cấp thổ mới, mặt cứ tươi lên roi rói.

Ai dè eo thắt đầu làng mắc mớ khó gỡ nổi, ảnh hưởng ghê gớm tới tiến trình đô thị hóa, chỉ vì ngự kề ven đường sừng sững lăng mộ tổ họ Lâm. Xét cả thế lẫn lực, dòng họ này mạnh nhất vùng Đông huyện. Nhân khẩu Lâm tộc chiếm non nữa xã. Họ Lâm giỏi làm kinh tế, Giám đốc có tới mấy vị, toàn lãnh đạo những doanh nghiệp tăm tiếng khắp huyện khắp tỉnh. Xã đánh công văn yêu cầu họ Lâm di dời lăng mộ tổ về khu nghĩa địa, tạo điều kiện mở rộng đường xá. Nhưng họ Lâm chống đối. Cái lý đưa ra: mộ tổ nằm giữa long mạch, con cháu đương phát, không chuyển đi đâu hết. Tới hạn xã đành tiến hành cưỡng chế. Đội dân quân được huy động vào địa phận lăng. Họ Lâm chẳng vừa, hơn hai trăm đinh tay gậy tay cuốc kéo ra bao vây, hăm dọa. Tộc trưởng lớn tiếng:

-Thằng nào làm bung một viên gạch của lăng sẽ bị xơi một nhát chém.

Trước đông đảo những kẻ chống đối, ai nấy mặt đằng sát khí, tổ dân quân đành thoái lui.

Ông chủ tịch xã vò đầu bứt tai vì chưa chớp lóe hướng giải quyết. Ông triệu tập các vị bô lão trong họ Lâm lên ủy ban để thuyết phục cũng chẳng lay chuyển nổi. Công an huyện vừa tới cơ sở, già trẻ họ Lâm tràn ra chật đường phản đối. Căng chút nữa không khéo thành biểu tình, to chuyện. Lần nữa xã đành hoãn binh. Hội đồng nhân dân họp bàn mãi vẫn vắng phương án khả thi. Chủ tịch xã cuống cả lên với khúc đường hẹp .

Tạm gác chuyện đường xá, chuyển sang kể về lão Tụ. Nhà lão bé tí xíu, lúp xúp phía bụi tre gai. Tiếng rằng nhà cho bằng người ta chứ thực tình gọi chuồng mới đúng. Chuồng trâu còn đầy đặn hơn chỗ lão ở. Làng này chỉ riêng Lão lúc nào cũng bình chân như vại. Lão là: "Người đời", rạch giời rớt xuống mà lại.

Gốc gác chốn nao chẳng ai biết chứ quê tôi đâu phải nơi cha sinh mẹ đẻ của Lão Tụ. Cách đây 25 năm, lão bỗng nhiên xuất hiện ở làng, lân la xin ăn gốc chợ quán. Cứ như thể đất lành chim đậu, lão ở riết luôn không đi phương khác nữa. Dần dà lão bỏ nghề ăn xin, chuyển sang bốc mộ thuê. Tục lệ người quá cố chôn cất sau 3 năm thì sang số. Cải táng, cái việc nhúng cả hai bàn tay xuống huyệt mò từng đốt xương, ai cũng ghê sợ chẳng dám làm đành phải thuê lão. Lão Tụ mò xương rất điệu nghệ, rõ ra ngón nghề gia truyền. Từng chứng kiến lão sang cát cho bà nội tôi. Khi nắp ván thiên bật lên chỉ thấy vũng nước tối đen thui thủi. Các chú thím tôi đứng trên mặt đất xem lão thực thi, người nào cũng lăm lăm chiếc khăn bịt lấy miệng, thảng còn khịt khịt mũi. Chỉ riêng lão Tụ miệng chẳng che đậy gì. Tôi nhìn xuống thấy rờn rợn. Giả như phì ra con rắn thì lão Tụ toi mạng. Lại còn đinh nữa chứ, nếu lỡ chân tay xây xước, dính bệnh uốn ván như chơi. Lão Tụ tay cầm chai rượu, bước xuống sát thành ván, khấn như đọc văn diễn cảm:

- Cụ  sống  khôn chết thiêng cụ nhé!

- Đoạn lão dốc ngược chai cho rượu chảy xuống lòng huyệt.

- Thật kỳ lạ ! Hình hài bà nội tôi  hiện dần hiện dần in thẩm mặt nước. Rồi cả bộ hài cốt nổi lên nguyên vẹn theo đúng trật tự y như người sống, nguyên vẹn đến từng đốt ngón tay. Ai nấy há hốc miệng kinh ngạc. Lão Tụ tỉ mẫn vớt từng mảnh xương, rửa sạch nhiều lần. Không sót một mẫu. Lão rửa lần cuối cùng bằng nước trà thơm, loại trà ướp hương hoa ngâu. Lão sắp xếp đúng vị trí vào trong tiểu sành, xong mới bê lên cho cha tôi. Chưa chấm dứt, lão còn trụt xuống huyệt khoắng tay mò các đồ tùng táng. Năm ấy tôi mới 9 tuổi. Cũng như hết thảy trẻ con ở làng, rất ham đánh đáo. Lão Tụ cho tôi 3 đồng xu hoen gỉ xám kịt mà lão vớt được dưới huyệt và rửa qua nước trà. Đám con nít thường truyền tay nhau: " Đứa nào có đồng xu cải mã, đánh đáo bao giờ cũng  thắng". Ba đồng xu trở  thành vật bất ly thân của tôi. Thằng Vân học cùng lớp hỏi mua ba đồng xu với giá cao, tôi  từ chối không bán. Về sau tôi thua cuộc phải gán chúng cho  thằng Miên. Vớt xong các đồ tùng táng, lão Tụ bảo chú thím tôi tạ huyệt. Chục bó tiền âm phủ được sổ ra tung tóe, vãi kính mặt nước. Lão Tụ cầm bó nhang châm lửa, huơ huơ phía trước, múa may tay cuồng. Lão râm râm khánh gì chẳng rõ, cứ như đường tăng niệm thần chú. Bấy  giờ đất mới  được lấp xuống.

Mỗi năm làng chỉ mấy nhà cải mã. Thành thử lão Tụ nhàn cư suốt. Để bám trụ cõi sống, lão còn một nghề nữa thực tức cười: chuyên đi ăn trực. Bất kể nhà  nào có cổ: Ma chay, cưới xin, cất  nhà, dỗ kỵ... lão đến tuốt. Hiếm thấy đám nào vắng mặt lão. Chẳng ai mời.  Nhưng lão cứ xông vào bếp đòi làm giúp. Người ta trói lợn khiêng ra giếng nước, lão cầm luôn con dao  đòi chọc tiết. Qua gốc mấy chị rửa rau, nhặt măng lão cũng xăm xăm chìa tay vào. Không ai ưa lão làm, bởi lão mó tay tới món gì y chang là hỏng. Chọc tiết lợn, máu bắn tung tóe đỏ tứa vạt áo. Chậu huyết cứ đen kịt lại, loáng cái đã đông, hỏng luôn món tiết canh. Lão chen vào chổ nào  cũng bị đẩy ra. Rốt cuộc lão chỉ mỗi việc đứng xem, chạy lăng xăng từ phía này  tới phía khác. Thảng có lúc người ta gọi lão, ấy là khi muốn sai vặt, mang hộ cho cái bát hoặc đôi đũa, lọ mì chín. Vốn biết tính lão Tụ và đã quen với sự tất nhiên có mặt  của lão nên dù  không cần cũng chẳng ai dám đuổi lão về. Khi cổ được bưng lên mời khách khứa, người ta kéo lão Tụ vào xó bếp: Quần áo lão bẩn tưởi thế kia, đố ai dám cho lão ngồi cùng mâm. Người ta cũng không nỡ đối xử tệ. Dắt lão vào xó bếp  là để cho ăn. Phần riêng của lão là một tô cơm thật to trộn đủ các món. Chẳng bao giờ thiếu chai rượu. Ngó lão xơi mới ngon lành làm sao. Vừa đút cơm  vào miệng bằng chiếc thìa gãy cán  xong lại một tợp rượu  dốc ngược chai tu. Lão rất mê rượu. Nhưng người ta chỉ cho lão uống đến nữa lít là cùng, kẻo say xỉn  bò lê bò càng ra đấy, chỉ tổ nhọc xác chủ nhà. Lão say nhiều lần lắm rồi, khiến cả làng phát sợ. Có bữa lão còn nổi hứng  châm diêm đốt mái rạ bếp  nhà anh Lăng, may mà khách khứa kịp dập lửa. Tức thì tức thật. Nhưng không ai thèm chấp lão.

Tuổi tác bao niên, chính lão Tụ chả nhớ. Gương mặt hom hem dễ đến 70. Ngày trước lão từng bước chân  vào uỷ ban xin nhập hộ khẩu. Ông chủ tịch hỏi giấy tờ gì lão cũng lắc đầu. Nghĩa là chẳng có một văn bản nào minh chứng lão đang tồn tại trên đời. Ông chủ tịch đành chịu, bảo lão :

- Muốn đăng ký thường trú, bác phải trình giấy di chuyển hộ khẩu, chí ít có cái giấy khai sinh, giấy giới thiệu để chúng tôi biết quê hương bản quán nơi nào chứ. Thương bác lắm! nhưng hành pháp không tùy tiện được. Thôi bác cứ ghi tôi vào danh sách đăng ký tạm trú vậy.

- Được thế chính quyền xã tôi cũng rộng lòng với lão Tụ lắm rồi. Hồi mới  "Lập nghiệp", ban đêm lão phải ngủ vất vơ dưới những túp lều trống huếch hoác ở  chợ quán.  Hạ thu còn đỡ, chứ mùa đông gió bấc tra tấn không tan xương nát thịt  cũng bầm da. Về  sau xã ưu ái  cắt cho lão sáu mét vuông đất bỏ hoang  để làm nhà. Đó là thổ cư độc nhất vô nhị về diện tích siêu nhỏ. Sáu mét vuông đủ trú trụ  một thân phận. Dẫu thổ rộng nữa, lão Tụ cũng chẳng dựng nổi "nhà" to hơn. Tre đi xin dựng cột kèo. Vách nứa trát đất bên ngoài tha hồ chắn gió. Mái rạ hạ mát đông ấm. Lão yên ổn định cư.

Thuở lão Tụ mới tới sinh nhai, tôi còn bé tí nị chưa biết gì. Tôi cắp sách tới trường, lão đã thành người làng. Thời niên thiếu, đám trẻ chúng tôi hay kéo nhau đến lều lão Tụ  để nghe lão kể chuyện. Lão mê hoặc bởi những câu chuyện thần bí về hồn ma, chồn,yêu quái... khiến thằng nào cũng sợ “vãi đái ra quần” mà vẫn cứ hau háu nghe. Những thần giữ của, oan hồn hiện hình từ đóng xương khô...  trong lời kể của lão còn ám ảnh tôi đến giờ. Lũ oắt con thích sờ nghịch quả chuông thịt  treo dưới tai lão Tụ. Dái tai lão chồi ra miếng thịt thừa tròn tròn trong giống trái dưa lê, đám trẻ gọi là quả chuông. Có đứa còn búng  ngón tay  vào dưới dái tai lão, kêu hiệu miệng “'kreng..kreng...”

Lớn lên tôi đi học xa nhà. Thi thoảng về quê tôi vẫn còn thích tìm đến lão Tụ để khơi chuyện. Lão hay chuyện  nhưng chưa bao giờ tiết lộ thân thế, nguyên quán. Hỏi dò, lão chỉ lắc đầu. Nghe đâu hồi lão mới đến, chính quyền xã  từng đặt nghi vấn. Lão như có khuất tất. Nhưng lâu lâu không thấy nguồn tin pháp luật nào đã động tới lão, chất hiền lành của lão  đã chiếm được cảm tình mọi người, những hồ nghi  dần trôi  về phía trời xa, mất hút...

***

Con trâu già nhà ông Thanh - Tộc trưởng họ Lâm, ốm liền mấy ngày. Cán bộ thú y điều trị vẫn không vực dậy được. Tin mơ, con trâu tắt thở. Trâu già chết bệnh nếu sẽ thịt bán ắt chẳng ai mua. Nhưng cho thì theo nhau châu vào. Cũng là được dịp mời khách đánh chén. Ông Thanh vừa sai con đi đánh tiếng gọi  mấy người tới làm thịt trâu, chẳng mấy chốc đã thấy anh em, láng giềng kéo đến. Đông súm xít.  Người rút rơm nổi lửa, người thì mài dao. Cổ nhân có câu  “Cãi nhau như mổ bò”, ở đây phải đổi thành: vui như đám mổ trâu mới đúng. Chuyện trò  rôm rả. Cười như ngô rang. Chuyện đường xá, đề tài làng sắp lên thị trấn. Anh thì khoe dự định sẽ chuyển ra mặt đường xây cửa  hàng làm đại lý thức ăn gia súc. Chú lại bàn muốn mở quán thịt  chó .

Mấy bô lão họ Lâm  được gia chủ mời cũng hiện diện từ khá sớm, không phải quan tâm đến việc bếp núc mà ngồi chơi xơi nước chờ ăn cổ. Chuyện lại xoay quanh ngôi mộ tổ. Ông Bật rụt rè thưa với  trưởng họ:

- Em thấy sắp tới chính quyền làm căng đấy bác trưởng họ ạ. Hay là bác cứ cho chuyển lăng tổ đi cho đỡ rách việc.

Ông Thanh đốp ngay tắp lự:

- Chuyển là chuyển thế nào. Tôi cấm chú bàn lùi. Tôi cực ghét những thằng non gan như chú. Đấng Tổ họ ta yên nghỉ ở đầu làng đã hơn 200 năm. Chổ ấy đắc địa giao long quần thụ. Còn vuông đất ở đâu tốt hơn nữa nào? Họ ta đồng tâm nhất trí thằng nào dám phá.

- Chung qui ai cũng đồng lòng tuân theo chỉ đạo của trưởng họ. Mùi thịt trâu như tiếp thêm khí phách, anh nào anh nấy  càng tỏ rõ sự hăng hái.

Dĩ nhiên lão Tụ  đã rình thấy mùi thịt trâu từ phía hôm trước. Vắng mặt lão có mà trời sập. Lão lù lù cái dáng cồng queo từ lúc nào chẳng ai để ý cũng xăng xái phụ giúp chất rơm thui trâu.

Tiệc thịt trâu đã sắp bát đũa. Anh con trai út của ông Thanh gọi lão Tụ ra đống rơm. Cho lão ăn trước. Một đĩa thịt trâu to thái rối, thêm mấy cộng hành, một cút rượu được ấn vào tay lão Tụ. Lão cười vách khoé miệng rối rít cảm ơn.

Xong, anh con trai út của trưởng họ vội vả đi thúc giục  người bưng mâm lên nhà trên  mời các bậc lão niên nhắm rượu.

- Ôi trời ơi! ông Tụ làm sao  ấy!

Con dâu ông Thanh từ đằng bếp  chạy ra tru tréo. Mọi người hoảng hốt túa về phía đống rơm. Lão Tụ nằm lăn đùng ra đất, miệng há hốc, mắt trợn ngược. Lão chẳng nói  được câu nào nữa. Chỉ chốc lát, chân tay cũng hết giẫy giụa. Đĩa thịt trâu chỉ còn vài miếng văng ra lẫn vào rơm rạ. Ai nấy lao vào cứu chẳng kịp nữa rồi. Sờ tay vào ngực thấy tim đã ngừng  đập, chạm tay vào mũi thấy đã ngừng thở. Lão Tụ chết thật rồi. Lão đi chống vánh làm sao. Chẳng tật bệnh, không đau đớn. Lão rời bỏ trần gian  khi còn  chưa kịp xơi nốt đĩa thịt trâu.

Nghĩa tử là nghĩa tận. Lão Tụ một thân đơn chiếc, chẳng họ hàng thân thích, không quê hương bản quán. Lão tận số ở đây thì bà con làng nào phải chung sức lo việc ma chay cho lão, đặng vẹn tòan nhân nghĩa. Chôn cất ở nghĩa địa xã. Cũng phải làm đơn đưa lên xã ký, rồi chuyển cho ban quản lý nghĩa địa giải quyết đất đào huyệt.  Mãi chiều tối mới xong thủ tục. Họ Lâm gọi thợ tới đóng quan tài. Tuy áo quan không được làm bằng gỗ tốt  nhưng chắc cũng đủ ấm lòng người quá cố. Cũng kèn trống mới trọn vẹn. Chỉ duy chẳng cổ bàn gì gì. Bà con xóm làng tới viếng cho hương hồn lão khỏi cô quạnh. Bảy giờ chiều, làng tiễn đưa lão về nơi an nghỉ. Trời đã xậm xịt tối. Sáu trai làng nhẹ nhàng nâng quan tài lên vai. Hai ngọn đuốc chập  chờn đi kề. Làng xóm lác đác theo sau. Gió phần phạch, thâm thâm u u. Đường ra cánh đồng lồi lõm những gồ ụ, những mạch tát nước. Cỏ may luyến bàn chân lằn riết. Bỗng ngọn đuốc đi trước tắt phục. Một anh khiêng đằng đầu kêu: “oái!”, khụy chân, sống xoài ngã xuống đường. Đám người đổ ập, chiếc quan tài lao đầu xuống đất cái rụp. Ba bốn anh buông tay ôm chân kêu đau. Tại trời tối quá, một người vấp phải hòn đá. Đám khiêng theo nhau chổng kềnh. Mấy người đang rên rỉ than đau, thì bỗng có tiếng la hét từ trong quan tài vọng ra. Anh nào anh ấy hoảng hốt, hồn bay phách tán, nhưng chẳng ai bò dậy nổi để chạy. Tiếng đập uỳnh uỵch càng mạnh rõ ra giọng lão Tụ, kêu gào thảm thiết. Hồn ma lão Tụ hiện về ư? Những người bạo gan  đi sau lao tới cậy nắp quan tài. Từ cổ chí kim làng tôi chưa bao giờ xảy ra việc kinh dị như vậy, lão Tụ bò dậy thật, hỗn hển thở, miệng ú ớ chẳng ai hiểu lão nói  gì. Một miếng thịt trâu nhão nhoẹt rớt bên vách áo quan. Hóa ra lão Tụ bị chết nghẹn thịt trâu, tắt thở. Nhưng kỳ lạ, lão mới chỉ chết lâm sàng. Khi quan tài lao xuống đất, va động mạnh, miếng thịt trâu phụt ra ngoài. Lão sống dậy.

***

Sự việc lão Tụ chết rồi sống dậy thành chuyện động trời ở làng. Nhiều người ở xã khác cũng kéo nhau tới xem mặt lão Tụ, thực mục sở thị...

Chưa hết lạ kỳ. Hôm sau dân làng xúm quanh người chết sống dậy, hau háu ngống chuyện lão ngao du chốn địa phủ. Lão kể: Miếng thịt trâu chẹn tắc cửa họng. Lão ngạt thở, lịm đi. Rồi thấy hai gã áo chàm xám, đầu chít khăn mỏ quạ, lôi lão dậy. Kéo đi theo con đường lầy bùn, tối hun hút. Qua cánh đồng cỏ lác, thấp thoáng những ngôi nhà cổ rêu bám mịt mùng, ngập lút trong cỏ. Qua nhiều nhà, chủ nhân ra tận ngỏ mời vào nhà chơi. Lão ghé thăm vài nhà. Toàn những người xa lạ, lão chưa quen biết, nhưng hỏi han lão rất thân tình. Người giới thiệu là bố đẻ của bác Tăng, người lại khoe ông nội của anh Tấn... Ai cũng có máu mủ ruột rà với người làng ...Lão không thể vào thăm mọi nhà nhã ý đón mời. Bởi vì hai gã công  sai đã kéo lão đi. Qua cổng ba cửa có mái cong lợp ngói ống, lão được dẫn vào sân gạch rộng. Hai bên đôi hàng người áo thâm đứng nghiêm trang. Trước mặt, một người ra dáng quan lớn thời xưa ngồi trên chiếc sập chân quỳ chạm trổ công phu những rồng những phượng. Người ngự trên sập vuốt chòm  râu mềm như dải lụa, phán bảo:

- Kẻ kia lỡ bước  xuống lãnh địa của ta. Lẽ ra ta dung nạp, cho ngươi  một chốn nương thân yên ổn mãi mãi. Nhưng vì người chưa có hộ khẩu bản địa, nên ta đành tạm trả ngươi lại trần thế.

 Nói đoạn, lệnh cho hai gã công sai dẫn lão ra. Vừa bước qua cổng, chợt có tiếng gọi  loáng thoáng.

- Ông Tụ ơi! Còn nhớ tôi  chứ?

Lão quay lại nhận ra ông Bàng. Ông Bàng mất hai năm. Nhưng lão chưa kịp hỏi han gì, đã bị lôi đi.

Đến gần cuối đoạn đường,  gặp ngôi nhà to lớn  vẻ gia chủ khá giàu có. Một cụ già quắc thước dắt theo hai  đứa tiểu đồng đi ra mời lão ăn quả mơ, uống bầu rượu. Lão uống ngon lành, thấm ngọt tận ruột. Hai gã công sai luôn miệng giục lão. Cụ già nói:

- Ta muốn nhờ con một việc. Ta là tổ phụ họ Lâm. Con trở lại trần gian nhớ đem ý nguyện của ta tới con cháu ta. Nhắn chúng nó chuyển ta về nghĩa trang  thôn  cho ta được gần  gũi xóm làng.

 Lão Tụ nhận lời rồi bước thêm vài nhát bước. Bỗng trượt chân rơi  xuống hố tối đen thăm thẳm. Lão nôn thốc nôn tháo. Thế là tỉnh dậy. Thấy mình bị nhốt trong chiếc hộp kín như bưng. Lão hốt hoảng gào thét gọi cứu...

Khối người tin sái cổ lời Tụ kể. Chú Viêng túm lấy lão, hỏi: "Ông có  gặp mẹ cháu không? Lão Tụ: “Có! Bà cụ  than thở : Hai thằng con tôi ngày bé thương yêu nhau là thế. Vậy  mà bây giờ quay ra tranh giành cái bờ  rào, cải cọ nhau hơn thiệt đất cát, làm sao mở mày mở mặt được”. Chú Viêng cúi gằm mặt, nín thin thít.

Tuần sau, bỗng nhiên tộc trưởng họ Lâm đổi hướng, cho di chuyển lăng mộ tổ về khu nghĩa địa, chẳng cần chính quyền xã tiếp tục ra tay...

 Chủ tịch xã thở phào, trút  được mối lo  toan nặng nề. Nghe đâu chủ tịch có gọi lão Tụ vào ủy ban, rót thưởng chén nước trà Thái thơm  nức mũi, ngợi khen lão hết lời.  Bão sẽ bố trí cho lão làm công  việc coi xe đạp, xe máy  ở  cổng chợ Quán,  để có thu nhập yên ổn  cuộc sống, còn hứa sẽ quan tâm giải quyết hộ  khẩu cho lão. Lão Tụ toe toét cười...

Tôi không được tận mắt chứng kiến lão Tụ chết sống dậy, vì công tác xa quê. Ít lâu trở về, người nhà thuật lại. Tôi bán tín bán nghi, nhưng  gặp ai cũng nghe kể, vả lại eo thắt đầu làng đã thênh thang, khiến không thể bác bỏ. Một năm trôi qua. Người làng đã thôi buôn chuyện chết hụt  lão Tụ từ lâu. Kỳ lạ mấy, cuốn hút mấy cũng nhạt theo thời gian. Làng đã thành thị  trấn. Chợ Quán đã sầm uất hơn trước nhiều. Dãy phố  mới mọc lên áp  sát mé chợ bán đủ thứ  mặt hàng, từ vải vóc, mỹ phẩm đến điện gia dụng. Khu  hàng chòm hỏm, trước kia  người bán ngồi xổm giữa la liệt những rổ, thúng, nịp... nay đã tôn cao, nền xây mái che. Lão Tụ giờ coi xe ngoài cổng chợ,  tay vé tay phấn. Lão ăn vận sạch sẽ hơn, bộ quần áo cáu bẩn thay bằng  áo xanh đại cán, quần gụ. Trông lão  nhanh nhẹn hẳn ra.  Kéo lão vào quán Bà Tư béo sát ngay đấy, tôi đưa cho lão chén rượu  nếp cẩm,  gọi  thêm đĩa bánh rán cho lão nhờn môi, dễ đưa  chuyện. Nhận thức cõi  âm dương còn ám ảnh trong tôi, u u minh minh, cái gì  càng hồ nghi càng nôn nao muốn biết cho tường. Tôi cố gạn hỏi Lão. Lão cười bảo:

- Mày trình độ đại học mà cũng tin chuyện hoang đường ấy à! Tao chết hụt không thằng nào dám chối cãi. Còn chu du âm phủ là tao bịa đấy. Thấy chính quyền loay hoay mãi chưa giải  quyết nổi vụ việc mồ mả  họ Lâm, nên tao phịa ra để khuyên họ Lâm chuyển lăng mộ đi, ngõ hầu  tránh cuộc và chạm nguy cơ đổ máu. Vả lại mấy  khi được  cớ vẽ chuyện nói dốc chơi. Thiên hạ khối đứa  tròn mắt cung cúc tin lão  này đấy.

-Lão cười ha hả, vẻ khóai trá phì cả ra mặt. Tôi bái phục lão. Thánh thật!.

  C.M.K

 

Chu Minh Khôi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 151 tháng 04/2007

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground